Đẻ mướn: Thu 11 tỷ đồng, vẫn không vui!

Đẻ mướn: Thu 11 tỷ đồng, vẫn không vui!
TP - Bộ phim “Đẻ mướn” của hãng Phước Sang dẫn đầu về doanh thu dịp Tết vừa qua với mức thu trên 11 tỷ đồng. Nhưng gặp chúng tôi, ông bầu Phước Sang vẫn tỏ vẻ không vui.

Phước Sang cho biết: Đúng là doanh số của phim đạt trên 11 tỷ đồng. Nhưng không có nghĩa toàn bộ số tiền đó đều vào tay chúng tôi.

Bởi theo phương thức ăn chia với các chủ rạp, chúng tôi đã phải chi tới hơn 5 tỷ đồng, rồi chi phí cho công tác quản lý, quảng cáo cũng mất hơn 1 tỷ đồng.

Vì thế, chúng tôi chỉ lãi được khoảng 1,5 tỷ đồng. Đầu tư ban đầu 3,5 tỷ đồng và vất vả hơn năm trời mà chỉ thu lời được có vậy thì không phải là cao. Đấy là chưa kể đến những rủi ro trong quá trình làm phim.

Ông có thể nói cụ thể về những rủi ro không?

Nhiều lắm! Như kịch bản chẳng hạn. Để có được kịch bản ưng ý, chúng tôi đã phải sửa lên sửa xuống không biết bao nhiêu lần. Rồi rủi ro trong quá trình quay chẳng hạn, chúng ta chưa có phim trường nên dựng cảnh quay phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Có lần chúng tôi dựng xong cảnh quay, đột nhiên trời mưa thế là bao công dựng trở thành công cốc hết. Rồi sự cố về diễn viên, sự cố về kỹ thuật cũng thường xuyên xảy ra. Có khi mất bao công sức cho một cảnh quay, về xem lại thì thấy phim đen kịt, thế là lại phải làm lại từ đầu.

Hoàn tất phim lại lo Hội đồng duyệt phim có cắt cảnh nào không, có tạo thuận lợi cho phim chiếu đúng thời điểm dự tính hay không? Rồi lại chạy tới chạy lui lo cho được chỗ chiếu, thời điểm chiếu đẹp.

Khi phim đã chiếu ở rạp lại ngay ngáy lo chuyện bị quay lén. Vừa rồi, chúng tôi có 45 bản phim mà phải cử tới 50 người theo dõi, kiểm tra kỹ trong suốt từng buổi chiếu xem có khách nào vào xem để quay lén không.

Chỉ cần 1 bản quay lén thì vài ngày sau trên thị trường sẽ nhan nhản đĩa phim lậu với giá chỉ 7 - 8 ngàn bạc, gặp chuyện đó thì phim ế là cái chắc.

Chính vì thế nên tôi nói làm phim rủi ro rất cao, chỉ những người thực sự có tâm huyết mới dám làm phim, chứ còn vì lợi nhuận thì không ai dám làm phim cả.

Ngoài những rủi ro kể trên, theo ông còn những khó khăn nào mà người làm phim thường gặp?

Tôi thấy có khá nhiều khó khăn. Như sự cạnh tranh của phim nội với phim ngoại chẳng hạn. Một bộ phim mua từ nước ngoài về giá chỉ từ 10 - 50 ngàn USD, về kỹ xảo và chất lượng hình ảnh hơn phim nội là cái chắc, còn nội dung phim thì nhiều phim ngoại hay hơn hẳn phim Việt Nam.

So với một bộ phim nội giá sản xuất lên tới vài trăm ngàn USD thì rõ ràng phim ngoại đã thắng ngay từ đầu. Rồi sự cạnh tranh từ truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số ngày càng mạnh. Vì thế người làm phim đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Ông đánh giá Việt Nam đã thực sự có thị trường điện ảnh hay chưa?

Có, nhưng còn rất yếu. Tôi nói cụ thể như thế này, hiện nay những phim Việt Nam sản xuất có lãi thì chỉ do tập trung phát hành vào ngày Tết, còn nếu không thì chỉ từ lỗ tới lỗ nặng. Khách kéo tới rạp chủ yếu xem để giải trí, vì tò mò. Còn khách đến rạp vì sức hút nghệ thuật của phim chưa có bao nhiêu.

Nguyên nhân chính là vì chúng ta vẫn coi phim điện ảnh như là phim truyền hình nên đã có một thời, các rạp đều đầu tư vào đầu máy video mà quên đi máy chiếu phim.

Chúng tôi cũng đã từng tính sẽ mở rộng thị trường phim về các tỉnh, nhưng khảo sát các rạp thì đa phần cũ kỹ, máy chiếu không có mà chỉ toàn đầu máy video, vậy sao có thể đưa phim về được.

Ông vẫn tin tưởng sẽ có một “ngày mai tươi sáng” với những nhà làm phim chứ?

Tin chứ! Chính vì thế mà dù đang rất khó khăn, nhưng vẫn có nhiều hãng phim tư nhân được thành lập, những người có tâm huyết vẫn không quay lưng lại với điện ảnh nước nhà. Tôi nghĩ đó chính là cơ sở để điện ảnh phát triển, khẳng định vị thế không chỉ trong khu vực mà còn vươn lên ngang tầm thế giới.

Xin cảm ơn!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.