Di sản

TP - Hầu như ai cũng biết hàng năm có ngày Di sản Thế giới, nhưng hỏi di sản là gì, nhiều người châu Âu giờ vẫn đơn thuần nghĩ “chỉ là gạch và đá”. Có lẽ nhiều người Việt cũng nghĩ thế, song lúc này, định nghĩa di sản bỗng trở thành một cơ thể sống mềm mại, máu thịt: di sản trong tôi chính là Tổ quốc tôi.

Ngày Di sản Thế giới năm nay châu Âu dành nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất. Xa vời quá. Trong sách lịch sử bao năm rồi, Thế chiến thứ hai đậm đà trong ký ức người Việt hơn. Nhưng khi tôi đi bộ giữa thành phố Leuven (Bỉ) vào những ngày cuối tháng Tư vừa qua, bỗng thấy rõ câu chuyện thời đầu Thế chiến thứ nhất hiện về. Cảnh những người chạy loạn từ Liège và Tienen đổ về Leuven, sống vất vưởng trên phố hoặc may mắn được ẩn nấp trong nhà dân địa phương. Kết thúc chiến tranh, một số trở về nhà, một số trôi dạt đến Pháp, Hà Lan hoặc Anh. Chiến tranh đâu phải chỉ ầm oàng súng đạn, chiến tranh còn là tiếng đổ vỡ của những tâm hồn buộc phải tha hương, vang vọng đến cả thế kỷ sau.

Di sản ảnh 1

Bộ “Atlas thế giới” chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, vừa trở về từ nước Bỉ.

Một chiếc xe chở đầy sinh viên thò cổ ra hò hét mời mọi người uống bia kéo tôi về thực tại. Ừ, Bỉ có đến 500 loại bia và đang đề nghị UNESCO phong bia nước này là Di sản Thế giới. Di sản là một ngụm giải khát cay cay mát mát giữa mùa hè oi ả, đơn giản và thiết thực. Nào, cùng uống di sản.

Trong khi dân bản xứ ngồi sưởi nắng và uống bia, những người nhập cư gốc Thổ, Ma rốc cặm cụi quét đường, nhặt rác, cọ rửa nhà vệ sinh công cộng. Một người Hà Lan gốc Việt trầm ngâm bảo tôi: “Người bản xứ bây giờ cũng muốn làm những việc chân tay bẩn thỉu hôi hám trước đây chỉ dành cho dân nhập cư. Khủng hoảng kinh tế mà. Chẳng lẽ đuổi họ về nước để mình có việc làm. Rất khó, chung quy cũng từ cái di sản- hiệp định lao động ký kết giữa chính phủ hai bên vào những năm 60 của thế kỷ trước, tạo làn sóng nhập cư, hình thành cộng đồng người Thổ, Ma rốc khá lớn ở Bỉ và Hà Lan”.

Tôi và anh bạn gốc Việt giờ thấm thía hơn về di sản, tưởng là thứ xưa cũ nhưng lại có tính di truyền vĩnh cửu. Những ngày này, chỉ cần nhìn màu cờ đỏ sao vàng cùng bóng dáng người lính hải quân Việt Nam in trên nền biển xanh đã xúc động ngập tràn rồi. Và chồng tôi, mẹ chồng người Bỉ của tôi nữa, chẳng ngờ, trở nên chăm chú theo dõi thời sự có đề cập tình hình biển Đông, thỉnh thoảng buồn rầu “Truyền thông cũng là một cuộc chiến, phương Tây nói theo lợi ích của họ”.

Trước mắt tôi, di sản hiện ra như một đường liên kết sống động tới những gì chúng ta đang kế thừa, từ văn hóa, giáo dục, mỹ học cho tới cả kinh tế. Di sản giúp chúng ta hiểu mình là ai, phải sống như thế nào và nên tránh điều gì. Di sản cho bài học rằng, hàng ngày, các quyết định trên khắp thế giới đang dựa vào chính những gì đã trải qua trước đó. Ngẫm kỹ mà xem.

Khi lái xe trở về nhà sau Ngày Di sản Thế giới, tôi thấy trên một bức tường đá cổ xưa giữa thành Leuven ghi dòng chữ lớn “Nếu muốn có hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Phía trước bức tường đá ấy là góc vui chơi giải trí công cộng. Một cặp vợ chồng da trắng đang nựng con nhỏ trên ghế đá, hai thanh niên da màu giương bắp tay cuồn cuộn ném bóng vào rổ, một người Thổ ngồi như ngủ gật dưới nắng. Khung cảnh chẳng liên quan dòng chữ sau lưng. Nhưng vẫn có tiếng động nào đó tựa hồ một hòn đá vừa lăn ra từ bức tường kia khi tôi đọc dòng chữ ấy. Ngạn ngữ Anh nói “Hòn đá lăn sẽ không rêu phong”- A rolling stone gathers no moss, nhưng trong tôi lúc này chỉ tràn ngập âm nhạc và lời ca của Trịnh Công Sơn: Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/Làm sao em biết bia đá không đau/Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau (Diễm xưa).

MỚI - NÓNG