Đêm Văn Miếu Hà Nội

Đêm Văn Miếu Hà Nội
TPCN - Cánh cửa Văn Miếu, cửa Đông Môn, Tây Môn lần lượt đóng lại. Văn Miếu - Quốc Tử Giám im ắng một cách lạ thường. Văn Miếu bắt đầu về đêm...
Đêm Văn Miếu Hà Nội ảnh 1
Đêm Văn Miếu

Tôi nhận ca khi được ông Phạm Tứ - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chấp thuận cho làm bảo vệ... một đêm tại đây.

Ông Hoàng Công Trình - Tổ trưởng Tổ bảo vệ - giao tôi cho ca trực với các anh Chung, Dũng, Lĩnh, Đài. Ông Tứ căn dặn: “Tôi tin cậu thức đêm tốt, nhưng cẩn thận chó xực đấy!”.

Tôi cùng anh Đỗ Quốc Chung bắt đầu đợt tuần đêm đầu tiên. Ngược ra sân Đại Bái, nhà Tả vu, Hữu vu, cửa Đại Thành, Đại Trung tới Văn Miếu môn, lại vòng trở lại cổng Thành Đức, Đạt Tài, tiếp đến Bí Văn, Súc Văn, rồi Ngọc Chấn, Kim Thanh và vào tận gác chuông, gác trống.

Màn đêm tĩnh mịch, từ phía đường Tôn Đức Thắng và phố Văn Miếu ánh điện le lói hắt vào. Thế mà tôi vẫn có cảm giác rờn rợn. Văn Miếu tối mịt, mọi thứ im lìm.

“Đứng lại!”. Tôi chưa kịp hiểu “mô, tê” thì loáng thấy bóng hai cậu trai mới lớn bỏ chạy len sau hàng bia Tiến sĩ nhảy qua hàng rào vượt ra ngoài. Đàn chó rượt đuổi sủa ầm ĩ.

Anh Chung tiếp tục cầm đèn pin đi tới rọi sau hàng bia xem còn tên nào nấp lại không. Chỉ còn bọc giun đất, chiếc cần câu có lẽ chúng định vào câu cá chép vàng ở giếng Thiên Quang.

Anh Chung kể, về làm bảo vệ từ hồi Văn Miếu còn chưa có cổng, cỏ mọc ngang đầu gối và đêm xuống thì gặp không biết bao nhiêu là chồn hôi. Ngày đó việc dọn vệ sinh cả khu di tích rộng mênh mông này chỉ có mỗi cụ Lư, bảo vệ cũng chỉ có mấy người.

Con nghiện vào ngủ vật vờ cả ngày. Hè, các cậu choai choai cởi truồng tồng ngồng nhảy giếng Thiên Quang tắm. Trai gái yêu nhau trưa cũng vào đây “tâm sự”... Bảo vệ đuổi nhất quyết không chịu ra. Có đứa bị đuổi ức quá đêm đến cố lẻn vào... trả thù bằng cách cây xanh nào mới ươm là vặt sạch ngọn...

Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm cả hồ Văn, vườn Giám và nội tự rộng tới 55.027 m2, nằm giữa 4 con đường Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám, được bao quanh bằng tường gạch vồ.

Tường thấp, đoạn phía đường Nguyễn Thái Học có chỗ chỉ cao 1,5 m. Là khu di tích lịch sử văn hoá, tường rào Văn Miếu không thể chằng dây thép gai hay gắn thêm mảnh sành phía trên để chống trộm.

Vượt được tường vào Văn Miếu không phải là việc quá khó. Anh em trong đội bảo vệ Văn Miếu cách đây gần chục năm đã có sáng kiến nuôi một tiểu đội “tiểu thị vệ”.

Đàn chó đã được huấn luyện giỏi đến mức ban ngày chúng ngủ suốt. Hai “trợ thủ” đắc lực nhất là Queen và Ki ngủ ngay tại phòng bảo vệ, khách ra vào chúng im như thóc.

