Đấu thầu - Sẽ có phim hay?

Đấu thầu - Sẽ có phim hay?
Một phần quan trọng trong Nghị định 31 của Chính phủ được các nhà làm phim đặc biệt quan tâm: Sẽ thực hiện theo phương thức đấu thầu đối với phim truyện do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ.

Người làm phim cho Hãng của Nhà nước hay tư nhân rồi sẽ dần quen với cái gọi là đấu thầu làm phim, mỗi bộ phim là một dự án.   

Xu hướng tất yếu

Với một gánh nặng cồng kềnh biên chế, các Hãng phim thuộc Nhà nước như Hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải Phóng hẳn có lý do để “giãy nảy” với cái gọi là đấu thầu phim:

Đang quen với nguồn tài trợ của Nhà nước hàng năm, không nhiều, nhưng đều đều và an toàn để sản xuất một số đầu phim nhất định, nay nguồn sữa ấy có thể bị “anh” tư nhân chia sẻ nếu năng lực cạnh tranh không tốt. Thực tế không hẳn vậy.

Những hãng phim trên chẳng phải quá e ngại bởi đây sẽ là một cơ hội xốc lại đội ngũ, với một tập thể những người làm phim đã có sẵn kinh nghiệm, tận dụng phương tiện kỹ thuật Nhà nước trang bị và xây dựng được kịch bản tốt, lo gì không thắng thầu.

Tất nhiên vẫn cần ở Thông tư một sự linh hoạt, uyển chuyển để có bước đệm cho các hãng phim của Nhà nước điều chỉnh, dần thích nghi.

Hơn nữa, trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp làm phim Nhà nước không thể đi ngược lại cung cách làm phim chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nam- GĐ Hãng phim truyện VN: “Cá nhân tôi không ngại, nếu làm phim nghệ thuật đích thực, cạnh tranh cũng không sao. Nghị định này có những điểm thể hiện sự thông thoáng: có đặt hàng, tài trợ và cả đấu thầu phim truyện. Chúng tôi chấp nhận đấu thầu, đó là đấu thầu kịch bản.

Ví dụ năm nay Nhà nước đặt hàng 5- 6 phim về một đề tài nào đó, ai muốn làm phim đặt hàng thì đưa kịch bản văn học về đề tài ấy lên, kịch bản nào được chọn thì đơn vị sản xuất ấy phải ký hợp đồng về thời hạn cụ thể phải xong phim... Nhiệm vụ của người trúng thầu là làm ra những bộ phim tốt để dân xem”.

Cạnh tranh nhưng vẫn hợp tác

Liệu các hãng phim tư nhân có hào hứng với những đề tài nghiêm túc hay chạy theo phim thương mại dễ thu hồi vốn và kiếm lãi?

Câu trả lời lúc này vẫn là tất cả đang hồi hộp chờ Thông tư do Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Tài chính xây dựng, phải liên kết làm phim để tận dụng thế mạnh, chia sẻ rủi ro. Các hãng Nhà nước có thế mạnh về nhân lực và cơ sở vật chất.

Nhìn vào đội ngũ “đánh thuê” cho tư nhân hiện nay, phần lớn là người từng hoặc đang làm công ăn lương tại hãng phim của Nhà nước.

Nguyễn Hoàng Linh (phụ trách điều hành sản xuất của Hãng phim Kỳ Đồng): “Dù có đấu thầu phim hay không, tôi nghĩ các đơn vị sản xuất vẫn có xu hướng hợp tác để lợi dụng thế mạnh của các nhà sản xuất (hãng thì có vốn, hãng lại có quan hệ tốt, hãng có đội ngũ nhân viên giỏi...) và cùng chia sẻ nếu có rủi ro.

Tư nhân được tham gia đấu thầu những phim có sự tài trợ của Nhà nước cũng là một cách làm thông thoáng hơn, nếu dự án hay thì chúng tôi sẽ nhiệt tình. Nhưng cũng phải xét năng lực mình có phù hợp không bởi xu hướng của Kỳ Đồng là làm phim cho giới trẻ”.

Đạo diễn Bá Vũ và Hãng phim của mình thì: “Mong giây phút này từ lâu rồi. Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên tham gia đấu thầu. Làm phim tài trợ của Nhà nước thế nào cho hấp dẫn là vấn đề các hãng tư nhân quan tâm- đâu phải cứ phim đặt hàng là không bán được vé, là khô khan.

Nếu tham gia tôi sẽ trình cả những phương án, kế hoạch quảng cáo, tiếp thị cụ thể theo đúng nguyên tắc đấu thầu chứ không phải đơn giản cầm tiền của Nhà nước là xong.

Nhưng chúng tôi cũng sẽ yêu cầu phải có xa lộ đấu thầu một cách sòng phẳng giữa các hãng thuộc Nhà nước và tư nhân: từ trợ giá cho đến thuế, thời gian chiếu…”.

Đại diện hãng phim thuộc Cty BHD cũng trong tâm trạng chờ đợi Thông tư hướng dẫn cụ thể, và hãng này hướng tới sự hợp tác Nhà nước và tư nhân cùng làm để sản xuất được nhiều phim Việt chất lượng nhằm chiếm lại vị trí ở các rạp vốn đang bị phim ngoại tung hoành.

Cần có cơ chế đấu thầu và sản xuất phim minh bạch

Băn khoăn, bàn luận thế nào đi chăng nữa chốt lại vẫn là vấn đề: Khán giả cần có phim hay, người sản xuất cần có cơ chế làm phim tốt, còn Nhà nước muốn đồng tiền đầu tư vào ĐA có hiệu quả.

Rồi sẽ phải bàn luận sâu hơn về cơ chế đấu thầu, ai là người chủ trì đấu thầu, hội đồng duyệt kịch bản ra sao cho tương ứng với mỗi phim là một dự án.

Làm sao để đồng vốn đầu tư không bị chia năm sẻ bảy, rơi vãi, thất thoát dần trong hành trình đến tay người sản xuất? Suy cho cùng, điều lo nhất vẫn là làm sao tránh được những chuyện “đi đêm về hôm” trong đấu thầu phim.

Xây dựng một cơ chế đấu thầu và sản xuất phim minh bạch, công bằng là điều cả Nhà nước và nhân dân cùng mong muốn để có những bộ phim hay.

Chỉ chưa đầy 2 tuần nữa Đại hội đại biểu Hội Điện ảnh VN lần thứ 6 sẽ diễn ra. Chủ đề chính để các nghệ sỹ bàn thảo sẽ là làm thế nào để nâng cao chất lượng ĐA VN và trông chờ một hành lang pháp lý cụ thể để yên tâm làm phim: Dự thảo Luật Điện ảnh chuẩn bị trình Quốc hội và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 31 CP. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.