Điện thoại “chùa”

Điện thoại “chùa”
TP - Nếu đặt máy ghi âm trong một phòng làm việc nào đó, vô tình bạn sẽ được nghe rất nhiều các mẩu đối thoại đại loại như: mời đám cưới bạn bè, hỏi thăm người yêu, hẹn hò, rủ rê, khen, chê… đủ cả.

Việc sử dụng tài sản chung để phục vụ cho lợi ích cá nhân đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Nhưng “nói đi rồi phải nói lại”, vấn đề quá lạm dụng tài sản công của cơ quan, nhà nước hiện nay đang dần trở nên công khai và theo “phong trào quần chúng”.

Riêng chuyện sử dụng điện thoại cơ quan vào việc riêng thôi cũng đã làm tổn thất không nhỏ đến tài sản của công quỹ và gây không ít phiền toái cho mọi người trong giờ làm việc.

Trong thời đại kinh tế thị trường phát triển như vũ bão hiện nay, thì việc mỗi người tự trang bị cho mình một máy điện thoại di động để thông tin liên lạc là hoàn toàn hợp lý.

Nhất là những người đã có công ăn việc làm lại càng cần thiết. Tuy nhiên, đối với những người làm việc phòng ban thì dường như điện thoại di động của họ ít phát huy tác dụng hơn. Vì ở đó, đã có một thứ tài sản công mà họ có thể sử dụng suốt 8 tiếng, trong giờ hành chính – Điện thoại bàn.

Điện thoại trong phòng làm việc là nơi để giao dịch, trao đổi thông tin công việc, đồng thời là nơi cập nhật tin tức của các mối quan hệ giữa nhân viên trong phòng và người thân của họ, có khi là để giải quyết công việc riêng.

Nếu đặt máy ghi âm trong một phòng làm việc nào đó, vô tình bạn sẽ được nghe rất nhiều các mẩu đối thoại đại loại như: mời đám cưới bạn bè, hỏi thăm người yêu, hẹn hò, rủ rê, khen, chê… đủ cả. Hầu hết, đó là những cuộc gọi đường dài và nói chuyện khá lâu.

Nếu người sử dụng dùng máy di động để hôm nay gọi cho người này, ngày mai gọi cho người khác… thì sẽ tốn một khoản tiền không nhỏ. Giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là “gọi điện thoại chùa” – nếu có thể.

Cô em tôi là sinh viên năm cuối, đi thực tập ở một phòng hành chính của cơ quan nhà nước, chưa hết ngạc nhiên khi tối về kể lại với tôi chuyện một chị trong phòng làm việc sử dụng điện thoại cơ quan gọi điện dặn dò mẹ chị ta ở quê cần mua đồ này, đồ nọ, chuẩn bị món ăn gì, xào nấu như thế nào cho hợp khẩu vị… Chả là cuối tuần này chị ấy dẫn người yêu về ra mắt.

Rồi một chị khác, gọi điện thoại cho bạn gái trong giờ nghỉ trưa, kể mọi chuyện “trên trời dưới biển”, tỉ tê tâm sự cả tiếng đồng hồ, mà nghe đâu chị bạn này đang ở TPHCM. Rồi những cuộc điện thoại chắc chắn không phải vì công việc bởi người gọi luôn nói với giọng rất nhỏ, không để người khác nghe thấy.

Điện thoại “chùa” không phải là sự tham ô dữ dội hàng chục tỷ đồng như một số quan chức cấp cao đã từng làm. Nó như là một loại mối mọt, âm thầm và lặng lẽ gặm nhấm dần tài sản công quỹ. Lại ngày qua ngày, lại tuần qua tuần, một con người có biết bao câu chuyện: nỗi buồn cần được chia sẻ và niềm vui muốn được nhân đôi.

Có những chuyện cá nhân không thể giãi bày trực tiếp với đồng nghiệp mà phải là một người nào đó ở nơi xa. Và để tâm sự, không thể một hai phút mà cần có một khoảng thời gian. Vậy thì, còn chờ gì nữa, điện thoại công đó, hãy bấm số thôi!

MỚI - NÓNG