Điều ẩn giấu ở chợ tình Khâu Vai

Chợ Khâu Vai. Ảnh: nguồn: Internet
Chợ Khâu Vai. Ảnh: nguồn: Internet
TP - Bộ phim tài liệu “Vibrant Highland, Commercial Love” (tạm dịch: “Cao nguyên Rực rỡ, Chợ tình Khâu Vai”) vừa nhận giải “Phim tài liệu xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim độc lập thế giới(San Francisco) đã được tác giả, đạo diễn Matt Dworzanczyk (Mỹ) chia sẻ trên  You tube.

Đạo diễn đã dẫn người xem vào hành trình đi tìm một huyền thoại cùng những nhân vật người Dao, H’Mông… liên quan đến chợ tình rồi chuyến đi trở nên quyến rũ hơn khi khán giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ lùng của cuộc sống nơi đây.

Khâu Vai của Matt

Cả phim là những cuộc phỏng vấn hé lộ những mảnh đời. Các nhân vật kể về niềm vui hay trắc trở không có chút nhấn nhá than thở nào kiểu như người thành thị. Một cặp vợ chồng trẻ kể liệt kê ba sự kiện liên tiếp xảy ra trong nhà họ, trâu chết, lợn chết, hai trong bốn đứa con bị chết với cùng một hiện tượng “chúng nó bỏ ăn, yếu dần rồi chết”. Ekip làm phim theo sát cặp đôi kém may mắn này trong hai năm, đạo diễn Matt tặng họ một bao gạo và một chú lợn con, họ nhận quà với vẻ mặt kiệm thái độ như lúc kể về những hoạn nạn. Tình huống tương tự trong phóng sự từ thiện của người miền xuôi có lẽ nhân vật sẽ rạng rỡ, nói lời cảm ơn xúc động. Đạo diễn đưa cả những sự cố trong lúc làm phim như bị bảo vệ an ninh thôn hỏi han, cô phiên dịch cũ bất ngờ bỏ dở dự án. Khán giả thích thú đoạn khắc họa chân dung người phiên dịch mới. Anh này hay chứng tỏ với tây, ra oai với người bản địa. Gặng hỏi về nhu cầu yêu đương của đám trai bản chỉ nhận được những nụ cười ngây ngô và một tràng “không, không”, “không biết”, anh phiên dịch người Kinh quát nhặng xị.

Người xem và có lẽ cả đạo diễn dành nhiều cảm tình cho nhân vật nam đồng tính hé lộ bí mật đời mình với nụ cười thật thà trong suốt cuộc trò chuyện.

Chợ tình có hay không?

Đạo diễn Matt Dworzanczyk có chung tâm trạng với một số du khách nghi ngờ sự tồn tại của phần “tình” trong  chợ tình Khâu Vai. Trong tiếng H’Mông không có từ “chợ tình” khái niệm này vốn được nghĩ ra để hút du lịch nhưng rồi du khách tự thấy phần “tình” trong các phiên chợ không giật gân như họ hình dung nên thất vọng.

Ủng hộ cách làm phim tôn trọng hiện thực, cùng phái nghi ngờ chợ tình, TS Nguyễn Thị Hậu (Hậu Khảo cổ) đưa ra bình luận : “Đi tìm sự thật của một “huyền thoại” lại bắt gặp sự thật của cuộc sống chẳng có gì giống như “huyền thoại” vẫn đang được tuyên truyền quảng bá giới thiệu và kiếm lợi nhưng không phải cho chủ nhân của “huyền thoại” ấy. Thật ra từ lâu rồi đã có nhà nghiên cứu văn hóa ở ngay nơi này nói với tôi: “người Mông không có chợ tình, chỉ có người Kinh có chợ tình ở... trong mấy khách sạn kia kìa!”.Sự nguy hiểm là làm cho cộng đồng ít người tin vào cái người khác bịa ra cho mình!”

