Đây là Quán tha hồ muôn khách đến

Đây là Quán tha hồ muôn khách đến
TP - Tôi mượn câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Đây là quán tha hồ muôn khách đến” (có đổi một chữ) và xin mạn phép nhà thơ Phùng Quán để viết bài này.
Đây là Quán tha hồ muôn khách đến ảnh 1
Phù điêu chân dung nhà thơ Phùng Quán (Phan Tại thực hiện)

Ông Quán đi xa rồi nhưng từ hồi ông lãng du chốn Bồng lai tiên cảnh đến nay vẫn còn nhiều người ở khắp nơi đến tìm ông, thăm ông, thắp nén hương tưởng nhớ.

Bởi lẽ thơ ông đã sống trong lòng người, cuộc đời ông vẫn còn in dấu trong hoài niệm khách văn chương và không ít thường dân chưa quen biết. Bà Trâm (vợ ông Quán) thành ra bận bịu tiếp khách và viết thư hồi âm cho người ngưỡng mộ ông Quán.

Có khách đem sách của ông Quán: “Tuổi thơ dữ dội”, “Ba phút sự thật”, “Thơ Phùng Quán”… đến lấy chữ ký của bà Trâm làm kỷ niệm. Có bạn gần xa đến “đòi” tặng cuốn “Nhớ Phùng Quán”, “Trăng hoàng cung”

Sách Phùng Quán được tái bản nhiều lần (riêng cuốn Tuổi thơ dữ dội 10 lần). Bà Trâm đã phải mua thêm nhiều mà vẫn không đủ tặng. Có vị nhã hứng cầm bút lại trân trọng đặt lên trên bàn thờ ông Quán bình rượu ngon kèm theo Văn tế muộn, thơ phú…

Một người mến mộ đã viết tặng mấy lời tâm huyết:

“Sáu tư bến nước người ơi

Nhớ lời mẹ dặn một đời lênh đênh

Tóc râu chẳng thẹn trời xanh

Trái tim thắm ấy đã thành thiên thu”

Bạn thơ Lê Hải từ thành phố Hồ Chí Minh cất lời tha thiết với đoạn kết bất ngờ:

“Anh Phùng Quán ơi

tôi đủ đầy hơn anh

qua nhiều trường lớp hơn anh

tôi to khỏe hơn anh…

anh Phùng Quán ơi

khi ngã lòng

anh vịn câu thơ đứng dậy

còn tôi

vịn anh”.

Khách tìm đến nhà ông Quán bà Trâm hiện tại (dù ông Quán đã mất, bà Trâm mới chuyển về đây) một phần cũng thích thú được thưởng lãm nhiều tranh, tượng lưu lại chân dung nhà thơ, nhà văn Phùng Quán.

Bức tượng đồng bán thân ông Quán (của Phạm Văn Hạng) do một người ái mộ đặt làm, đặt trang trọng nơi phòng khách vừa uy nghi vừa gần gụi.

Bức tượng nhà thơ Phùng Quán bằng chất liệu tổng hợp của bác sĩ Trương Thìn nguyên Viện trưởng Viện y học dân tộc TP Hồ Chí Minh gửi ra tặng, tạo ấn tượng đẹp khó quên.

Trên tường cao, bắt mắt một bức phù điêu do nhà điêu khắc Phan Tại đắp tạc. Tranh vẽ ông Quán cũng nhiều bức sáng tạo mới lạ. Đáng kể là họa phẩm của họa sĩ - chiến sĩ Lê Duy Ứng.

Khi vẽ tác giả đã thay võng mạc, mắt thoái hóa, phải ngồi sát nguyên mẫu. Đôi lúc còn phải sờ vào mặt nhà thơ Phùng Quán. Khi đem triển lãm tại phòng tranh Hàng Bài, khách nước ngoài muốn mua. Nhưng họa sĩ nhất định không chịu bán.

Khi nghe Lê Duy Ứng thuật lại chuyện này, nhà thơ liền bảo: Em nghèo, đang cần tiền. Cứ bán đi. Chụp lại cho anh một tấm hình là được rồi… Nhưng bức tranh vẫn được giữ lại. Cảm động, ông Quán đã viết bài báo “Tình chiến hữu và ngoại tệ mạnh”…

Bức tranh chân dung ghép bằng sợi mây thật độc đáo do Hải Bằng sáng tác, treo liền bên bàn thờ ông Quán.

Họa sĩ Lê Trí Dũng giảng viên trường Đại học Mĩ thuật thì vẽ chân dung thi sĩ Phùng Quán theo âm bản của ảnh chụp, bên hồ Tây) mà ngày chuyển nhà, bà Trâm đã tháo ra đem về dựng trước bàn thờ ông Quán.

Trên “di tích văn hóa” này còn lưu nhiều thơ, chữ kí… của các nghệ sĩ như Tào Mạt, Vũ Minh Am, Hòa Vang, Lê Huy Quang, nhà toán học Frédéric Phạm… tất cả đều được trưng bày tại nhà riêng, tại “bảo tàng tư nhân” hiếm có này.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến một bảo tàng tư nhân khác nằm gần đầu một con hẻm rộng và sạch đường Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh). Bà Dung (vợ họa sĩ, điêu khắc gia Diệp Minh Châu) đã công phu tạo dựng, trưng bày rất nhiều tranh và tượng của chồng.

Những “bảo tàng” này có thể trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút khách trong và ngoài nước. Tôi tin như vậy vì đã có những Việt kiều đang sống bên Úc, bên Mĩ từng lặn lội đến tận nhà ông Quán hiện nay nằm sâu trong chung cư Vĩnh Phúc - Hà Nội.

Họ đến vì yêu thơ, yêu nhà thơ một đời cay cực “Chắt lọc từ khô cằn sỏi đá - chất mật mát lành dịu nắng lửa trăm cơn” (Cây dứa - Thơ Phùng Quán).

Mới đây, ngày 25 tháng 3 năm 2007, một cựu chiến binh ở K82 đã thành tâm chủ động đem theo tập “Nhớ Phùng Quán (Nhà xuất bản Trẻ - 2003) đến thăm phần mộ nhà thơ “Nhất Quán tận can trường - Trùng Phùng lưu cốt cách” tại nghĩa trang Kiều Mai, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.

Sau khi rẫy cỏ, người chiến sĩ bạc đầu ấy đã chụp ảnh bia mộ ông Quán rồi gửi tặng bà Trâm.

…Nhà ông Quán vẫn mở rộng cửa đón khách thập phương. Từ đầu năm 2007, văn nhân Phùng Quán được Giải thưởng Nhà nước, chắc chắn bà Trâm lại bận rộn hơn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.