Đêm đầy gió

Đêm đầy gió
TP - Đường đến Lốc phải từ phố huyện rẽ vào đường đồi, men theo một dòng suối chảy ngoằn ngoèo giữa đất của ta và Trung Quốc. Hai bên đồi núi ngút ngàn.

Đưa đường cho tôi là Tài, người phụ trách trạm khuyến nông của huyên, người sặc mùi mồ hôi dầu, mới sáng ra mặt đã đỏ bứ vì rượu.

Đêm đầy gió ảnh 1
Hình minh họa

Ông ta dẫn tôi vào nhà Chủ tịch xã Lí Seo Lùng. Chủ tịch thấy tôi, cười nhe hàm răng bịt đồng vàng chóe. Hỏi han một lúc về dứa, cái cây đang đẻ ra tiền cho vùng tái định cư của huyện , tôi hứng chí mặc bộ quần áo lao động của con trai ông Lùng, chuẩn bị lên đồi.

“Đợi một tí, có cán bộ kỹ thuật ngoài huyện vào đấy!” – Ông Lùng bảo tôi. “À phải” – Tài nói – “Có một nàng bên nông nghiệp bọn tôi vào đấy. Trông ngon lành như  một miếng dồi chó. Vội đếch gì, ngồi hút thuốc đã”.

Tôi thú vị cười thầm. Trời cho tôi một tính xấu là cứ đi huyện, đi xã công tác lại tơ tưởng đến gái. Thực ra tôi cũng chẳng biết háu gái là xấu hay tốt.

Buổi trưa, thấy mấy cô gái trẻ người Mông làm cỏ dứa xong, kéo nhau xuống suối, tôi bí mật rượt theo. Đến quãng suối sâu và khuất vắng, tôi thấy các nàng đã hóa cả thành tiên.

Hồn nhiên, hơ hớ. Quên mất mình là anh cán bộ tỉnh,  tôi lột quần áo, nhảy tùm xuống nước, bơi ngùng ngoằng. Miệng hô lớn: “Tắm chung với! Tắm chung!”. Mấy em chạy táo tác như gà cỏ lên đồi, cười ré.

Tồng ngồng, nồng nỗng. Nắng trưa chiếu vào da thịt sáng lóa lên. Vẫy vùng dưới nước thỏa thuê, tôi vắt áo lên vai, lật khật về nhà chủ tịch.

Được Sở Khoa học - Công nghệ cử đi khảo sát và bàn với huyện về việc quy hoạch vùng dứa Lốc, tôi rất mừng. Lẽ ra đợi đến ngày mai để đi cùng một anh cán bộ bên Sở Nông nghiệp, nhưng tôi nhót đi trước.

Tôi đang muốn rứt ra khỏi mụ vợ mà tôi đã chán ngấy như ăn một bát mèn mén sau chầu thắng cố ở chợ vùng cao. Một mụ đàn bà không chịu tu chỉnh nhan sắc, cải tổ tính nết, mà cứ kèn kẹt, kèn kẹt săm soi, ngó ngàng xem tôi có đi ngang về tắt với “con nào” không.

Buổi chiều, khi tôi đang ngồi bệt giữa luống dứa hút thuốc và ngẫm ngợi khoan khoái thế, thì một phụ nữ người Kinh xuất hiện trên đồi. Chị ta nhìn chằm chằm vào bộ dạng lấm lem như thổ phỉ của tôi rồi bỗng giật miếng vải bịt mặt tránh nắng, xáp lại, kêu: “Trời ơi, Sâm! Sao anh lại ra nông nỗi này?”.

Tôi nhận ra Nhài, người bạn gái trước học cùng khóa ở Đại học Nông nghiệp, hiện là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, người phụ trách kỹ thuật vùng dứa Lốc.

***

Hồi ấy, tôi và Nhài là đồng hương, lại là hai sinh viên giỏi nhất khóa. Tôi học lớt phớt nhưng thông minh, tài tử. Nhài thì ngoan đạo, cần cù. Nhài hiền hậu, quê mùa, suốt ngày chỉ biết làm bạn với mọt trong thư viện.

