Điện ảnh VN: Ủng hộ người trẻ!

Điện ảnh VN: Ủng hộ người trẻ!
“Bậc đàn anh, các chú, bác cũng phải bỏ cái cá nhân đi, tham quá không nên, cứ giữ chỗ đứng, không muốn rời đi, ngồi mọc rễ ra thì làm sao bọn trẻ lên được” - NSND Đoàn Dũng, người đã 6 lần đi dự ĐH Điện ảnh nói khi nhắc đến thế hệ trẻ.
Điện ảnh VN: Ủng hộ người trẻ! ảnh 1
“Thời xa vắng” đã đem về cho ĐAVN 2 giải thưởng Quốc tế

Gần như cả nhà đi dự ĐH Điện ảnh, đó là gia đình NSND Trần Tiến và 3 cô con gái; gọi tên Lưu Trọng Ninh chẳng thấy đâu nên kết quả trong danh sách bầu cử Ban chấp hành TƯ Hội Điện ảnh khoá 6 không ghi anh nữa, nghe nói đạo diễn “Bến không chồng” còn đang bận làm phim phương Nam.

Nhìn những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Phạm Ngọc Tiến, Phan Huyền Thư... thư thái đi đi lại lại cứ ngẫm nếu lực lượng nhà văn không tham gia sáng tác kịch bản cho ĐA thì con số 15,5% (tỷ lệ biên kịch tham gia ĐH) sẽ bé đi nhiều lắm! Nhìn ĐH đang “hơi bị” già may mà còn ánh lên một tín hiệu, ấy là không quên lo lắng cho việc đào tạo thế hệ trẻ, làm thế nào để người trẻ có chỗ đứng...

Cơ bản là thiếu phim hay

Trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 5 có nhấn ý: Cơ bản vẫn là tình trạng thiếu phim hay. Còn trong báo cáo công tác của Ban kiểm tra TƯ Hội nhiệm kỳ 5 cũng thông tin rõ về hai trường hợp khiếu nại, tố cáo gần đây được dư luận quan tâm: Hội viên Đức Kôn, tác giả bài phê bình phim “Ký ức Điện Biên” đăng trên Tạp chí Điện ảnh TP HCM số 106/2004 khiếu nại về phản ứng thái quá của hội viên Vũ Huy - họa sĩ thiết kế bộ phim “Ký ức Điện Biên” với tác giả bài báo nói trên.

Trường hợp này Ban thư ký Hội đã chỉ đạo Chi hội Hãng phim truyện VN và Chi hội nghiên cứu - đào tạo - báo chí TP HCM có biện pháp giúp đỡ 2 hội viên nhận thức vấn đề theo tinh thần thông cảm, đoàn kết và rút kinh nghiệm, tránh lặp lại những sự việc tương tự.

Đơn thư của hội viên Đỗ Minh Tuấn khiếu nại có dấu hiệu “đạo văn” trong sáng tác hai bộ phim “Bao giờ cho đến Tháng Mười” và “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Trường hợp này Ban Thư ký Hội triệu tập cuộc họp mở rộng để xem xét vấn đề đã thống nhất ý kiến tập thể là trong sáng tác văn học nghệ thuật rất khó xác định làn ranh giữa việc “đạo văn”, “đạo ý tưởng” và sự chịu ảnh hưởng lẫn nhau cũng như cảm nhận thực tế phong phú cuộc sống của văn nghệ sĩ, còn việc tiến hành điều tra xác minh sự việc trên thì nằm ngoài khả năng của Hội.

Trên thực tế, cả hai bộ phim trên đều được Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua và cho phép phổ biến rộng rãi. Vì vậy, Hội đã chuyển đơn thư này tới các cơ quan quản lý chuyên trách để được xem xét, giải quyết.

Câu chuyện ngoài hội trường ĐH khá xôm tụ. Một vị khách mời ngoài ngành đến dự ĐH khái quát: Bên Điện ảnh quả là có nhiều ưu điểm như nhiều NSND, NSƯT, nhiều Huy chương Vàng, nhiều Bông Sen Vàng, nhiều Cánh Diều Vàng, nhiều cán bộ, đạo diễn, diễn viên, nhiều xưởng phim, hãng phim ra đời, liên tục được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy chỉ có một nhược điểm là phim chưa hay!

Vị này cũng góp ý: Bầu người vào BCH nên tìm những ai có trình độ chuyên môn khá trở lên, có năng lực tổ chức công việc tốt và nhiệt tình, nếu bầu người giỏi nghề họ chỉ lo đi làm phim chứ thiết gì việc của Hội mà thực chất là việc hầu hạ, lo lắng cho anh em thế này!

Lo cho măng mọc

Điện ảnh VN: Ủng hộ người trẻ! ảnh 2
Các thế hệ điện ảnh trong đại hội 6. Ảnh: NĐT

Đã qua 6 mùa đại hội, NSND Đoàn Dũng và NSND Thế Anh, hai tên tuổi của làng Điện ảnh VN đi đâu cũng lừng lững bề thế bởi giọng nói hào sảng và cốt cách “đỉnh cao” mà hình như là chỉ riêng lớp diễn viên đầu tiên mới có. Nhắc đến “thế hệ trẻ”, hai ông sôi nổi hẳn.

