Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ
(TPO) Chiều nay (22/4), Tiền phong Online đã nhận được hàng trăm câu hỏi thẳng thắn của độc giả gửi về cho các nhà văn, nhà thơ tham gia buổi giao lưu trực tuyến. Tham dự còn có đông đảo các bạn sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du.
Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 1

Các nhà văn, nhà thơ và các bạn sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du tại buổi giao lưu trực tuyến trên Tiền Phong Online

Mở đầu bàn tròn trực tuyến, nhà thơ Dương Kỳ Anh, TBT báo Tiền Phong đã chúc mừng các vị khách mời và hy vọng buổi giao lưu trực tuyến trước thềm ĐH lần này sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho bạn đọc yêu văn chương, cho các nhà văn, nhà thơ.

Vì lý do đột xuất, nhà thơ Hữu Thỉnh đã không thể có mặt trong buổi giao lưu như kế hoạch. Tiền Phong Online xin lỗi độc giả vì lý do bất khả kháng này.

Các nhà văn, nhà thơ đã phát biểu những ý kiến ban đầu của mình :

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 2
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà Thơ Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ rằng khi sáng tác, người viết thường không nghĩ đến lứa tuổi, mà thường viết những gì mình tâm đắc và có sự thôi thúc tự thân. Nghĩa là viết rất hồn nhiên và thường như thế lại dễ thành công và dễ được giới trẻ chấp nhận. Vì khi viết có một mưu đồ trước thường lại không vươn tới được cái đích mình muốn đến. Văn chương vốn là một cô nàng rất đỏng đảnh, thích tự do và không thích phụ thuộc, cho dù đó là ông nhà văn - bố đẻ ra mình.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 3
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn:  Muốn có tác phẩm hay cho bạn đọc nói chung và cho bạn trẻ nói riêng, trước hết nhà văn phải có tài năng.  Tài năng là của trời cho, nhiều khi chúng ta bất lực trong việc sinh thành tài năng. Nhưng chúng ta có thể tạo ra một không khí liên tài. Ông cha ta đã nói: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nói rộng ra, hiền tài là nguyên khí của một cơ quan, một địa phương, một tổ chức.

Để tôn vinh các tài năng văn chương, giải thưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu các tác phẩm hay của những người có tài được tặng được thưởng cho những người xứng đáng thì sẽ có tác dụng rất lớn  cho những người cùng nghề và bản thân người nhận  giải. Ngược lại, nếu giải thưởng đó không xứng đáng sẽ làm thui chột tài năng.  Theo dõi giải thưởng nhiều năm qua, tôi thấy, nói chung năm nào cũng chọn được một vài tác phẩm xứng đáng. Nhưng tình trạng "độn" vẫn còn nhiều, tức là bên cạnh một vài tác phẩm xứng đáng, còn có một vài tác phẩm nhạt nhẽo. Tôi đã tổng kết căn bệnh của giải thưởng đó trong 10 chữ: Cầu an, dựa dẫm, khiếp nhược, bản vị, xôi thịt.

Nhà văn Ma Văn Kháng tiếp lời của nhà thơ Hoàng Sơn: (Cười) Tôi thấy ý kiến của Nhà thơ Hoàng Sơn rất hay và chính xác. Bản thân tôi đã tham gia vào nhiều giải thưởng và cũng thấy rằng, những giải thưởng đó là rất hay nhưng chỉ một vài chi tiết thôi cũng làm người ta gờn gợn.

Hiện nay, dân chủ xã hội đã được nâng lên rõ rệt, vì vậy những tác phẩm chỉ được 1 - 2 điểm nâng lên đến 8 - 9 là không có. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng nể nang khi chấm giải là vẫn còn tồn tại.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 4
Nhà văn Ma Văn Kháng

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi cho rằng, bản thân vấn đề "Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ" đã phản ảnh sự sốt ruột của xã hội. Nhiều người cho rằng, xã hội hiện nay không có tác phẩm nào ra hồn để đọc. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là một thực tế. Năm nào cũng có những tác phẩm văn học đáng đọc.

Khoảng chục năm lại xuất hiện những tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên để có những tác phẩm kiệt suất thì đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi vẫn băn khoăn làm sao sáng tác được tác phẩm kiệt suất.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn Goeth khi ông cho rằng điều kiện để tác phẩm kiệt suất ra đời:

+ Dân tộc đó có cái gì. Ý tôi muốn nói đến chất liệu để tạo lên tác phẩm. Liên hệ với dân tộc mình, tôi thấy có nhiều điều kiện thuận lợi.

+ Thiên tài phải xuất hiện

+ Thiên tài phải làm việc ở thời kỳ sung sức nhất. Thời kỳ này có thể khi còn trẻ hay đã lớn tuổi nhưng đó phải là thời kỳ làm việc hiệu quả nhất.

Theo tôi nghĩ, để tác phẩm hay ra đời chính là tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện mà không ngăn cản họ bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau. Ngoài ra, cũng phải đề cập đến khía cạnh ngẫu nhiên khi ra đời một tác phẩm kiệt xuất.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Từ trước đến nay, Hội nhà văn đã đón nhận tất cả những cái mới mẻ (tuy còn non nớt) để ủng hộ và ươm mầm phát triển cho tương lai.

Các thế hệ nhà văn kế thừa nhau liên tục rất nhanh, vì vậy không khí dân chủ, cởi mở sẽ là cơ hội để các nhà văn tiếp bước nhau một cách liên tục.

Tôi không đánh giá quá cao vật chất nhưng trong điều kiện hiện nay, Hội nhà văn vẫn cố gắng phát triển lĩnh vực này bằng cách tổ chức các trại sáng tác, những lần đi thực tế cho nhiều nhà văn trẻ tuổi.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 5
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Muốn có tác phẩm hay phải có nhà văn có tài viết ra được những tác phẩm được hàng triệu người đón nhận, say mê, mang lại cho người đọc những giá trị thẩm mỹ. Môi trường sống của nhà văn cũng rất quan trọng, làm sao để có được môi trường trong sáng, lành mạnh, được tự do sáng tạo.

Các cơ quan báo chí, xuất bản rất quan trọng. Đó là nơi in và giới thiệu tác phẩm của nhà văn. Các giải thưởng của Hội Nhà văn cũng cần được trao cho những tác phẩm xứng đáng, tìm được những tác phẩm hay để trao giải thưởng, giới thiệu với báo chí, với bạn đọc. Có như vậy, bạn đọc nói chung và bạn trẻ nói riêng mới có được nhiều tác phẩm hay.

Nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận được nhiều câu hỏi và cũng là người bắt đầu cho phần trao đổi trực tuyến:

Tại sao chị lại sáng tác đề tài gần như giành riêng cho giới trẻ. Đề tài đã chọn chị hay chị chọn đề tài?

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi có viết một số truyện ngắn, một số nhà phê bình thông tin lại là giới trẻ đọc và quý mến. Tôi viết không chỉ cho giới trẻ. Nhà văn sống và nhận thức về cuộc sống xung quanh mình.

Nếu có những tác phẩm nào đó tôi sáng tác được bạn đọc thích có lẽ vì tôi có những người bạn trẻ, cả những đứa con của tôi, họ kể cho tôi, từ đó tôi xây dựng thành những câu chuyện.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 6
Nhà Văn Trần Thùy Mai

Thưa chị Trần Thuỳ Mai, những câu chuyện tình yêu mà chị đem đến cho bạn đọc rất hấp dẫn. Điều gì đã khiến chị viết được như vậy? Phải chăng, vì chị đã rất từng trải trên tình trường?(Bình Nguyên, 27 tuổi, Nam Định)

Nhà văn Trần Thùy Mai: không ai đủ kinh nghiệm về tình yêu cả nhưng tôi trân trọng tình yêu và xem đó là một sức mạnh nhân văn làm cho con người sống đẹp hơn.

Thưa nhà thơ Dương Kỳ Anh, tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” có phải là tự truyện của ông hay không? Có người nói ông là người viết hay nhất về đề tài cải cách ruộng đất hiện nay, ông nghĩ gì về điều này? (Một bạn đọc hâm mộ, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tiểu thuyết Xuyên Cẩm không phải là một cuốn tự truyện. Nó chỉ có hơi hướng là một cuốn tự truyện. Các tác phẩm văn học lớn đều có hơi hướng tự truyện, thực tế là như thế. Cuốn tiểu thuyết Xuyên Cẩm của tôi không phải viết về đề tài cải cách ruộng đất mà viết về thân phận con người, qua những giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong đó có những chương viết về cải cách ruộng đất mà bạn đọc và báo chí cho rằng tôi là một trong những người viết hay nhất về cải cách ruộng đất. Đó là chỉ là nhận xét của bạn đọc và báo chí.

