Dịch giả Dương Tường và bản hiệu đính "Mật mã Da Vinci"

Dịch giả Dương Tường và bản hiệu đính "Mật mã Da Vinci"
Thức tới 1 giờ sáng hàng đêm để chuyên tâm hiệu đính "Mật mã Da Vinci" (bản dịch nhiều lỗi), nhà văn Dương Tường được trả một khoản thù lao thỏa đáng, song ông không quan tâm tới điều đó.
Dịch giả Dương Tường và bản hiệu đính "Mật mã Da Vinci" ảnh 1

Ông đã phải "ở ẩn" để hiệu đính Mật mã Da Vinci?

Nhà xuất bản VHTT thuê cho tôi một căn phòng 20 m2 ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Chỗ này gần nhà tôi, tôi có thể về ăn trưa, ăn tối rồi sang đó làm việc.

Gọi là hiệu đính nhưng coi như dịch lại toàn bộ tác phẩm, sửa từng dòng, từng trang một...

Nói chung rất vất vả, có trang phải hì hục cả ngày. Những lỗi người đọc đã phát hiện ra không khó để chữa. Khó nhất là tìm ra ẩn ý phía sau câu chữ.

Hầu như không đêm nào tôi ngủ trước 1 h sáng. Rất nhiều người can tôi không nên nhận. Họ bảo tôi, tội tình gì cứ phải làm khổ mình như thế.

Nhưng tính tôi hay nể nang. Thật ra chẳng ai muốn nhận công việc này. Chỉ có tôi mới nhận làm mà thôi. Nhưng làm rồi thấy mệt vì đúng là một công việc khổ sai chẳng đem lại cho mình mấy hứng thú.

Ông hài lòng với kết quả công việc của mình?

Không phải tác phẩm dịch của mình nên chưa hẳn đã hài lòng. Tôi cố hoàn chỉnh để không còn sai sót nữa chứ không thể dịch hay được vì đây là một công việc chắp vá, đứt đoạn, không làm liền mạch như dịch thẳng toàn bộ từ đầu đến cuối.

Tôi bỏ công làm kỹ phần chú thích. Chú thích rất quan trọng, từ câu chữ trong ngữ cảnh để giúp người đọc hiểu cả đoạn văn, có khi hiểu cả một nét văn hóa, phong tục tập quán...

Có thể nói nhìn phần chú thích của một cuốn sách để đo trình độ của người dịch.

Việc này không những cho thấy dịch giả làm việc cẩn thận, chu đáo mà còn là người có tâm với bản dịch. Bản dịch trước hầu như không có chú thích.

Giả sử bản hiệu đính của ông vẫn bị phát hiện lỗi nào đó thì sao?

Nếu soi kỹ, chắc vẫn có thể thấy lỗi. Nhưng nếu có thì chỉ là do sơ suất chứ không phải lỗi lớn.

Sau khi "ăn" phải quá nhiều "sạn",  liệu độc giả có còn hào hứng với "sản phẩm"  đã được "sàng sảy" kỹ?

Có vẻ như độc giả đang chờ đợi.

Ông có lời khuyên nào dành cho độc giả để tránh mua phải "hàng dởm"?

Người đọc phải biết tự vệ mình chứ tôi chẳng dám có lời khuyên.

Cuối cùng xin tò mò được hỏi về thù lao?

Tôi không muốn nêu con số cụ thể, chỉ xin nói rằng đó là một khoản thù lao thỏa đáng! Hơn nữa, đó không phải là mối quan tâm của chính tôi.

Theo Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.