Bàn về tính xác thực của nguồn gốc Chợ tình, TS Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian từng có nhiều năm nghiên cứu về chợ các tỉnh miền núi phía Bắc cho biết từ hàng trăm năm trước, việc giao duyên, gặp gỡ của người dân bản địa là phần tất yếu trong các phiên chợ. Vào năm 1981, trong lần đi nghiên cứu thực địa tại Sapa, ông Sơn từng ngỡ ngàng chứng kiến cảnh yêu đương sau phiên chợ khi đêm về của một số cặp đôi người H’Mông và người Dao. Đầu thập kỷ 90, chợ tình (không chỉ ở Sapa) được tổ chức như lễ hội quảng bá du lịch, người Kinh tò mò với phần “trao tình” của người vùng cao, các cuộc  hẹn hò của họ bị du khách rình rập nên dần  mất đi vẻ tự nhiên vốn có. Khách cũng làm quá khi đồn thổi “chợ tình là chốn dành cho tình nhân cũ lỡ duyên gặp lại nhau”. Qua nghiên cứu, tôi thấy đối tượng tình nhân cũ rất ít, đa số là lứa tuổi thanh niên, chưa có gia đình, ông Sơn cho biết. TS Trần Hữu Sơn đánh giá bộ phim hấp dẫn bởi có cách tiếp cận tự nhiên. Người làm phim khai thác nhiều chi tiết sống động mà nhà nghiên cứu trong cuộc chưa chắc đã nhìn ra.

Theo PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ Thuật VN), khách du lịch không phải là nhà nghiên cứu, nên sẽ chẳng ai bận tâm đến việc các câu chuyện đó là thật hay không. Thậm chí, ngay cả khi bộ phim này nêu lên sự hoài nghi về tính xác thực của  huyền thoại này thì cũng không phải vì thế mà những câu chuyện này sẽ sụp đổ, ngược lại nó tăng tính hấp dẫn hơn, nó kích thích du khách tiếp tục tìm hiểu sâu hơn và đa dạng hơn về những câu chuyện này.

Tình chỉ là cớ để lao đến Hà Giang

Theo tay lái mô-tô của nhóm làm phim vượt núi đồi trùng điệp , mỗi người xem trở thành một nhà làm phim vì mỗi trường đoạn được cảm nhận theo cách riêng. Bạn thấy đoàn người đi bộ địu hàng hàng chục cây số là cực nhọc, người khác lại thấy những bước chân kia lâng lâng trong tĩnh lặng an hòa. Hà Giang là thế giới chẳng cần chợ tình, vẫn nên thơ và nhiều cảm xúc. 

Điều ẩn giấu ở chợ tình Khâu Vai ảnh 1

Cặp đôi kể chuyện của họ (cảnh trong phim)

Nhà làm phimTrịnh Đình Lê Minh ở góc độ khán giả mê phượt bày tỏ:  “Chợ tình Khâu Vai” dẫn khán giả đi du lịch cùng người làm phim. Phim không đi đủ sâu vào đời sống để người xem cảm thấy gần gũi và hiểu hơn về các nhân vật nhưng quả thực nó khiến người xem xách ba lô lao đến Hà Giang ngay lập tức. Dù chợ tình không có thực, tôi cũng hiểu rằng nó như một huyền thoại để người ta trông chờ và thú vị.  Bỏ qua Chợ tình, du khách vẫn đến Hà Giang để thưởng ngoạn phong cảnh mê hồn và khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.

TS. Nhân học Yukti Mukdawijitra, Trường đại học Thammasat, Thái Lan người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân tộc vùng cao tại VN nhìn nhận bộ phim như sản phẩm chất lượng với người trong nghề cũng như du khách: “Mặc dù nhóm làm phim gặp nhiều khó khăn với ngôn ngữ bản địa và với an ninh địa phương đạo diễn vẫn đưa vào phim được những cuộc trò chuyện sinh động của người dân ở vùng cao mà không phải ai cũng có cơ hội  được nghe, được biết. Rất hay. Theo tôi, nếu ai là người thích phiêu lưu và thích tìm hiểu sâu về dân tộc thiểu số ở VN thì nhất định họ sẽ đi”.  

Chị Vũ Thùy Trang, giám đốc công ty du lịch tại Hà Nội cho biết, một số du khách châu Âu tới VN hè này là do họ xem phim “Chợ tình” của Matt Dworzanczyk chiếu tại Berlin cuối năm 2015.

Matt đã truyền cảm hứng rực rỡ cho mọi du khách đang còn  phân vân về một chuyến đi. 

Lời kết của bộ phim

“Có thể phong tục này đã bị mất và bị thay thế bằng ngành công nghiệp du lịch, có thể nó chưa bao giờ tồn tại, nhưng điều thực chính là con người và cuộc sống của họ, ngay cả khi khổ cực cuộc sống của họ lôi cuốn hơn nhiều so với phong tục đã được khắc họa”.

MỚI - NÓNG