Đêm nhạc của Peter Yarrow tại Hà Nội: Âm nhạc thay lời nói

Đêm nhạc của Peter Yarrow tại Hà Nội: Âm nhạc thay lời nói
Peter Yarrow- nghệ sĩ nhạc đồng quê tham gia phong trào phản đối chiến tranh VN vào cuối những năm 1960 lần đầu tiên đến VN.

Ông đã có những cuộc gặp gỡ với sinh viên, những nạn nhân chiến tranh. Tổ chức hòa nhạc tại Hà Nội (và sắp tới tại TP. HCM), ông quyên tiền từ thiện ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam.

Đêm 29/3, bãi để xe máy của Nhà hát Lớn chật chội hơn hẳn các cuộc biểu diễn khác. Đêm nhạc của Peter Yarrow thu hút khá nhiều thanh niên. Khán phòng rất đa dạng về lứa tuổi. Hầu như những người nước ngoài trung niên và cao niên đều hát theo Peter. Hát nho nhỏ như một cách hồi tưởng. Bắt đầu từ bài Music speaks louder than words/ Âm nhạc mạnh hơn lời nói, Peter đã đề nghị khán giả hát theo. Trước mỗi câu hát, ông đọc nhanh phần lời để những ai chưa thuộc có thể nắm được. Thậm chí ông còn gợi ý cho những người không nói tiếng Anh la la theo nhạc.

Gần gũi với khán giả, hát cùng khán giả là thói quen của nhóm Peter, Paul & Mary. Và trên sân khấu Nhà hát Lớn, đằng sau Peter cũng có hai hàng ghế dành cho các sinh viên trường Ngọai giao, một số là nạn nhân chiến tranh đến từ làng Hữu nghị và bạn bè của Peter. Các bạn trẻ người Việt mang theo những tập lời bài hát tiếng Anh nhưng Peter không tán thành việc này. Ông cho rằng không cần thiết phải nhìn vào giấy mà quan trọng là phải hát với nhau (person to person). Những câu hát có thể rời rạc nhưng là những gì mỗi người đã kịp nhận được từ Peter.

Peter Yarrow nhỏ bé trong trang phục giản dị và cây đàn ghi ta đem đến một thứ âm nhạc tối giản nhưng có sức lay động sâu sắc. Trước khi hát Puff, the magic dragon/ Puff, chú rồng kỳ diệu, Peter hỏi một cô bé người Canada, 9 tuổi trên sân khấu: “Cháu mong đợi điều gì cho thế giới này?”. Cô bé nói khẽ nhưng rõ ràng: “Hòa bình”.

No easy walk to freedom/ Không dễ gì đến với tự do là một bài hát phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Với bài hát này Peter muốn đưa Nelson Mandela lúc đó đang trong tù ở Nam Phi đi cùng đoàn tuần hành của luật sư Martin Luther King trên đường phố Washington. Tinh thần phản kháng đã đem lại cho bài này hơi hướng Rock n’ Roll.

Don’t laugh at me/ Đừng cười nhạo tôi có nội dung liên quan tới tất cả mọi người, dù bạn gầy hay béo, cao hay thấp, giàu hay nghèo, da màu hay da trắng, dù bạn là bất cứ vùng đất nào trên thế giới… bạn đều biết rằng chúng ta giống nhau, rằng không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, ai cũng ước mơ cho một tương lai tươi sáng hơn.

Vì thế hãy đừng cười nhạo tôi, đừng lấy nỗi đau của người khác làm thú vui cho mình. Bài hát này đã đi theo Peter tới hơn một vạn trường phổ thông và các trại hè ở Mỹ. Peter cũng là người sáng lập ra một dự án cùng tên nhằm giáo dục trẻ em biết tôn trọng lẫn nhau ngay từ nhỏ, đừng để sau này lặp lại những sai lầm trong quá khứ mà “người lớn” đã mắc phải. Đây là một hành động rất thiết thực trong hoàn cảnh nạn bạo hành đang gia tăng trong nhà trường Mỹ.

“Các bạn không phải là nửa triệu người, những người đã cùng tôi hát bài hát này trong các cuộc hòa nhạc phản chiến năm 1969 nhưng các bạn là người VN. Điều đó hết sức ý nghĩa với tôi. Tôi mong đợi giây phút đến đây để hát trong hòa bình!”. Peter đã nói như thế và ông như muốn khóc trước khi hát If I were free/ Nếu tôi được tự do.

Trong giờ giải lao, nhiều khán giả đã đóng góp vào quỹ dành cho các nạn nhân chất độc da cam. Trong phần hai của chương trình, Peter tiếp tục hát các ca khúc nổi tiếng như Leaving on a jet plane/ Rời đi trên máy bay phản lực, If I have a hammer/ Nếu tôi có cái búa, Where have all the flowers gone/ Còn đâu những bó hoa… là những bài rất có ý nghĩa với những người cùng thời với ông trong phong trào phản chiến.

Hầu hết những người Mỹ lớn tuổi đều hát theo và hầu hết những ai có mặt trong khán phòng đều lặp lại phần điệp khúc của Blowin’ in the wind/ Bay trong gió- trong bài hát này, Bob Dylan đã đặt ra 9 câu hỏi khó về ý nghĩa của cuộc sống, hòa bình và chiến tranh, câu trả lời cho tất cả đang ở trong gió- blowing in the wind- gợi nhớ tới “để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn.

Buổi biểu diễn của Peter trên thực tế rất gần với một buổi tưởng niệm, nhắc nhớ quá khứ và gợi mở tương lai bằng âm nhạc. Trước một bài hát (Where have all the flowers gone), Peter đã hơn một lần nói lời xin lỗi về quá khứ nhưng thực ra nhân dân VN phải nói lời cảm ơn với Peter cùng bạn bè của ông- những người đã dùng âm nhạc như lời hiệu triệu những người có lương tri đấu tranh vì hòa bình.

“Trong sự đón tiếp nồng hậu của các bạn, tôi nhìn thấy tương lai tươi sáng cho chúng ta”. Peter cho biết ông còn nhiều việc phải làm ở VN và sẽ cùng con gái trở lại vào tháng 9. 

Peter Yarrow, thành viên ban nhạc Peter, Paul & Mary, sinh ngày 31/5/1938 tại New York, lên sân khấu từ khi còn theo học Trường Âm nhạc và Nghệ thuật New York. Ông từng dạy môn Văn học dân gian và có bằng cử nhân Tâm lý học. Peter, Paul & Mary được thành lập năm 1961 bởi chính ông bầu của Bob Dylan. Họ đã trình bày thành công Blowing in the wind của Bob Dylan vào năm 1963. Cùng năm đó, bài Puff, the magic dragon của Peter đã trở thành một bài hát thiếu nhi nổi tiếng tới ngày nay. Năm 1969, Leaving on a jet plane, một sáng tác của John Denver đã đưa nhóm lên vị trí số 1 ở Mỹ. Cho tới giữa những năm 1980, Peter, Paul & Mary vẫn bận rộn với các tour diễn chống chiến tranh hạt nhân. Paul và Mary tiếp tục ra album riêng và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
MỚI - NÓNG