ĐH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh: Làm sao để không tụt hậu?

ĐH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh: Làm sao để không tụt hậu?
Gần 1/3 Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh không đi sáng tác, không tham dự các cuộc thi và triển lãm ảnh các cấp trong nước và nước ngoài.

Trong xu thế “xã hội hóa nhiếp ảnh”, hàng năm, Hội NSNA VN tổ chức hoặc bảo trợ nghệ thuật cho khoảng 10 cuộc thi và triển lãm ảnh cấp quốc gia, Bộ, ngành và quốc tế; khoảng 30 cuộc thi và liên hoan ảnh cấp tỉnh và khu vực; khoảng 15 triển lãm cá nhân và nhóm tác giả. Từ 2004 - Triển lãm ảnh toàn quốc hai năm/ lần sẽ được Bộ VH-TT đứng ra đồng tổ chức, cấp kinh phí triển lãm và trao giải. Hai năm một lần, vào năm lẻ, Hội sẽ tổ chức triển lãm ảnh quốc tế với sự bảo trợ của FIAP.

5 năm, Hội cũng làm được nhiều việc lớn: tổ chức hai lần thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế- FIAP bảo trợ - vào năm 1996 và 2002. Trưng bày ảnh báo chí quốc tế WPP-2004 tại HN. Dịp kỷ niệm 30/4/2000, triển lãm ảnh báo chí do Horst Fass và Tim Page tập hợp các tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh- liệt sĩ từ cả hai phía do Hội đứng ra tổ chức gây được tiếng vang...

Bên cạnh đó, thì, “lý luận phê bình đã bộc lộ rõ những yếu kém” (báo cáo Tổng kết của BCH nhiệm kỳ 4). Trong sáng tác, nhiều nhà nhiếp ảnh sẵn sàng lặp lại đồng nghiệp và chính mình nhằm mục đích có giải. Phát biểu nghiêm trang, nhưng tham luận của Vinh Quang (Báo ảnh VN) khiến cử tọa bật cười vì đã đưa ra liên tiếp các cụm từ: Thế hệ mặt trời, thế hệ gồng gánh/ đi về, thế hệ phơi phóng, đưa cuộc sống vào sa lông… -“khái quát” hàng loạt trào lưu về đề tài trong nhiếp ảnh VN thời gian qua.

Một trong những nguyên nhân khiến ảnh nghệ thuật dậm chân tại chỗ là lực lượng giám khảo mỏng “cung không đủ cầu”. Để khỏi tập trung vào một số thành viên Hội đồng nghệ thuật TƯ, hầu hết các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố hay Bộ, ngành đều tự động lấy thêm người “từ bên ngoài” vào Ban Giám khảo. Do đó không khỏi ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định nghệ thuật.

Kết quả một số cuộc thi ảnh khu vực và tỉnh chưa thuyết phục, do mặt bằng chung chất lượng ảnh chưa cao “phải lấy ép ảnh vào giải”. Hơn nữa, do chất lượng quá chênh lệch nên giải thưởng dồn vào một số người. Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT) đã thông báo điều chỉnh từ nay mỗi tác giả chỉ có thể nhận 1-2 giải trong một cuộc thi!

Đề tài tranh cãi nữa là việc vận dụng kỹ thuật vi tính trong sáng tác “còn nhiều bất cập và thô sơ, đã vậy còn lạm dụng kỹ thuật hoặc không tự giác tuân thủ các quy định, thể lệ của cuộc thi.” Đại biểu Võ Văn Thành (Khánh Hòa) cho rằng HĐNT chưa bắt kịp công nghệ nên đôi khi tác phẩm được chọn trao giải vẫn còn sai sót nhỏ trong ứng dụng kỹ xảo vi tính, và đề nghị những người trẻ, có tài đức và nắm vững kỹ thuật số… nên vào HĐNT để việc thẩm định được chính xác hơn.

Vẫn còn những đánh giá chung chung, mang tính chất hô khẩu hiệu hoặc lặp lại những vấn đề đã quá cũ, không còn gì phải bàn cãi: “Chúng ta khuyến khích các nghệ sĩ tự do sáng tạo, đón nhận các khuynh hướng nghệ thuật, các phương pháp sáng tác cũng như việc ứng dụng công nghệ hiện đại…

Nhưng một nguyên tắc cơ bản, cần được khẳng định là: kỹ thuật chỉ là phương tiện, kỹ thuật không lấn át nghệ thuật, hình thức không xóa nhòa nội dung…” Hay “Làm sao chúng ta phải phản ánh được một cách trung thực, sinh động sự vươn mình của đất nước, của nhân dân. Hình ảnh con người mới, cuộc sống mới phải là trung tâm của nghệ thuật nhiếp ảnh nước ta.”

Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban TTVHTW tại ĐH nhấn mạnh: “Hội cần chủ động phối hợp với Bộ VH-TT, các ngành liên quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những văn bản, chính sách, luật pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền nhiếp ảnh dân tộc, bắt kịp trào lưu phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới”.

Một việc lớn của Hội trong nhiệm kỳ tới là tiến hành dựng nhà và xây dựng nội dung cho Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia. Sau 12 năm Hội kiên trì làm việc với thành phố HN, đến tháng 6/04, Hà Nội đã giới thiệu địa điểm để xây dựng Trung tâm này tại một khu đô thị mới.

Trong tài khóa 2005, Bộ Tài chính đã cấp vốn ban đầu cho dự án. Trung tâm dự kiến sẽ hoạt động vừa như một bảo tàng nhiếp ảnh của VN, vừa là ngân hàng hình ảnh, và còn là “viện” nghiên cứu, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ “sau Trung học và sau ĐH”. Hội cũng kiến nghị Bộ VH-TT cấp thẻ cho hội viên “kiểu như thẻ Nhà báo” để thuận tiện trong việc chụp ảnh, sáng tác và phản ánh kịp thời “những điều vừa xảy ra”, “những sự kiện mũi nhọn của đất nước”.

Hôm nay, tròn 52 năm, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh, cũng là ngày truyền thống Nhiếp ảnh VN, ĐH đã công bố kết quả bầu cử BCH mới cho nhiệm kỳ VI. Các đại biểu tiếp tục đọc tham luận. Buổi chiều, thông qua Nghị quyết và trao Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh cho Tổng thư ký “cuối cùng” của Hội. Người lãnh đạo Hội từ nay sẽ lấy chức danh mới là Chủ tịch Hội.

MỚI - NÓNG