Di tích lịch sử, văn hóa: Bảo vệ 'nguyên trạng' hay 'nghiêm ngặt'?

Di tích lịch sử, văn hóa: Bảo vệ 'nguyên trạng' hay 'nghiêm ngặt'?
TP - Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa (LDSVH).

Nhiều ý kiến lo ngại các di tích có thể bị xâm hại nếu quy định trong dự thảo mới sửa thành “bảo vệ nghiêm ngặt” thay vì “bảo vệ nguyên trạng” hiện hành.

Di tích lịch sử, văn hóa: Bảo vệ 'nguyên trạng' hay 'nghiêm ngặt'? ảnh 1

Khu vực bảo vệ di tích (điều 32 Luật DSVH), bao gồm khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng; khu vực bảo vệ II bao quanh khu vực I có thể xây dựng công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan môi trường sinh thái của di tích.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTTN&NĐ), điểm vướng mắc lớn nhất trong quy định này là khu vực I phải được bảo vệ nguyên trạng, chưa có độ mở để giải quyết những trường hợp đặc biệt. Một số di tích rộng vài héc ta và có cư dân sinh sống như Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoàng Thành (Huế), hay Thành Cổ Loa (Hà Nội), yêu cầu này khó có thể thực hiện được.

Do đó, dự thảo luật dùng cụm từ bảo vệ nghiêm ngặt thay cho cụm từ bảo vệ nguyên trạng. Tuy nhiên, Ủy ban VHGDTTN&NĐ cho rằng cụm từ bảo vệ nghiêm ngặt là yêu cầu không rõ ràng, cụ thể, dễ dẫn đến vận dụng luật tùy tiện. Cùng với yêu cầu bảo vệ nguyên trạng, nên bổ sung quy định giải quyết những trường hợp đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Trần Chiến Thắng giải thích, trước đây quan điểm giữ nguyên trạng là cấm sờ mó vào hiện vật, nhiều di tích bị hư hỏng, đổ nát do không được sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm bảo vệ nghiêm ngặt di tích là như thế nào để ngăn ngừa được các hành vi vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, sau các lần sửa đổi, từ pháp lệnh đến luật, nay đến dự thảo luật sửa đổi lần này, phạm vi bảo vệ di tích đã bị thu hẹp lại. Nói đến bảo vệ di tích, phải giữ nguyên trạng di tích - những yếu tố không thể thay thế.

Như vùng I Cố đô Huế thì nhất định không để cho dân ở trong đó được. Với Thành Nhà Hồ, Thành Sơn Tây cũng vậy. “Cũng không nhất thiết phải giữ lại toàn bộ di tích nhưng phần giữ lại phải là cái gốc. Còn chỉ nói bảo vệ nghiêm ngặt như dự thảo, tôi thấy không ổn, không yên tâm” – Ông Thuận lo ngại.

Liên quan Điều 18 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng Luật hiện hành quy định phải lập hồ sơ khoa học để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, nhưng tờ trình dự luật sửa đổi lại đề nghị bỏ quy định này do thực tế việc lập hồ sơ có khó khăn, thiếu cán bộ, kinh phí.

“Nhưng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đó, nhất định phải có hồ sơ khoa học. Còn nếu chỉ kiểm đếm thì cũng chưa có tác dụng. Cứ thấy khó, không làm, rồi sửa luật, e rằng  sẽ mất dần các di sản văn hóa quý báu”- Ông Vượng lo ngại.

Sản xuất đồ giả cổ, không nên cấm

Ủy ban VHGDTTN & NĐ cho rằng, do thiếu các chế tài xử lý vi phạm, đã hình thành các trung tâm làm giả cổ vật với trình độ khá tinh vi. Nhiều đồ giả cổ đã trà trộn vào thị trường cổ vật, lọt vào các bảo tàng nhà nước, có những vụ lừa đảo đồ giả cổ gây thiệt hại bạc tỷ nhưng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết, can thiệp.

Đây là thách thức lớn cho việc sưu tầm, bảo quản, giao dịch cổ vật. Vì thế cần có các quy định pháp luật bảo vệ. “Ủy ban VHGDTTN&NĐ đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi sản xuất, buôn bán cổ vật giả” - Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đào Trọng Thi nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện nay có nhiều sản phẩm làm giả cổ như thật, như sản phẩm gốm Chu Đậu chẳng hạn. Đó là thực tế. “Quy định cấm sản xuất, lưu thông đồ giả cổ trong cơ chế thị trường cần phải xem lại. Tôi cho rằng không nên cấm. Vấn đề là phải công khai, minh bạch xuất sứ của hàng hóa”- Ông Kiên nói.

“Để bảo vệ tài sản nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân có công phát hiện, bảo vệ, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể, hợp lý về việc nhà nước mua lại, thưởng và bồi hoàn chi phí cho người phát hiện, bảo vệ, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” – (Báo cáo của Ủy ban VHGDTTN&NĐ)

MỚI - NÓNG