Dean Wilson - người Mỹ làm luận án Tiến sĩ về điện ảnh VN

Dean Wilson - người Mỹ làm luận án Tiến sĩ về điện ảnh VN
TPCN -  Một người Mỹ thường xuyên xuất hiện với tư cách tư vấn, giám sát Dự án Điện ảnh ở Khoa Văn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) do Quỹ Ford tài trợ ) là Dean Wilson.
Dean Wilson - người Mỹ làm luận án Tiến sĩ về điện ảnh VN ảnh 1
Dean Wilson. Ảnh: Linh Thủy

Dự án này đã khai trương khóa đầu tiên hồi tháng 1/2006 với 30 học viên tham gia 2 lớp đào tạo biên kịch, lý luận phê bình (miễn phí).

Lần đầu đến VN tháng 8/2003, Wilson đã dành 8 tháng nghiên cứu điện ảnh (ĐA) ở Hà Nội và TP HCM. Sau vài lần đi lại, cái duyên với VN của anh trở nên sâu đậm hơn bằng việc bắt tay làm luận án Tiến sĩ về ĐA VN.

Trước khi đến Việt Nam, công việc của anh là gì?

Trước khi đến VN tôi sống ở New York. Tại đây tôi tranh thủ làm một số việc trong khi hoàn thành luận án Tiến sĩ về văn học Pháp ở trường ĐH Tổng hợp New York: viết kịch bản cho hệ thống truyền hình về giải trí và nghệ thuật, giáo viên dạy viết ở trường dành cho những người Nhật muốn tìm hiểu văn hóa Mỹ.

Nhiều học viên của tôi là luật sư và nhà khoa học. Nhưng công việc đầu tiên của tôi tại New York là làm ở hãng sản xuất phim Good Machine với tư cách giám sát âm nhạc cho các đạo diễn Lý An, Hal Hartley (khi ở New York những năm 90).

Good Machine cũng chia sẻ nguồn sản xuất phim với các hãng sản xuất phim độc lập khác ở New York nên tôi có cơ hội tham gia dự án của các đạo diễn Todd Haynes, Kelly Reichardt và Lodge Kerrigan.

Tại sao anh lại quyết định làm tư vấn, giám sát cho Dự án ĐA ở Khoa Văn của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn?

Vào tháng 2/2004, Quỹ Ford tài trợ một cuộc hội thảo về nghiên cứu đào tạo ĐA ở Khoa Văn và tôi được mời tới nói chuyện vì tôi đang nghiên cứu về ĐA VN.

Thầy Trần Hinh (Chủ nhiệm Dự án, giảng viên chính Khoa Văn) muốn cung cấp cơ hội nghề nghiệp mới cho sinh viên Khoa Văn, một số sinh viên tốt nghiệp ở đây đã trở thành người nổi tiếng trong ngành điện ảnh, ví dụ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, biên kịch phim tài liệu Phan Huyền Thư.

Chỉ vài tháng sau, Quỹ Ford và Khoa Văn  đã mời tôi làm việc cùng thầy Hinh để xây dựng kế hoạch tài chính.

Năm ngoái, cùng với người trợ lý tuyệt vời và là bạn của tôi Phan Gia Nhật Linh (người sáng tạo hai website về ĐA Moviesboom.com và yxine.com), thầy Hinh và tôi đã viết đề xuất tài trợ để xây dựng Chương trình học ĐA ở Khoa Văn.

Mục tiêu của chúng tôi là thành lập hẳn một khoa đào tạo ĐA ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Anh kết hợp thế nào với các đạo diễn và biên kịch VN như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Nhuệ Giang... để xây dựng giáo trình cho khóa học đầu tiên của Dự án ĐA?

Chúng tôi cùng bắt đầu làm việc trở lại trong năm 2004, nhưng giáo trình sử dụng là của Mỹ. Chương trình này đã được cấp phép xuất bản giáo trình bằng tiếng Việt.

Công việc dịch cần chỉnh sửa  nhiều bởi nhiều khái niệm và từ vựng trước đây chưa từng được dịch.

Anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thú vị  trong quá trình đào tạo tại Dự án ĐA?

Có lần chúng tôi mời giáo sư Mỹ Todd Berliner đến nói chuyện với học viên (Todd và gia đình ở Hà Nội đã được một năm theo chương trình học bổng Fulbright, năm ngoái tham gia dạy ở trường ĐH SK-ĐA Hà Nội) về vai trò của phê bình ĐA bởi ông chính là nhà phê bình phim.