Đọc tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” của ông thấy nhiều trang rất dữ dội, có phải ông đã không tự biên tập mình như đa số các nhà văn hiện nay? Thùy Linh, 27 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Nói thật, khi viết báo tôi thường nghĩ đến trên đầu mình có ai, nhưng khi viết truyện, viết tiểu thuyết tôi không nghĩ đến ai trên đầu mình nữa. Tôi viết và đôi khi cũng quên cả bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, nhà văn trước hết phải chân thật với bản thân mình, phải biết hy sinh bản thân mình cho những nhân vật mà mình sáng tạo ra. Dù cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn đó chưa in được hôm nay thì ngày mai, ngày kia hoặc một ngày nào đó, thế nào cũng được in ra, nếu đó là một tác phẩm hay.

Thưa cô Thùy Mai, vì sao cô có thể viết những truyện ngắn thật đến vậy về giới trẻ, cô trải nghiệm cuộc sống của họ bằng cách nào?(Trần Văn Nhung, 23 tuổi, phố Hòa Mã, Hà Nội)

Nhà văn Trần Thùy Mai: xin cảm ơn bạn đã đọc và đồng cảm với tôi. Nếu tôi viết được về giới trẻ thì đơn giản là vì tôi yêu thương họ. Những nhân vật trẻ trong truyện của tôi là hình ảnh của những người tôi yêu thương trong cuộc sống.

Cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của tôi bắt nguồn từ sự thương yêu, và niềm tin về cuộc sống.  

Chào chị Trần Thùy Mai, rất vui khi gặp chị trong buổi giao lưu trực tuyến, chị có thể cho em email của chị? chị kể cho em nghe đôi nét về cuộc sống của chị không? Điều đó có ảnh hưởng gì trong sáng tác của chị?(Nguyễn Thu Bồn, 25 tuổi, Phan Rang, Ninh Thuận)

Nhà Văn Trần Thùy Mai: Chị hiện sống tại Huế mỗi ngày đi làm hai buổi ở nhà xuất bản Thuận Hóa, mình làm biên tập viên. Buổi tối về nhà mình viết truyện, thường là viết từ 8 giờ đến 10 giờ khuya, sau đó là xem tivi.

Gia đình mình có hai con, cả hai cháu đều đi học xa. Sống một mình nhiều khi cũng buồn nên khi viết mình thấy vui và nhất là khi viết thì có được sự quen biết với một số bạn đọc và họ cho  mình những tình cảm mà mình rất quý.

email của chị: tranthuymai2001@yahoo.com, nếu em có thời giờ thì mail cho chị theo địa chỉ này.

Tôi là một người viết trẻ, tôi nhận thấy tiểu thuyết “Xuyên Cẩm” là một trong những cuốn sách tốt nhưng vì thế sẽ khó lọt “mắt xanh” của ban giám khảo giải thưởng Hội nhà văn, ông có dự tính trước điều này? (Trần Vũ, 28 tuổi, TP HCM)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cảm ơn bạn đã có những nhận xét tốt về cuốn tiểu thuyết Xuyên Cẩm của tôi. Nói thật, khi viết tiểu thuyết Xuyên Cẩm, tôi không hề nghĩ đến một giải thưởng nào cả. Giải thưởng lớn nhất đối với tôi đó là được đông đảo bạn đọc đón nhận. Qua dư luận vừa rồi trên nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc, tôi rất hạnh phúc vì tiểu thuyết Xuyên Cẩm đã được bạn đọc nhiệt thành đón nhận. Còn Ban giám khảo giải thưởng Hội Nhà văn có đón nhận hay không, có trao giải hay không thì tôi không biết. Được giải cũng vui mà không được giải cũng không sao. Tiểu thuyết Xuyên Cẩm đã có đời sống của nó. Đó là điều mà tôi hạnh phúc nhất.

Chị Huệ là nhà văn trẻ nhất trong Hội nhà văn và khá nổi đình nổi đám với nhiều tác phẩm hay. Chị đã vào nghề như thế nào?

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 7
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Trong Đại hội nhà văn lần thứ 7 tôi vẫn là một nhà văn trẻ. Trong xã hội, ở nơi công tác hoặc trong gia đình tôi đã lên cô lên bác, thế nhưng trong mắt của những nhà văn đi trước tôi cảm thấy họ như muốn nói với tôi là "Lớn lên nữa đi, có những tác phẩm hay hơn nữa đi". Đấy cũng vừa là niềm vui và cũng là nỗi buồn.

Trước thềm đại hội nhà văn, tôi có gặp một số các nhà văn và họ vẫn sáng tác, thế nhưng bạn đọc vẫn ca thán rằng chẳng có tác phẩm nào hay, chẳng có tác phẩm nào để đời... Thực tế không như vậy. Những năm gần đây tôi cảm thấy là áp lực cho nhà văn quá lớn. Nhiều câu hỏi phủ đầu và phủ định chúng tôi như : Có tác phẩm mới nào không hay bận các công việc khác mà quên sáng tác ? Đấy là những nhận xét mang tính chủ quan.

Tôi chỉ muốn nói là những nhà văn chân chính vẫn viết như một nghiệp chướng. Tác phẩm văn học vẫn được xuất bản đều. Một loạt tác phẩm như: Cõi người rung chuông tận thế, Bốn lối vào nhà cười ( Nhà văn Hồ Anh Thái), Thiên thần sám hối ( Nhà văn Tạ Duy Anh), Trưởng thành ( Nhà văn Võ Thị Xuân Hà)... và một loạt các tác phẩm của Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư.... Đồng nghiệp của chúng tôi vẫn thông tin cho nhau về những tác phẩm mới. Tôi cũng thấy ngậm ngùi về thị trường văn học Việt nam hiện nay co cụm giữa những người trong nghề và một số cá nhân yêu thích mới tìm sách để đọc.

Tôi đến với văn học rất giản dị hồn nhiên, tôi viết cho tôi, viết từ những cảm xúc thật, viết không phải để được in, được xuất bản. Tôi cũng cảm ơn báo Tiền phong vì đã tổ chức giải văn học Tác phẩm Tuổi xanh, tôi đã đạt giải nhì với tặng phẩm là một chiếc đồng hồ. Đặt chuông 3h chiều, nhưng không một đồng hồ nào kêu chính xác cho nên lễ trao giải thưởng kéo dài một giờ đồng hồ luôn có tiếng chuông lần lượt kêu. Kỷ niệm đó thật vui và còn theo tôi đến tận bây giờ.

Tôi đến với văn học giản dị như cuộc sống của tôi, tôi không đao to búa lớn. Tôi vẫn tiếp tục viết bằng sự cảm nhận của mình trước cuộc sống và con người hôm nay.

Xin hỏi nhà văn Trần Thùy Mai: Chị viết về tình yêu rất tinh tế và tâm lý. Chỉ cần đọc truyện ngắn "Không phải tình yêu" của chị in ở Tiền Phong số tết vừa qua đủ biết điều đó. Vậy chị suy nghĩ sao về tình yêu? Tình yêu thời @ vẫn còn nhẹ nhàng, e dè và tinh tế như thế sao? (Tran Tinh, 27 tuổi, Thi tran Nghi Xuan-Ha Tinh)

Nhà văn Trần Thùy Mai: Chị nghĩ là con người ở mọi thời đều có những điểm giống nhau, bên cạnh những sự khác biệt thì con người luôn có những khát vọng không thay đổi nhất là với một chủ đề vĩnh cửu như tình yêu.

Chị nghĩ rằng con người càng đi vào hiện đại và cuộc sống càng bị chi phối bởi những quy luật khắt khe của cuộc sống công nghiệp thì người ta càng cần một chút lãng mạn trong cuộc sống. Ước vọng của mình là đem tới cho người đọc cái mà họ đang cần. Để cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn.

Xin hỏi nhà văn Ma Văn Kháng và các vị tham gia giao lưu trên TPO : Ban chấp hành Hội nhà văn hiện nay hầu như hữu danh vô thực, chỉ có một số cá nhân có thực quyền, Đại hội nhà văn lần  này có tính đến chuyện dân chủ hóa để Ban chấp hành Hội hoạt động đúng nghĩa của nó, tránh sự thao túng của một cá nhân hay không? (Một người yêu văn học, 35 tuổi, Huế)

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tổ chức Hội nhà văn có dân chủ hay không phải nhìn vào quy chế và nguyên tắc tổ chức của Hội. Điều lệ quy định rõ, cơ quan quyền lực cao nhất của Hội là Đại hội Toàn quốc hoặc về những quy định về điều lệ, quyền hạn trách nhiệm của Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, Ban thường vụ, cũng như nhìn vào sự phân công cụ thể của từng uỷ viên Ban chấp hành, các quy chế như kết nạp hội viên, quy chế về giải thưởng hàng năm...

Chúng ta phải dựa trên những điều đó trước khi đánh giá Hội có dân chủ hay không dân chủ, có hữu danh hay vô thực?

Tôi nói ví dụ như vấn đề kết nạp hội viên, không cá nhân nào có quyền quyết định tuyệt đối về chuyện này. Một người muốn vào Hội phải được quá bán số phiếu của Hội đồng chuyện môn, của các ban chức năng, của các Chi hội và Ban liên lạc địa phương... Sau đó, danh sách này mới được Ban chấp hành xem xét và thông qua bằng bỏ phiếu kín. Như vậy, đây là kết quả làm việc của cả một tập thể trên tinh thần dân chủ.

Đại hội lần này sẽ tập trung vào việc làm thế nào để bầu chọn được một Ban chấp hành tiêu biểu cho các thế hệ sáng tác, đặc biệt là lớp trẻ (thế hệ đang ở độ tuổi 40 - 50 tuổi). Đó cũng chính là một phương diện của dân chủ hóa.

Xin hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa : Tôi là một người từng hâm mộ anh bởi những vần thơ "thần đồng" thủa trước. Nhưng lâu lắm rồi tôi không bắt gặp những vần thơ xuất thần kiểu "Ngoài thềm rơi chiếc lá đaTiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng" của anh nữa. Thú thực tôi hơi thất vọng, nhất là bộ sách anh viết về chân dung các nhà văn, toàn chuyện phiếm, thậm chí đọc hơi phản cảm và có phần "nhặt nhặt" để câu khách. Vì sao thế anh Khoa ơi ? (Một người từng hâm mộ, Hà Nội)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 8
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi rất cám ơn bạn đã quan tâm đến tôi. Bây giờ thơ ca chỉ là một phần nhỏ trong các sáng tác của tôi thôi. Người ta bảo văn chương là món ăn tinh thần. Và cũng như món ăn, có người thích món này, có người thích món khác. Ngay tôi, tôi cũng "thích" khác bạn. Nếu cho tôi chọn câu thơ của mình mà mình thích nhất thì tôi cũng không chọn câu thơ mà bạn đã chọn đâu. Đấy chỉ là câu thơ đơn giản viết bằng mắt. Tôi thích nhiều câu thơ khác của tôi mà dùng mắt không thể viết được.

Tôi rất tin bạn đọc. Một người có thể nhầm, chứ nhiều người thì chắc không nhầm. Nếu cuốn sách chỉ là những chuyện phiếm, chuyện phản cảm thì chắc bạn đọc không đọc nhiều đến thế. Và những người làm sách cũng không in ra làm gì nếu như không bán được. Nếu bạn đọc kỹ tôi, tôi tin bạn sẽ nghĩ khác. Bởi ngay câu thơ của tôi, bạn cũng nhớ không đúng. Nguyên câu thơ:"Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". Cả hai câu thơ này chỉ được có một chữ, là chữ "mỏng", nếu chiếc lá rơi khẽ thì tôi tin chẳng có ai nhớ câu thơ này đâu.

Thưa ông Dương Kỳ Anh, cuốn tiểu thuyết Xuyên Cẩm thực sự là bức tranh sống động về một thời kỳ quá độ đau thương của dân tộc. Và theo tôi thấy, ở nước ta, việc xuất bản một cuốn tiểu thuyết như vậy quả thực không dễ dàng. Vậy động lực nào đã giúp ông cho ra đời đứa con tinh thần tâm huyết của mình một cách hoàn hảo như vậy? Nguyễn Huy Hoàng, 38 tuổi, Vĩnh Phúc)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi rất cảm ơn NXB Hội Nhà văn, cảm ơn nhà văn Nguyễn Phan Hách Giám đốc NXB, cảm ơn nhà văn Lê Minh Khuê biên tập cuốn sách đã là mọi việc có thể làm để cuốn tiểu thuyết Xuyên Cẩm được ra đời. Tôi nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhà văn Lê Minh Khuê là những người dũng cảm vì dám cùng tôi chịu trách nhiệm để cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mà theo bạn là một "bức tranh sống động" và quả không dễ dàng để được ra đời.

Thưa bác Dương Kỳ Anh, cháu được biết bác đã từng là một sĩ quan tên lửa, từng tham gia trận Điện Biên Phủ trên không, nhân dịp 30/4 cháu gửi tới bác lời chúc mừng và cảm ơn chân thành. Xin hỏi bác một câu ạ: Quãng đời trong quân ngũ có ảnh hưởng gì đến cuộc đời làm báo của bác sau này. Bác có thể kể đôi nét về con đường trở thành một nhà báo nổi tiếng như bác hiện nay được không ạ? (Hùng Anh, 22 tuổi, Khoa Báo chí, ĐHKHXH & NV, HN)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Quãng thời gian trong quân ngũ mà cụ thể là một sĩ quan điều khiển tên lửa là quãng thời gian vô cùng quý giá cho bản thân tôi. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời làm báo của tôi cũng như những sáng tác văn học của tôi. Cái quý nhất thời gian đó là tôi đã hiểu thể nào là những thử thách của cuộc sống và cho tôi lòng dũng cảm, sự quyết đoán cũng như tình yêu thương mà chỉ có ở những người đồng đội, đồng chí.

Thưa nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Ông nghĩ gì về hiện tượng một số nhà văn khi trả lời phỏng vấn báo chí lại ... "hay" và "hùng hồn" hơn chính những tác phẩm văn chương của họ ? (Phần lớn xuất hiện cách đây vài chục năm). Những bài phỏng vấn kiểu ấy có ích gì cho những độc giả đích thực (hay chỉ giúp những nhà báo trẻ có thêm đồng nhuận bút, còn nhà văn thì được quảng cáo về những công việc ngoài văn chương ?(trantuantp@yahoo, 38 tuổi, Đà Nẵng)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn:  Trước hết, không nên định kiến, nhất là với các nhà báo trẻ khi phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ. Thứ nhất, họ là những người yêu mến văn chương, yêu mến tác giả mà họ tìm đến phỏng vấn. Thứ hai, họ muốn có thiện ý muốn đưa đến độc giả thông tin về nhà văn, nhà thơ đó. Điều này có lợi ích hai chiều: Kích thích sáng tạo của nhà văn, kích thích độc giả. Đó là động lực tốt cho sự phát triển văn chương.

Nghề văn là một công việc rất khó nhọc. Có khi cả đời cố gắng mà cũng chưa đạt được điều mìnhcũng như bạn đọc mong muốn. Nếu một tác giả cả đời  chỉ có một tác phẩm hay cũng là một điều đáng quí. Cho nên, điều mà bạn sốt ruột cũng là  sự sốt ruột của nhà văn.  Nếu sốt ruột quá, thúc giục quá,  có thể nhà văn  sẽ làm hỏng đề tài mình đang ấp ủ.

Câu hỏi dành cho nhà văn Ma Văn Kháng: Vụ hội viên Hội nhà văn Hùng Tấn đi tù làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hội viên khác, ông đánh giá thế nào về chất lượng hội viên của Hội và qui trình kết nạp? Lại còn vụ ông Nguyên Linh tức Nguyễn Thiện Luân được lăng- xê trên báo Văn nghệ, được tổ chức 2 đêm thơ ở Nhà hát Lớn nhưng rồi phải ra hầu tòa được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, phải chăng cũng có vấn đề trong qui trình kết nạp hội viên, trách nhiệm thuộc về ai? (Mai Lan, 30 tuổi, Hà Nội)

Nhà văn Ma Văn Kháng: Những sai sót trên là có thật. Tuy nhiên, đây chỉ là những cá thể nhỏ nhoi, hy hữu trong số hơn 800 hội viên. Vì vậy, không thể nói là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hội được.

Trường hợp của ông Nguyên Linh, tức Nguyễn Thiện Luân không phải là hội viên của Hội nhà văn Việt Nam.

Hậu Thiên Đường là một truyện ngắn rất hay! Chị có nghĩ là mình sẽ chuyển thể truyện ngắn đó thành kịch bản phim không?(Thương, 23 tuổi, Hà Nội)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Có nhiều đạo diễn đọc truyện và muốn tôi chuyển thể tác phẩm này thành kịch bản phim. Tôi cũng đã viết kịch bản phim từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa được dựng thành phim vì một lí do duy nhất: Những người kiểm duyệt rất thích kịch bản này của tôi nhưng họ ghi vào giám định là: "cô bé" trong truyện phải là 18 tuổi. Theo tôi, nếu chuyển như vậy thì sẽ không còn là "Hậu Thiên Đường" nữa.

Xin hỏi nhà văn Ma Văn Kháng và các nhà văn, nhà thơ khác : Bao giờ thì các nhà văn Việt Nam biết nói sự thật, đúng sự tình của đất nước và đúng những điều mình suy nghĩ? (Bùi Kim, 40 tuổi, TP HCM)

Nhà văn Ma Văn Kháng: Về phương diện nói sự thật phải nói rằng trong những năm vừa qua đã có những bước tiến rất lớn trong văn chương. Tuy nhiên, điều gọi là sự thật cũng có năm, bảy đường quan niệm.

Trước đây em rất thích đọc truyện ngắn. Nhưng kể từ 2 năm trở lại đây em rất ít khi đọc, lý do là nội dung truyện dần dần bị thu hẹp đề tài. Các nhà văn có thấy như vậy ko ạ ?(Phạm Thanh Hải, 19 tuổi, Saigon)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Bạn nói kể từ 2 năm trở lại đây rất ít đọc, tôi nghĩ đấy cũng là câu trả lời rồi! Bởi vì, khi bạn ít đọc thì bạn sẽ không biết được rằng có những cuốn sách nào đáng để đọc. Bạn hãy dành bớt thời gian và thường xuyên có mặt ở hiệu sách, bạn sẽ thấy có nhiều cuốn truyện ngắn hay để đọc.

