Điện ảnh hải ngoại và đôi nét chấm phá

Điện ảnh hải ngoại và đôi nét chấm phá
Khi Liên hoan phim của những người làm phim Việt Nam ở hải ngoại đã được tổ chức tại Nam California vào tháng 11/2003, nó đã hình thành nên một nền điện ảnh của những người Việt ở hải ngoại.

Ngay từ đầu những năm 1950 của thế kỷ trước đã có những thanh niên sang Pháp học nghề đạo diễn điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, họ đã về nước xây dựng nền điện ảnh dân tộc. Một số ít ở lại Pháp tìm cách làm phim nhưng không mang lại kết quả.

Người đạo diễn Việt kiều đầu tiên được giới điện ảnh nước ngoài chú ý đến là đạo diễn Lê Lâm với bộ phim ngắn Long Vân Khánh Hội làm năm 1980 tại Pháp. Bộ phim dựng theo câu chuyện về một người lái tàu hoả phải thi hành công vụ trong khi người vợ ở nhà đang hấp hối...

Phim được giới thiệu trong chương trình Triển vọng của điện ảnh Pháp tại Liên hoan phim Cannes năm đó, và Lê Lâm được coi như đạo diễn đầy triển vọng.

Ba năm sau anh làm tiếp phim Tro tàn của đế chế. Bộ phim là một hoài niệm của tác giả về quê hương mình trong mối quan hệ với những người Pháp thông qua nhân vật viên sĩ quan và người nữ tu sĩ Pháp (do nữ diễn viên nổi tiếng người Pháp Dominique Sanda thủ vai).

Bẵng đi mười năm, người ta không thấy Lê Lâm làm tiếp phim nào nữa và cũng không thấy có một tên tuổi của đạo diễn người Việt nào được nhắc đến trong hoạt động điện ảnh ở nước ngoài.

Điện ảnh hải ngoại và đôi nét chấm phá ảnh 1

Đạo diễn Trần Anh Hùng

Bỗng nhiên đến năm 1990, một người Việt Nam trẻ tuổi có tên Trần Anh Hùng đã làm chấn động khán giả Pháp và Việt Nam với bộ phim đầu tay Mùi đu đủ xanh.

Có thể nói đây là một bài thơ bằng hình ảnh, màu sắc và âm thanh được làm trên ký ức tuổi thơ của tác giả với những hình ảnh hết sức tinh tế về cảnh vật, không gian, cùng thế giới bên trong của con người. 

Phim lập tức nhận được giải Camera d’Or (Máy quay phim Vàng) cho phim đầu tay tại Liên hoan phim Cannes năm đó. Một năm sau, phim được đề cử tranh giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc.

Đúng như cái tên của anh, Trần Anh Hùng được báo chí ở Việt Nam hồi đó nhắc đến như một người anh hùng đã mang lại vinh quang cho dân tộc trong lĩnh vực điện ảnh, mặc dù anh đã theo gia đinh sang Pháp định cư từ năm lên 9 tuổi.

Năm 1995, Trần Anh Hùng trở về Việt Nam làm phim Xích lô. Với bộ phim thứ hai này, anh gặt một thành công vang dội tại Liên hoan phim Venise năm 1995 với giải Sư tử Vàng.

Không như nhiều người mong đợi, người ta không tìm thấy “dấu tích” gì của bộ phim trước trong bộ phim này với vô số những cảnh bạo lực trong không gian căng thẳng và ngột ngạt của TP.HCM. Khán giả Việt Nam không được xem phim này vì Trần Anh Hùng không có ý định giới thiệu bộ phim này cho đồng bào mình ở trong nước.

Năm 1999, Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim thứ ba, cũng tại Việt Nam, phim Mùa hè chiều thẳng đứng. Phim kể về cuộc sống của ba chị em với những mối quan hệ tình cảm phức tạp trong một gia đình bề ngoài tưởng như yên ấm.

Lần này Trần Anh Hùng chứng tỏ mình là một hoạ sĩ hơn là một nhà điện ảnh. Anh làm việc với từng khuôn hình của phim như người hoạ sĩ ngồi truớc toan vẽ.

Sau ba phim trên, Trần Anh Hùng chưa làm tiếp phim nào. Anh từng trả lời báo chí: sẵn sàng nghỉ 10 năm không làm phim nếu chưa tìm được cho mình một kịch bản ưng ý.

Tony Bùi thuộc thế hệ thứ hai của người Việt di tản sau năm 1975. Khi theo gia đình rời quê hương, anh mới lên 2 tuổi. Lớn lên ở Califonia, Tony Bùi là một thanh niên Mỹ hoàn toàn.

Năm 19 tuổi, anh mới về Việt Nam lần đầu. Rồi trong những lần về tiếp theo, anh đã dần dần khám phá cho mình một đất nước mới lạ, không vương vấn chút gì với những ký ức của tuổi thơ. Trên những trải nghiệm đó anh đã viết và đạo diễn bộ phim truyện dài đầu tiên của mình Ba mùa.

Ba mùa gồm ba câu chuyện ngắn gộp lại trong một cấu trúc xen kẽ nhau với diễn xuất tuyệt vời của diễn viên Harvey Keitel trong vai người cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam tìm đứa con gái rơi của mình. Năm 1999, phim đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Sudance.

Phim Ba mùa đã được trình chiếu rộng rãi ở Việt Nam và được khán giả rất hoan nghênh. Sau đó, Tony Bùi đứng ra làm nhà sản xuất cho bộ phim đầu tay của anh mình là Timothy Bùi có tên Con rồng xanh. Phim xoay quanh mối quan hệ của những người Việt Nam sống trong một trại tị nạn ở trên đất Mỹ.

Một tên tuổi nữa thường được nhắc đến trong sinh hoạt điện ảnh ở hải ngoại là Trịnh Thị Minh Hà với các phim Họ Việt tên Nam, Câu chuyện tình yêu. Bà còn được biết đến như một nhà nghiên cứu với những sách viết về phụ nữ, về lý luận điện ảnh, khảo cổ, âm nhạc.

Điện ảnh hải ngoại và đôi nét chấm phá ảnh 2

Một cảnh trong phim Mùa len trâu

Gần đây xuất hiện một tên tuổi mới trong cộng đồng người Việt làm điện ảnh ở hải ngoại là Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim Mùa len trâu.

Phim có hơi hướng như phim Viễn Tây của Hollywood nhưng lại mang đậm đà bản sắc của miền đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam với những tính cách con người được khắc hoạ hết sức chân thật, cùng với phong cảnh thiên nhiên hoang dã.

Hồ Quang Minh là một trường hợp ngoại lệ. Anh định cư ở Thuỵ Sỹ nhưng thường được Hãng phim Giải phóng mời về nước làm phim như một đạo diễn sống trong nước.

Anh đã làm các phim Con thú tật nguyền, Trang giấy trắng, Karma. Phim gần đây của anh có tên Thời xa vắng được giải Cánh diều Bạc của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2005.

Lần đầu tiên Liên hoan phim của người Việt ở hải ngoại đã được tổ chức tại Nam Califonia vào tháng 11/2003. Liên hoan này trình chiếu 45 phim (đa số là phim ngắn) của 39 đạo diễn gốc Việt Nam đang sinh sống trên ở Mỹ, Pháp, Úc... Hàm Trần - đạo diễn phim Ngày dỗ và Lưu Huỳnh - đạo diễn phim Thời gian qua đã đoạt giải Phim ngắn xuất sắc của khán giả.

Sau đó là liên hoan phim lần thứ hai được tổ chức vào tháng 4/2005. Có thể nói đã và đang hình thành một nền điện ảnh của những người Việt ở hải ngoại. Nền điện ảnh đó đã làm phong phú thêm bức tranh chung của nền điện ảnh Việt Nam bằng những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ của mình.

Theo Đặng Nhật Minh
Heritage Fashion

MỚI - NÓNG