Di cảo Phùng Quán hào sảng tiếng thơ

Di cảo Phùng Quán hào sảng tiếng thơ
TP - Từ sau ngày con người suốt đời “đi với nhân dân” Phùng Quán về cõi khác, chúng ta lại được “gặp” ông trên sách báo nhiều hơn khi ông đương sống.
Di cảo Phùng Quán hào sảng tiếng thơ ảnh 1

Lần này, thật đặc biệt, với bộ đôi hai cuốn sách (có 12 trang phụ bản ảnh màu tư liệu rất quý) kèm một đĩa CD “Phùng Quán đọc thơ”, chúng ta được gặp ông trọn vẹn, không phải với tác phẩm mà với cả cuộc đời thăng trầm như huyền thoại của ông, với cả con người bằng xương bằng thịt của ông nữa...

Cả nhà tôi đã “dẹp” các chương trình buổi tối để lắng nghe “Phùng Quán đọc thơ”. Nhớ ngày nào, sau khi hai anh em tôi cùng ông đi thăm nơi vừa khai quật ngôi mộ 17 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh bi tráng vào nhà hàng Chaffanjon thời kỳ đầu chống Pháp - trận đánh mà ông đã miêu tả trong thiên hùng ca “Huyệt lửa chôn chung” khoảng nghìn câu thơ, ông trở về ăn bữa “cơm cà” với gia đình tôi, say sưa đọc “Trường ca cây cà”, “Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe”…, rồi chép bài thơ “Cây cà” tặng anh tôi, để cơm canh nguội ngắt, chỉ chai rượu là vơi cạn...

Chỉ cần nghe ông đọc 17 bài thơ trong đĩa CD, đủ hiểu cả cuộc đời ông. Vợ tôi, chấm nước mắt, nghẹn ngào: “Người như thế mà sao lại bị quy là chống Đảng, phản động?...”. Phải! Trong bài thơ “Chống tham ô lãng phí” viết từ năm 1956 ông đã tha thiết kêu lên: “Trung ương Đảng ơi! / Lũ chuột mặt người chưa hết / Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt / Có tôi! / Đi trong hàng ngũ tiên phong”.

Phùng Quán dám viết những câu thơ quyết liệt và can đảm ấy vì anh là một chiến sĩ đã được rèn đúc qua cuộc “kháng chiến 9 năm”, chứ chẳng phải vì “kiêu ngạo” hay bị “kẻ phản động nào đó xúi giục” như có người đã lầm tưởng.

Trong hồi ức “Chuyện về anh hùng Lâm Úy và bài thơ Đêm liên hoan của Hoàng Cầm” ông đã viết: “Quân ta đạn hết, báng súng gãy nát, lưỡi lê gãy. Đúng lúc đó, tiểu đội trưởng Lâm Úy vọt lên trước, ôm ngang lưng một tên lính Spahis cao lớn, đen trũi như con trâu mộng, miệng hét vang câu thơ của Hoàng Cầm: Rằng ta là Vệ Quốc đoàn / Đêm nay say tiệc liên hoan / Ngày mai xé xác moi gan quân thù…Noi gương Lâm Úy, mấy chục chiến sĩ khác vọt theo hét vang trời chuyển sông: Rằng ta là Vệ Quốc đoàn...…Răng cắn cổ giặc...…quật ngã chúng xuống sát mép sông. Từng cặp, từng cặp lăn lộn xuống sông…một lính Spahis, một Vệ quốc đoàn ôm nhau chặt đến nỗi phải bỏ tay, bỏ chân, dùng đũa cả nạy răng mới gỡ ra được để chôn cất...…Từ đó, trong ký ức chiến sĩ của tôi in hằn ý niệm...…Thơ là vũ khí tấn công của những trận đánh một còn một mất…Và cũng từ đó tôi thờ phụng THƠ...… Tôi đặt Thơ lên hàng những gì tôi coi là thiêng liêng nhất: Tổ quốc, Mẹ tôi, Lý tưởng Cộng sản”.

...Đọc những di cảo của ông, chúng ta biết chính lý tưởng đẹp đẽ của những người cộng sản chân chính là cảm hứng chủ đạo giúp ông dựng nên những tác phẩm để đời. “...Tấm gương xả thân vì nhân loại cùng khốn của họ đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí những người lính trẻ chúng tôi...…Nếu có ai hỏi tôi: Anh là ai? Tôi sẽ không một chút do dự, ngẩng cao đầu kiêu hãnh trả lời: Tôi là một chiến sĩ cuồng tín của Đảng! Cuồng tín mà theo tôi định nghĩa là lòng tin vào Đảng trong suốt như thuỷ tinh...…Tôi viết “Vượt Côn đảo” ở trong tâm trạng đó...”.

Chân dung đẹp đẽ của người Anh hùng Võ Thị Sáu cũng được “dựng” lên hoàn toàn bằng trí tưởng tượng của nhà thơ có “lòng tin vào Đảng trong suốt như thủy tinh”: “Ngay dưới đầu đề bài thơ “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, tôi nắn nót viết thêm dòng chữ “Kính dâng Đảng kính yêu”...…Tôi muốn hình ảnh chị phải thật đẹp...…Như người mê sảng, tôi đã vẽ lên hình ảnh chị trên đường đi ra pháp trường: “...Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường / Cài lên mái tóc rối tung / Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê...”. Điều thú vị là hình ảnh chị Sáu cài hoa lên tóc trên đường ra pháp trường, tuy chỉ có trong tưởng tượng của nhà thơ (nghĩa là có thể không có thật) nhưng về sau đã được nhiều văn nghệ sĩ nhắc lại khi miêu tả chị Sáu (cả trong phim và tượng đài)…

Gần bốn chục năm sau khi viết “Vượt Côn Đảo”, nhà văn mới nhận thức được “một quan niệm có thể nhiều người không chấp nhận, nhưng có lẽ từ đó mà sinh ra các trường phái siêu thực, ấn tượng”, nhưng Phùng Quán “đã cảm nhận nó với tất cả máu thịt của mình”, hoặc nói một cách khác, “chính huyền thoại về những người cộng sản đầy ắp trong ký ức” đã chắp đôi cánh tưởng tượng cho ông.

Phùng Quán kể lại việc mình viết tiểu thuyết “Vượt Côn đảo” khi đã ngoài 60 tuổi, tức là sau mấy chục năm trải bao nỗi cay đắng, nhưng ông vẫn trân trọng và say mê lý tưởng đẹp đẽ mà ông đã theo đuổi suốt cả cuộc đời mình. Và chính trong bài “Tưởng nhớ Tào Mạt” viết năm 1993, Phùng Quán đã thuật lại lần ông đến thăm Tào Mạt hai tuần trước khi tác giả “Bài ca giữ nước” qua đời như sau: “...Khi chia tay, anh nắm tay tôi nói giọng nghiêm trang: “Đến Đại hội 7, tôi nhất định giới thiệu Phùng Quán vào Đảng. Phùng Quán có đồng ý không?”. Tôi cũng nghiêm trang nói: “Tôi coi đó là vinh dự lớn nhất đời tôi”. Anh Tào Mạt ơi! Thế là tôi không bao giờ còn có cơ may trở thành đảng viên Cộng sản nữa rồi”.

Ông kêu lên thế, vì Tào Mạt đã mất, còn ai là người giới thiệu ông vào Đảng, nhưng đồng thời tiếng kêu ấy thể hiện khát vọng chưa nguôi và cả sự nuối tiếc mục đích mà ông đeo đuổi suốt cả cuộc đời đã không trở thành hiện thực. Từ mấy chục năm trước, vừa tốt nghiệp Trường Quân chính, chàng thanh niên Phùng Quán được đề bạt Trung đội phó, “hạ quyết tâm phải chiến đấu để được kết nạp Đảng tại mặt trận”, nhưng rồi “bị” nhà thơ Thanh Tịnh đưa vào văn công. “Trong thâm tâm tôi oán anh Thanh Tịnh vô cùng. Nếu anh không lấy tôi về đoàn văn công, để tôi được trở lại chiến trường  thì chắc chắn tôi đã trở thành đảng viên Cộng sản...”.

Trong lòng ông cháy bỏng khát vọng ấy, không phải để cầu danh vị mà vì: “Từ tuổi ngồi trên lưng trâu, tôi đã được nuôi dưỡng bằng những huyền thoại về những người cộng sản” như “những bậc hiệp sĩ cứu khốn phò nguy...…Nó như những hạt giống được gieo trên mảnh đất trinh nguyên, bén rễ nảy mầm rất nhanh và mỗi ngày một lên xanh tốt.” 

Nhưng oái oăm thay là ông gặp “nạn” văn chương suốt ba chục năm, thậm chí bị quy là “phần tử chống Đảng”, để đến cuối đời phải cất tiếng kêu chứa đựng biết bao nỗi niềm: “Thế là tôi không bao giờ còn có cơ may trở thành đảng viên Cộng sản nữa rồi”. Và cũng đến cuối đời, viết về “niềm tin trong suốt như thủy tinh”, ông dẫn “tuyệt bút” của nhà văn Lỗ Tấn: “Trừng mắt coi khinh nghìn lực sĩ - Cúi đầu cho em bé cưỡi làm bò” rồi tâm sự:

“Với tôi, người cộng sản phải đúng như vậy. Nếu khác đi - dù họ có thẻ đảng viên hẳn hoi - tôi cũng không bao giờ liệt họ vào hàng ngũ những người cộng sản... Bây giờ tôi đã ngoài 60 tuổi, với 40 năm đeo đuổi nghề văn, tôi ngoái nhìn lại tất cả những gì mình đã viết ra đều là minh họa câu văn của Lỗ Tấn. Tôi không tự phán xét như vậy là hay hay dở vì tôi biết rằng là có nhọc công tự phán xét cũng không cách gì làm khác được...”.

Người xưa có câu: “Cái quan định luận” (Sau khi chết mới thật “định” rõ con người ấy như thế nào). Với Phùng Quán, thì “điều kiện” để “định” rõ nhân cách ông còn đầy đủ chắc chắn hơn thế nhiều. Ông đã mất hơn chục năm, hàng trăm bài báo đã viết về ông và nay qua “Di cảo”, ông đã tự “mổ xẻ” phơi bày tất cả “gan ruột” mình. Và ông đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước”. Còn đòi gì hơn nữa?

MỚI - NÓNG