'Dẹp loạn lễ hội, Chính phủ cần vào cuộc'

Công an vất vả giữa biển người ở đền Trần. Ảnh: Trường Phong.
Công an vất vả giữa biển người ở đền Trần. Ảnh: Trường Phong.
TP - Một số giải pháp cho mùa lễ hội lành mạnh hơn dẫn đến chuyển biến nhưng chưa đủ. PGS.TSKH Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL nói đến sự cần thiết vào cuộc quyết liệt hơn của Chính phủ.

Sau một loạt văn bản, quyết định của Bộ VHTTDL siết chặt quản lý và tổ chức lễ hội, một số lễ hội có tính bạo lực- điểm nóng năm trước như Hội Gióng có chuyển biến. Thời gian tới, Bộ có mạnh tay hơn nữa?

Đương nhiên, Bộ nghiên cứu và có biện pháp mạnh hơn để giữ trật tự lễ hội, trả lại lễ hội thực sự văn hóa, chứ không phải lễ hội của bạo lực, tranh cướp nhau. Bộ vẫn theo dõi, giao cơ quan chức năng như Thanh tra, Cục Văn hóa Cơ sở theo dõi và báo cáo, tham mưu cho năm tới.

Lễ hội chém lợn Ném Thượng năm nay không đem ra giữa sân đình mà làm trong rạp kín. Ông thấy thế nào?

Tôi nghĩ đây là sự cân nhắc, chấp hành và đồng thuận của BTC ở địa phương. Hành vi chém lợn để cúng tế là tục hiến sinh ở nhiều nơi. Nhưng trưng ra để mọi người thấy, khách du lịch và báo chí truyền thông đăng tải toàn thế giới là không được. Chúng tôi đánh giá cao thái độ nghiêm túc của UBND tỉnh Bắc Ninh, chỉ đạo đến phường, thôn.

Một số không ít người vẫn chưa thỏa mãn, họ quan niệm “chém kín vẫn là chém, man rợ”. Ở các nước văn minh, quy trình giết mổ một con vật là không thể tùy tiện?

Chúng ta mong muốn ngay lập tức thực hiện các hành động trong lễ hội này thực sự văn minh. Nhưng nhận thức là cả quá trình, không thể duy ý chí ra mệnh lệnh hành chính ngay được. Hành vi chém ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dân. Chúng ta hy vọng những thay đổi văn minh hơn, xã hội dần loại bỏ hủ tục, giữ lại mỹ tục trong lễ hội.

Dư luận ghi nhận nỗ lực của Hội Gióng đền Sóc, tuy nhiên hội cướp phết Hiền Quan vẫn hỗn loạn, bạo lực. Hội nghị cuối năm rồi, Bộ trưởng kêu gọi các địa phương không để xảy ra tình trạng này. Theo ông, địa phương sẽ chịu trách nhiệm ra sao về tình trạng này?

“Nếu cứ để thế này nhiều nơi đua nhau phát ấn, dần biến dạng thậm chí có khả năng xúc phạm tiền nhân. Các bậc Đức thánh Trần, Trần Nhân Tông, 14 triều vua Trần và các triều đại khác không cẩn thận bị thế hệ con cháu lôi ra tầm thường hóa, dung tục hóa. Tôn vinh tiền nhân không phải bằng cách đó”. 

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Phan Đình Tân

Bộ rất nỗ lực, từ bộ trưởng tới các thứ trưởng và cơ quan chức năng vào cuộc, đi thực tế từng địa phương để đối thoại với chính quyền, người dân. Làm bài bản như hội thảo, hội nghị trực tuyến toàn quốc cũng mang lại hiệu quả, đến nay khu biệt lại còn ở vài lễ hội lớn. Cướp phết và một số nơi còn hành vi bạo lực. Năm ngoái Bộ đưa tiêu chí chấm điểm công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Năm nay trên cơ sở đó Bộ vẫn tổ chức chấm điểm, rà soát để nhắc nhở, đánh giá thi đua khen thưởng. Tôi chắc rằng địa phương nào ở mức yếu kém, sẽ chịu chế tài cắt thi đua.

