Đền Đồng Cổ: Lời thề còn, lẽ nào để đền bị lấn mất?

Đền Đồng Cổ: Lời thề còn, lẽ nào để đền bị lấn mất?
TP - Việc tu tạo di tích quốc gia đền Đồng Cổ với kinh phí dự tính 5,8 tỷ đồng của UBND TP Hà Nội vấp phải một khó khăn lớn ngay từ bước đầu tiên: cắm mốc giới. Hiện, có 10 hộ dân sống trong khu vực bảo vệ I của di tích.
Đền Đồng Cổ: Lời thề còn, lẽ nào để đền bị lấn mất? ảnh 1
Đền Đồng Cổ đang bị lấn chiếm 

Đền Đồng Cổ nay thuộc phường Bưởi-quận Tây Hồ-Hà Nội, thờ thần Trống Đồng. Tương truyền, nhờ thần Trống Đồng ở Đan Nê- Yên Định- Thanh Hóa báo mộng, Vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) đã đánh tan quân Chiêm Thành và trừ được loạn Ba Vương, tránh cuộc soán ngôi đẫm máu khi Vua cha Lý Thái Tổ qua đời.

Nhớ ơn thần, Vua Lý Thái Tông cho xây đền ở tây bắc thành Thăng Long năm 1028, định lệ hàng năm đến ngày 4/4 âm lịch bá quan văn võ phải đến tế lễ. Các triều đại tiếp nối thường đến Đền Đồng Cổ dự hội thề, đọc: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”. Ngày này trở thành lễ hội hàng năm của người dân Đông Xã-phường Bưởi.

Từ năm 2000 đến 2004, UBND thành phố Hà Nội nhiều lần hỗ trợ kinh phí (khoảng 700 triệu đồng) tu bổ tôn tạo các hạng mục của di tích Đền Đồng Cổ như tả vu, hữu vu, tam quan, sân vườn...

Mới đây, UBND TP Hà Nội có chủ trương quy hoạch tổng thể để tu tạo di tích quốc gia đền Đồng Cổ với kinh phí dự tính lên tới 5,8 tỷ đồng. Đền cũng đã lọt vào danh mục đầu tư, và đề cương dự án đã được lập. Theo đó, sẽ hoàn thành tu bổ toàn diện Đền trước năm 2010. Cũng theo đó, lẽ ra giai đoạn 1 của dự án này đã xong xuôi.

Tuy nhiên, tương lai đẹp đẽ của Đền Đồng Cổ vấp phải một khó khăn lớn ngay từ bước đầu tiên: cắm mốc giới. Hiện, có 10 hộ dân sống trong khu vực bảo vệ I của di tích.

UBND phường Bưởi và quận Tây Hồ cho rằng, bản đồ lập năm 1986 trong hồ sơ di tích quốc gia của đền quá mờ và không thể dựa vào đó để cắm mốc. Vì thế, phường và quận dựa vào bản đồ năm 1994.

Nhưng, tiểu ban quản lý đền Đồng Cổ khẳng định, nếu căn cứ vào bản đồ 1994 thì đền chỉ nằm từ mép sông Tô Lịch đổ vào mép đường Hoàng Hoa Thám, mất tới 2/5 diện tích đất.

Ông Phùng Trắc Sửu (Tiểu BQL đền Đồng Cổ) nói: “Chúng tôi không chấp nhận bản đồ này. Phải cắm mốc giới theo bản đồ năm 1986: từ mép đường Thụy Khuê đổ vào mép đường Hoàng Hoa Thám. Chúng tôi sẵn sàng đi tìm bản đồ gốc về”.

Trao đổi với Tiền phong chiều 27/6, ông Vũ Hoài Phương - Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Tây Hồ cho biết: “Đây là lần đầu tiên quận thí điểm cắm mốc giới cho một số di tích trong đó có đền Đồng Cổ.

Quận đã nhờ sự giúp đỡ từ kho tư liệu của Sở Địa chính và Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, nhưng cũng chỉ có bản đồ năm 1994. Đành dựa vào văn bản này thôi, nhưng phải có sự đồng thuận của người dân”. Ông Phương cũng thừa nhận: Di dân khỏi di tích mới là biện pháp rốt ráo để bảo vệ trọn vẹn đền Đồng Cổ.

10 năm trước, đền Đồng Cổ vẫn là nơi u tịch, um tùm cây cối. Nay, những ngôi nhà bê-tông mọc lên lấn cả mái ngói đầu rồng, đầu phượng, chĩa thẳng toa-let sang hậu cung của đền. Một địa điểm linh thiêng, nơi từng diễn ra lễ Minh Thệ của vua quan nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đang dần trở nên ô hợp.

Chiều 28/6, UBND phường Bưởi và Phòng VHTT quận Tây Hồ có buổi làm việc với BQL đền Đồng Cổ về việc cắm mốc giới. Nhưng kết quả không đi đến đâu.

MỚI - NÓNG