Ông muốn các học viên không chỉ lắng nghe mà  phải tích cực tranh luận cùng ông. Todd là một người nói chuyện rất hấp dẫn, ông đưa quan điểm: Lý do duy nhất để mọi người đi xem phim đó là phải vui vẻ, thú vị.

Ông nói rằng ĐA, trên tất cả là giải trí, học viên quá ngạc nhiên. Cho dù về cơ bản họ đồng ý với ông thì nhiều học viên vẫn nói về những ý nghĩa sâu sắc hơn của ĐA, thế là cách dẫn dắt của Todd đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.

Lần khác, Hải Yến và Ngô Quang Hải đến nói chuyện về xây dựng kịch bản phim Chuyện của Pao. Học viên hào hứng nghe, một số người của khoa Báo cũng dự. Chúng tôi không đủ thời gian bởi có quá nhiều người muốn thảo luận. Nhưng tôi nghĩ vị khách được yêu thích của học viên trong Dự án ĐA chính là Bùi Thạc Chuyên.

Mọi người nói anh ấy là đạo diễn đẹp trai nhất của VN hiện nay và học viên biên kịch của chúng tôi tin tưởng bộ phim mới hoàn thành của anh là phim VN hay nhất năm.

Tháng này chúng tôi rất vui được tiếp giáo sư nổi tiếng của trường ĐH Nam California, ông David James đến giảng dạy. David rất tuyệt vời và hào phóng với vốn kiến thức và kinh nghiệm sẵn có. Phần giảng dạy của ông về điện ảnh Đông Á chắc chắn gây nhiều ngạc nhiên thú vị cho sinh viên của chúng tôi.

Vậy anh có hài lòng với 30 học  viên của khóa học đầu tiên  không?

Khóa học của chúng tôi kéo dài 10 tháng, nay mới trải qua 3 tháng. Tháng 6 tới tôi có thể cho bạn câu trả lời tốt hơn. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi đang có một nhóm học viên chủ chốt rất giỏi và chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ họ bằng những cơ hội được học ở nước ngoài.

Anh hy vọng gì ở khóa tuyển sinh tới?

Chúng tôi bắt đầu nhận đơn vào tháng 6 năm tới, hy vọng sẽ nhận được nhiều đơn xin học hơn. Năm tới sẽ có thêm  giảng viên Hàn Quốc và Nhật đến dạy ở Dự án ĐA và chúng tôi mong cũng gửi được một số giảng viên của mình tới Mỹ, Hàn Quốc để gặp gỡ những người đang làm công việc tương tự.

Tại sao anh lại làm luận án Tiến sĩ về điện ảnh VN? Theo anh, ĐA VN có điểm mạnh và điểm yếu gì?

Khi chọn đề tài cho luận án, tôi cố nghĩ về điều mà mình yêu thích lâu nay. Ở Mỹ và châu Âu, rất ít người nghiên cứu về ĐA VN, tôi nghĩ đó là điều bất thường bởi VN đã và đang là niềm cảm hứng lớn cho các nhà làm phim toàn thế giới.

Ví dụ các nhà làm phim ở Nam Mỹ và châu Phi đã vô cùng xúc động trước lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào kháng chiến của nhân dân VN.

Một trong những giáo sư về văn học Pháp của tôi là tiểu thuyết gia nổi tiếng Edouard Glissant đến từ Martinique. Một trong những nhà thơ mà Edouard yêu thích là tác giả người Pháp Victor Segalen từng sống ở Trung Quốc đầu thế kỷ 20. Và những điều tôi học từ Edouard khiến tôi tò mò về VN.

Với tôi, từng thời kỳ của lịch sử ĐA VN bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Tôi nghĩ điểm mạnh tổng thể của ĐA VN đó là nỗ lực để làm phim theo cách của VN.

Khi các biên kịch, phê bình cũng như người sản xuất phim trẻ bắt đầu nhìn nhận ĐA VN trong cơ chế thị trường thì cần nhớ rằng người VN sẽ là khán giả lớn nhất của họ bất chấp những ảnh hưởng của phim ngoại.

Việc hiểu rõ hơn điểm mạnh và điểm yếu của các thế hệ làm phim trước đây sẽ đem lại nhiều ích lợi cho văn hóa ĐA VN đương đại được nói bằng tiếng Việt.

Xin cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG