Đỗ Bảo và đêm “Cánh cung”

Đỗ Bảo và đêm “Cánh cung”
TP - Bỏ tiền tỷ ra làm show riêng vào 8/12 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội không phải là một ngôi sao ca nhạc mà là nhạc sĩ Đỗ Bảo. Sau 3 album riêng, không kể album sản xuất cho ca sĩ khác, Đỗ Bảo quyết trở thành nhân vật bán vé. Anh không ngờ mình bán cũng chạy.

> Hà Trần: Làm âm nhạc da phải dày!
> Âm thanh cũng cảm lạnh

Lần đầu làm chương trình riêng bán vé, anh có run?

Cuối năm rất nhiều liveshow, nhưng là kế hoạch thì phải thực hiện thôi. Sau 8 ngày bán, vé cũng hết hơn một nửa. Nói chung sẽ hết vé trước họp báo. Như thế là số mình cũng may.

Đâu phải chương trình nào cũng lập trang web cho Hà Trần trả lời trực tuyến và có phần mềm bán vé riêng như Cánh cung?

Chúng tôi chủ động tạo ra điều kiện để giới thiệu chương trình tới khán giả thay vì trông chờ nơi khác. Thị hiếu cũng là vấn đề lớn. Người thích nhạc của mình lại không có kinh phí, người có kinh tế thì lại không thích. Cứ phải kệ thôi mà làm, chứ quá mạo hiểm.

Đến lúc này, anh đã chi 1 tỷ cho đêm diễn?

1 tỷ là quá to đối với mình nhưng có những giá trị còn to hơn. Và mình không nên tiếc 1 tỷ để rồi lãng phí giá trị kia. Trước đây thì lo lắng lắm.

Đỗ Bảo có vẻ là người ham nổi tiếng hơn nhiều đồng nghiệp cùng lứa? Anh ấy muốn đứng ra làm đĩa, làm chương trình riêng trong khi nhiều nhạc sĩ không như thế? Hoặc đó là khoản đầu tư khôn ngoan để sinh lời sau này?

Suy nghĩ muốn làm những sản phẩm độc lập, chủ động từ đời sống nảy sinh ra. Đời sống cho thấy rằng mình trông đợi hoàn cảnh tốt lên, sẽ cho mình những điều mình mong muốn thì rất khó.

Ngược lại, nhạc sĩ không có vệt đi rõ ràng, độc lập thì chuyện gì xảy ra? Sáng tác bài hát rồi ngồi chờ ca sĩ để bán 1 lần, hay chờ đợi tiền bản quyền... Những điều đấy rất phi lý với công sức lao động bỏ ra. Viết ra bài hát có thể mất một tháng giời, nhưng giá trị bài hát trên “chợ giời” bây giờ chỉ bằng một buổi tối đi hát mấy bài của một ca sĩ hạng nào đấy. Việc chấp nhận và sống đúng theo tập quán đó tôi cho rằng sẽ gây trăn trở không bao giờ dứt cho mình. Mà trăn trở không phải điều hay. Mình trở thành bất mãn. Hiện tượng đó xảy ra quá nhiều rồi, ngày xưa cũng như bây giờ. Cuối cùng khi sự bất mãn trở thành một xu thế thì xã hội, âm nhạc của Việt Nam mình như... bây giờ, rất nhiều vấn đề- từ bản quyền, sự tôn trọng của khán giả đối với nghệ sĩ… Khi không sống được với tác phẩm, thì làm sao nhạc sĩ sáng tạo mãnh liệt?! Nhìn chung đó là một lựa chọn bất đắc dĩ tôi nhận thức ra từ hồi trẻ.

Có thể mọi người cho là tôi tham danh này kia, nhưng nếu không như thế thì nó sẽ là cái gì? Chúng ta có quá nhiều nghệ sĩ bất mãn. Có quá nhiều sự nhiễu nhương trong sáng tạo cũng như phát ngôn của nghệ sĩ hôm nay rồi. Tôi chưa bao giờ tập là người nổi tiếng. Nhưng tôi muốn làm một con người có lương tri và trách nhiệm. Khi mình đã làm lĩnh vực gì thì mình có cái trăn trở tích cực, biến nó thành hành động, lối thoát trong đời sống này. Chứ nhạc sĩ mà cứ ngồi đau đáu, ôi bây giờ làm làm gì, họ đối xử không ra gì đâu, bản quyền thì thế này, ca sĩ thì thế kia, khán giả giờ kén lắm... Thế thì thử hỏi anh học nhạc và đam mê theo nghề để làm gì, sao anh không đi làm việc khác!

Mới đây qua Facebook, anh đã tuyên chiến với các trang nhạc đăng tải trái phép bài hát của mình?

Hôm qua có bạn gửi cho đường link trang nhạc đưa cả album Cánh cung 3 lên, hôm nay họ gỡ rồi. Nói thế thôi chứ “tuyên chiến” gì. Nhưng có thời gian, tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Nghệ sĩ có sáng tạo được không, có làm cho nền âm nhạc khỏe khoắn lên tùy thuộc việc quyền lợi của họ có được bảo đảm. Không thể có điều phi lý bao nhiêu năm tồn tại như thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG