Điệu đàng, màu mè

Điệu đàng, màu mè
TP - Một bạn văn gửi truyện ngắn để biên tập. Vừa mới trang đầu đã gặp ngay một đoạn như thế này: “Khuôn mặt ấy, với những đường nét dịu dàng thanh khiết, cái sống mũi tao nhã, đôi môi hiền, đôi mắt hiền, vầng trán tỏa sáng đã in vào tận cùng tâm thức tôi, ngời lên trong những giấc tôi mơ, tựa một vì sao, một vầng trăng, một lấp lánh cầu vồng.

- Anh đang nghĩ gì thế?

Em đã đến bên tôi tự lúc nào, thì thầm ngọt dịu”. 

Tôi đã định tỉa bớt những tính từ mỹ miều, bóng bẩy, lòe loẹt, sặc sỡ, những động từ ồn ào phô diễn. Nhưng nghĩ lại, cả một đoạn như thế này, chỉ có thể bỏ hẳn đi, cả một truyện ngắn như thế này, không thể còn hào hứng mà đọc. 

Đây là một bạn viết trẻ. Còn có những nhà văn viết mãi vẫn như thế này. Điệu rơi điệu rụng, đắp đầy ngôn từ mỹ phẩm, rất giả, rất sáo rỗng. Đồng nghiệp đọc, cười sau lưng, không ai nói thẳng ra. Thế là suốt một đời cứ theo lối mòn, vẫn như tập làm văn, vẫn là văn học trò.

Nhà biên tập, nếu thấy tác phẩm không hay, nhưng ở mức độ in được, thì vẫn có thể sửa sang rồi cho nó ra với công chúng. Sẽ có kiểu công chúng thích cái mỹ miều lòe loẹt ấy. Nhưng nếu cứ cho ra một tác phẩm mà mình chưa ưng ý, tức là nhà biên tập đã tự triệt tiêu vai trò của biên tập viên trong tác phẩm.

Một tác phẩm đúng nghĩa thì ở trong ấy có đủ vai trò của tác giả và nhà biên tập. Cũng có tác phẩm, nhà biên tập không cần sửa sang gì, không sửa sang cũng là một thái độ. 

Ta vẫn đang nói chuyện thứ ngôn ngữ màu mè, lâm li, bóng bẩy. Rất nhiều khi nó trá hình trong những cách diễn đạt cầu kỳ một cách kín đáo, trong những so sánh ví von ngồ ngộ được nhiều người nhớ. Những câu đại loại như thế này:

- Em không phải bình minh mà nhuộm chàng xanh biếc.

- Nàng liếc nhìn nát vụn bài ca.

Người viết ra những câu này hẳn phải tự lấy làm tâm đắc, tự khâm phục. Cái ánh sáng xanh của bình minh mà làm cho anh xanh đổ chàm ra như thế. Câu thơ nghe thì lãng mạn, câu phân tích nghe đổ chàm thì lại thành cái hài, xanh đổ chàm tức là xanh tái, là tái mét, là sợ sệt run rẩy.

Còn chỉ một cái liếc nhìn thôi mà chứa đựng cả một sức mạnh (bây giờ có mốt dùng từ quyền lực, thay cho từ sức mạnh, cùng là chữ power). Cái năng lượng ấy như một cú chưởng tung ra làm nát bét một ca khúc. Chắc sẽ được khen là táo bạo, mãnh liệt, gọi tắt là bạo liệt. Chắc sẽ được tấm tắc là một sự phá cách, một sự nổi loạn về mặt ngôn ngữ.
Người Âu - Mỹ có một câu tục ngữ: đấy chỉ là gây sóng gió trong một cốc nước mà thôi. Một cơn sóng thần trong cốc nước. Một cơn bão trong cốc nước. 

Như đã nói, rất nhiều khi cơn bão trong cốc nước vẫn được người ta thích. Ai trong chúng ta chẳng ẩn chứa trong lòng một chút lâm li, tùy nơi tùy lúc mà nó trỗi dậy. Khi ốm mệt, cô đơn, khi vỡ mộng thất bại, khi cao tuổi… thì một câu lâm li cải lương hoặc câu nhạc sến bỗng trở nên thấm thía.

Cầu kỳ, bóng bẩy cũng nhiều khi dẫn người viết đến tai họa ngôn ngữ. Một người mới tập tọng, ngấp nghé vào nghề, người ta dùng một từ chính xác: chị mới tấp tểnh vào nghề. Thế mà vẫn có nhiều người viết: chị mới tập tễnh vào nghề. Chị đang nguyên lành đôi chân, thế mà miêu tả như chị bị què, bị bong gân: tập tễnh. 

Có thể liên tưởng hơi xa, nhưng hễ nhìn thấy chữ tập tễnh này, tôi lại nhớ đến hoàng đế Timur ở vùng Trung Á xưa (1336-1405), một bạo chúa khét tiếng ở Samarkand, còn gọi là Timur què, Timur thọt (Timur the Lame, Tamerlane). Chắc chắn ông ấy là người đi tập tễnh. Còn gọi là đi cà nhắc, cà giựt, chân chấm chân phẩy, chân tươi chân héo, tùy theo phương ngữ của từng vùng, tùy theo thời ngữ của từng giai đoạn.

Không hề tập tễnh, nhưng một nghệ sĩ được miêu tả khi mới ngấp nghé bước vào làng điện ảnh bằng câu: Đó là khi NQ nhón gót bước vào làng điện ảnh. Hình ảnh ngồ ngộ, người viết muốn làm cho câu văn khác lạ.

Nhưng mà cái làng ấy nó làm sao khiến chị không đi đứng đàng hoàng bằng phẳng được mà phải nhón gót. Một câu báo chí, chỉ cần thông tin thôi, thế mà người viết cũng phải cầu kỳ làm điệu. Thực sự là điệu quá.

MỚI - NÓNG