Đi chơi ở Hà Nội

Minh họa: Lê Thiết Cương
Minh họa: Lê Thiết Cương
TP - Cũng đã lâu rồi, dễ có đến hai chục năm lại đây, người ở Hà Nội vào dịp những ngày nghỉ dài thì không đi chơi loanh quanh ở Hà Nội nữa. Phố phường chật hẹp vét sạch chỗ chơi. Cái câu “rủ nhau đi khắp Long thành” chỉ còn mơ hồ tồn tại ở làn điệu xẩm chợ Đồng Xuân mà cũng đang sắp thất truyền. Vì thế, nếu đã có gia đình thì tụ lại vài ba nhà. 

Nếu còn độc thân trẻ trung thì hẹn nhau thành nhóm, tất cả leo lên một cái ô tô nào đó, từ từ lâng lâng bỏ Hà Nội mà đi. Cuộc sống dư dật nên bất cứ tới nơi nào cũng thấy tiện nghi, dù đấy là một bản đang cố giữ hoang sơ Tây Bắc hay đấy là một làng chài cố mang vẻ chất phác miền Trung. Giường nệm máy lạnh là đương nhiên, đã thế đồ ăn tràn ngập gà đồi cá suối thịt rừng đủ loại. Có điều, hầu hết những chuyến dã ngoại kiểu đó đều nhang nhác giống hệt nhau. Nhất là ở bọn trẻ con. Mặt mũi bọn nhóc được sinh ra từ phố, gần như vắng hẳn sự bỡ ngỡ háo hức.

Điều này thật khác với những năm trước đó. Chỉ cần được đi chơi loanh quanh ở Hà Nội thôi, thì không cứ trẻ con mà kể cả người lớn, đã là một nỗi niềm vô bờ hạnh phúc. Vào những ngày thong thả “chủ nhật tươi hồng” (đây cũng là tên một bài nhạc của nhóm Beatles đã được Việt hóa rất thời thượng phổ cập ở thời ấy), cư dân ở gần Hà Đông hoặc từ những vùng ngoại ô không xa lắm, như Mơ, như Nghi Tàm, thậm chí ngay cả ở Cầu Giấy rạo rực tiến vào Bờ Hồ.

Họ đi xe đạp, đi bộ, nhiều nhất là đi tầu điện, phong khí nô nức gấp cả trăm lần đám trung lưu thị dân bây giờ được đi du lịch ở Singapore, ở Thái. Người đông nhưng phố còn rất rộng, tuyệt đối không có cái kiểu ngột ngạt của xô bồ.

Đi chơi Bờ Hồ là ăn kem Tràng Tiền, là hớn hở ngồi chờ vẽ truyền thần ở cầu Thê Húc, là tung tăng đi dạo ngắm cửa hàng Bách hóa Tổng hợp. Nếu sang hơn nữa là rồng rắn xếp hàng vào xem phim ở rạp Kim Đồng, rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài. Đi chơi như thế mới là đi chơi. Cả nghìn con người đồng phục, cùng chung nụ cười, long lanh những giọt mồ hôi sáng bừng trên từng khuôn mặt xanh mét màu rau.

Tất nhiên những nam thanh nữ tú đang yêu cũng đi chơi hồ, nhưng là hồ Tây với con đường lãng mạn khủng khiếp Thanh Niên. Bọn tình nhân xuất xứ phố cổ nhìn là biết ngay, bởi phần lớn sinh trưởng ở những gia đình tảo buôn tảo bán nên đa phần đi xe đạp đẹp, quần áo được chăm chút lộ rõ vẻ độc đáo không đụng hàng. Đối thủ trên tình trường của bọn này là đám mới đi nước ngoài về (chủ yếu từ Đông Âu), là thủy thủ tàu viễn dương, những tay hơi cục mịch bóng bẩy nhưng túi thực lực một cục tiền.

Có lẽ điều này làm cho Hà Nội hồi ấy có khá nhiều thiếu nữ tự tử suýt chết vì tình. Bọn họ lưỡng lự không biết chọn giữa sự hào hoa “dẻo mỏ” của giai phố cổ hay sự thật thà lắm của quê mùa. Nhiều nàng khôn thì đi chơi với cả hai bên, thuật ngữ tình yêu ở hồi ấy nghiêm túc gọi là “tìm hiểu”. Và không hiểu sao, những thiếu nữ thành thạo “tìm hiểu” đều sống dai.

