Diva - Đường đến mùa xuân

Diva - Đường đến mùa xuân
TP - Có một biểu tượng khác của danh hiệu Diva. Săn đón mãi mới gặp được ngôi sao Opera vào dịp cuối năm. Bích Thủy đang đôn đáo cho học sinh học bù thời gian hai tháng cô đi thi thanh nhạc quốc tế ở Trung Quốc.

Tại cuộc thi có 200 thí sinh của 26 nước, Bích Thủy đã lọt top 12 chung cuộc và nhận giải Biểu diễn Ca khúc nghệ thuật Trung Quốc xuất sắc nhất. Cuối năm, nhiều chương trình lớn cần opera, mà người trẻ hát opera hiện nay - Bích Thủy (sinh 1978) gần như là xịn nhất. Dùng từ diva (nguyên nghĩa chỉ vai nữ chính trong vở opera với cô cũng có vẻ chuẩn hơn cả.

Diva - Đường đến mùa xuân ảnh 1

Cô gái mạnh mẽ

Diva toàn show lớn: hát với các dàn nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ tên tuổi, chỉ huy nước ngoài, hát cho các bộ trưởng, nguyên thủ quốc gia... Oách thế nhưng lúc nào cũng chỉ một thân một mình. Hôm sang Vienna để tập với dàn nhạc chuẩn bị cho chương trình lớn tại Hà Nội, Bích Thủy gặp một số ca sĩ dòng bán cổ điển của Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng sang tập nhạc.

Mỗi ca sĩ ngoài người quản lý, có cả người giúp việc đi kèm. Khi biết Thủy “thân gái dặm trường”, họ trầm trồ: “Cô hẳn phải đầy sức mạnh!”. Đó là họ chưa biết trong nước cô còn dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia.

So với hồi đoạt giải Nhất cuộc thi Opera ASEAN mở rộng (2002), Thủy xinh hơn, nhưng gầy hơn. Về nước đầu 2008 với bằng Cao học do trường Nghệ thuật Tổng hợp Hàn Quốc cấp, Thủy lại đang “lạy giời được học bổng”. Cô đăng ký học opera một năm ở Áo “cho ngấm chất châu Âu”. Tranh thủ làm thêm cái tiến sĩ Lý luận trong nước. Giới chuyên môn đánh giá Bích Thủy hiện là giọng hát hàng đầu đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của opera.

Diva - Đường đến mùa xuân ảnh 2
Bích Thủy thi opera ở Ningbo (Trung Quốc) tháng 10/2008.

Không ít người mới đây vẫn từ chối học bổng thanh nhạc ở Nga. Thấy Thủy được đào tạo bài bản, lại chăm chỉ, chịu khó, bà giáo Hàn Quốc nhờ cô giới thiệu cho một - hai giọng ca Việt Nam để cấp học bổng toàn phần.

Mấy năm liền, lời mời gửi về Việt Nam đều không có hồi âm. Người lấy lý do mới cưới, người sợ học về lấy chồng muộn... Ngay Thủy - chẳng qua lúc đi học, cô còn son rỗi? “Tôi rất cầu thị. Mọi người bảo học thế được rồi, giờ về phải khẳng định vị trí... Nhưng tôi không nghĩ thế. Nghề này nếu không trau dồi, cập nhật với thế giới, đảm bảo ở Việt Nam 1-2 năm thôi, không có đất diễn, chắc chắn mai một đi”. Hồi ở Hàn, Thủy còn tính theo cả ngành Luật. Giờ thì cô muốn học thêm về đàn.

Diva - Đường đến mùa xuân ảnh 3

Ngủ cũng là hy sinh

Các du học sinh mới sang phải qua 5 tháng học tiếng Hàn giao tiếp. Bài tập nhiều, ăn uống không hợp, có khi phải lội bộ trong tuyết 30 phút để đến lớp, lúc nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ... Nhưng khi vào học chuyên môn, Thủy và các bạn mới biết quãng thời gian đó là đẹp nhất!

Bà giáo dạy thanh nhạc nói tiếng Anh, nhưng các môn khác đều được giảng bằng tiếng Hàn. “Mình cứ nhìn thẳng vào mặt thầy nhưng tai không nghe thấy gì cả” - Thủy kể.

Giới chuyên môn đánh giá Bích Thủy hiện là giọng hát hàng đầu đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của opera.

Sáng 9 giờ học thì 7 giờ đã phải lên xe buýt. Học xong về đến nhà là 12 giờ đêm. Ngày nào cũng triền miên như vậy. Chưa kể 2-3 tháng, sinh viên phải tập và diễn một vở opera.

“Thần kinh luôn căng thẳng, mình cứ như dở câm dở điếc, như con rối ở trong trường. - Thủy nhớ lại - Con trai stress quá sinh ra hút thuốc uống rượu”.

Sau 2 tháng, hai anh bạn người Campuchia và Philippines to béo là thế bỗng xọp hẳn đi. Con trai thi nhau dọa bỏ học... Thế rồi sang năm thứ hai đỡ hơn.

Kết luận: “Năm đầu là khủng khiếp nhất đối với tất cả sinh viên du học”. Nếu đã biết tiếng rồi thì sinh viên lại được dạy bằng giáo trình khác, cũng khủng khiếp không kém.

Một ngành học đòi hỏi cả chục năm rèn luyện với nhiều khuôn phép. Ra nghề vẫn không được thả phanh. “Suốt ngày phải tập luyện, không được đi chơi vui vẻ. Lúc nào cũng phải giữ sức khỏe. Đấy cũng là cái hy sinh”, Thủy tuyên bố.

Nhiều lần cô nói với các thầy cô nhạc viện: “Ước sao là dân chơi đàn để đỡ phải mệt mỏi trước mỗi chương trình lớn!” Chả là mỗi khi đi Nga, Thái Lan hay Lào, trước ngày biểu diễn, mọi người tập xong, tha hồ đi chơi, mua sắm, riêng Thủy phải về nhà ngủ (để giữ giọng). Có khi đoàn còn cử một người ở nhà canh Thủy ngủ cho chắc.

Đến giờ diễn, mọi người chỉ việc thay trang phục là lên sân khấu, còn diva là phải mất hàng tiếng để làm tóc, trang điểm. Chưa kể phải tính toán ăn gì, ăn bao nhiêu. No quá thì không lấy hơi được, nhịn thì bủn rủn cũng không hát được. Nếu hát cuối, phải căn ăn gì cho đủ sức cầm cự đến lúc đó...

Phải chăng kỷ luật quá khắt khe nên phải... từ chối tình cảm của các chàng trai Hàn Quốc? Trả lời: “Bà giáo và nhiều người cũng nói sao không yêu một anh Hàn Quốc để có người chăm sóc và... học tiếng cho nhanh. Nhưng tôi cảm nhận văn hóa của Hàn Quốc và văn hóa của... riêng tôi không phù hợp”.

Trước khi về nước, bà giáo Hàn khuyên Thủy nên đi dự tuyển vào một nhà hát nào đấy rồi muốn thì vừa làm vừa học, vài năm hẵng về Việt Nam - khi kinh tế phát triển hơn và opera được quan tâm hơn. “Đấy là một ý hay. Nhưng nếu không có người dám xông vào thì không biết đến bao giờ opera ở Việt Nam mới phát triển”.

Tình hình xem ra đang khả quan. Người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng nhiều, riêng Hà Nội đã có hơn 2000. “Mới sang thì họ thích nghe dòng dân gian của mình, nhưng ở lâu họ lại nhớ opera. Tôi thấy mình cũng có môi trường để sinh hoạt thường xuyên.”

Sự thật là không hiếm các đoàn khách nước ngoài thuê cả Dàn nhạc giao hưởng cùng Nhà hát Lớn Hà Nội để nghe diva Việt Nam hát.

MỚI - NÓNG