Các con khác ngủ chuồng riêng ở góc sát cửa Đông Môn, cũng... biết điều tới mức ban ngày không được phép sủa.

Chỉ đêm đến, khi các cánh cổng của Văn Miếu đóng lại thì chúng mới bắt đầu ùa ra đi làm nhiệm vụ. Đều là chó ta, nhưng con nhỏ nhất cũng cỡ 12 ký trở lên.

 “Trộm vào đây khó mà chạy thoát” - Anh Chung bảo vậy. Anh em bảo vệ ai cũng yêu quý chó, thường mang thức ăn đến cho chúng. Hàng tháng mỗi người còn tự nguyện đóng góp thêm mười ngàn đồng để mua thức ăn cho chó.

Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám dành một khoản kinh phí hàng tháng cho các “tiểu thị vệ” này. Các chị làm ở bếp ăn tập thể của Trung tâm hàng ngày đều gom thức ăn thừa cho đàn chó.

Chỉ có các bảo vệ mới tiếp cận được đàn chó. Các nhân viên Văn Miếu muốn vào làm việc buổi đêm đều phải gọi điện trước cho bảo vệ ra tận cổng đón.

Queen và Ki dữ nhưng là những con chó khôn nhất đàn. Không ai phân công nhưng cứ đêm xuống là chúng lẳng lặng ra phía sân Đại Bái và giếng Thiên Quang nằm.

Những con còn lại như Gấu, Bông, Tam Mao... thì “túc trực” ở sân khu nhà Thái Học. Mỗi lần bảo vệ đi tuần chúng hí nhau rồi cả đàn ngoắt đuôi đi cùng, xong lại trở về chỗ cũ.

Queen và Ki không bao giờ ăn thức ăn của người lạ. Các bảo vệ cho gì chúng cũng ăn, nhưng người lạ vứt ra cả miếng gan nướng chúng cũng không ngửi tới.

Đặc biệt chúng chỉ tấn công khi có ai đó đặt chân trèo lên bức tường Văn Miếu. Tôi thắc mắc về con chó có tên trùng một nhân vật trong phim, anh Chung cười bảo, hồi đó truyền hình đang chiếu phim Tam Mao, nó bị ghẻ lở trị mãi mới khỏi.

Có hai con cùng tên, chỉ khác màu đó là Tam Mao trắng và Tam Mao đen. Con Gấu thì do hồi bé rất đanh đá, không ai đụng được vào nó, lại hay đánh nhau với các con chó lớn. Bông thì màu lông trắng như bông.

Đang đi tuần, dù có anh Chung đi trước, anh Lĩnh đi sau, nhưng tôi chỉ hơi tách ra đã bị Ki lén... táp một miếng vào cẳng chân. Thấy Ki “phát lệnh” tấn công, cả đàn bảy con sủa vang, đều ở thế chuẩn bị nhảy xổ vào người tôi.

Anh Chung, anh Lĩnh phải dùng sào đánh đuổi chúng mới chịu buông tha. Sự việc “nhỏ” nhưng cũng tới tai giám đốc Tứ, ông gọi điện trấn an: “Năm Tuất mà bị chó cắn, là hên đấy!”.

Anh Chung chỉ vào góc gần cửa Bí Văn, nơi có một tên nghiện nhảy vào. Đang cởi đồ để chích thì anh ta bị Ki lao đến đớp một miếng vào mông. Hoảng quá, tên nghiện bỏ chạy, không kịp mặc quần nhưng vẫn còn cố quay lại gào hỏi: “Chó đã tiêm phòng chưa...?”.

Anh Chung nói, từ ngày có đàn chó những đối tượng nghiện hút ít dám trèo vào chích choác, người vào câu trộm cá cũng ít hơn... Chỉ cần nghe một tiếng động nhỏ ở góc nào đó ngay lập tức cả đàn ào tới. 