NSND Thế Anh: “Thời buổi mở cửa, kênh phim truyện phát sóng cả đêm lẫn ngày, nào HBO, Star Movie…, mọi của ngon vật lạ đều được xem, trong khi trình độ nghệ sĩ của ta thì cập nhật được bao nhiêu rồi? Vì thế Nhà nước phải xem đạo diễn nào, diễn viên nào, biên kịch nào, quay phim nào... có hé mở tài năng thì cho đi đào tạo ở nước ngoài, thêm cả yếu tố người biết tiếng Anh, tiếng Pháp giỏi… thì mới hy vọng mở mày mở mặt được”.

NSND Đoàn Dũng khoát tay: “Nhưng bậc đàn anh, các chú, bác cũng phải bỏ cái cá nhân đi, tham quá không nên, cứ giữ chỗ đứng, không muốn rời đi, ngồi mọc rễ ra thì làm sao bọn trẻ lên được? Một bi kịch của ta là không bồi dưỡng, đào tạo chi chút cho tài năng, thế hệ trẻ. Phải đào tạo thế hệ trẻ, phải lên kế hoạch dài hạn 5 - 10 - 15 năm đi. Nhưng mà cũng phải tính là cho đi đào tạo ở nước ngoài rồi họ có về không, phải có chế độ thế nào để họ trở về và để họ được cống hiến chứ cứ nhìn cảnh chất xám ra đi buồn quá!”.

Song song việc cử người cho đi học nước ngoài thì khâu đào tạo trong nước cũng nhất thiết phải đổi mới. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng cuối những năm 90 nhận được học bổng chuyên ngành sau Đại học về đạo diễn ĐA tại Học viện Điện ảnh và truyền hình Ấn Độ, kể: Học ở Ấn Độ, họ giới thiệu những đầu sách để học viên tự học lý thuyết, còn đến lớp chỉ có thực hành vì quan niệm thực hành chính là dựa trên lý thuyết.

Hàng ngày học viên được làm việc trong trường quay, học từ đẩy đường ray cho người quay phim học đi... Cái hay nữa là tôn trọng tự do sáng tạo, tự do suy nghĩ, không gò ép mà chỉ chữa về mặt kỹ thuật nên tôi thấy có những người chỉ mới là học viên nhưng đã có những sáng kiến mới lạ.

Đạo diễn Việt kiều Đặng Tuấn kể 2 năm anh học Cao học tại Viện nghệ thuật California (Mỹ) với chương trình học rất đa dạng và phong phú, cứ mỗi tuần trung bình mời khoảng 2,3 khách là những đạo diễn nổi tiếng, nhà sản xuất phim có kinh nghiệm đến nói chuyện, thảo luận với sinh viên.

Trường luôn có thông tin về các khóa thực tập tại các hãng phim nổi tiếng khác nhau, sinh viên tự sắp xếp thời gian đăng ký thực tập. Ra trường, tùy từng trường lại có thông tin hướng dẫn giúp đỡ học viên tìm việc làm...

Còn một đạo diễn trẻ được đào tạo trong nước thì  tâm sự: Có thầy mang nguyên giáo trình bằng tiếng Nga đến lớp vì không muốn mất thì giờ dịch, nếu may mắn gặp được giảng viên giỏi thì bất hạnh thay họ lại không có nhiều thời gian để dạy, họ bận làm phim. Càng giỏi, càng bận.

Hoặc như một số môn được gọi là kiến thức cơ bản như môn Văn, đã học các tác phẩm ấy từ phổ thông, lại tiếp tục nghe ở ĐH, gặp lại những anh Pha chị Dậu, hoặc lại phân tích ca dao, tục ngữ... bằng những lời lẽ sáo mòn với cấp độ y như thời ôn thi ĐH chứ chẳng có gì sâu sắc hơn.

Trong khi văn học hiện đại là gì lại không đưa ra cho học viên khái niệm, hiện tượng văn chương nước ngoài đã dựng thành phim như của Sidney Sheldon hay Mạc Ngôn không được cập nhật trong quá trình giảng dạy...

Hãy chỉ cho tôi thấy!

Nhưng cũng phải nhìn vào những người trẻ bây giờ là ai, có dám làm hay chỉ kêu khó? Thực tế là BCH nhiệm kỳ vừa rồi có cả người đang sung sức nhưng vào rồi thì ngồi yên, hoặc bỏ bê đi làm việc riêng, chẳng thiết tha gì.

Vấn đề là nỗ lực cá nhân trước đã. Quốc Hưng kể: “Người nước ngoài có câu: Hãy chỉ cho tôi thấy, nghĩa là anh phải chứng tỏ cho tôi thấy anh có khả năng gì chứ không phải tự dưng người ta mang tiền đến cho mình làm phim. Anh là người có tài thì phải bằng mọi cách chứng tỏ khả năng của mình”.

Như NSND Đoàn Dũng, hình ảnh “cái măng phải tự hoàn thiện mình để vượt qua gió mưa, bão tố”. Nhà văn, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: Thế hệ trẻ có cái mạnh là tiếp thu công nghệ hiện đại mà thế hệ đạo diễn cũ không bằng nhưng bề sâu văn học thì đa số đạo diễn trẻ yếu hơn vì các em bây giờ tập trung vào xem phim để rút ra còn thế hệ trước đọc sách để rút ra.

Cho nên thế hệ đạo diễn trẻ bây giờ, cùng với tiếp thu công nghệ hiện đại thì ai mạnh về văn học sẽ thành công rõ nét hơn. Nói cách nào đi nữa cũng phải ủng hộ người trẻ, nếu biết vì một nền điện ảnh thì phải cổ vũ lớp trẻ.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.