Đi chợ nhìn người…

Đi chợ nhìn người…
TP - Ở vùng núi, đặc biệt phiên chợ đắp, tức ba mươi Tết, dù có bận như gạo cho vào nồi, người ta cũng phải đi chợ. Mua bán chỉ là phụ. Cái chính là để hỉn chơi nhìn người.

Các chị em đeo vòng bạc, giây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm. Cả năm mới có một ngày để khoe. Khoe hai bàn tay dính đầy nhựa chàm. Ngón nào cũng có một bông hoa xoay tròn. Những người như thế là vừa giỏi giang vừa chăm chỉ. Khéo tay hay làm là đắt tiền bạc lắm. Các dzả, các mú tha hồ mà chọn dâu kén rể.

Cả một năm dài đằng đẵng đến tận Lòng Chu, mà chỉ có mỗi một ngày chợ đắp là đông đủ nhất. Dù ai đi Đông đi Tây, cũng cố mà về gặp lại người mình. Nhìn thấy nhau là quý lắm rồi. Nói với nhau đôi lời, uống với nhau bát rượu, hút với nhau điếu thuốc. Thế là toại nguyện. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng đắm đuối tình người. Quyến luyến tình duyên lắm lắm.   

Đi chợ nhìn người… ảnh 1

Việc đầu tiên của tôi là xem ông thợ đóng móng ngựa. Ông là người Lũng Làu. Dáng thấp đậm, râu bạc, lông mày bạc, da mặt đỏ hồng. Lúc nào ông cũng đeo một chiếc tạp dề bằng da dê thuộc, với cặp kính hai tròng. Ông lầm lì ít nói cười. Tay ông lắc nhẹ vào chiếc hàm thiếc, rồi chúm môi nói chuyện với con ngựa.

Ông hỏi nó bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Do ông sáng tạo: từ rừ từ rừ từ rừ lòi lòi. Con ngựa hồng mao to đùng đoàng ngẫm nghĩ một lúc, tự động co một chân lên… Ông áp chiếc móng mới vào ướm thử. Êm rồi. Vừa khít. Rồi ông bỏ chiếc móng mới vào lò than. Hai chiếc bễ thi nhau phi pho thở. Lò than bốc lên ngọn lửa xanh. Chỉ một lúc là chiếc móng sắt đã chín. Ông nhổ một miếng nước bọt vào lòng bàn tay. Hai xoa một đập. Lúc sau ông cầm lấy cán búa. Này thì đóng. Cốp. Chát. Xìn xịt xìn xịt. Xong một móng.

Nơi tiếp theo tôi tìm đến là con phố hoạn lợn, thiến gà. Khu phố này có tên hẳn hoi. Phố Nhả Nhùng. Đó là phố bán cỏ. Nhưng lại là nơi có nhiều người đàn ông râu dê tìm đến. Họ túm tụm cười cười nịnh bợ mấy thợ hoạn để xin vài hột ngọc kê.

Chẳng hiểu vì sao người ta kháo nhau ăn gì bổ đấy. Thế là cánh đàn ông đổ xô đi tìm các loại ngọc. Ngọc dương, ngọc khuyển, ngọc mã, ngọc kê…Ngọc bất cứ con gì ở trong rừng, càng hoang dã khỏe mạnh càng tốt. Có người đem ngâm rượu. Lại có người mang về hầm ăn chín.

Ngọc kê, người ta không bán mua. Vì thế, nó mới phiền. Có thực lòng yêu quý mới cho nhau cái sự sung sướng. Nên bất luận thế nào, các ông cũng phải “phấn đấu” để trở thành bạn thân của mấy ông hoạn lợn ông thiến gà!

Tiếp đến là nơi ông vá chảo hàn nồi. Ông này là bố của một người bạn, cùng học với tôi ngày còn lớp một. Tôi gọi bằng chú Thòong. Chú bảo tôi ngồi xuống kéo cái bễ  phì phò hộ chú. Lát nữa tao cho mấy nắm hạt gang, mang về mà nhồi súng kíp. Có phải không nào.

Nhưng nhà cháu không có súng và cháu cũng không biết bắn. Sao cháu dại thế. Mang góp với người có súng bắn đạn mác xá. Mười viên trúng một coi như thắng. Có phải không nào. Cháu là người góp của. Họ là người có công. Bắn được con chim gáy, con gà lôi chia nhau mỗi người một nửa. Có phải không nào. Thế là người nhà cháu có miếng mặn. Có phải không nào. 

Hôm nay tôi trở về Co Xàu, lòng đi thật chậm qua hàng hàn nồi vá chảo. Nhưng tịnh không còn dấu vết của chú Thòong với câu nói cửa miệng: Có phải không nào…

Đi thật chậm qua nơi đóng móng ngựa. Những con ngựa ngày xưa giờ đã biến thành cao. Những miếng cao có màu cánh dán, vuông vắn như bao diêm. Tôi nghe được tiếng từ rừ từ rừ yếu ớt, phát ra từ trong bên trong lớp vỏ. Bỗng có tiếng kêu. Ớ các ông anh ơi! Ở phố Nhả Nhùng, người ta đang thiến gà để tết. Đông ngọc kê lắm. Thế là chợ vãn non nửa. Chỉ còn đàn bà với lũ trẻ con khum khum hai tay múc gió.

MỚI - NÓNG