Bộ cũng nghiên cứu và đề xuất thêm biện pháp hiệu quả hơn. Tôi đề nghị địa phương rút kinh nghiệm tìm hình thức tổ chức vui, đảm bảo tính văn hóa. Chẳng hạn vẫn có nghi thức tranh cướp trong cướp phết, nhưng đảm bảo trong khuôn khổ cho phép khi chọn ra mỗi thôn dăm mười trai làng, số còn lại đứng hò reo chứ không nhất thiết để số lượng quá đông, không kiểm soát được.

'Dẹp loạn lễ hội, Chính phủ cần vào cuộc' ảnh 1

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Phan Đình Tân.

Bộ từng giao Viện VHNT thực hiện đề án phát ấn đền Trần, nay giao địa phương thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn hỗn loạn. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất phương án tổ chức lễ hội đền Trần khoa học hơn. Theo ông có nên điều chỉnh lại cho phù hợp?

Tình trạng phát ấn như mấy năm qua khiến tôi rất lo lắng. Nếu người dân đến đó lấy ấn trong mùa lễ hội trải dài hơn để làm kỷ niệm, tưởng nhớ vương triều Trần thì đó hoàn toàn là chuyện khác. Nếu chúng ta tổ chức không tốt, nhiều người dễ hiểu nhầm là kinh doanh ấn. Bộ không thể đơn thương độc mã, cần Chính phủ, cấp cao hơn như Ban Bí thư, Bộ Chính trị vào cuộc.

Có thể nói các BTC lễ hội không mạnh tay xử lý hành vi phản cảm, phá hoại trong lễ hội dẫn đến pháp luật không nghiêm minh trong các sự kiện mang tính văn hóa này. Chẳng lẽ chúng ta phải chấp nhận hành vi phản cảm này mãi?

Địa phương năm nào cũng cam kết, nhưng chỉ chung chung không có gì cụ thể. Điều nguy hiểm là đâu lại vào đó, nhiều người đến lễ hội tiếp tục tái diễn hành vi phản cảm. Sự phản cảm chỉ có ở một bộ phận nhỏ người đi hội, vẫn nhiều người mang tâm đẹp đi hội nhưng chịu lây tiếng xấu.

Để quản lý một bộ phận nhỏ gây hành vi phản cảm, chúng ta cần biện pháp cụ thể: BTC phải bố trí từng đoàn người theo trật tự. Ở các điểm di tích lắp đặt camera, công chức hay người dân nào có hành vi vi phạm bị xử phạt. Hình thức phạt có nhiều, đối với công chức có thể gửi về cơ quan nhắc nhở, cảnh cáo hoặc đánh vào thi đua.

Chúng ta nói nhiều về ứng xử văn minh trong các sự kiện văn hóa, lễ hội. Tuy thế nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn địa phương đem cách tổ chức dân gian áp dụng trong xã hội hiện đại, khiến nảy sinh bất cập. Sau mùa lễ hội này, Bộ có cải tiến hình thức họp, rút kinh nghiệm sâu sát hơn cho mùa lễ hội tiếp theo?

Hiện Bộ giao cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, đánh giá tổng thể để tham mưu cho Bộ. Bộ lại tham mưu Chính phủ có đề xuất, kiến nghị loại bỏ hình ảnh tiêu cực trong lễ hội. Giải quyết vấn đề lễ hội cần sự tham gia đa ngành, sự vào cuộc của Chính phủ và các cấp cao hơn. Những hình ảnh phản cảm, hủ tục phải được loại dần để trả lại giá trị tinh thần, văn hóa để thực sự lễ hội là nơi người dân đến đó thưởng ngoạn, du xuân chứ không phải nơi để nhìn cảnh tượng hung hãn, hình ảnh tiêu cực.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.