Vậy mà đêm xuống, trai mò đến phòng Nhài như bầy nhặng. Đã là nhặng thì không màng những bông hoa rực rỡ, đẹp gắt lên, mà chỉ muốn chết chìm ở những nơi thoang thoảng mùi bùn.

Sức hút của Nhài chính là sức hút của cái ao bùn, của cái duyên thầm duyên lặn. Nhưng Nhài dửng dưng với tất cả. Sau những lời cảm ơn nhã nhặn, Nhài phủi bọn chúng đi như phủi bụi trên tay.

Thuở nhỏ, tôi nghịch nên bị bố đánh nhiều, không lớn được. Cũng một phần tại đói ăn. Tay chân chằng chịt gân xanh, lại đầy lông dựng cứng như lông lợn mùa rét.

Nhưng thói đời, hình như càng gầy còm càng khát gái. Tôi thường xuyên hằn học nhìn trộm những bạn gái cùng lớp, những đứa tư duy nông cạn thôi nhưng trông cứ hơn hớn, nõn nường.

Tôi tìm sự chia sẻ ở Nhài. Nhài không hề chê tôi gầy. Hình như Nhài quan tâm đến những cái lớn lao hơn, không quan trọng thứ gì tẹp nhẹp thuộc về hình thức.

Mỗi lần thấy tôi lười học mà được điểm cao, Nhài lại nhìn tôi, mắt ánh lên sự khâm phục. Nhưng khi tôi ngỏ lời yêu, Nhài vẫn lặp lại cái câu đã nói với những thằng con trai khác: “Em còn bận học, em chưa nghĩ đến việc đó”.

Một câu cũ rích, muôn thuở nhà quê, nhưng chính đáng. Thói đời, đã không được lại càng ham. Cái vẻ nhẹ nhàng, gió nội hương đồng lại có phần đủng đỉnh của Nhài làm tôi nhiều lúc lộn cả ruột gan, mà đành bất lực.

Thế rồi được trời thương xót, lúc sắp ra trường tôi cũng có một mụn người yêu. Người yêu tôi tên là Thương, người nây như mít chín, vô tư, ít lo ít nghĩ. Yêu được năm hôm, tôi đòi “chuyện ấy”.

Thương lùa tay vào xương sườn tôi, thì thầm: “Sao vội vàng thế, đợi đến ngày ra trường chứ anh. Cơm không ăn, gạo còn đó mà”. Suy từ bản thân mình, hom hem là thế nhưng lúc nào trong đầu cũng lởn vởn ý nghĩ rình cơ hội “làm thịt” đàn bà, tôi cười: “Gạo còn, nhưng bây giờ nhiều chuột lắm”.

Nói vậy, chứ tôi biết Thương chẳng làm khó tôi. Chỉ vài cái vuốt ve đã lim dim mắt, nằm chềnh ềnh. Con gái nhiều người coi trinh tiết đơn giản như thò tay moi quả ô mai trong lọ. Một quả đã rơi ra thì những quả còn lại cũng tuồn tuột rơi ra bằng hết.

Tốt nghiệp khóa ấy, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng Nhài không ở lại. Nhài về quê, công tác ở một nơi gần thị xã. Còn tôi lận đận mãi, nhờ lấy con gái xấu xí lỡ thì của một quan chức mới về được thị xã, lại biết tin Nhài đã theo chồng về sống ở huyện xa. Công việc bề bộn làm nhiều thứ bị lãng quên. Trong thâm tâm, tôi không thích kiểu người sống an phận như Nhài.

***

Nhài đưa tôi về nhà chơi. Một ngôi nhà xây nhỏ tựa lưng vào đồi, nằm ở phần chót đuôi của phố huyện. Trên mặt tiền bám đầy dây vạn niên thanh xanh mát, trong mảnh vườn đầu bếp vàng chới đôi khóm hoa hướng dương. “Anh Sang ơi, có khách” – Nhài gọi.

