“Dây an toàn” cho du lịch mạo hiểm

Du lịch mạo hiểm ở thác Hòa Phú Thành - Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Du lịch mạo hiểm ở thác Hòa Phú Thành - Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sau nhiều vụ tai nạn về du lịch mạo hiểm, Tổng cục Du lịch gấp rút xây dựng thông tư quản lý. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trao đổi thêm với PV Tiền Phong xung quanh văn bản đầu tiên để quản lý loại hình này.

Ông có thể nói gì về tai nạn xảy ra cho du khách thời gian qua ở Lâm Đồng và Lào Cai khi du lịch mạo hiểm?

Tai nạn ở thác Datanla, thác Hang Cọp ở Lâm Đồng dẫn đến chết người chủ yếu do doanh nghiệp lữ hành sử dụng hướng dẫn viên du lịch chui và hoạt động chui. Hướng dẫn viên chưa được tập huấn quản lý du lịch mạo hiểm và không được cấp thẻ, cho nên không đủ năng lực và hiểu biết nhưng vẫn dẫn khách đến địa điểm du lịch mạo hiểm mà không thông qua ban quản lý điểm đến. Ở thác Hang Cọp do tư nhân quản lý, dù họ đóng cửa rồi nhưng hướng dẫn viên vẫn phớt lờ quy định, không đảm bảo an toàn cho khách dẫn đến chết người. Còn tai nạn ở Lào Cai do khách đi một mình vào rừng núi không theo chương trình, không theo điểm đến có sản phẩm du lịch mạo hiểm. Tổng cục khuyến cáo du khách lựa chọn doanh nghiệp lữ hành uy tín, khi tham gia phải tìm đến tổ chức cá nhân được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Các đơn vị này mới có đủ trang thiết bị, đội ngũ hướng dẫn viên đủ khả năng ứng phó tai nạn để đảm bảo tính mạng cho khách.

Du lịch mạo hiểm nở rộ và ngày càng thu hút người kinh doanh cũng như du khách. Vậy tỷ trọng của nó đối với ngành du lịch ra sao, thưa ông?

Dù đây là phân khúc có xu hướng phát triển nhanh phù hợp du khách trẻ, nhưng nó gắn liền với điều kiện trang thiết bị kỹ thuật đồng thời đòi hỏi đầu tư lớn so với các sản phẩm khác. Thực tế chưa có nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, chúng ta mới khai thác bước đầu. Tỷ trọng của du lịch mạo hiểm mới ở mức dưới 10% dù tiềm năng rất lớn.

“Dây an toàn” cho du lịch mạo hiểm ảnh 1 Ảnh: Hồng Vĩnh.

Một trong những bất cập của công tác quản lý loại hình du lịch còn mới mẻ ở Việt Nam là thiếu các văn bản pháp luật quản lý nhà nước. Ông có thể nói gì về điều này?

Đây là loại hình du lịch mới, phát triển rất nhanh chóng. Phân khúc này gắn với phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, được các quốc gia ưu tiên phát triển. Việt Nam do điều kiện tự nhiên ưu đãi để xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm phong phú và hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, sản phẩm này còn mới mẻ trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên để xảy ra một số vụ tai nạn chết người. Khi chúng tôi rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để xem xét thì mới nhận ra lĩnh vực này chưa có bất cứ văn bản nào. Văn bản pháp luật để quản lý tốt, tạo môi trường cho du lịch phát triển là hết sức cần thiết.

Với tư cách tổ trưởng tổ soạn thảo thông tư này, ông có thể cho biết thêm về căn cứ cũng như quá trình xây dựng văn bản?

Năm ngoái, Tổng cục Du lịch phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng hội thảo về quản lý du lịch mạo hiểm. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Tổng cục báo cáo và được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhất trí giao xây dựng Thông tư Quản lý du lịch mạo hiểm. Tổng cục giao Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Trung tâm Thông tin Du lịch nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động du lịch mạo hiểm, tập hợp thành báo cáo chuyên đề. UBND tỉnh Lâm Đồng từ thực tiễn xây dựng quy chế tạm thời quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm hướng đến bốn nhóm đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư quản lý điểm đến có hoạt động du lịch mạo hiểm, doanh nghiệp lữ hành đưa khách tham gia loại hình này và khách du lịch. Vừa qua, Lâm Đồng mời chuyên gia Singapore để tập huấn cho 60 đại diện doanh nghiệp, hướng dẫn viên trong 30 ngày.

Ngoài Lâm Đồng còn những địa phương nào vào cuộc để chấn chỉnh du lịch mạo hiểm?

Việt Nam có tài nguyên rừng, biển, trên không, dưới mặt đất dành cho du lịch mạo hiểm. Không riêng Lâm Đồng mà Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa đều quan tâm các hoạt động như thám hiểm hang động, đi bộ băng rừng, tàu lượn, lặn biển. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm quản lý nên việc xây dựng thông tư rất khó khăn. Đầu tiên là do chúng ta chưa có văn bản pháp luật nào cao hơn thông tư. Thông tư này xuất phát từ thực tiễn quản lý cho nên chỉ hướng dẫn thực hiện, còn các quy định điều kiện kinh doanh du lịch mạo hiểm theo luật phải thuộc nghị định do Chính phủ ban hành. Hiện Tổng cục Du lịch đưa nội dung này vào dự thảo chi tiết Luật Du lịch sửa đổi sắp trình Quốc hội, trong đó quy định rõ điều kiện kinh doanh du lịch mạo hiểm.

Cảm ơn ông.

Muộn còn hơn không

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, ngành du lịch “mất bò mới lo làm chuồng” dù được các chuyên gia cảnh báo từ rất lâu. Ông từng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ về du lịch mạo hiểm Việt Nam mấy năm trước, đưa nhiều khuyến cáo đảm bảo an toàn cho du khách: Trước khi tham gia du lịch mạo hiểm, khách phải được huấn luyện ngắn và chuyên nghiệp, được cảnh báo bất trắc, đăng ký nghiêm túc theo chương trình. PGS Phạm Trung Lương cũng nói xây dựng thông tư muộn còn hơn không, nhất là thời gian qua, kinh doanh du lịch mạo hiểm diễn ra ào ào.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, giữa tháng 5 tới dự thảo thông tư được đăng tải công khai lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng chịu sự chi phối của thông tư. Cuối tháng 7, Tổng cục trình Bộ trưởng VHTT&DL ban hành.

MỚI - NÓNG