Đi hội hay đi trận

Đi lễ hội sợ nhất là lộn xộn và ẩu đả. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đi lễ hội sợ nhất là lộn xộn và ẩu đả. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Có nhiều lý do trong khâu tổ chức dẫn đến vụ án mạng ngay trên đất chùa vào ngày khai hội chùa Hương Tích tại Can Lộc (Nghệ An).

Qua sự việc đáng buồn này, phần nào có thể thấy sự bất cập trong ý thức của người dân khi đến với lễ hội. Chắc chắn rằng không phải ai đi hội chùa cũng để lễ Phật…

Mùng Một Tết, tôi đến thăm một ngôi đền được công nhận di tích quốc gia ven sông Hồng, Hà Nội, đã thấy xe công an đỗ ngay cổng. 

Hóa ra, một vị khách đến lễ vừa bị mất xe máy. Ngày này, người ta nói lời hay, làm việc tốt để may mắn cả năm. Vậy mà… Hy vọng kẻ trộm không thành công trót lọt phi vụ “mở hàng” này. Một ví dụ cho thấy ngày nay, một số người đã không còn kiêng dè gì chốn linh vào những thời điểm thiêng.

Nhiều người đi lễ hội để cầu chúc điều tốt đẹp cho mình nhưng cũng có người đến hội hóa ra để mang họa cho người khác. Nhất là khi hội không ra hội, không có trò gì tập trung sự chú ý của dân chúng, cho họ mải chơi quên mất bản năng gây lộn... 

Không nhiều lễ hội ở ta có một trò gì đó vừa độc đáo vừa có ý nghĩa (kiểu đua bò, đua ghe hay hát quan họ…) để dân chúng cùng tham gia. Nếu có, lễ hội đó đã nổi tiếng, mang tầm quốc gia rồi. Còn những lễ hội như té nước ở Thái Lan hay diễu hành carnaval Brazil thì vẻ đẹp và sự độc đáo đã khiến chúng vang danh thế giới.

Lễ hội Việt Nam tiếng là nhiều nhưng có đến hàng nghìn lễ hội cấp làng nặng về tế lễ. Còn phần hội thì tự phát, ngoài mấy trò chơi đơn giản đâu đâu cũng có (đánh đu, đập niêu, cờ bạc…) thì nam thanh nữ tú cứ gọi là tự do “tìm hiểu” nhau.

Các công việc liên quan lễ hội thường dành cho lớp trung, cao niên, chả đến lượt bọn trẻ. Phải chăng vì thế mà đám trẻ đang thừa năng lượng gặp nhau nơi lễ hội dễ sinh ra tệ nạn, ẩu đả?!

Chợ Chuộng ở Thanh Hóa có cách giải tỏa năng lượng cho người tham gia bằng cà chua, trứng thối. Ai càng bị ném nhiều càng may mắn. Nghĩ sao mà dân ta chỉ chịu ném cà chua và trứng thối, trong khi gạch đá cũng sẵn. Theo báo chí phản ánh, nhiều thanh niên lấy cớ đến dự hội để giải quyết các mâu thuẫn đã có từ trước.

Hãy nhìn sang lễ hội cà chua ở Valencia, Tây Ban Nha. Họ tổ chức thế nào mà hàng vạn du khách có thể cùng vui chơi thỏa thích tại một thị trấn chỉ 9.000 dân. Nhiều chục tấn cà chua chín được mang tới cung cấp cho du khách với các quy định nghiêm ngặt và chi tiết đến cả việc phải bóp nát cà chua trước khi ném. 

Những vật thể có thể gây hại cho người khác tất nhiên không được phép mang vào lễ hội. Và khi có hiệu lệnh chấm dứt, việc ném phải được dừng lại hoàn toàn. Ngoài trò chính, tất nhiên còn có ca nhạc, múa hát, diễu hành… để khách giải trí. Ấy thế mà lễ hội này dưới thời độc tài Franco đã bị cấm với lý do “không có ý nghĩa về mặt tôn giáo”.

Một vấn đề không nên né tránh đó là bản tính nóng nảy, bốc đồng dẫn đến bạo lực - mâu thuẫn với tinh thần lễ hội - của người Việt Nam. Không khó để thấy bằng chứng về tính xấu này hằng ngày, trên đường. 

Người đang “lầm lũi” tham gia giao thông kia có thể trở thành kẻ ăn vạ, thậm chí sát thủ nếu chẳng may bạn va phải anh/chị ta. Để rồi tiền sửa xe không thấm vào đâu so với tiền sửa người… Giao thông Việt Nam đáng sợ vì lộn xộn.Cũng như thế, lễ hội vì lộn xộn mà trở nên đáng ngại.

Có những lễ hội phạm vi làng xã không có tầm tư tưởng, triết lý gì ghê gớm nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin tự dưng bị đào xới, bàn tán. Hội chém lợn của dân làng Ném Thượng ở Bắc Ninh vài năm gần đây nổi tiếng vì đặc sản không đâu có. Mỗi dịp lễ hội, dân làng lại cố chen chân vào nơi diễn ra cảnh hơn một con lợn cùng lúc bị bổ đôi khi còn đang sống. 

Cảnh đó sẽ tác động và để lại ấn tượng gì trong những thế hệ người làng? Họ nghĩ gì khi đem về nhà những tờ tiền quết máu lợn lấy may? Nguy cơ gì ẩn sau những hành động rập theo truyền thống, theo đám đông, không cần tư tưởng, không cần suy nghĩ?

Đảo Faroe ở Đan Mạch có lễ hội tàn sát cá heo trường diễn 4 thế kỷ nay khiến thế giới phải rùng mình. Nhưng cũng có những lễ hội thể hiện bạo lực theo chiều ngược lại. Chẳng hạn khách thập phương vẫn đổ đến Pamplona- Tây Ban Nha hằng năm để chạy đua với bò tót, bất chấp nguy cơ bị bò húc thành thương. Việc giết những con vật vô hại, thậm chí thân thiện, phản ánh tư duy ấu trĩ có lẽ phù hợp với người tiền sử hơn.

Trong thời đại bùng nổ và cập nhật thông tin toàn cầu hiện nay, ngay cả một lễ hội cấp làng cũng bị tác động. Chẳng hạn Ông Ỉn ở Ném Thượng thay vì bị bổ đôi thì nay chỉ bị khía cổ cho đỡ dã man. Từ khi người ta nói nhiều về hình thức hát quan họ cổ, hội Lim cũng bớt ca nhạc xập xình… 

Nhưng những thay đổi đó hẵng còn nhỏ lắm. Lễ hội vào mỗi dịp xuân về vẫn còn nhiều vấn đề về tổng thể, trước hết thuộc về trách nhiệm của người quản lý, tổ chức. Chưa nói đến việc làm kinh tế hay thu hút du lịch, các lễ hội nên có sự điều chỉnh, tính toán và đầu tư hợp lý trong công tác tổ chức để thực sự đem lại niềm vui và sự may mắn cho những người tham gia. 

Nếu công tác tổ chức lễ hội không được tính toán thấu đáo, thì cái gọi là lễ hội tự phát thiếu tự giác chỉ đem lại phiền toái và tai tiếng.

MỚI - NÓNG