Giao thừa vừa rồi, vì không được phép thả chó nên cả đội bảo vệ phải đến hết, đi tuần kín khu Văn Miếu để cản những người trèo vào chặt cây, hái lộc.

Nửa đêm, tôi tiếp tục đi tuần với các anh Hào, Bảo, Tú, Hinh vừa thay ca. Đêm ở Văn Miếu thật khác những gì tôi đã gặp ban ngày. Cả khu di tích đẹp một cách khó tả và lạ lùng.

Đêm Văn Miếu Hà Nội ảnh 2
Những tiểu "thị vệ" ở Văn Miếu               

Càng về khuya Văn Miếu càng lặng lẽ, xa vắng hơn và không gian như mênh mang hơn. Tôi như đang lạc vào một khu vườn lạ, linh thiêng. Những mái ngói, gác chuông, Khuê Văn Các... nhập nhòa trước mặt.

Cây đa, cây đề có tuổi thọ hàng trăm năm phủ bóng xuống tối sẫm một vùng. Những hàng bia Tiến sĩ trông giống đàn rùa nối đuôi nhau đang đi tới mà nhìn vào cứ thấy dài xa tít tắp.

Chẳng riêng gì Tú - bảo vệ trẻ nhất (SN 1982), mà một số anh em thừa nhận, họ ít khi dám tuần đêm trong Văn Miếu một mình và lần đầu đi tuần đêm ai cũng có cảm giác sờ sợ.

Anh Hinh - người nhiều tuổi nhất trong đội bảo vệ đã bước vào lục thập. Anh cho biết, một năm các anh chỉ được thay nhau nghỉ chưa đầy một ngày, từ trưa Ba mươi đến 9 giờ sáng mồng Một Tết.

“Tính ra 365 ngày, không ngày nào nghỉ” - anh Hinh nói. Những ngày cuối tuần, lễ, tết không những không được nghỉ mà họ lại phải làm việc nhiều hơn, bởi đó là thời gian mà lượng khách đến Văn Miếu đông nhất.

Như Tết rồi, mỗi ngày có vạn rưỡi lượt người vào Văn Miếu. Canh gác ban ngày, mỗi tuần các anh còn có một đêm thức trắng.

Không giường, chiếu là quy tắc các bảo vệ trực đêm phải thực hiện. 4 người canh suốt đêm, mệt các anh chỉ còn biết ngồi ghế đá hay dựa hiên nghỉ.

Anh Hinh ngân nga: “Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng trên toà muôn gian”. Hỏi thơ của ai, anh bảo đó là lời vua Quang Trung phê trong bài sớ văn nôm của nông dân trại Văn Chương, vào Hậu đường sẽ thấy treo hai câu này.

Anh Hinh nói: “Từ ngày về đây tôi thấy khoẻ hẳn, được hưởng không khí trong lành giữa Hà Nội...”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích quan trọng của Hà Nội, là điểm đến của hầu hết các du khách trong và ngoài nước khi tới thăm Thủ đô. Để Văn Miếu - Quốc Tử Giám không bị xâm phạm, khu di tích có đội bảo vệ lên tới 22 người, ba ca mỗi ngày, túc trực 24/24 giờ.

Mỗi bảo vệ trực ban ngày ngoài bảo vệ tài sản khu di tích còn phải bảo đảm an toàn cho du khách. Khi phát hiện một vụ trộm cắp họ phải thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc không gây ồn ào, tốt nhất là áp sát đối tượng mời về phòng bảo vệ.

Nếu đối tượng ngoan cố chống cự thì cương quyết tóm gọn, hướng dẫn viên phải có trách nhiệm giải thích cho khách, nhất là khách quốc tế có mặt vào thời điểm đó rõ vì sao các bảo vệ phải hành động như vậy...

Có 2 bảo vệ của Văn Miếu đã tốt nghiệp đại học, ngoài các tiêu chuẩn về nghiệp vụ các anh còn đòi hỏi phải có khả năng giao tiếp và ứng xử tốt.

