Điện Biên Phủ trên không qua một cuốn sách

Điện Biên Phủ trên không qua một cuốn sách
TP - Nguyễn Phương Thảo cựu chiến sỹ Quân chủng Phòng không không quân vừa gửi tặng tôi cuốn sách “ Còn đấy những niềm mong” (Nhà xuất bản Thanh Niên 2017) với dòng chữ nắn nót ghi ở trang đầu “ Thân quý tặng đồng đội Xuân Nam”.
Điện Biên Phủ trên không qua một cuốn sách ảnh 1

Trong  chiến tranh chống Mỹ, cũng như trong chiến dịch lịch sử chiến đấu và chiến thắng máy bay B52 của không quân Mỹ diễn ra suốt 12 ngày đêm trên bầu trời thủ đô Hà Nội, biết bao tấm gương sáng của chiến sỹ, của nhân dân thủ đô và cả nước đã được nói đến qua phim ảnh, báo chí thời gian qua. Trong những tấm gương đó có những người bạn của tôi, những chiến sỹ cùng đại đội, cùng tiểu đoàn và trung đoàn tên lửa. Tôi không thể nào quên cái đêm đầu tiên của chiến dịch, đêm đó tôi cũng là một trắc thủ phát lệnh tên lửa ngồi trong xe điều khiển trong tiếng máy bay gầm rít, tiếng bom nổ rung trời ...

Đọc cuốn sách, tôi mới biết thêm nhiều tư liệu của cuộc chiến,  biết cụ thể, chi tiết chuyện Bác Hồ gửi 25.000 đồng tiền tiết kiệm của Bác cho các chiến sỹ bộ đội phòng không năm 1967. Tác giả kể : “ Chú Kỳ ( Vũ Kỳ) xem lại sổ tiết kiệm của Bác có bao nhiêu. Chú cho rút hết cả vốn lẫn lãi rồi gửi ngay cho đồng chí Dũng, nói với các chú ấy là Bác gửi số tiền đó tặng bộ đội phòng không để anh em mua nước ngọt uống ...”, (25.000 đồng đó là số tiền tiết kiệm nhiều năm của Bác).

Nhiều câu chuyện thật cảm động đã được tác giả kể chi tiết trong cuốn sách của mình.

Nhà thơ trẻ Vũ Đình Văm với bài thơ nổi tiếng “ Phía sau khoảng trời” mà tôi rất thích. Thời chiến tranh Vũ Đình Văn cũng là bộ đội tên lửa như tôi. Tôi ở xe phát lệnh còn Văn ở bộ phận bệ phóng. Một đại đội tên lửa ngoài bộ phận ra đa còn có xe phát lệnh tên lửa, xe điều khiển tên lửa và dàn bệ phóng. Chúng tôi ngồi trong xe phát lệnh  sợ nhất không phải là bom mà là Xarai một loại tên lửa không đối đất được phóng từ máy bay Mỹ khi chúng phát hiện ra cách sống của chúng tôi; Còn những người lính thường ở ngoài trời, bên những bệ phóng với dàn xe xích kéo bệ phóng và những quả đạn to, cồng kềnh rất dễ bị lộ trước máy bay của kẻ địch thì bom là kẻ thù của họ.

Tôi biết Vũ Đình Văn đã hy sinh quả cảm ngay trên trận địa tên lửa nhưng đọc cuốn sách mới biết chi tiết : “Sáng 27 tháng 12, giữa lúc cán bộ chiến sỹ của tiểu đoàn đang củng cố ngụy trang, công sự làm công tác chuẩn bị chiến đấu bất ngờ máy bay Mỹ oanh tạc vào trận địa, Vũ Đình Văn cùng hai cán bộ chiến sỹ bệ phóng đã hy sinh...Từ những linh cảm của mình, mặc cho máy bay, bom đạn của kẻ thù, em gái Vũ Đình Văn là Vũ Kim Dung đã đạp xe hết đơn vị tên lửa này đến đơn vị tên lửa khác để tìm anh...” .

Nguyễn Phương Thảo nhiều năm làm báo trong Quân chủng Phòng không, sau này từng làm TBT tạp chí Dân tộc nên có nhiều tư liệu phong phú đã được thể hiện trong cuốn sách.

Những người lính đã hy sinh ở chiến trường cũng như những người từ chiến tranh khói lửa trở về như tôi hay tác giả không có mong ước gì hơn sau khi nước nhà thống nhất, hòa bình, là “Công bằng, bình đẳng và phát triển” như lời tác giả Nguyễn Phương Thảo viết đầu cuốn sách, có lẽ vì thế mà tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình là “ Còn đấy những niềm mong” chăng?!

MỚI - NÓNG