Đến Hạ Hòa du ngoạn hai 'Ao'

Đến Hạ Hòa du ngoạn hai 'Ao'
TP - Huyền - Bạn xưa học cùng đại học rủ: Họp nhóm ở quê tớ đi. Chúng tôi ngại ngần, bạn tôi giờ là giáo viên dạy học ở quê: huyện Hạ Hòa (Phú Thọ).
Đến Hạ Hòa du ngoạn hai 'Ao' ảnh 1
Một góc Ao Châu

Chúng tôi chẳng biết ở đó có gì hay, bạn thì quý rồi, gần chục năm nay chẳng gặp nhau, nhưng... Huyền thuyết phục: Đi dễ lắm, các cậu đi bằng ô tô hay đi tàu hỏa đều được, còn nếu có sức thì đi đường sông.

Cuối cùng, chúng tôi đã bị thuyết phục vì bạn cho biết: Chính ở huyện này, có hai thắng cảnh nổi tiếng đều gắn với chữ “Ao”, đó là Ao Châu và Ao Giời. Chúng tôi có 3 ngày, ổn với việc thăm bạn và tham quan.

Đầm Ao Châu cách Hà Nội 150 km, cách thị xã Phú Thọ 50km, cách thành phố Việt Trì 70km, nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh. Chúng tôi chọn cách đi tàu đến TP Việt Trì rồi đi ô tô. Bạn tôi đón chúng tôi ở ngoài đường. Từ đường cái vào xóm phải đi xe máy.

Nghỉ ngơi ăn xong, buổi chiều chúng tôi được lên thuyền đi quanh đầm. Chưa quen nên chúng tôi không biết đâu là đâu nữa sau khoảng 30 phút trên đầm. Các đảo ẩn hiện lớp này đến lớp kia và con thuyền cứ như bị bao vây bởi các hòn đảo lớn nhỏ.

Năm 2001, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch đầm Ao Châu với diện tích khoảng 1.500 ha.

Đồng thời, Sở Thương mại-Du lịch Phú Thọ và Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phối hợp khảo sát và lập quy hoạch chung Khu du lịch Ao Châu.

Qua đó, các chuyên gia đầu ngành về du lịch đều khẳng định tính khả thi của dự án Ao Châu có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển thành Khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi, hái lượm...

Bạn tôi chỉ, giới thiệu Núi Ông, Núi Vần, Núi Buộm... Ao Châu có tới khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ,  đỉnh cao nhất cao khoảng 170m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Nhiều đồi, núi còn đầy lau, sậy, nứa, chè và các bụi cây thấp.

Một số đồi được phủ bởi bạch đàn, bồ đề, thông, những đảo thấp, đất bằng đầy cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải... do dân trồng. Mực nước trong hồ quanh năm không bị cạn, luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m.

Nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều loài thủy tộc mà chúng tôi chỉ mới nghe thấy trong truyện: giải, rùa vàng, ba ba... Một số người lớn tuổi bảo, chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh xảy ra ở đây. Quả thật, đúng là như sau một trận giao tranh giữa nước và núi đồi, cả hai bên đều thấm mệt nhưng vẫn quyện chặt vào nhau không rời.

Chúng tôi ghé thuyền vào một hòn đảo trồng toàn bưởi. Dưới những gốc cây là những đõ ong xinh xinh. Nghề nuôi ong ở đây rất mạnh. Bưởi mùa này đa phần mới còn non. Hương bưởi trên đảo khiến mọi nhọc mệt của chúng tôi tiêu tan.

Đến Hạ Hòa du ngoạn hai 'Ao' ảnh 2
Thăm Ao Giời - Suối Tiên

Quả thật, Ao Châu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi..., đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Hôm sau chúng tôi đi sâu vào đầm và trèo lên một ngọn núi. Từ đây có thể nhìn thấy một góc lớn đầm Ao Châu có diện tích khoảng 300ha mặt nước, trên diện tích toàn thể khoảng 1.500ha.

Trên các sườn đồi, sườn núi là các nương bậc thang, bên dưới là ruộng ôm lấy chân đồi hình thành các bậc thang lượn sóng. Phong cảnh rất đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ nhưng lạ hẳn đi vì phong cảnh mặt nước mênh mang bị các ngọn đồi núi lô nhô chia cắt.

Chúng tôi đã mang theo một số thức ăn sẵn, cùng với món cá tươi dưới hồ do người chèo thuyền nướng đã có một bữa trưa tuyệt vời. Bạn tôi còn mải mê nói về hương vị ngọt ngào của vải Ao Châu, mơ Ấm Thượng... - những đặc sản vùng này.

Theo người dân địa phương, đầm Ao Châu có hình dáng khá đặc biệt. Nhìn trên bản đồ, đầm giống như đầu một con trâu có hai sừng choãi ra hai phía sông Thao và sông Lô. Đầm Ao Châu có 99 ngách, đan cài vào các đồi, núi, thu nước của 99 con suối nhỏ đổ về. Phía đông nam, Ao Châu thông với Sông Thao bằng ngòi Lửa Việt.

Hôm sau, chúng tôi đi Ao Giời- Suối Tiên. Thắng cảnh này nằm trên núi Nả thuộc xã Quân Khê - huyện Hạ Hòa, cách Ao Châu 15 km. Gần là vậy nhưng đi thì không dễ chút nào, chúng tôi phải đi từ sáng sớm cho mát.

Đường tới Ao Giời - Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ. Cao hơn nhiều so với núi bên Ao Châu. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng giữa vùng trung du rộng lớn.

Trên núi là rừng nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm... Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương...

Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, như dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu.

Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng.

Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xóa, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây.

Theo truyền thuyết: Xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát. Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.

Chúng tôi cũng không thể lên hết các bậc của suối, chỉ lên lưng chừng rồi ngồi nghỉ lại. Cảnh vật thật đẹp nhưng thật tiếc, ở đây chẳng có dịch vụ gì cả. Ao Giời - Suối Tiên gần như còn nguyên dạng hoang sơ.

Hy vọng, trong tương lai gần, Khu du lịch Ao Châu và Ao Giời - Suối Tiên sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

MỚI - NÓNG