Thưa cô Thùy Mai, cô có lời khuyên gì cho những SV học Văn học như tụi cháu. Đôi khi cháu thấy buồn vì nghề văn quá nghèo? Cô có nghĩ vậy không ạ?(Hoàng Huy, 20 tuổi, Khoa văn, ĐHKHXH&NV,HN)

Nhà Văn Trần Thùy Mai: So với nhiều ngành khác thì văn chương không phải là một nghề có thu nhập cao. Vì vậy, ai mong muốn có thu nhập cao thì không nên đi ngành này. Tuy vậy cũng không có nghĩa là nghề văn quá nghèo so với tất cả các nghề trong xã hội. Theo cô nghĩ em không nên quá buồn, nếu mình dốc trọn cái năng lực và tâm huyết của mình cho một nghề mà mình thích thì cuộc đời cũng không bạc đãi mình lắm đâu.

Ban tổ chức chọn nhân vậy để giao lưu rất ý nghĩa. Nguyễn Thị Thu Huệ và Trần Thùy Mai đều là 2 nhà văn nữ, nhưng phong cách gần như trái ngược nhau. Xin chị Huệ cho biết ngoài đời chị có mãnh liệt như những nhân vật nữ trong truyện của chị? (Dang Tran Bang, 23 tuổi, giao vien Anh van tai Huong Son-Ha Tinh)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi nghĩ văn chương với những số phận, nhân vật là những gì tôi suy nghĩ, cảm nhận, đôi khi là những mong ước về con người và cuộc đời này! Khi viết văn, nhân vật của tôi tự sống với cuộc đời của họ. Tôi chỉ là người chép lại. Ngoài đời, tôi không "mãnh liệt" như những nhân vật của mình. Tôi "nhạt" hơn họ rất là nhiều! Đôi khi còn "dại" hơn họ nữa. Bao nhiêu sự "tỉnh táo" hình như các nhân vật đã lấy hết của tôi rồi. (Cười!)

Xin hỏi nhà thơ Dương Kỳ Anh, theo chú thì nhà văn hiện nay có thể làm giàu chân chính bằng cây bút của mình được không, nếu có thì cần điều kiện gì. Nhà văn so với nhà báo thì chú thấy nhà nào "oai" hơn, nhà nào có thể cho thu nhập lớn hơn, nhà nào có ảnh hưởng xã hội lớn hơn? (Lê Nguyễn, 21 tuổi, sv khoa văn ĐH KHXHNV TP HCM)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh:  Làm giàu theo tôi thì chưa. Có thể sống được bằng nhuận bút. Giỏi lắm thì cũng nuôi được gia đình còn muốn làm giàu chắc phải làm nghề khác hoặc việc khác. Tôi nghĩ nhà văn hoặc nhà báo cũng như mọi "nhà" khác, chẳng có ai "oai" hơn ai cả. Vấn đề là làm sao để làm được tốt nhất công việc của mình, làm được nhiều điều có ích... Thế là "oai" rồi...

Nhiều người nhận xét, Trần Đăng Khoa bây giờ thích viết báo kiếm tiền hơn làm thơ, đặc biệt vào dịp Tết. Có phải các báo chí muốn dùng "thương hiệu" Trần Đăng Khoa của thế kỷ trước để câu khách ? Anh cũng thích thế sao ? Tôi hỏi thật, nếu chỉ viết văn, làm thơ anh có đủ sống không ? Một thần đồng như anh thủa nào, mà để phí tài năng như vậy thì uổng quá. Tôi cũng hay theo dõi các bài phỏng vấn hay trên truyền hình về anh, song thế hệ trẻ chúng tôi có nhận xét cái cách anh trả lời dường như không thật, nó có vẻ cố tình "ngô nghê, hài hài" để câu khách thế nào ấy. Anh có nhận xét gì về điều này ? (Lê Vân Hà, 27 tuổi, Thụy Khê, Hà Nội)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bạn nói bạn trẻ nhưng tôi lại thấy bạn như một ông già 27 tuổi, vừa cáu kỉnh vừa nhầm lẫn. Bởi những người bình thường nhất cũng biết rằng không thể lấy một khuôn mẫu, một dáng hình của thế kỷ trước làm thương hiệu cho thời buổi này, khi mà mọi giá trị giả tàn lụi rất nhanh. Nhà thơ nào cũng viết rất nhiều thể loại. Ví như Xuân Diệu, Chế Lan Viên trước đây, hay Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Mạnh Hảo bây giờ. Chế Lan Viên ngoài làm thơ còn viết văn xuôi, phê bình, và viết cả báo ký tên Chàng Văn. Không thể nghĩ ông làm thế là phung phí tài năng hay viết để kiếm tiền.

Chúng tôi là thế hệ trẻ năng động hay như báo chí vẫn gọi là thế hệ @, vậy trong số các hội viên HNV VN đã có ai thâm nhập sâu vào thế hệ tương lai của đất nước này chưa ? Hình như chưa có ai cả ! hãy viết về thế hệ chúng tôi đi, rất mong có những tác phẩm xứng tầm. Nhiều vị nhà văn, nhà thơ trẻ mà trông vẫn "cũ, cũ" thì làm sao biết @ đang sống, làm việc và làm giàu ra sao mà viết ? Hãy kết nạp vào HNV những người trẻ và tài năng thực sự đi, hỡi các vị ! (Một người 8X, TPHCM)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 9
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: "tôi tin rằng thế hệ trẻ trong tương lai sẽ hơn chúng tôi cũng như những thế hệ trước kia."

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Trước hết, tôi cảm thấy bạn rất tự tin khi nhận  mình là thế hệ @ và năng động. Chính tôi cũng nghĩ vậy và tôi tin rằng thế hệ trẻ trong tương lai sẽ hơn chúng tôi cũng như những thế hệ trước kia. Nhưng bên cạnh  những người năng động, ngay trong thế hệ các bạn cũng có những người dựa dẫm vào bố mẹ các bạn.

Chẳng hạn, những người trẻ đắm đuối vào đua xe, ma túy, thuốc lắc, không thể gọi là những người năng động và không thể hy vọng  gì ở những con người này. Không phải các nhà văn không thâm nhập vào giới này, nhưng để hiểu thật thấu đáo về tâm tư, tình cảm, môi trường của các bạn, thì không ai hơn được các bạn, những người tự xưng là thế hệ @. Tôi nghĩ rằng, mỗi  thế hệ  phải có nhà văn của chính họ. Nếu bạn yêu văn chương thì đừng ngần ngại gì nữa, mà hãy cầm bút viết về chính thế hệ của mình!

Đã lâu rồi cháu mới có dịp đọc một cuốn tiểu thuyết hay như Xuyên Cẩm. Nhân vật cậu Bính không chỉ là người thông minh, nhân hậu mà còn rất đào hoa. Cháu muốn hỏi chú Kỳ Anh liệu đây có phải là nhân vật tâm đắc nhất của chú trong cuốn tiểu thuyết không? Và nhân vật có nét cá tính nào mà chú cho là quyết định cả cuộc đời sau này? (Dung, 22 tuổi, Hai Phong)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cảm ơn bạn về những nhận xét tốt đẹp đối với tiểu thuyết Xuyên Cẩm. Cậu Bính là một trong những nhân vật mà tôi tâm đắc nhất, đó là nhân vật chính xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Tôi không ngờ nhân vật cậu Bính lại được bạn đọc yêu mến như vậy. Mấy tháng gần đây, tôi hay nhận được những cú điện thoại của bạn đọc, cũng như những bức thư khắp nơi gửi về đều gọi tôi là "cậu Bính". Thế là bây giờ, ngoài cái tên khai sinh Dương Xuân Nam, tên bút danh Dương Kỳ Anh, tôi còn có thêm một cái tên là "cậu Bính". Tôi rất vui vì nhân vật của tôi đã bước ra khỏi trang sách và đã có đời sống riêng.

Thưa cô Thùy Mai, cháu rất ngưỡng mộ cô qua các trang viết, xin cảm ơn báo Tiền Phong đã tổ chức cuộc giao lưu thú vị này. cô Mai ơi, cô bước vào nghề vĂN như thế nào? Khó khăn ban đầu của cô là gì? Cô đã làm gì để vượt qua điều đó. Chúc cô hạnh phúc(Nguyễn Thúy Hạnh, 21 tuổi, trường viết văn nguyễn Du, Hà Nội)

Nhà Văn Trần Thùy  Mai: Cô bước vào nghề văn lúc khoảng bằng tuổi cháu, đó là năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất. Khó khăn đầu tiên của cô là trong một thời gian dài, có đến 10 năm cô vẫn chưa thể nghĩ ra một cách viết nào phù hợp với mình. Bởi vì nếu mình viết những gì không thực sự từ đáy lòng mình thì việc viết lách không đem tới cho mình hạnh phúc.

Tác phẩm đầu tay của cô là tập truyện ngắn Bài thơ về biển khơi xuất bản năm 1983.

