Vĩnh biệt nữ sĩ Anh Thơ (1918- 2005):

Đẹp mãi “Bức tranh quê”!

Đẹp mãi “Bức tranh quê”!
Nữ sĩ Anh Thơ, nhà thơ nữ nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới, người có sự nghiệp sáng  tác dày dặn kéo dài hơn nửa thế kỷ đã ra đi vào ngày 14/3/2005, thọ 87 tuổi.

Trong 1000 năm văn chương đất Việt, giữa một biển đàn ông, tên tuổi các nữ sĩ thật thưa vắng: Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...Bù lại, bà nào đã nổi được trên biển ấy thì đều là tác giả xuất sắc, chẳng cần ai chiếu cố!

Sinh thời Xuân Diệu tấm tắc mãi về những câu diễn Nôm của bà Điểm mà ông cho rằng không thua gì văn Kiều “Hình khe thế núi gần xa/ Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao/.../Trâm cài xiêm giắt thẹn thùng/ Lệch vầng tóc rối lỏng vòng lưng eo...”. Còn Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì đến cuối thế kỉ XX vẫn gây “sốc” cho độc giả Mỹ, dù rằng qua bản dịch,  vì cá tính dữ dội và nghệ thuật trác tuyệt của Bà “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm/ Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om/.../Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom!”...

Sang thời hiện đại, nữ sĩ Anh Thơ  (Vương Kiều Ân)  là một ví dụ về quyền bình đẳng chính đáng của giới mình trong sáng tạo nghệ thuật. Trong sách “ Thi nhân Việt Nam” ( 1942), tổng kết “ một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh- Hoài Chân chỉ chọn tác phẩm của 46 thi sĩ, trong đó chỉ có...5,5 nữ sĩ!

Nói năm nữ sĩ... rưỡi là bởi vì T.T.Kh, tác giả “ Hai sắc hoa ti-gôn” nổi tiếng (Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! người ấy có buồn không?), suốt 70 năm qua vẫn chỉ là một nghi án, không ai xác định được giới tính của người mang tên tắt ấy. Trong số năm nhà thơ nữ có danh tính rõ ràng (Thu Hồng, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài , Hằng Phương) thì Anh Thơ nổi tiếng nhất, có cả một sự nghiệp sáng tác dày dặn theo suốt một cuộc đời dài.

Bà từng đoạt giải thưởng Thơ của Tự lực văn đoàn, một giải thưởng danh giá, khi mới 21 tuổi. Những người chấm giải ngày ấy có lẽ vô tư và ít lầm lẫn hơn các giám khảo thời nay? Họ đã không nhầm khi tặng thưởng cho cô gái trẻ, ít học, sống ở tỉnh lẻ Bắc Giang.

Những bài trong tập “Bức tranh quê”, gần bảy mươi năm qua vẫn có bạn đọc, được in đi in lại và đưa vào các tuyển tập. Quá trình đô thị hoá đương diễn ra ồ ạt, cảnh quê ngày một phôi pha “Mái bằng mái bằng lại mái bằng/ Tôi đi như cá lạc trong đăng/ Ba mươi năm về thăm làng cũ/ Cả làng là một cục xi măng!” (?).

Nhớ tiếc bao nhiêu một bến đò xuân buồn bã mà cô gái trẻ Vương Kiều Ân đã vẽ nên bằng những nét xuất thần: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều xuân). Tôi nhớ tim mình đã từng thít lên khi lần đầu được đọc những câu thơ giản dị này.

Làng tôi cũng nằm bên một dòng sông, có những con đò đưa người sang chợ . Anh Thơ viết nhiều về những bến đò quê và thường là qua một màn mưa: “Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át/ Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa/ Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt/ Mặc con thuyền cắm lái đậu trơ vơ” (Bến đò ngày mưa). (Một câu trong bài thơ này  Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ/ Thúng đội đầu như đội cả trời mưa, mấy chục năm sau còn được “thần đồng” Trần Đăng Khoa tiếp thu để viết thành câu Bố em đi làm về/ đội sấm/ đội chớp/ đội cả trời mưa) .

Mưa (gợi đến cái lạnh, đến nước mắt?), con đò (tượng trưng cho sự cách trở, chia li?) hình như cũng là thi liệu ưa thích của Nguyễn Bính, người bạn thơ lừng danh một thuở của nữ sĩ họ Vương: “Nhưng em ơi một đêm hè/ Hoa xoan nở xác con ve hoàn hồn/ Dừng chân trên bến sông buồn/ Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang...” (Lỡ bước sang ngang, NB)?

Mối tình giữa hai nhà thơ thời danh đã từng khiến văn đàn thời ấy chú ý và sau này là cái trục chính làm nên sức hấp dẫn cho bộ hồi ký dày dặn “ Từ bến sông Thương” của Anh Thơ. Nhiều người háo hức tìm đọc, bất chấp một vài người bạn gái và bạn thơ cùng thời với bà phản đối về chi tiết này, tình huống kia.

Tôi đã từng hỏi nhà văn Tô Hoài, người quen biết cả Nguyễn Bính và Anh Thơ, về độ chính xác của câu chuyện trong bộ nhớ của nữ sĩ ở độ tuổi thất tuần. Cụ Tô Hoài cười tủm  nói rằng Nguyễn Bính bấy giờ là thần tượng của không ít cô gái yêu thơ...Dù sao thì theo tôi “ Từ bến sông Thương” cũng là một bộ hồi kí có giá trị, chứng tỏ một trí nhớ và một nghị lực đáng nể của nữ sĩ Anh Thơ những năm tuổi đã cao, sức đã yếu. Bộ hồi kí khiến sự nghiệp của bà trở nên phong phú hơn, mặc dù chỉ riêng với “ Bức tranh quê” bà đã có vị trí xứng đáng và không thể thay thế trên thi đàn.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.