Đề cập đến nhục cảm không có gì là xấu!

Đề cập đến nhục cảm không có gì là xấu!
"Đề cập đến nhục cảm không có gì xấu. Nó thể hiện sức sống Việt, phồn thực Việt và làm nên sức mạnh Việt Nam cứu rỗi  dân tộc và nhân bản" - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khẳng định.
Đề cập đến nhục cảm không có gì là xấu! ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Sự kiện nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ở tuổi 75 vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 4 - Mẫu thượng ngàn càng chứng tỏ ông là một tiểu thuyết gia am hiểu tường tận văn hóa Việt.

Giới văn học nức lòng chào đón, "còn hơn" cả tiểu thuyết Hồ Quý Ly - Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2003.

Trong những bộn bề của việc phát huy bản sắc dân tộc, cầm trên tay cuốn sách 800 trang của một nhà văn đáng kính, thật cảm động vì sự ra đời đúng lúc.

Ông có thể cho biết sự ra đời của Mẫu thượng ngàn ?

Năm 1959, khi dự trại sáng tác của Quân đội, tôi  viết cuốn Làng nghèo. Lẽ ra năm 1962 - 1963 đã có thể ra đời, nhưng cái làng lớn miền Bắc lúc đó cũng còn nghèo quá, Làng nghèo không in được.

Cuốn đó, tôi viết thương tâm lắm. Làng nghèo, và nhân vật không thể không chết, chết nhiều lắm. Và cũng vì vậy mà sách không xuất hiện. Nhưng ý thức viết một cái gì đó thật sâu sắc về văn hóa làng Việt manh nha trong tâm thức thì tôi vẫn giữ nguyên, thậm chí từ lúc bé, đến Làng nghèo càng sâu sắc hơn.

Sau khi in cuốn Hồ Quý Ly, tôi mới nhớ lại những làng nghèo trong quá khứ của mình. Bản thảo  Làng nghèo bị thất lạc, may mắn còn lại một bản anh Lê Bầu giữ được.

Tôi mở rộng thành cuốn tiểu thuyết mới và đẩy lùi lịch sử trở về thời Pháp bắt đầu xâm chiếm đất nước ta - giai đoạn giao lưu văn hóa Đông Tây cưỡng chế bằng bạo lực. Chính giai đoạn lịch sử này bộc lộ chất Việt Nam rõ rệt hơn.

 Những người phụ nữ trong Mẫu thượng ngàn hiện lên đầy yêu thương, bao dung nhưng rất mạnh mẽ. Vì đâu mà ông có được những nhân vật nữ  sống động như vậy?  

Tôi đã định viết một cuốn sách về những người phụ nữ từ lâu. Năm 2000, được giao nhiệm vụ viết gia phả cho họ  Mạc, được cung cấp đầy đủ tài liệu và những câu chuyện truyền miệng của dòng họ để chấp bút.

Và cứ thế, huyền thoại, lịch sử, bà con cứ lần lượt hiện về gây hứng thú cho tôi viết sách - một cuốn sách mang rất nhiều câu chuyện gia đình. Bà tổ Cô bí ẩn trong truyện chính là cụ tôi, bà ba Váy chính là chị họ tôi, vợ một ông chánh tổng. Bà Mõ khốn khổ là hàng xóm gia đình tôi...

Năm 1938, một câu chuyện bi thương đã xảy ra trong làng tôi, đó là dịch tả. Thầy tôi, chị tôi, rồi thím tôi lần lượt chết cả. Tôi lúc đó mới lên 6, 7 tuổi ngồi trông con mèo cho nó không nhảy qua xác chị tôi để chị không bị quỷ nhập tràng. Thương lắm...

Lẽ ra tôi cứ viết luôn tiểu thuyết về làng Cổ Nhuế nhà tôi, nhưng nếu viết vậy sẽ thiếu đất để nói về văn hóa làng Việt Nam. May mắn, tôi đã sống ít nhất 14 năm Pháp thuộc ở làng rồi đi.

Càng sống, càng xa, càng qua nhiều miền đất khác, càng thấy và cảm nhận được những tiếp biến văn hóa, kể từ lúc thầy mất, mẹ đưa ra Hà Nội thị thành đến lúc này. Và bây giờ mới có được cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn.

Và như vậy mọi nhân vật trong Mẫu thượng ngàn đều có nguyên mẫu? 

Không, có nhân vật là những tổng hợp hư cấu trong văn hóa của nhà văn. Ví dụ, nhân vật ông đầu bếp người Trung Hoa là một sự đối sách giữa thực dân cáo già hàng ngàn năm với lớp thực dân Pháp mới.

Bên cạnh sự khác nhau về văn hóa, chúng lại có chung mục đích đồng hóa dân mình. Trong tiểu thuyết này, sự phồn thực được đề cập đến để thể hiện cuộc đấu tranh văn hóa giữa người Việt và người Pháp, thậm chí ngay cả trên giường ngủ.

Đề cập đến nhục cảm không có gì xấu, sự giao hòa đàn ông và đàn bà là đẹp nhất và người nhất, không thể lảng tránh. Nó thể hiện sức sống Việt, phồn thực Việt và làm nên sức mạnh Việt Nam cứu rỗi  dân tộc và nhân bản.

Sau 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử liên tiếp, ông hy vọng gì vào người đọc?

Lẽ dĩ nhiên tôi tin bạn đọc đủ thông minh để hiểu tính đa chiều của mỗi cuốn sách, không chỉ của riêng tôi. Đương nhiên, tôi cũng chỉ muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người đọc, và họ có quyền tham dự, đóng góp sáng tạo lần 2 vào cuốn sách theo suy nghĩ của riêng mình.

Tiểu thuyết lịch sử là một mảng lớn vì lịch sử hàm chứa cái vô thức tập thể của cả dân tộc. Tiểu thuyết lịch sử có nhiệm vụ phát hiện những cội nghiệp chung để cho người đọc cùng suy nghĩ.

Theo Chu Minh Vũ
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.