Để vượt qua những khó khăn của nghề văn, thì chỉ có cách phải thực sự thâm nhập vào cuộc sống của mình và của những người xung quanh. Điều đó nói thì đơn giản những thực ra để làm được điều đó chỉ có mình mới có thể giúp mình mà thôi.

Sau một thời gian dài cô mới thật sự tìm thấy giọng nói của mình và cho đến nay tôn chỉ sáng tác của cô là viết thật trung thực và giản dị về những gì mình cảm nhận trong cuộc sống.

Với các nhà thơ, nhà văn nữ. Văn chương thường là bước đệm cho một sự nghiệp sau đó của họ - một sự nghiệp không giống như văn chương. Điều đó đúng không thưa hai nhà văn nữ? (Tran Duc, 27 tuổi, Phuong Mai-Ha Noi)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 10
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: "Văn chương với tôi là "nghiệp" mà sẽ theo tôi đến hết cuộc đời"

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Với người khác thì tôi không biết nhưng với tôi thì không. Tôi không học trường dạy viết văn. Văn chương với tôi là "nghiệp" mà sẽ theo tôi đến hết cuộc đời. Còn sự nghiệp, tôi làm việc ở truyền hình và tôi cũng rất yêu thích công việc đó. Cả hai đều là cuộc sống của tôi, không cái nào là bước đệm của cái nào!

Thưa các nhà văn, nhà thơ gạo cội : Tôi là một người đam mê văn học, song thú thực lâu lắm rồi tôi không đi mua sách nữa, bởi ít có tác phẩm hay. Các vị có thấy trăn trở về tình trạng kém cỏi của văn chương nước nhà ? Có vướng mắc gì không mà những áng văn chương trong thời buổi sôi động chuyển mình của đất nước như hiện nay, không có nổi những tác phẩm ra hồn ? Tôi thấy nó cứ "giả giả" thế nào ấy. Hay các vị không dám viết những điều mình trăn trở ? (Một trí thức Hà Thành)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Tôi tán thành với ý kiến của bạn rằng tình trạng bạn nói "giả giả" là có thật, không chỉ trong văn học, mà cả trong điện ảnh, sân khấu và thậm chí cả hội họa. Nhưng tôi thấy bạn nói rằng đã lâu không mua sách vì không có tác phẩm hay thì rất bất công cho các nhà văn. Bạn hãy cứ đọc, bên cạnh những tác phẩm dở, và giả như thế, vẫn có những tác phẩm đáng đọc.

Về việc dám hay không dám viết, thực ra  vẫn có những định kiến kìm hãm sự sáng tạo  tự do của nhà văn, nhưng những định kiến này càng ngày càng ít đi. Chúng ta phải tiếp tục dỡ  bỏ những định kiến cũ và định kiến mới. Nhưng để có tác phẩm hay, chủ yếu vẫn là tài năng của nhà văn và sự cổ vũ của bạn đọc.

Cô Thùy Mai Thân mến, xã hội đang rất nóng về vấn đề sống thử, làm giàu, ma túy, cô có định hướng tác phẩm của mình đến những vấn đề "hot" như vậy?(Nguyễn Phương Thảo, 19 tuổi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)

Nhà văn Trần Thùy Mai: Những vấn đề này là những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, là một người viết văn, tất nhiên là mình rất muốn phản ánh trong tác phẩm. Nhưng mình không định nhắc tới như là vấn đề thời sự, cái mình muốn nói đến là những dấu ấn lớn trong tâm hồn của con người.

Vì vậy mình không định viết những truyện ngắn có đề tài chuyên về sống thử hay là ma túy nhưng những hiện tượng xã hội này sẽ tự nhiên in bóng trong những câu chuyện về giới trẻ mà mình đã viết trong thời gian vừa qua: Ví dụ như: Các truyện ngắn Người bán linh hồn (Tập truyện ngắn Thập tự hoa), Mắt nhân sư (trong tập truyện Mưa đời sau, sắp xuất bản), ...đó là những tác phẩm mình đã viết về tâm trạng và những số phận của những người trẻ trước những hiện tượng xã hội hiện nay. 

Là một nhà thơ, việc chuyển sang viết tiểu thuyết và và viết được thành công như trong Xuyên Cẩm, ông có bí quyết gì không? (Mai Văn Hưng, 31 tuổi, Nghệ An)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 11

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi chẳng có bí quyết gì ngoài việc phải thành thật với bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải đối diện với chính bản thân ta, với chính những điều mà ta sống, ta nghĩ, ta yêu, ta mong đợi. Khi anh viết ra những điều cho chính bản thân anh, thì cũng chính là anh đã viết ra những điều cho hàng triệu người. Bởi vì hàng triệu người cũng đã và đang sống như anh.

Thưa các vị, tại sao lại chỉ bàn về tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ? Các vị có biết giới trẻ bây giờ cần đọc gì không mà bàn ? Theo tôi nhiều vị nhà văn nhà thơ cây đa cây đề bây giờ dường như không update được về đời sống của giới trẻ hôm nay, làm sao mà viết cho họ đọc được ? Quan điểm của các vị lỗi thời rồi, hãy để cho các cây viết trẻ được phát huy tài năng của họ, liệu trong Hội nhà văn bây giờ có bao nhiêu người trẻ ? Hãy đổi mới Hội nhà văn của các vị đi, mũ cao áo dài quá không hợp đâu. Hãy làm thế nào để tập hợp được các nhà văn trẻ vào Hội, khắc có tác phẩm hay cho giới trẻ. Xin ý kiến chỉ giáo của các vị. (Phan Thư, Hà Nội)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 12
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn:"HNV không thể tạo ra những tài năng trẻ được, mà chính những tài năng trẻ phải tỏa sáng"

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Bạn nói thế là bạn quá đề cao  HNV. HNV đúng là mấy chục năm nay đã đoàn kết, tập hợp được các nhà văn có tài, khuyến khích động viên họ trên con đường sáng tạo. Nhưng HNV không thể tạo ra những tài năng trẻ được, mà chính những tài năng trẻ phải tỏa sáng, thì HNV mới kết nạp, mới hỗ trợ họ. Không nên phân biệt đối xử với người mới cầm bút, cũng như không nên phân biệt đối xử với các nhà văn già. Theo tôi, không chỉ các bạn trẻ sốt ruột với việc đổi mới HNV, mà chính các nhà văn trong Hội cũng rất muốn Hội mình thay đổi theo xu hướng ngày càng trẻ hơn. Trước hết là một Ban chấp hành trẻ hơn hiện nay với các thành viên tuổi 40- 50 là chính.

Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, tại sao "Chân dung và đối thoại" quyển II của ông đến giờ vẫn chưa xuất bản được? Cách đây khá lâu ông có nói sắp hoàn thành một tiểu thuyết. Chúng tôi chờ mãi mà đến giờ vẫn chưa thấy ra. Xin hỏi liệu bao giờ thì tiểu thuyết đó có thể ra được? Và khó khăn nằm ở khâu nào?(Nguyễn Trường Thành, 31 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cả hai tập sách này tôi đang hoàn chỉnh để có thể cho ra mắt bạn đọc. Tôi không ra tập II Chân dung và Đối thoại mà gộp tất cả lại thành một cuốn sách. Bản thảo này tôi cũng đã đưa cho nhà văn Cao Giang, và anh Cao Giang cũng đang biên tập. Hiện nay tôi còn bổ sung thêm một số bài viết mới để cuốn sách nói được điều mà tôi muốn nói.

Thưa cô Thu Huệ, truyện ngắn của cô làm cháu sợ sợ thế nào. Cuộc đời bây giờ "ác" vậy, nhất là đàn ông? Phải không cô?(Bùi Thị Nhung, 18 tuổi, Bình dương)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Mỗi người đều có một cách tiếp cận và nói về cuộc sống khác nhau. Đôi khi trong truyện ngắn của tôi cái "ác" với những nhân vật xấu được tung ra làm người đọc ám ảnh giống như bạn thấy "sờ sợ" đấy là vì tôi muốn mọi người cũng như tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy điều ác mà tránh xa và loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống này.

Thưa ông Dương Kỳ Anh, có người nói rằng, nếu không từng trải qua những tháng ngày tuổi thơ đầy vất vả, chắc gì cuốn tiểu thuyết của ông đã phản ánh được chân thực và gây được tiếng vang như hiện nay? Ông nghĩ sao về nhận xét này?(Trần Linh, 26 tuổi, Vinh)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng như thế đấy. Tôi cảm ơn gia đình và quê hương tôi đã cho tôi một tuổi thơ gian khó nhưng cũng đầy những ấn tượng tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng, nhà văn trước hết phải sống hết mình, sau đó phải viết hết mình. Như thế, mới hy vọng có tác phẩm hay.

