Diễm xưa, mưa Huế cũng kéo dài tour được mấy hôm

Diễm xưa, mưa Huế cũng kéo dài tour được mấy hôm
TP - Nhớ mùa thu Hà Nội là một trong những nhạc phẩm hay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và cũng là bài hát hay của chung Hà Nội. Trong hàng chục bài hát ngợi ca Hà Nội mùa thu, Cty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã chọn bài này để tổ chức tour khám phá vẻ đẹp thủ đô quyến rũ.
Diễm xưa, mưa Huế cũng kéo dài tour được mấy hôm ảnh 1
Mưa trên thành nội

“Nhớ mùa thu Hà Nội” đã làm rung động trái tim của nhiều thế hệ yêu âm nhạc. Hướng dẫn viên người Hà Nội gốc sẽ hướng dẫn du khách tham quan những địa chỉ văn hóa đầy chất thơ được nhắc đến trong nhạc phẩm.

Đó là những nét rất đặc trưng của Hà Nội, đã từng làm cho những ai gắn bó, thân thương Hà Nội phải sững sờ như: “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”...; những con đường nhỏ ngạt ngào hương mùi hoa sữa; những ngôi nhà kiến trúc kiểu Hà Nội xưa với mái ngói thâm nâu; Hồ Tây với đàn sâm cầm nhỏ vỗ ánh mặt trời; những phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào... (tour 3 ngày 2 đêm, giá trọn gói 4.525.000 đồng/người, đi từ  Gài Gòn, bằng máy bay).

Ý tưởng của người thiết kế tour vừa lãng mạn vừa đầy chất văn hoá. Bởi “Nhớ mùa thu Hà Nội” không chỉ giúp du khách thỏa lòng mong nhớ, hoặc khát khao khám phá thủ đô, mà ở tour này không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội hiện diện vừa sinh động vừa tinh tế.

Tôi chợt nghĩ tại sao các công ty lữ hành Huế lại không có tour Diễm xưa với “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”... Hồi tưởng kỷ niệm một thời trên căn hộ bên cầu Phủ Cam, Trịnh Công Sơn mỗi khi nhìn ra cửa sổ thấy “mưa vẫn mưa rơi trên hàng lá nhỏ”; xuyên qua kẽ lá, phía bên kia bờ sông An Cựu là con đường xưa Diễm vẫn thường đi qua mà “nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ... mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau...”!

“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, những hàng cây, những con đường nhỏ, những tháp cổ trong mưa với Trịnh Công Sơn đều dày đặc tâm tưởng và kỷ niệm Huế; cũng sẽ làm vỡ oà ký ức của biết bao nhiêu kẻ lãng du; nếu biết sắp xếp lại thành một tour Diễm xưa thì cũng hấp dẫn chẳng kém gì tour Nhớ mùa thu Hà Nội.

Huế là xứ sở của mưa. Mưa xuất hiện suốt bốn mùa xuân hạ thu đông. “Giời mưa ở Huế sao nhiều thế, cứ kéo dài ra suốt mấy ngày”. Có lẽ đây là lần đầu Nguyễn Bính đến Huế, chưa biết thế nào là mưa Huế nên đã bị lỡ đường vì  mưa, phải nằm lại phố Ngự Viên mượn rượu giải sầu.

Đây là những cơn mưa vào khoảng từ tháng 10 đến hết tháng Chạp âm lịch. Có năm kéo dài ra hết tháng Giêng. Không phải lất phất bay, lấm tấm bay như “mưa xuân rắc bụi quanh làng”, hay như “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay” mà là mưa dầm, “mưa mãi mưa hoài mưa bứt rứt”, mưa rả rích, mưa tỉ tê, mưa sợi nhỏ, mưa hạt to, mưa da diết...

Mưa làm chậm lại nhịp sống của cố đô; mưa làm cho thành phố vốn đã buồn lại càng buồn hơn; “lối xưa xe ngựa”, “đền cũ lâu đài” đã phủ rêu dày, trong mưa lại càng trầm mặc, ảm đạm hơn.

Nhưng Huế không chỉ có mưa dầm. Mưa Huế cũng phong phú, đa dạng như văn hoá Huế và tâm hồn con người Huế. Người Huế không chỉ nghe mưa, xem mưa mà còn “ngậm ngùi xưa giọt mưa đau”, từ trong mưa ngẫm nghĩ chuyện cuộc đời.

Giữa mùa hè hừng hực nắng bỗng nhiên gặp những trận “mưa rào cho đất tươi da”; hoặc “mưa từ biển nhớ mưa lên, hay vui từ núi mưa trên A Sầu”, nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nay là đường Trường Sơn công nghiệp hoá.

“Mưa rào cho đất tươi da”, làm cho khí trời mát dịu lại. Sau mưa trời quang mây tạnh, những tia nắng nhỏ dần dần xuất hiện, bầu trời từ từ ửng hồng, một chiếc cầu vồng rực rỡ xuất hiện.

Nếu đứng ở mạn Đập Đá ngó lên  “Trường Sơn lượn xuống hàng đồi thông reo” (nhìn dọc sông Hương, qua cầu Trường Tiền) có lẽ không có chiếc cầu vồng nào trên thế giới này đẹp như cầu vồng bảy sắc ở Huế. Rồi lại còn “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”.

Đó là những trận mưa đưa lũ về vào khoảng tháng 9 đến hết tháng 10 âm lịch. Nhiều khi mưa kéo dài cả tuần không ngớt. Sông Hương nước dâng cao và cuồn cuộn chảy; phố phường thảy đều ngập nước. Ban đầu nước tràn Đập Đá, rồi lên mấp mé chợ Đông Ba, cả thành phố chạy lụt.

Có những trận lụt khủng khiếp được xem là những mốc lịch sử của Huế mà không ai không nhớ như  lụt năm Thìn (1904), lụt năm 1975 khi mới giải phóng, và kinh hoàng nhất là trận đại hồng thuỷ năm 1999.

Đó là mưa trong thơ Nguyễn Bính và Tố Hữu. Trịnh Công Sơn có đến hàng chục ca khúc ướt đẫm nước mưa. Mưa Huế trong nhạc Trịnh Công Sơn rất buồn. Buồn như “mưa bay tháp cổ”, buồn “như đời biển động”. Nhưng cũng có những cơn mưa đẹp đến tuyệt vời như “Mưa hồng”.

Trịnh Công Sơn là người có biệt tài “gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay” và ươm được màu nắng hồng cho mưa. “Trời ươm nắng cho mây hồng/Mây qua mau, em nghiêng sầu”. Trong mưa có một người ngồi trông một người. “Người ngồi đó trông mưa nguồn” và tưởng tượng “mưa ướt áo” em, mưa làm cho “đường phượng bay mù không lối vào”. Nhưng cuộc đời vẫn đẹp sao: “hàng cây lá xanh gần với nhau”...

Người ta nói “mưa như mưa Huế”, nhưng lạ chưa, với Trịnh Công Sơn mưa Huế có những lúc là mưa hồng. Và, không chỉ có nghe mưa, xem mưa, đợi chờ trong cơn mưa, mà từ mưa Trịnh Công Sơn cũng ngẫm nghĩ chuyện đời, chuyện người với những lời nguyện cầu, những lời giãi bày, những lời nhắn gửi: “Người ngồi xuống xin mưa đầy/Trên hai tay cơn đau dài/Người nằm xuống nghe tiếng ru/Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”!

Mùa mưa là mùa ế khách. Người làm du lịch và người đi du lịch đều sợ mưa. Nhưng cũng có không ít người đến Huế đã trông mưa, đợi mưa. Vì thế, nếu biết khơi dậy những kỷ niệm, biết làm cho những con tim thổn thức thì mưa Huế cũng là một sản phẩm du lịch tuyệt vời.

Người hướng dẫn viên giỏi vẫn có thể tổ chức được những tour mưa Huế cực kỳ hấp dẫn cho những du khách bị kẹt lại bởi “giời mưa ở Huế sao dài thế”. Trong mưa, tìm được những địa chỉ lý tưởng bên bờ sông Hương như Vườn Thiên Đàng, quán Sông Xanh, nhà hàng Bằng Lăng, khách sạn Hương Giang, Vỹ Dạ xưa... ngồi uống cà phê, đọc thơ Huế, nghe nhạc Trịnh Công Sơn về mưa Huế thiết nghĩ... cũng kéo dài tour được mấy hôm.       

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.