Tôi vừa bước vào nhà liền bị anh chồng chặn lại. “Dép để ở ngoài, anh ạ”. Rồi lừ mắt đợi thằng con trai xếp cho thật bằng bặn, gọn ghẽ đôi dép của tôi vào chân tường, anh ngọt ngào bảo tôi: “Mời anh ngồi. Ấy, ở đây tuềnh toàng thế, không được đàng hoàng như ngoài thị xã các anh”.

Nền nhà lát gạch hoa loại xoàng, gợi cảm giác tĩnh lặng và mát mẻ. Chồng Nhài là cán bộ Phòng Văn hóa huyện, trạc ngoài bốn mươi, mày râu nhẵn thín.

Vừa nói chuyện qua quýt với tôi, anh vừa chăm chú bôi thứ nước gì lên lá khóm cây cảnh trong chậu sứt đặt cạnh tủ. “Nước lá hẹ anh ạ. Để trừ sâu và chống bệnh phấn trắng cho cây” – Sang giải thích.

Điều tôi lấy làm lạ là tuyệt không thấy lai vãng một bóng ruồi, muỗi trong nhà. Hình như đọc được ý nghĩ ấy, Sang chỉ vào hai cái chậu nhỏ trồng cây bạc hà và hoa bóng nước trên bệ cửa sổ, cười vẻ mãn nguyện: “Có mùi hương của hai loài cây kia, đố đồng chí ruồi nào dám đến, anh ạ”.

Tôi móc túi áo lấy ra điếu thuốc Tam Đảo ông chủ tịch người Mông mời lúc sáng, châm lửa hút. Ngó quanh không thấy có gạt tàn, tôi dụi tàn thuốc vào bao diêm gần hết que mang theo.

Lát sau, thấy Sang đi ra ngoài rồi quay vào, cầm một chiếc khăn ướt xua xua. “Anh thấy không, khăn bông nhúng dấm có tác dụng làm khói tan ngay. Với chúng ta chẳng quan trọng, nhưng khói thuốc có hại cho phụ nữ, trẻ em lắm”.

Nghe Sang nói thế, tôi ngượng quá, vội bước ra khóm hướng dương ở đầu vườn, dùng chân di nát điếu thuốc.

Cảnh chiều tà ở nơi nửa phố nửa rừng thật êm đềm. Khoảng ao cạnh nhà phản chiếu màu trời xanh biếc. Tôi ra sau bếp ngắm ao, gặp Nhài bước ra từ buồng tắm.

Mặc bộ đồ ngủ màu xanh nhạt điểm màu vàng hoa mướp, nom Nhài tươi mát, xinh đẹp lạ lùng. Nhài mỉm cười nhìn tôi, nụ cười quánh sệt, đôi mắt thoáng lim dim mơ màng.

Khoảnh khắc ấy qua nhanh làm tôi bối rối, không hiểu ra sao. Lúc sau tôi vào bếp, đứng sau Nhài đang ngồi chặt thịt gà. Cơ thể thon nuột của Nhài và đồ lót hằn lên sau lần vải mỏng làm tôi rạo rực, váng vất, phải bước vội ra ngoài.

Các món ăn được dọn lên nhà. Một đĩa gà luộc vàng ươm, một đĩa cá luộc và dăm thứ rau quả khác cũng luộc hoặc tươi sống. Nhài gắp cho tôi đầy bát, trong khi anh chồng hồ hởi giục: “Ăn mạnh đi anh. Chẳng biết anh thế nào, chứ gia đình chúng tôi không bao giờ dùng rượu. Rượu là thuốc độc, chả có lợi gì cho sức khỏe cả”.

Nhài có vẻ ngường ngượng, nhìn tôi cười: “Dạo lâu rồi, có lần làm cơm mời khách, chiều ý khách nên em cũng mua về một cút rượu. Ông khách hôm ấy có vẻ say, nói năng lẫn lộn, anh nhà em sợ quá bắt ông ấy phải uống dấm và hút lòng trắng trứng gà sống để giải rượu. Đến khổ!”.