Tôi biết báo Tiền Phong rất quan tâm đến tác phẩm hay cho giới trẻ trong đó cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh rất có tiếng. Tại sao báo không tổ chức những cuộc thi sáng tác như thế nữa? (Phuong Thanh, 28 tuổi, 23 Nguuyen Khoai-HN)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Cảm ơn bạn đã theo dõi báo Tiền phong rất sát sao. Sau 10 năm tổ chức cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh và đã phát hiện ra nhiều cây viết mới và trẻ, Tiền phong đã chuyển sang các hình thức thu hút  bài vở khác vì sợ rằng chuyên mục để quá lâu sẽ trở nên quá nhàm chán với bạn đọc. Tiếp nhận ý kiến của bạn, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có những cuộc thi  khác hy vọng cũng hấp dẫn không kém Tác phẩm tuổi xanh.Mong bạn gửi bài cho cuộc thi đó.

Cháu rất cảm phục cô, và trong mỗi tác phẩm của cô, cô có chủ định thổi nét văn hóa Huế vào đó? Cô có nghĩ rằng việc xây dựng khách sạn trên đồi Vọng cảnh là một dự án hợp lý?(Nguyễn Trang, 22 tuổi, Huế)

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi lớn lên và sống ở Huế, Huế đối với tôi là một vùng đất rất gắn bó, mảnh đất này đã cho tôi rất nhiều chất liệu để viết vì vậy tôi nghĩ trong những chuyện của tôi dù viết về nơi đâu cũng có rất nhiều những nét văn hóa của vùng đất này.

Vừa qua ở Huế đã có cuộc tranh luận rất sôi nổi về việc xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, là một người Huế, tôi sẽ rất đau buồn nếu dự án này lại được thực hiện bất chấp sự phản đối của những người tâm huyết với Huế. Tôi thấy đây là một biểu hiện về hiện tượng về xa rời quần chúng của những người có thẩm quyền ở địa phương.

Xin hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa:  Tác phẩm hay không nhiều khi tùy vào cảm nhận của từng nhà thơ. Có nhà thơ cho rằng: tác phẩm khi đọc lên người đọc càng không hiểu gì thì càng hay. Họ cho đó là siêu thi, có nhà thơ thì cho rằng những tác phẩm chân thật giản dị mới là hay. Vậy anh đánh giá tác phẩm hay là tác phẩm như thế nào ?(Nguyễn Thị Hồng Hà, 1979 tuổi, Trường Viết Văn Nguyễn Du)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 13
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mỗi người viết có một quan niệm riêng và cách viết riêng. Ai quan niệm thế nào thì sẽ viết như thế. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Những bài thơ đông tây kim cổ còn lại đến bây giờ đều là loại thơ như thế. Điều này tôi cũng đã nói trong cuốn "Chân dung và Đối thoại" rồi.

Gửi Nhà thơ Dương Kỳ Anh:  Người viết trẻ thường thích cái Già (già dặn) trong tác phẩm của mình. Còn người viết già lại mong có được cái Trẻ trong lối viết. Điều đó đáng khuyến khích phải không? Nhưng nếu người viết trẻ bắt chước... Viết Già như người già, người viết già lại cố Viết Trẻ y như... trẻ, thì Nhà thơ thấy thế nào? (Nguyễn Lang Thang, 29 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không có gì quý hơn là tuổi trẻ. Chỉ có những người đã đi qua thời trẻ mới hiểu hết điều đó. Người già thích trẻ lại, người trẻ thích mình già dặn hơn, đó là quy luật của muôn đời. Nhưng người già bắt chước viết như người trẻ, người trẻ lại bắt chước viết như người già thì không nên. Điều quan trọng là phải biết nuôi dưỡng tâm hồn mình để luôn luôn tươi trẻ.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong buổi giao lưu hôm qua trên TTO có nhận xét, đại ý là những cuộc bút chiến văn đàn hiện nay hầu hết sa đà vào chủ nghĩa cá nhân, đả kích lẫn nhau... Tôi thấy đúng quá ! Dường như Văn đàn của các vị không vượt tầm lên được kiểu như chủ đề "để có tác phẩm hay cho giới trẻ" hôm nay. Theo tôi, đã là nhà văn, nhà thơ này nọ cần nhất là cái tầm và cái tâm cho thời cuộc. Các vị có ý kiến gì về vấn đề này ? (một công dân, 40 tuổi, Hải Phòng)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Không phải văn đàn của các vị, mà là văn đàn của tất cả chúng ta: người viết và người đọc. Việc có lời qua tiếng lại trong các cuộc tranh luận, trước hết phải thấy đó là hiện tượng lành mạnh và tiến bộ.  Ông Vương Trí Nhàn và bạn chẳng lẽ lại muốn có những cuộc họp mà chỉ có một người nói và tất cả đều nhất trí hay sao? Tất nhiên, tôi cũng thừa nhận có những ý kiến quá khích, bè phái và sa vào đả kích cá nhân. Chính dư luận không đồng tình của bạn đọc sẽ góp phần điều chỉnh những biểu hiện không lành mạnh ấy mà vẫn giữ được tinh thần tự do tranh luận phù hợp với xã hội hiện đại.

Tôi xin hỏi nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị đã rất thành công khi tìm hướng đi mới cho mình, tác phẩm của chị đã được độc giả đón nhận rất nhiệt tình. Nếu một ngày nào đó thế hệ độc giả quay lưng với tác phẩm của chị, đánh giá lại tác phẩm của chị. Sự đổi mới tư duy của độc giả theo hướng này khiến chị có suy nghĩ gì? Chị có dễ dàng tiếp nhận điều đó không?(Nguyễn Thị Hồng Hà, 1979 tuổi, Trường Viết văn Nguyễn Du)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi viết do nhu cầu tự thân. Cuộc sống với những số phận con người hàng ngày đi qua mắt tôi thôi thúc tôi phải viết. Chưa bao giờ tôi nghĩ là tôi viết để được "này nọ". Cho nên, khi được đón nhận, tôi thấy vui. Nếu một lúc nào đó có sự đánh giá lại từ phía độc giả, tôi cũng không buồn. Vì những tác phẩm luôn được mọi người quan tâm. Trên thực tế thì việc đánh giá nhiều chiều đối với một tác phẩm văn học đã và luôn luôn xảy ra với nhiều nhà văn.

Tôi và một số bạn bè đã đọc tiểu thuyết Xuyên Cẩm. Chúng tôi đều có một nhận xét chung là cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn, nhưng phần cuối có hơi đuối. Nếu tái bản, liệu ông có kế hoạch chỉnh sửa lại phần cuối đó như thế nào không? (Trần Thị Linh, 29 tuổi, Bắc Ninh)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Sắp tới, Xuyên Cẩm sẽ được tái bản nhưng lần này tôi chưa có thời gian để chỉnh sửa. Có lẽ phải đến lần tái bản thứ ba, thứ tư gì đó tôi mới có điều kiện chỉnh sửa. Cảm ơn bạn đã góp ý cho tôi và tôi cũng nhận thấy như vậy.

Nếu nhận xét về Xuyên Cẩm như một người ngoài cuộc chứ không phải dưới danh nghĩa là tác giả, ông sẽ có những đánh giá như thế nào?(Dương Thanh Hương, 29 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Quả là một câu hỏi khó. Người ta nói "Văn mình, vợ người". Nếu tôi tự đánh giá thì tất nhiên tôi cho "Xuyên Cẩm" là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, có ích, nó sẽ có đời sống lâu dài.

Chắc chắn sau khi tiểu thuyết Xuyên Cẩm đến với bạn đọc, đã có rất nhiều ý kiến phản hồi khác nhau được gửi tới ông. Những nhận xét, đánh giá nào mà ông cho là đúng và để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất? (Trang Ngọc Linh, 22 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là có rất nhiều ý kiến gửi về. Thậm chí, có người còn điện thoại để được gặp cậu Bính. Các nhận xét đánh giá đối với tôi đều rất quý giá, đều thành tâm và đều để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng tốt đẹp.

Xin hỏi bác Dương Kỳ Anh, người ta nói rằng thời này phải rạch ròi giữa văn học và báo chí. Bác nghĩ sao về điều này. Bản thân là một nhà thơ, nhà văn, lại là tổng biên tập một tờ báo lớn. bác có nghĩ rằng chính mình đã làm cho tờ báo Tiền phong đi theo hướng văn nghệ mà không cạnh tranh với tuổi trẻ, thanh niên về tính thời sự (Hoàng anh, 22 tuổi, SV Phân viện báo chí TT, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có lẽ thời nào cũng vậy thôi, văn chương với báo chí là hai lĩnh vực khác nhau và theo nghĩa nào đó là phải rạch ròi. Tuy nhiên, giữa văn học và báo chí cũng có những mối liên hệ, tương tác lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau. Điều quan trọng là đừng có viết văn thành báo, viết báo thành văn.

Tôi đã đọc vài tác phẩm của chị qua internet, là một người viết khá hiện đại, chị có suy nghĩ gì khi đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp? Chị có thích phong cách của ông ấy? Nhà văn mà chị cảm phục nhất ở VIệt nam hiện nay có ai không?(Phạm Văn Bé, 21 tuổi, quận Cam, Mỹ)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi thích đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp ( những tác phẩm trước đây. Thời gian gần đây không thích bằng.)

Nhà văn mà tôi thích hiện nay: Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần.

