Đi lễ bị móc túi và 'chặt chém'

Ăn xin, giữ xe chặt chém trước cổng chùa Bà ở Bình Dương Ảnh: S.N
Ăn xin, giữ xe chặt chém trước cổng chùa Bà ở Bình Dương Ảnh: S.N
TP - Sát rằm tháng giêng, các chùa bắt đầu đông nghẹt người đi lễ. Những dịch vụ ăn theo lễ chùa đến hẹn lại lên.

> Hội Lim vẫn đậm mùa dịch vụ ăn theo, đỏ đen

Ăn xin, giữ xe chặt chém trước cổng chùa Bà ở Bình Dương Ảnh: S.N
Ăn xin, giữ xe chặt chém trước cổng chùa Bà ở Bình Dương.     Ảnh: S.N.

Đủ kiểu ăn theo

Bắt đầu từ hai ngày nay, khách thập phương đổ về chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở quận 3 (TPHCM) ngày một nhiều hơn. Trước cổng chùa, các dịch vụ ăn theo cũng tấp nập xuất hiện. Các tiệm bán hương đèn, giấy bạc, chim, cá phóng sinh giăng khắp cổng vào đến khuôn viên chùa. Giá cả vì thế cũng tăng vọt.

Một cặp chim ngất ngơ nhốt ở lồng dưới trời nắng có giá 50.000 đồng, trong khi các loại sách mê tín dị đoan như bói toán, tử vi có giá 80.000 - 120.000 đồng/cuốn. Trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm còn có nhiều người chèo kéo khách xem quẻ đầu năm để biết tình duyên bổn mạng, gia đạo, tài lộc.

Ngoài cả chục quầy bán sách tử vi, tướng số ngay cổng chùa, chúng tôi quan sát không dưới chục “thầy, bà” hành nghề bói toán lưu động kiểu này.

Đoạn đường Mai Thị Lựu nơi có chùa Phước Hải ở phường Đa Kao, quận 1 kẹt cứng xe từ nhiều ngày nay do lượng người đổ về quá đông. Trên đoạn đường dài hơn 500m này đều giăng đầy các dịch vụ ăn theo như: quầy bán chim, cá, rùa, hương đèn, các loại giấy tờ vàng bạc hàng mã… bày la liệt choán cả đoạn đường. Gần như ai đi qua cũng bị chèo kéo.

Bên ngoài chùa tấp nập bao nhiêu thì bên trong khuôn viên chùa xô bồ không kém. Cảnh người người chen chúc gửi xe, đem lễ vật vào cúng vái, đốt vàng mã khiến cho không khí vốn đã nóng nực càng thêm ngột ngạt.

Không chỉ chùa Phước Hải mà ở Đức Thánh Trần trên đường Võ Thị Sáu, người đi lễ mua rùa tai đỏ phóng sinh xuống các ao hồ. Nhiều dịch vụ ghi tên tuổi người đi lễ vào giấy bạc sau đó đốt đi trong lễ cầu siêu cũng hái ra tiền. Mỗi lần đốt giấy bạc khách thập phương phải làm từ thiện 10-50.000 đồng.

Ở khu vực chùa Việt Nam quốc tự, Hoằng Pháp, Xá Lợi…tình trạng người chen lúc đi lễ chùa cũng không kém phần tấp nập. Thi thoảng một vài khách la mất ví, điện thoại…

Đến miếu Bà Ngũ Hành trên đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè mà người dân còn gọi là chùa Bà Châu Đốc 2, đội quân ăn xin nằm ngồi nhếch nhác trên đoạn đường vào khu vực thờ cúng.

Tại khu vực chùa Bà Thiên Hậu ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương giá giữ xe máy ở các tuyến đường xung quanh chùa đã lên 10.000- 20.000 đồng/lượt. Các quầy hàng ăn uống, giải khát giá cũng tăng cao.

Móc túi tung hoành

Ngày cao điểm của lễ hội chùa Bà Thiên Hậu vào các ngày 13, 14 và 15-1 (âm lịch) tuy nhiên, hiện nay đã có khá nhiều trường hợp trộm cắp, móc túi và sư giả hoạt động được lực lượng bảo vệ phát hiện và bắt giữ.

Ông Trần Vĩnh An - Trợ lý hội trưởng, Phó Thường trực Lễ hội Thánh Đăng Chùa Bà Thiên Hậu cho biết, nhờ được chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nên tình hình trật tự tại lễ hội Chùa Bà năm nay nhìn chung khá tốt. Tuy nhiên, điều khiến Ban tổ chức lễ hội không khỏi lo lắng là tình trạng móc túi, cướp giật vẫn còn.

Ông An cho biết, tính đến ngày 10 tháng giêng âm lịch, đã có khoảng 40 trường hợp bị mất cắp tài sản các loại đến trình báo. Chỉ trong vòng 2 ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua đã xảy ra gần 30 trường hợp bị mất cắp.

Trước tình hình trên, Ban tổ chức lễ hội chùa Bà đã nhờ các “hiệp sĩ” thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Phú Cường giúp đỡ, hạn chế tối đa tình trạng móc túi du khách.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND thị xã Thủ Dầu Một, số người dự lễ hội kéo dài và đông hơn so với mọi năm, cao điểm từ 12 - 15 âm lịch, do đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự sẽ khó khăn hơn.

Ngoài vấn nạn móc túi lấy tiền, điện thoại di động, giật dây chuyền, tình trạng sư giả và ăn xin bao vây du khách, chèo kéo khách hành hương cũng là thực trạng đáng buồn tại khu vực chùa Bà. Đó là chưa kể đội quân bán nhang đèn, đồ thờ cúng luôn bám theo khách hành hương và sẵn sàng văng tục, đe dọa khách nếu không mua hàng.

Tại khu vực chùa Phước Hải ở TPHCM chỉ trong 3 ngày qua, đã có đến 45 trường hợp bị móc túi, cướp giật điện thoại, tiền. Nhiều người nói: “Đi cầu phúc đầu năm nhưng chưa thấy tài lộc đâu đã phải mất của”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG