Đến Văn Miếu xem gùi thơ và diễn thơ

Đến Văn Miếu xem gùi thơ và diễn thơ
TP - Ngày Thơ diễn ra sáng Rằm tháng Giêng năm nay tại sân Thái Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội hứa hẹn nhiều thú vị, nhất là sân thơ trẻ.

Ngoài chương trình giao lưu với các nhà thơ, đọc những bài thơ trong ký ức, lễ thả thơ, độc giả được phát phiếu dự thi Bài thơ tôi yêu thích, họa thơ cho bài Loài chuột:

Chẳng phải nòi sang, chẳng giống sang/ Nhỏ tày trứng cút, lớn tày gang/ Ruộng đồng chính nó đào tan nát/ Kho quỹ vì bay khoét rỗng toang/ Tai hệt tai dơi, tài rúc xó/ Mõm như mõm ngoé, giỏi luồn hang/ Tên nghe thì tý, ăn không tý/ Ló mặt nơi nào, lập tức... phang!

Khách vào Văn Miếu cũng có thể ứng đối cho những câu mời sau: Mở cửa hướng năm châu nước mạnh dân giàu, nghệ thuật văn chương giàu sức sống; Văn hoá văn phong văn tải đạo; Lệ Mật rắn lầm lũi gió sương, bát tiết cho đời say rượu rắn; Hà Nội nghìn năm còn rất trẻ.

Trổ tài xong, bạn phải gửi ngay vào thùng phiếu tại cửa Văn Miếu trước giờ khai mạc.

Sân thơ trẻ 2008 hướng tới chủ đề mới: Trình diễn thơ. Tại sân khấu ở nhà Thái Học- Quốc Tử Giám, người xem lần đầu tiên có cơ hội thưởng thức những sự phối hợp giữa thơ và chèo, nhạc hiện đại, ca trù, kịch hình thể, nghệ thuật sắp đặt.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà- Phó ban thường trực Ban công tác Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết:

“Nếu tiếp tục làm theo lối truyền thống có lẽ sẽ “an toàn” hơn. Nhưng chúng tôi quyết định chọn hình thức trình diễn thơ nhằm đổi mới cách thức “trình thơ” với công chúng. Trình diễn thơ đã có từ hàng ngàn năm nay ở Việt Nam. Chúng tôi muốn thơ được cảm nhận tốt nhất qua tổng thể các giác quan của người yêu thơ”.

Còn nhà thơ Trần Quang Quý thì khẳng định tác phẩm đưa ra trình diễn phải có “khí thơ quảng trường”!

Anh Đoàn Văn Mật (ĐH Văn hóa) đảm nhận phần thơ và chèo, với sự trợ giúp của nghệ sỹ Tuấn Cường (Nhà hát Chèo VN), Nguyễn Vĩnh Tiến nhận phần thơ và ca trù, nhóm M6 lo phần thơ và nhạc hiện đại, Vi Thùy Linh bày tỏ cơn khát thơ và kịch hình thể.

Chu Thị Minh Huệ-nhà thơ dân tộc Mông ở Hà Giang sẽ vừa gùi thơ vừa đọc thi phẩm của mình bằng hai thứ tiếng Mông và Việt. Riêng phần thơ và nghệ thuật sắp đặt, mới đầu do Nguyễn Thúy Hằng đảm trách, rốt cục, cùng với Lê Vĩnh Tài, Hằng trở thành nhà thơ thứ hai của TPHCM không thể ra Hà Nội dịp này, đành dở dang.

Trương Quế Chi đang du học tại Pháp không thể về nước. Dạ Thảo Phương cũng tỏ ý không muốn mình là người mở đầu chương trình trình diễn dù cô có bạn diễn rất “hot” là ca sỹ Minh Ánh và ca sỹ trẻ Dương Hoàng Yến.

Ban tổ chức kỳ vọng nhóm M6 có khả năng giữ chân khán giả lâu nhất cho Sân thơ trẻ.

16 bàn thơ bày hai bên sân Thái Học, mỗi bàn đặt một cây đào, nên gọi tắt là bàn đào trên đó bày thơ, những dòng ngắn gọn tác giả tự giới thiệu, trưng bày sách và cả những giải thích về cách trình diễn thơ của thế giới.

Theo nhà thơ Hữu Việt- Trưởng ban tuyển chọn cho sân thơ trẻ năm nay, hội đồng tuyển chọn đã chọn ra 5 tác giả đọc thơ xen kẽ giữa các tiết mục trình diễn, đó là Đặng Hải Yến, Bùi Thị Tuyết Mai, Phạm Việt Đức, Tằng A Tài, Hoàng Chiến Thắng.

Họ ít nhiều đã có những bước tiến trong thơ ca. Cũng trong Ngày thơ, cuốn Thơ Trần Dần do Cty Nhã Nam và NXB Đà Nẵng vừa hoàn thành ấn hành, sẽ ra mắt và mang lại cho độc giả một phần trong di cảo thơ của Trần Dần bấy lâu bị vùi sâu bởi thời gian và giai thoại cũng như khả năng của chữ của lời và những quan niệm khác của thơ.

Theo Ban Nhà văn trẻ- Hội Nhà văn VN, họ đang hướng tới xã hội hóa các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Sân thơ trẻ 2008 có sự hỗ trợ của Đài Truyền hình Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ...

Đại diện ban này cho biết năm tới sẽ bằng mọi cách kéo gần khoảng cách độc giả và thi ca. Một cuộc gặp gỡ giữa các nhà sách tư nhân và tác giả trẻ sẽ được tổ chức trong năm nay.

MỚI - NÓNG