Xin hỏi chị, Thùy Mai, chị có thể bày tỏ những suy nghĩ thẳng thắn của mình về văn học trẻ hiện nay? Theo chị, những cái tên như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư còn đọng được bao lâu trong lòng độc giả. Theo chị thì cái yếu nhất của những cây bút trẻ là gì?(hoàng anh, 21 tuổi, hà nội)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 14
Nhà văn Trần Thùy Mai

Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi không muốn dùng từ văn học trẻ mà muốn nói về những người trẻ viết văn. Trước hết đó là những bạn văn của tôi, bởi vì trong văn chương không phân biệt tuổi tác, không phải ai viết trước là giỏi hơn người viết sau. Đó là một tình bạn bình đẳng. Tôi đã đọc và biên tập nhiều tác phẩm của các bạn viết trẻ, tôi thấy điều đáng quý nhất của họ là khát vọng muốn tìm một giọng nói riêng của một thế hệ mới. Chỉ riêng khát vọng đó đã là điều rất đáng trân trọng, họ đáng được động viên, khuyến khích.

Tuy nhiên cũng cần phải nhận thấy là chỉ riêng khát vọng thì không đủ để làm nên những tác phẩm hay, nhiều tác giả trẻ hiện nay đang biểu hiện là những cây bút đầy triển vọng nhưng nếu trong mười năm nữa mà triển vọng chỉ là triển vọng thì điều đó có nghĩa là một thế hệ văn chương không thành công.

Trước hết, với tư cách là người đọc, tôi mong rằng sẽ đón nhận được sự thành công của thế hệ nhà văn trẻ.

Chú Trần Đăng Khoa ơi, đến bây giờ, chú vẫn là "thần đồng" đối với chúng cháu. Những khi một mình, cháu hay hát lẩm nhẩm: "hạt gạo làng ta..." Cháu rất thích đọc những bài viết bây giờ của chú. Hình như đằng sau sự hóm hỉnh, hài hước là một nỗi buồn, một sự từng trải, uyên bác, vẫn mang dáng dấp của một "thần đồng" thuở trước. Có phải đấy chính là văn chương không chú?(Phạm Khắc Chương Vũ, 24 tuổi, TP. HCM)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chú rất cám ơn cháu đã quan tâm đến những bài viết của chú. Thần đồng chỉ là danh hiệu mà người lớn dành cho trẻ con. Chú bây giờ đã là một ông lão rồi. Chú cũng chẳng biết mình là người hóm hỉnh hay hài hước. Hình như cái giọng bẩm sinh của chú nó thế. Chú chỉ nói đúng bằng giọng điệu của mình. Quả là trong đời, có những người hay cười vì họ không thể khóc được. Cháu còn ít tuổi nhưng chú thấy cháu cũng từng trải đấy. Chúc cháu luôn may mắn.

Các nhà thơ nhà văn có cảm thấy giới trẻ thích những câu chuyện tình yêu ăn nhanh hơi sexy một chút hơn là tiểu thuyết lãng mạn?(Tú, 25 tuổi, Hải Phòng)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Bạn nhận xét khá đúng. Hiện nay có xu hướng báo chí và các phương tiện thông tin nói chung rất phong phú, lấn át văn học. Số người đọc sách văn học thuần túy có xu hướng thu hẹp lại. Giới trẻ thích kiểu quan hệ bốc lửa và họ cũng thích đọc thể loại gần với quan niệm sống của họ.  Tuy nhiên, cuộc sống  có cơ chế điều chỉnh của nó và cũng như ở các nước Âu Mỹ bây giờ lại quay về với tình cảm lãng mạn. Thị hiếu đọc cũng có sự điều chỉnh. Bạn nên nhớ rằng, Truyện Kiều luôn là cuốn sách giữ kỷ lục được in lại nhiều nhất.

Gửi nhà thơ Trần Đăng Khoa. Riêng trong địa hạt thơ, có những cuốn sách được giải cao của trung ương, nhiều cơ quan báo chí tung hô tác phẩm đó. Nhưng độc giả thì không thể chịu được chất lượng cuốn sách vì nó giống như những trang nhật ký viết bằng văn vần. Có người đặt câu hỏi: Không hiểu sao tác phẩm này lại được giải ? Nếu theo tiêu chí giải thưởng trên mà suy thì chức năng của thơ ở ta hiện nay chỉ cần thế thôi sao?(Thái Hòa, 30 tuổi, Đại Học Văn Hóa)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Điều bạn nghĩ, chắc nhiều người cũng nghĩ như thế. Bản thân tôi, ở một số những cuốn sách được giải, tôi cũng thấy như vậy. Nhưng văn chương xem ra khó lắm. Cũng như người ta thưởng thức món ăn. Có món tôi và bạn đều ngán, nhưng người khác lại thấy thích. Khổ thế!

Thưa cô Thuỳ Mai, cô có thể nói cho cháu biết cô đến với văn chương từ khi nào ? Khi đến với văn chương gia đình của cô có ủng hộ cô không ?(Cao Thị Vân Anh, 21 tuổi, Trường Đại Học Văn Hóa Nguyễn Du)

Nhà văn Trần Thùy Mai: Gia đình tôi đã giúp tôi rất nhiều trong việc viết văn, nếu không có sự giúp đỡ của chị và mẹ tôi chắc tôi không thể nào yên tâm cầm bút được. Thời  tôi mới bắt đầu viết văn, có những lúc đi trại sáng tác hai tháng liền, trong lúc con gái tôi còn nhỏ. Lúc đó chồng tôi đã rất thiện chí giữ con cho tôi có thể yên tâm viết lách. Những điều đó tôi sẽ không bao giờ quên mặc dầu cuộc sống của tôi hiện nay đã khác đi nhiều. hiện nay con gái tôi đã lớn, cháu đã là một SV ĐH, cháu vẫn thường xuyên mua báo để xem có truyện của tôi không, và khi có tác phẩm mới, bao giờ cháu cũng là người đọc rất nhiệt tình.

Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, nếu là chủ tịch Hội nhà văn, điều đầu tiên chị sẽ làm là gì(Trần Chung Thủy, 28 tuổi tuổi, pa-ri)

Nhà văn Trần Thùy Mai: Nếu tôi là chủ tịch Hội nhà văn, điều đầu tiên tôi làm là nỗ lực hết sức để Đại hội khóa 7 có mặt đầy đủ các hội viên. Hiện nay, đại hội chỉ có mặt một số đại biểu, anh em nhà văn có người đi được, có người không đi được. Đó là một điều làm cho tôi rất buồn.

Xin hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thời đại báo chí, in ấn, xuất bản, hội hè... ngày nay có tồn tại một nền "văn học dân gian" như ngày xưa không? Nếu có thì diện mạo của "nó" như thế nào? Tại sao HNV không có một "ban, bệ" nào về "nó"? Tại sao hầu như không có một nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo... nào đề cập đến "nó"?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thời nào cũng có văn học dân gian. Đấy là thứ văn học tồn tại theo kiểu truyền miệng. Bây giờ với tư duy hiện đại, chúng ta gọi là "chuyện vỉa hè". Và đã là "chuyện vỉa hè" thì ta cũng nên để nó ở vỉa hè thôi.

Các nhà thơ nhà văn có cảm thấy giới trẻ thích những câu chuyện tình yêu ăn nhanh hơi sexy một chút hơn là tiểu thuyết lãng mạn?(Tú, 25 tuổi, Hải Phòng)

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 15

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Bạn đọc bây giờ bị phân hoá rất nhiều. Có rất nhiều "món ăn" cho giới trẻ chọn lựa như: phim ảnh (trên truyền hình, rạp chiếu phim, băng đĩa hình ...) Trong khi đó thì thời gian dành cho văn hoá đọc ít đi và những câu chuyện tình yêu ăn nhanh hơi sexy một chút đúng là phù hợp với một bộ phận giới trẻ. Lúc này, họ không coi những câu chuyện đó là môộ tác phẩm văn học gối đầu giường, có thể đọc đi đọc lại mà chỉ dừng ở mức độ đọc để thư giãn trong phút chốc. Tôi nghĩ, lúc nào, bao giờ trong thời hiện đại cũng cần có những chuyện tình yêu ăn nhanh để thoả mãn nhu cầu của những người đọc đó.

Thưa cô Thu Huệ. Có người bảo văn của cô chịu ảnh hưởng văn Nguyên Huy Thiệp. Tại sao lại thế hả cô?(Bùi Thị Nhung, 18 tuổi, Bình dương)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Bạn hãy đọc truyện của tôi và của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để trả lời thay tôi nhé. (Cười!)

Em muốn hỏi chị Huệ một câu, trong thời gian tới chị sẽ cho ra nhiều tác phẩm nữa không? Em muốn biết tên một vài tập truyện chị đã sáng tác?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Thời gian tới  tôi sẽ xuất bản cuốn tiểu thuyết là: Dệt cỏ ngang trời và một tập truyện ngắn có tên: Rồi cũng tới nơi thôi!

Tên một số tập truyện của tôi là:

Cát đợi ( Tập truyện ngắn)

Hậu thiên đường ( Tập truyện ngắn)

Phù thuỷ ( Tập truyện ngắn)

21 truyện ngắn NTTH (Tập truyện)

Nào, ta cùng lãng quên (Tập truyện)

37 Truyện ngắn NTTH

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 16
Các vị khách đang trả lời trực tuyến tại trụ sở báo Tiền Phong

Kết thúc cuộc giao lưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói: Cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi sẽ trích một số ý kiến trong cuộc giao lưu này để đăng trên báo Tiền phong Chủ nhật, số ra ngày mai. Xin chân thành cảm ơn các nhà thơ, nhà văn và đông đảo bạn đọc đã tham gia, theo dõi cuộc giao lưu này.

Một lần nữa, TPO xin lỗi bạn đọc vì sự vắng mặt của nhà thơ Hữu Thỉnh do công việc đột xuất. Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi của bạn đọc tới nhà thơ Hữu Thỉnh để trả lời trực tiếp cho bạn đọc.

Vì thời gian có hạn, chúng tôi xin tạm dừng buổi bàn tròn trực tuyến này tại đây. Xin cảm ơn bạn đọc trong và ngoài nước đã nhiệt tình tham gia diễn đàn văn chương thú vị này của TPO. Hẹn gặp lại bạn đọc vào các buổi giao lưu trực tuyến lần sau.

 Đôi dòng về các vị khách mời

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 17

Nhà thơ Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh): Sinh ngày 15/2/1942 tại Vĩnh Phúc, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Đã trải qua một tuổi thơ không dễ dàng: đi ở, đi phu..., chỉ sau khi hoà bình lập lại trên miền Bắc (1954) mới được đi học.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông (1963) , thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở thành lính xe tăng, nhiều năm chiến đấu tại các chiến trường Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 1975, học khoá I Đại học Viết văn Nguyễn Du rồi làm biên tập viên, Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.Từ 1990 là TBT báo Văn nghệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khoá 3 (Ủy viên thư ký),4, Phó Tổng Thư ký khoá 5, Tổng Thư ký khoá 6, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, Đại biểu Quốc hội.

Tác giả các tập thơ: Âm vang chiến hào (in chung), Đường tới thành phố (trường ca), Thư mùa đông, Trường ca biển, Thơ Hữu Thỉnh (tuyển tập)... Từng được Giải nhất báo Văn nghệ (1976), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1980, 1995), Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng văn học ASEAN... Hữu Thỉnh có mặt trong nhiều tuyển thơ Việt Nam và trong sách giáo khoa văn học các cấp...

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 18
Nhà văn Ma Văn Kháng: Tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1/12/1936 , hiện sống và viết tại Hà Nội. Tham gia thiếu sinh quân, từng học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, lên dạy học tại vùng cao Lào Cai, từng là hiệu trưởng phổ thông trung học, thư kí cho Bí thư Tỉnh ủy, Phó Tổng biên tập báo tỉnh...

Từ 1976, về  Hà Nội làm phó Giám đốc, Tổng biên tập  nhà xuất bản Lao Động. Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá 5, khoá 6, Tổng Biên tập tạp chí Văn học nước ngoài. Tác giả của hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng từng đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Mùa lá rụng trong vườn- tiểu thuyết, 1985), Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng văn học ASEAN (Trăng soi sân nhỏ- tập truyện ngắn, 1994).

Ma Văn Kháng đặc biệt thành công ở những truyện ngắn và tiểu thuyết về miền núi và cuộc sống đương đại. Ông là một trong những nhà văn sung sức nhất hiện nay, luôn luôn được các cơ sở xuất bản và bạn đọc chào đón.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 19
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sinh  ngày 26/4/1958 tại Hải Dương, hiện sống tại Hà Nội. Nổi tiếng “thần đồng” thơ từ khi mới 7,8 tuổi, 10 tuổi đã có tập thơ “Từ góc sân nhà em” (1968), rồi “Góc sân và khoảng trời” (1968, tái bản khoảng 30 lần), “Khúc hát người anh hùng” (trường ca, 1974), “Bên cửa sổ máy bay” (1986).

Đến tuổi trưởng thành, Trần Đăng Khoa tham gia quân đội rồi về học trường viết văn Nguyễn Du, , đựoc cử sang học tại Học viện văn học thế giới Gorki (Liên Xô trước đây) rồi làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tập sách phê bình văn học “Chân dung & Đối thoại” (1999) trở thành một sự kiện trên văn đàn, gây nên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và được tái bản nhiều lần, là bước ngoặt trong đời cầm bút của Trần Đăng Khoa.

Từ tháng 6/2004, Thượng tá- nhà thơ Trần Đăng Khoa chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách Ban Văn nghệ. Từng 3 lần được tặng thưởng thơ báo Thiếu niên Tiền phong (1968, 1969, 1971), Giải Nhất báo Văn nghệ (1982), Giải thưởng Nhà nước (2000). Thơ tuổi thơ của Trần Đăng Khoa được dịch ra nhiều thứ tiếng từ rất sớm. “Thần đồng” Trần Đăng Khoa là một hiện tượng văn học độc đáo và không dễ lặp lại.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 20
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Sinh ngày 12/8/1966 tại Hà Nội, hiện công tác tại Trung tâm sản xuất phim thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Là con gái nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, có khuynh hướng văn chương từ nhỏ, đã tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

Từ những truyện ngắn đầu tay in trên báo đầu thập niên 90, Nguyễn Thị Thu Huệ đã được bạn đọc chú ý, được rất nhiều giải thưởng các cuộc thi văn chương rồi Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (tập truyện ngắn “Hậu thiên đường”, 1994). Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996. Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong những cây bút truyện ngắn nữ sung sức, có giọng điệu riêng, đông bạn đọc. Chị cũng là tác giả kịch bản của nhiều phim truyền hình hấp dẫn.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 21
Nhà văn Trần Thuỳ Mai: Sinh ngày 9/8/1954 tại Hội An, Quảng Nam, hiện sống ở thành phố Huế. Sinh trong một gia đình viên chức, mẹ làm y tá, cha mất sớm. Tốt nghiệp Sư phạm, sau ngày giải phóng miền Nam 1975, Thuỳ Mai giảng dạy tại Đại học Sư phạm Huế  rồi chuyển sang làm biên tập viên nhà xuất bản Thuận Hoá cho đến nay. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Đã xuất bản: Bài thơ về biển khơi ( 1983), Cỏ hát ( 1984), Thị trấn hoa quỳ vàng ( 1994), Quỷ trong trăng ( 2001, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2002), Thập tự hoa ( 2003)... Trần Thuỳ Mai nổi lên như là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất hiện nay. Chị “ đã viết được những truyện tình của ngày hôm nay, sâu sắc, từng trải, kĩ lưỡng nhưng vẫn giữ được phần tươi tắn, những cảm xúc tinh tế, trẻ trung trong tình yêu”.

Văn Thùy Mai là văn của một người từng đứng trên bục giảng, quy củ, chuẩn mực nhưng không thiếu phần bay bổng, phóng khoáng. Những truyện ngắn của chị in trên các số Tết Tiền phong mấy năm gần đây rất được bạn đọc trẻ tán thưởng.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 22
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tên thật là Dương Xuân Nam, sinh ngày 9/11/1948 tại Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội.  Từng có một tuổi thơ vất vả, nhờ hiếu học đã trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, năm 1972 vào bộ đội tên lửa. Sau chiến tranh chuyển sang nghề làm báo, từ năm 1987 là Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Ủy viên thường vụ Đảng ủy khối dân vận Trung ương, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Là một nhà báo nổi tiếng, năng động, một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, Dương Kỳ Anh còn là một nhà thơ có nhiều tập thơ được chú ý: Và anh đợi (1991), Đi qua thời gian (1992), Miền ký ức (2002), Thơ với tuổi thơ (2005)...Ông cũng là tác giả một số tập truyện ngắn, gần đây nhất là tiểu thuyết Xuyên Cẩm ( 2004) được nhiều tờ báo lớn giới thiệu và đánh giá cao.

Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ảnh 23
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn: Sinh ngày 5/2/1949 tại Sóc Sơn, Hà Nội, hiện đương làm việc tại báo Tiền Phong Chủ nhật. Bố là sĩ quan QĐND Việt Nam, mẹ là nông dân. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân (1970), làm việc tại ngành xây dựng tỉnh Hoà Bình. Từ năm  1976 đến nay là phóng viên báo Tiền Phong. Năm 1973 in bài thơ đầu tiên trên báo, 20 năm sau (1993) trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác giả của nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi được chú ý: Sự tích rước đèn Trung thu (1989, 1997, 2002, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam 1990), Dắt mùa thu vào phố (1992, 1996, 2003, Giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1993), Bài hát trăng tròn (1996, 2003), Bức tranh của bé Hằng (2001), Ông khách giao thừa (tuyển truyện thơ, 2002)...

Mấy năm gần đây, Nguyễn Hoàng Sơn tham gia nhiều vào đời sống văn học với các tập phê bình tiểu luận có tiếng vang : Tranh luận văn học ( 2000, Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2001), Văn đàn- Thời sự & Bình luận (2003, Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam)...

MỚI - NÓNG