Đi chơi gần ở trung tâm mãi cũng chán, bọn trẻ (đặc biệt là bọn đang học cuối cấp 3), thỉnh thoảng xin phép người lớn cho đi chơi xa. Vào cắm trại ở công viên Thống Nhất hay núi Nùng kể đã là xa, nhưng xa tít tắp phải là làng gốm Bát Tràng, là chùa Tây Thiên hay Phật Tích. Suốt cả một tuần, chúng nó gói ghém hồi hộp chuẩn bị bánh mì nước uống, rồi nài nỉ mượn thêm xe đạp.

Đêm trước hôm đi, hầu như đứa nào cũng bồn chồn mất ngủ. Bởi với chúng, Hà Nội luôn được mặc định là nơi có đường tầu điện chìm vào đường nhựa, từ bé tới giờ ra khỏi Hà Nội là qua cầu Long Biên, là cuối phố Thụy Khuê cắt vào chợ Bưởi. Đám thanh niên thành thạo đi “phượt” hôm nay, vĩnh viễn không có cảm xúc viễn hành như thế, kể cả chuẩn bị được đi chơi Tây Tạng.

Đi chơi ở Hà Nội ảnh 1 Minh họa: Lê Thiết Cương

Đi chơi là để thanh thản khám phá chính mình, là để cuộc sống trả lại những giây phút sống đích thực mà sự bon chen đời thường trót lấy mất. Nó bâng khuâng hạnh phúc thầm kín riêng tư. Vì vậy mà nhiều người có tuổi không thể nuốt nổi khi ti vi đang phát một chương trình có mấy ông bố nồng nặc mùi thị dân, quá nửa cung cách giông giống người Hà Nội, dắt díu mấy đứa con giả vờ ngô nghê đi chơi xa.

Chuyến đi chẳng vui cũng chẳng ly kỳ, nó đóng giả ngây thơ vào gượng gạo khoe mẽ. Thôi, người lớn muốn lọc lõi dung tục thế nào cũng được, nhưng bắt bọn trẻ trong veo mất tự nhiên đúng vào lúc bọn nó đang chơi thì chán quá.

Cả từ ngàn năm nay, Hà Nội hầu như hiếm hoi nổi tiếng về sự khổ luyện học hành, nó chỉ khét tiếng là đất của tài hoa tài tử. Vậy mà ở một nơi có nhiều người biết cầu kỳ chơi và tinh tế thích chơi đến thế, càng ngày lại càng hiếm chỗ chơi. Hoặc nói theo cách đương đại, văn hóa du lịch đô thị ở Hà Nội đang có vấn đề, nếu miễn cưỡng phải so với Đà Nẵng, với Huế, với thành phố Hồ Chí Minh.

Giả dụ hôm nay có một người khách phương xa nồng nàn yêu Thủ đô nào đó, muốn nhờ dắt đi chơi ở một chỗ đầm đìa chất Hà Nội thì ngay cả đám cao bồi già phố cổ cũng lưỡng lự nhíu mày. Thôi thì chật chội cà phê Hàng Hành. Thôi thì nhỏ nhoi mấy quán phở từ Bát Đàn ra Hàng Muối. Nhà hát rối nước ở sát đền Ngọc Sơn chỉ là chỗ đón mấy ông bà lơ ngơ Tây đầm.

Rạp xiếc trung ương lừng danh một thời, gần như chỉ phục vụ hợp đồng cho đám trẻ con tiểu học. May mà còn Văn Miếu. Khuê Văn Các đỡ cô đơn hơn khi vào những ngày sinh viên ngoại tỉnh tốt nghiệp chen chúc nhau chụp ảnh. Hà Nội sẽ dần mất Hà Nội nếu thiếu vắng những danh thắng văn hóa, những ngôi chùa bình dị đẹp đến nao lòng nép dưới tán cây cổ thụ trong lòng con phố cũ. Có phải vậy chăng mà Quốc hội đã thật sáng suốt khi trùng tu gìn giữ Hoàng thành. Hơn bao giờ hết, Hà Nội cần thêm những khu Hoàng thành như thế.

Bởi thẩm mỹ tinh tế luôn là một phẩm chất nổi bật của người Hà Nội. Nó làm nên một nét riêng sắc sảo cầu kỳ kiêu bạc luôn ẩn sâu vào lòng một thành phố vốn yêu hòa bình và chuộng sự tần tảo. Nó hình thành không phải trong một sớm một chiều, nó đã được thời gian che chở bằng cả nghìn năm tuổi. 

Lạy giời, từ xưa tới nay Hà Nội chưa bao giờ để mất nó cả. Vì sâu xa trong cốt cách của mỗi một người Hà Nội, ai cũng ham Chơi.

MỚI - NÓNG