Để trẻ có bản lĩnh văn hóa dân tộc

Một tiết mục Sân khấu học đường ở Nhà hát Lớn. Ảnh: Lương Anh
Một tiết mục Sân khấu học đường ở Nhà hát Lớn. Ảnh: Lương Anh
TP - Khán giả chứng kiến đêm diễn 11-8 ở Nhà hát Lớn hẳn ngạc nhiên khi thấy học sinh diễn tuồng, hát chèo, cải lương như diễn viên các đoàn nghệ thuật.

> Sân khấu học đường đi hết 10 năm

Một tiết mục Sân khấu học đường ở Nhà hát Lớn. Ảnh: Lương Anh
Một tiết mục Sân khấu học đường ở Nhà hát Lớn. Ảnh: Lương Anh.

Nếu không nhìn áp phích, người xem khó tin trình diễn ấn tượng đó thuộc về học sinh THCS ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Đồng Tháp. Các trích đoạn: Xã trưởng mẹ đốp, Đổi hồn Đắc Kỷ, Trần Quốc Toản ra trận, cải lương Mẹ Thuận, Chị Nguyễn Thị Minh Khai gửi con đi làm cách mạng… nhận được nhiều tràng pháo tay nhất, dù trước đêm diễn không ít nhà quản lý lo vắng khán giả.

Những tiết mục này thuộc giai đoạn 2007-2010, nằm trong dự án Sân khấu học đường kéo dài 10 năm gồm 32 tỉnh. Tham vọng xây dựng lớp khán giả trẻ cho sân khấu truyền thống và bổ sung tài năng trẻ cho các đoàn nghệ thuật, các nhà quản lý và nghệ sỹ băn khoăn không ít tại hội nghị tổng kết 10 năm Sân khấu học đường, 12-8.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM cho biết: Một số nhà hát như cải lương Trần Hữu Trang, Nghệ thuật hát bội tham gia diễn và tập luyện cho học sinh THCS, giúp các em tiếp cận, hứng thú với tinh hoa di sản cải lương, hát bội. Tuy nhiên có một số vai diễn khó, không phù hợp với tâm sinh lý học sinh, gây hiệu ứng ngược.

Đây cũng là nỗi niềm của không ít địa phương theo đuổi dự án này: Dù say mê sân khấu, song nhập những vai như mẹ Thuận trong Một thời máu lửa, chị Minh Khai (Sáng mãi niềm tin), hay Trần Quốc Toản ra trận quả là thách thức cho các diễn viên nhí hơn chục tuổi đời.

“Đưa sân khấu vào nhà trường xây dựng cho các em bản lĩnh văn hóa, giữ vững bản lĩnh văn hóa dân tộc, nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế. Nhưng nghệ thuật truyền thống không phải cái gì cũng phù hợp với trẻ.

Truyền cho các em hồn cốt nghệ thuật truyền thống mới là điều quan trọng. Có lẽ chỉ nên lấy chất liệu nghệ thuật truyền thống, biến báo tiết mục phù hợp với các em hơn là để nghệ sỹ truyền dạy, để các em thuộc thoại như học vẹt”, Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên nói.

Với những người dõi theo Sân khấu học đường từ ngày đầu như NSND Phạm Thị Thành, không ai muốn dự án này dang dở. Kinh phí chưa hẳn là vấn đề quan trọng nhất, người trong cuộc lo hậu sự dài hơi. Một số đề xuất nên xây dựng cả chương trình thống nhất, giới thiệu nghệ thuật truyền thống theo đặc trưng từng vùng. Không thể bắt miền Nam học chèo, hát quan họ và ngược lại.

Lại có ý kiến làm thế nào để dung hòa, vì nghệ thuật truyền thống chủ yếu truyền dạy theo lối truyền miệng, trong khi lên giáo trình đề cao tính khoa học, dễ rơi vào lý thuyết khô cứng. Người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống vẫn chờ đợi dự án hợp lý hơn trong thời gian tới. Bởi Sân khấu học đường ít nhiều nhen nhúm niềm say mê với di sản phi vật thể đang có nguy cơ mai một.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG