Dịch lại thơ chữ Hán Nguyễn Du: Không thể có bản dịch cuối cùng!

Dịch lại thơ chữ Hán Nguyễn Du: Không thể có bản dịch cuối cùng!
Nhà thơ Vương Trọng (người mang họ của Thúy Kiều, mang tên của chàng Kim) vừa cho ra mắt cuốn toàn tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh ấn hành).
Dịch lại thơ chữ Hán Nguyễn Du: Không thể có bản dịch cuối cùng! ảnh 1
Nhà thơ Vương Trọng - Ảnh: V.T.

Cuốn sách dày 378 trang, gồm 250 bài thơ do ông dịch và 8 bài nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều do ông viết là một tác phẩm văn học tâm huyết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh sự ra đời của cuốn sách này.

Có người gọi ông là nhà Kiều học, bởi ông đã thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều từ hồi còn bé và gần đây có nhiều bài nghiên cứu về Truyện Kiều được bạn đọc chú ý. Lần này lại thấy ông dịch toàn bộ gia tài thơ chữ Hán của Nguyễn Du - công việc trước đây đã có người làm rồi. Ông nghĩ như thế nào mà làm lại việc người khác đã làm?

Đúng là trước đây đã có nhiều người dịch nghĩa và dịch thơ thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đến năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào, việc dịch nghĩa thơ chữ Hán của cụ xem như đã hoàn thành (dù thời gian sau có bổ khuyết ít nhiều).

Nhưng vấn đề dịch thơ thì khác hẳn. Không ai dám bảo bản dịch thơ của mình là tuyệt hảo, là bản dịch cuối cùng. Bởi theo thời gian, thế hệ sau có thể phát hiện những hạn chế của bản dịch thơ trước đó. Vả lại, việc dịch thơ cũng là dịp rất tốt để hiểu thêm về Nguyễn Du.

Theo ông, hạn chế lớn nhất của các bản dịch thơ trước đây là gì?

Dịch lại thơ chữ Hán Nguyễn Du: Không thể có bản dịch cuối cùng! ảnh 2

Cuốn toàn tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Ảnh: V.T.

Trước hết, ta xem những ai đã từng dịch thơ thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Theo một con số thống kê thì xấp xỉ 90% số người dịch thơ là các nhà Hán học chứ không phải nhà thơ. Khi dịch thơ, các nhà Hán học có thuận lợi lớn là hiểu cặn kẽ ý tứ của nguyên bản.

Nhưng nắm chắc ý chưa đủ. Dịch thơ là làm bài thơ theo ý chi tiết của tác giả nêu ra, nếu nhà Hán học đó không phải là nhà thơ (điều này dễ xảy ra lắm) thì khi diễn đạt ý của bản thân họ thành thơ cũng không có thơ hay, làm sao có thể diễn đạt ý của người khác ra thơ lại có thơ hay được!

Bởi thế, tôi thấy phần lớn bản dịch thơ của thơ chữ Hán Nguyễn Du không hay cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, khi dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, người ta hầu hết vẫn quan niệm đã là thơ thất ngôn Đường luật thì phải dịch ra thể thất ngôn Đường luật...

Nghĩa là theo ông, thơ chữ Hán thất ngôn bát cú của Nguyễn Du có thể được dịch ra thơ lục bát?

Đúng thế! Trước hết, thể thơ lục bát hiện nay rất thịnh hành chứ không phải như thể thơ Đường luật. Thuận lợi đáng kể nhất khi dịch thơ Đường luật thất ngôn bát cú ra thơ lục bát là tổng số chữ trong nguyên bản và bản dịch bằng nhau (cùng 56 từ).

Tuy nhiên khó khăn không ít: Muôn thuở của dịch thơ chữ Hán ra tiếng Việt là sự súc tích của chữ Hán, khó diễn đạt hết ý khi có số từ bằng nguyên bản. Dịch ra thể lục bát còn có thêm khó khăn nữa là trong bản dịch các câu dài ngắn khác nhau, trong khi nguyên bản không như thế.

Đó là đối với thơ thất ngôn bát cú trong nguyên bản, còn đối với thơ ngũ ngôn, thơ tứ tuyệt thì sao?

Thơ ngũ ngôn thì tất nhiên nên dịch ra thể thơ ngũ ngôn, chứ nếu dịch ra thể lục bát thì bị dàn trải, bài thơ loãng ra. Các cụ ta xưa nay cũng dịch ra thể thơ này nhưng quan niệm về vần quá khắt khe, rằng đã thơ ngũ ngôn độc vận thì phải dịch ra ngũ ngôn độc vận. Trong khi đó thể thơ ngũ ngôn vần theo từng khổ lại rất thịnh hành.

Tôi chủ trương dịch thơ ngũ ngôn độc vận ra ngũ ngôn vần theo từng khổ một. Còn thơ thất ngôn tứ tuyệt thì có thể dịch ra tứ tuyệt lục bát hoặc tứ tuyệt thất ngôn. Tôi thiên về tứ tuyệt lục bát.

Trong phần mở đầu của cuốn sách, ông có nói rằng chất lượng bản dịch sẽ do độc giả đánh giá. Còn phần tự đánh giá của ông thì sao?

Tôi đã bỏ ra gần 2 năm để dịch 250 bài thơ chữ Hán này. Không phải bản dịch nào tôi cũng hài lòng. Tôi biết có bản sẽ còn phải sửa chữa khi tái bản sách. Tuy nhiên có nhiều bài dịch tôi rất tâm đắc, ví như bài Long thành cầm giả ca.

Theo Vũ Toàn
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.