Quanh tranh chấp tên gọi “ca trù Thăng Long”:

Đau đớn, xót xa

Đau đớn, xót xa
TP - Trước sự việc hai đơn vị ca trù cùng lấy tên Thăng Long, GS Trần Văn Khê có thư đề ngày 16/4 gửi đào nương Phạm Thị Huệ- Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long bày tỏ quan điểm, trong đó có câu “Tôi đau đớn, xót xa…”.

Được sự cho phép của GS và người nhận thư, TP trích đăng bức thư để rộng đường dư luận.

Đau đớn, xót xa ảnh 1

Đào nương Ngọc Hân, Kép đàn Văn Tú, Trống chầu Văn Tuyến thể hiện những tiết mục ca trù trong chương trình của Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long tổ chức Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

…Thầy có đọc tin tức trên báo và biết rằng ngày 31/3, Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long thành lập, cháu Bạch Vân được mời làm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật.

Từ 1976, sau cuộc gặp gỡ, ghi âm, thu hình với các nghệ nhân ca trù, thầy luôn mong mỏi chánh quyền quan tâm đến nghệ thuật này. Việc ra đời của một trung tâm văn hóa ca trù, với sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của chánh quyền và một mạnh thường quân Việt kiều Mỹ, đem đến cho thầy niềm vui lớn. Nhưng thăm hỏi các bạn yêu quý nghệ thuật ca trù, vài chi tiết trong sự tổ chức Trung tâm (TT) làm thầy buồn nhiều hơn.

CLB Ca trù Thăng Long ra đời hơn hai năm nay, có mời thầy làm cố vấn đặc biệt. Thầy luôn theo dõi sinh hoạt của CLB và hoàn toàn ủng hộ các chương trình của CLB trong việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy nghệ thuật ca trù, nhất là công việc thu hút SV-HS và nhiều người ngoại đạo.

Trong khi hồ sơ về nghệ thuật ca trù sắp trình UNESCO mà có những việc xảy ra như vậy, chứng tỏ trong giới còn thiếu sự nhất tâm, đoàn kết, không có lợi cho chúng ta.

Nay có một đơn vị mới ra đời, lấy tên “Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long”, Phó Giám đốc phụ trách Nghệ thuật là Chủ nhiệm CLB Ca Trù Hà Nội.

Hà Nội và Thăng Long đều là địa danh, ai cũng có quyền dùng làm tên cho CLB hay TT của mình. Nhưng các sinh hoạt của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long từ hai năm nay đã được những người yêu chuộng ca trù trong và ngoài nước quan tâm. Việc lấy tên “Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long” có thể gây ngộ nhận.

Thầy nhớ lại trong giới thương mại tại Việt Nam và bên Pháp từng có những sự kiện tương tự:

- Một nhà thuốc dân tộc chế ra loại thuốc hiệu quả được quần chúng hoan nghênh với danh hiệu “thuốc Con Nai”. Nhà thuốc khác cũng chế thuốc tương tự lấy hiệu “thuốc Con Nai”. Việc đưa ra tòa.

Nhà thuốc thứ hai nói, nhà thuốc trước vẽ hình con nai đứng, chúng tôi vẽ hình con nai nằm. Người mua thuốc đâu ai nói tôi mua “thuốc con nai đứng” hay “thuốc con nai nằm”, mà chỉ nói “thuốc Con Nai”! Đó là sự lạm dụng tên tuổi đã được quần chúng yêu chuộng.

- Bên Pháp, pho-mát hiệu “Con Bò Cười” (La Vache qui rit) rất danh tiếng với hình ảnh đầu bò miệng cười. Một hãng khác ra đời sau mấy chục năm lấy nhãn hiệu cũng là một đầu bò, màu sắc y hệt, và đề pho-mát hiệu “Con Bò Buồn” (La Vache serieuse).

Việc này cũng được đưa ra pháp luật. Đó cũng là một cách làm không chính đáng, lạm dụng tên tuổi đã được phổ biến cho món hàng mới của mình.

Thầy buồn cười về hai việc đó nhưng không mấy quan tâm vì cho là những mánh khóe trong thương trường. Lần này việc đặt tên Trung tâm mới ra đời như thế làm cho thầy đau đớn, xót xa.

Đau đớn, xót xa ảnh 2
GS Trần Văn Khê - Ảnh: TPO

Thầy rất quí Bạch Vân, ủng hộ Bạch Vân, cũng như ủng hộ CLB Ca trù Thái Hà, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Thăng Long.

Thầy rất ngạc nhiên khi biết ngày khai trương Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long, em Phạm Thị Huệ và thành viên Ca trù Thăng Long không được mời và khi đem lẵng hoa đến mừng cũng không được cho vào phòng họp.

Ban tổ chức có mời hai nghệ nhân cùng Phạm Thị Huệ sáng lập Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long. Bà Nguyễn Thị Chúc không đến, cụ Nguyễn Phú Đẹ có đến (vì Bạch Vân và Phạm Thị Huệ đều là học trò của cụ).

Thầy không thể ủng hộ và bênh vực các con trên mặt pháp lý (điều này trong phát biểu của GSTSKH Tô Ngọc Thanh đã nêu rõ) nhưng, trên phương diện đối xử hợp tình hợp lý, thầy không thể làm ngơ.

Thầy không bài xích, chống đối, hay đả kích một tổ chức nào có mục đích đem ca trù trở lại đời sống hàng ngày, làm đẹp, làm hay, làm giàu thêm cho ca trù, một bộ môn vô cùng độc đáo của âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam…

Biết việc ra đời của Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long (TT) qua báo chí, CLB Ca trù Thăng Long (CLB) hai lần làm đơn gửi các bên liên quan đề nghị TT đổi tên trước ngày khai trương để tránh gây nhầm lẫn.

Phó Giám đốc Bạch Vân: “Một người học đến văn hoá lớp 4 là đã biết CLB Ca trù Thăng Long khác với TT Văn hoá Ca trù Thăng Long!” Bà Vân khẳng định: “Thương hiệu do người ta tạo ra bằng biểu diễn và những hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ca trù, chứ không phải bằng cách dùng mọi con đường để đạt được và chà đạp lên mọi thứ”.

Trả lời báo chí, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (đơn vị đỡ đầu cho CLB) nói: “Nếu so sánh chứng nhận (thành lập CLB) của Hội Văn nghệ Dân gian với giấy phép của TT thì về lý, CLB khó thắng”. Báo Đại đoàn kết (14/4) bình luận: “Xét về tình, cái tên ca trù Thăng Long được CLB sử dụng trước nên việc trả lại tên là hoàn toàn có lý”.

MỚI - NÓNG