Đình chỉ

TP - Hơn hai chục năm trước, Đ.L, một dịch giả có làm thơ, tham gia biên soạn một cuốn sách sau bị đình chỉ, thu hồi. 

Ông tự đưa thơ mình vào tập “Thơ tình nổi tiếng thế giới” dù chủ yếu được biết đến là một dịch giả chứ chưa hề nổi tiếng trong nước với tư cách nhà thơ. Ở tâm điểm của vụ việc thu hồi nọ, lần ấy tôi đang tần ngần ở hiệu sách Ngoại Văn phố Tràng Tiền đứng lần giở mấy cuốn sách, thì nghe tiếng đàn ông nói: “Cuốn này đánh đấy” (ý nói nên mua) và chỉ tay vào một cuốn. Tôi quay sang reo “A! Anh Đ.L!” Ông có vẻ thẹn, không ngờ tôi biết ông, do đó lộ vở (không biết đã đứng đó bao lâu và nói với bao nhiêu người rằng “cuốn này đánh đấy”).

Còn chuyện nay: Một cán bộ Cục Xuất bản (giờ có cái tên dài dòng là Cục Xuất bản, In và Phát hành- những tưởng chỉ cần “xuất bản” là đủ lắm rồi) kể với tôi rằng có ông lên tận Cục để phàn nàn “Sao toàn đình chỉ sách của thằng khác mà chả chịu đình chỉ sách của tôi”. Lại một Đ.L thứ hai đây. Và chắc không chỉ một.

Vừa qua trước tin “Thành phố dịu dàng” của Trần Nhuận Minh bị ngưng phát hành, nhiều người có ý nói “Mấy câu thơ đó có vấn đề gì đâu, tự dưng làm to chuyện khiến người ta đổ xô tìm mua, tác giả lãi to (về tiền và tiếng)”. Nếu biết hiện nay sách bị đình chỉ phát hành để thẩm định lại thực ra nhiều như bươm bướm, thì chắc thành phố Hạ Long nơi trao giải A giải thưởng Văn nghệ Hạ Long cho “Thành phố dịu dàng” sẽ không xôn xao đến vậy, còn luồng ý kiến cho rằng ông Minh “lãi to” cũng đỡ xúc động hơn.

Hạ Long xôn xao bởi “đình chỉ phát hành” là to chuyện lắm, chắc phản động có cỡ đây. Xôn xao này khiến Trần Nhuận Minh muốn xin rút giải cho yên chuyện, và phải ra sức thanh minh rằng những băn khoăn, khảo luận của mình về “sử thổ phỉ” (ví với “than thổ phỉ)- là chỉ xoay quanh đời Trần, mà lại chỉ nhà Trần ở Hải Dương và Quảng Ninh, chứ ông tuyệt đối không liên tưởng chút gì đến thời hiện đại, tuyệt đối không đặt lại vấn đề giá trị lịch sử cách mạng trước nay...

Một biên tập viên NXB Hội Nhà văn cho biết bây giờ chỉ sai 4 lỗi mo- rát, chính tả cũng bị ngưng phát hành, và Cục Xuất bản không cho phép đính chính bằng tờ rời mà phải sửa thẳng vào sách. Còn nội dung thì càng khắt khe hơn nữa. Vị này cho rằng nguyên do có thể không hoàn toàn ở phía Cục, mà có lẽ Cục cũng bị sức ép từ bộ phận hậu kiểm, vốn gồm những biên tập viên, giám đốc một số NXB về hưu. Những vị này ngồi “soi” rất kỹ, với quan điểm chưa chắc cập nhật công cuộc đổi mới, luôn sợ bóng sợ gió. “Cứ thế này thì khó làm việc và khó có sách hay lắm”- biên tập viên này nói.

Đọc cuốn khảo luận “Thời gian lên tiếng” và “Đi tìm sự thật” của Trần Nhuận Minh, ra mắt cách nhau 2 năm, chưa nói đúng sai hay dở nhưng phải thừa nhận tác giả thực sự dũng cảm khi đặt lại một loạt vấn đề về văn hóa, văn chương, lịch sử.

Dũng cảm, tự hành xác, và khổ công. Chẳng hạn khi ông nêu luận điểm “Toàn bộ thơ Nôm được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương, thực chất đều không phải của Hồ Xuân Hương, và suy tôn Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm là không có cơ sở”.

Xuân Diệu mắng “Có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao! Lại còn tìm ra với tìm vào!”. Đúng, cứ tìm ra với tìm vào, mệt quá. Mệt nữa là những luồng ý kiến “su pơ soi”, mà lại soi chưa đích đáng lắm. Hoặc ỉ ôi rằng thơ có hay bằng xưa đâu mà cũng cấm (cuốn “Thành phố dịu dàng”). Vân vân. Được giải và được in sách chắc gì đã sướng.

MỚI - NÓNG