Hai thằng bé cười vang, nhìn tôi rồi lại láu táu gắp. Nhài nói như thanh minh với tôi: “Về nấu ăn thì vợ chồng con cái em tứ mùa chỉ quen với các món luộc, hấp anh ạ”.

Sang đang xọc đũa vào miếng su su luộc, dừng lại, nói giọng hiểu biết: “Đúng thế. Đừng bao giờ ăn đồ rán, rất có khả năng gây ung thư, hơn nữa nhiệt độ cao đã làm hủy hoại hết các chất dinh dưỡng trong thực phẩm”.

Sang gắp thức ăn cho cả nhà, rồi  quả quyết: “Nguyên tắc số  một của tôi là an toàn, anh ạ. Nói xin  lỗi anh chứ, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ cho con cái mình ra học ở thị xã. Ngoài ấy ồn ào bụi bặm, có những thằng phóng xe bạt mạng như bố nó chết, sức khỏe tính mạng của con mình không thể đảm bảo được”.

Tôi cười trừ, liếc thật nhanh vào khe lõm ở ngực Nhài đang ngồi đối diện rồi lặng lẽ ăn. Thiếu rượu, miếng thịt gà khô xác như bã mía trong mồm.

Đêm xuống. Chiếc bóng điện được Sang rảy nước hoa tỏa mùi thơm dìu dịu khắp phòng. Anh đi ra sau nhà, kiểm tra cái gì đó, sục sạo một vòng như một gã tuần đêm. Rồi vào ngả mình trên chiếc xích đu, vẻ yên tâm, nhàn nhã.

Giơ tay nhìn đồng hồ, bất chợt anh ngồi phắt dậy, gọi giật giọng: “Thằng Tùng đâu?”. “Dạ, con đây ạ”  - Thằng bé lớn từ ngoài chạy vào. “Bây giờ là mấy giờ rồi?”. Dạ, tám giờ… ba phút ạ”.

“Đúng tám giờ là phải ngồi học, nề nếp hôm nào cũng thế, thế mà… mà…”. Thằng bé vội ngồi vào bàn học cạnh em, nem nép. Hai đứa gò mình trên trang vở. Tôi thấy buồn cười vì Sang nạt con mà chỉ gầm gừ trong cổ, âm lượng đủ nghe, không hề to tiếng.

Tôi chào vợ chồng Nhài để ra về.  Nhài bảo: “Anh đợi chút. Để em đưa anh về” và vào buồng thay quần áo. Sang có vẻ không bằng lòng. Tôi nghe tiếng Nhài thì thào với chồng trong buồng: “Em còn phải tạt qua chỗ ông Tài hỏi về số vốn vay ngân hàng đầu tư nữa cơ mà”.

Sang bước ra sân, bảo tôi: “Ngày mai nhà tôi làm giỗ, anh đến được thì hay”. Rồi dặn vợ: “Nhớ phải về trước chín giờ. Còn ngâm gạo nếp mai làm bánh nữa đấy”.

Nhài vâng dạ rồi ngồi lên xe máy, bảo tôi: “Đi đi anh. Cứ từ từ thôi anh nhé”. Giọng Nhài nhẹ như gió thoảng.

Tôi đèo Nhài đi vào vùng Lốc. Nhài ý tứ không để chạm người vào tôi,  chỉ có mùi dứa từ miệng Nhài thoảng qua mặt tôi khi Nhài nói, và gió tạt vào má tôi vài sợi tóc buồn buồn.

“Anh Sang chồng Nhài cẩn thận, chỉn chu quá nhỉ” – Tôi gợi chuyện. “Vâng, anh ấy biết vun vén nhà cửa lắm…” – Nhài nói rồi ngập ngừng. “Mà cũng rất yêu vợ thương con đấy chứ” – Tôi gợi tiếp.

“Vâng, anh ấy chỉ biết có gia đình, chẳng chơi bời giao du gì cả. Người ấy, có dắt gái đến giúi vào tay cũng chẳng biết làm gì đâu” – Nhài cười. Tôi cũng cười, hơi ngạc nhiên về câu nói của Nhài. Tôi thử dò ý: “Đàn ông bọn anh ai cũng thế cả thôi”. Nhài đấm nhẹ vào lưng tôi: “Gớm, anh thì…”.

Xe chúng tôi vòng vèo qua khu đồi dứa. Trăng đã lên, đổ luênh loang một màu trắng trong sạch. Dòng suối ngoằn ngoèo phía dưới óng ánh như sợi chỉ xanh.

Những quả đồi mây mẩy, căng nức như vú đàn bà phập phồng trước mắt. Nhài khoát tay chỉ vào những hàng dứa sát bên đường: “Em đã đề nghị trung tâm khuyến nông tới đây sẽ hướng dẫn dân trồng xen canh cây ăn  quả, cây hòe và cây cải tạo đất nữa anh ạ”.

“Ừ, ừ, nên thế… Cây dứa là cây ưa bóng, không ưa ánh sáng trực xạ đâu”. “Mai bàn với các anh, chúng em dự kiến về lâu dài sẽ thay thế nó bằng cây chè anh ạ”.

“Nên thế. Dứa là cây có độ bền canh tác thấp mà” – tôi đáp cho qua chuyện. Từ lúc nào đó, có những ý nghĩ đen ngòm len lỏi vào đầu tôi. Nó ngọ nguậy, nó bò.

Hình như nó không phù hợp lắm với thứ ánh trăng trong veo, sạch sẽ đọng trong những bẹ dứa kia.

“Một người đàn bà, dù chính chuyên đến mấy, trong thẳm sâu con người vẫn còn mầm mống của sự nổi loạn. Ngoài phần người, vẫn tiềm tàng phần rắn rết, ma quỷ. Vấn đề là biết cách nuôi dưỡng cái mầm ấy”. Tôi vặn ga cho xe vượt khúc đường lồi lõm đá, cảm thấy tự tin.

Gió từ những hướng nào, vượt qua các khe lũng nào cứ ào ào thổi tới. Một thứ gió nhàn nhạt, không mùi.

“Em nhớ hồi xưa anh Sâm thích mặc áo trắng nhỉ?” – Nhài đột nhiên hỏi một câu thật ăn nhập với không gian trong trẻo lúc này. Kỷ niệm ùa về, tung tẩy, tươi trắng trước mắt tôi.

Đang ngờm ngợp thế, thì Nhài giải thích: “Suốt cái hồi tìm hiểu nhau, anh Sang nhà em lúc nào cũng mặc áo trắng. Chúng em đưa nhau đi chơi qua đường đồi, hồi ấy còn rậm, không được quang quẻ thế này đâu. Anh ấy bảo mặc áo trắng thì phản quang, chống được  muỗi”.

“Xem ra đồng chí nhà mình luôn luôn quán triệt nguyên tắc số  một là an toàn nhỉ” – Tôi cười to. “Vâng thật  thế đấy. Suốt đời anh ấy nơm nớp sợ muỗi, sợ chuột, sợ vi trùng, sợ ốm đau, sợ đủ thứ… Đi với nhau em thấy anh ấy lúc thì có mùi tỏi, lúc thì có mùi dầu gió. Cũng có lần anh ấy bắt em nhai tỏi. Anh ấy bảo những mùi ấy làm muỗi nó sợ”.

Nhài cười giòn tan, tiếng cười vỡ ra trong veo giữa núi đồi vắng lặng. Tuyệt đối hồn nhiên, không có dấu hiệu chê bai, ghét bỏ. “Em lựa chọn chồng em vì cái gì vậy?” – Tôi đánh bạo hỏi. Nhài im lặng một lát rồi trả lời: “Con gái chúng em cũng cần sự an toàn. Em thấy anh ấy là người tốt, em yêu”.

Trăng ngân mênh mang làm không gian vắng lặnh hơn. Gió nhạt thếch và trăng cũng nhạt thếch. Không hiểu sao đêm nay nhiều gió thế.

MỚI - NÓNG