Giám đốc Phạm Tứ cho biết, từ khi nhà Thái Học được xây dựng (năm 2000, trên nền Quốc Tử Giám xưa) thì công việc bảo vệ Văn Miếu dường như “nặng” hơn.

Nhà Thái Học có diện tích sử dụng 1.530 m2 trên diện tích mặt bằng 6.150 m2, gồm có nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả hữu vu, nhà để chuông, trống và các công trình phụ trợ.

Nhà Hậu đường hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền Nho giáo Việt Nam, cũng là nơi đặt tượng thờ các vị vua Lý Thánh Tông (sáng lập Văn Miếu năm 1070), Lý Nhân Tông (khởi lập Quốc Tử Giám năm 1076), Lê Thánh Tông (dựng điện Đại Thành, và bia Tiến sĩ - năm 1484) và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là nơi tọa lập các công trình kiến trúc cổ, chứng tích của ngàn năm văn hiến như: Gác Khuê Văn, Điện Đại Thành (nơi đặt tượng thờ Khổng Tử, Tứ phối  là Nhan Hồi, Tử Tư, Tăng Sâm và Mạnh Tử, cùng bài vị của 10 vị hiền triết), Bái Đường, nghiên đá, rồng đá...

Điều đó đặt trách nhiệm lên vai lực lượng bảo vệ phải canh gác cẩn mật. 82 tấm bia Tiến sĩ đặt trên lưng rùa đá (ghi họ tên, quê quán của 1.307 Tiến sĩ của 82 khoa thi từ 1442 đến 1779) cũng là nơi mà các bảo vệ thường xuyên phải qua lại trong đêm, không thể không đề phòng kẻ trộm cắp phá hoại bia đá, vì có những tấm bia ra đời từ năm 1484, chưa kể nó còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa khác.

Trời giá lạnh, sương rơi đều. Chưa rõ mặt người nhưng đã nghe tiếng chim hót trong vườn. Bảo vệ Tú nói, đó là tiếng chim chích choè và cu gáy. Nếu là sáng mùa hè thì Văn Miếu còn rộn ràng tiếng chim hơn. Bên ngoài - nơi vườn Giám có tiếng chân người chạy tập thể dục buổi sáng.

Trong Văn Miếu, tiếng chổi của nhân viên vệ sinh bắt đầu khua đều... Tôi thấy Queen, Ki, Gấu, Bông, Tam Mao... lon ton chạy về chỗ ngủ. Đó cũng là lúc anh Hinh cầm cái cờ-lê tròng ra cổng chính Văn Miếu mở cửa.

Cổng này khoá bằng bu-lông vì dùng khóa thông thường các anh sợ trẻ con đêm hôm nghịch ngợm thò tay vào nhét vật lạ vào ổ sáng mai không mở được cửa cho khách vào.

Anh Hinh vỗ vai tôi: “Tiếc là đêm qua không có trăng. Cậu biết không, tôi mấy lần làm được thơ vì được tuần đêm Văn Miếu dưới ánh trăng và trời đầy sao đấy...”.

Hoàng Nghĩa Nam

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đinh Khanh; Email: khanhdinh@hotmail.com

Bài viết về "ca trực đêm" tại di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám của Hoàng Nghĩa Nam quá hay!

Xin cảm ơn Hoàng Nghĩa Nam và báo Tiền phong đã cống hiến cho người đọc chúng tôi những bài viết vừa mang tính giáo dục (nhờ bài viết mà tôi biết được những lời tuyệt diệu của Hoàng đế Quang Trung), đượm chất thơ mộng trữ tình của hương đêm nơi ngôi trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt).

Cũng xin cảm ơn các anh em bảo vệ đã không quản ngại mưa nắng đêm ngày cố sức gìn giữ trọn vẹn khu đất thiêng của quê hương.

Viết thêm: Mong sẽ được đọc thêm nhiều bài viết của Hoàng Nghĩa Nam.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.