Đổ lỗi cho khách quan

Đổ lỗi cho khách quan
TP - Một người của công chúng có việc làm không hay, dư luận nổi lên làn sóng phê phán. Đáng ngạc nhiên là trong đó, nhiều ý kiến cho rằng con người của công chúng ấy đã học đòi lối sống thực dụng, trụy lạc mới du nhập vào nước ta.

Có ý kiến còn đi đến đặt vấn đề về “sự xâm lăng văn hóa”, nghĩa là văn hóa nước ta đang bị văn hóa nước nào đó “xâm lăng” mà việc không hay kia chỉ là một biểu hiện.

Lịch sử nước ta có quá nhiều lần bị xâm lăng nên người Việt thường có tâm lý cảnh giác với người nước ngoài. Mỗi lần có xáo trộn trong hệ thống giá trị đạo đức, dù sự xáo trộn hợp quy luật của quá trình phát triển, thì người Việt cũng thường nghĩ tới yếu tố “ngoại lai tác động”.

Đã từng xuất hiện một cụm từ khá ấn tượng là “văn hóa độc hại”, cho rằng nó là thứ văn hóa từ bên ngoài tràn vào, phá rối cuộc sống yên lành, tốt đẹp của dân tộc ta.

Cái “văn hóa độc hại” từ nước khác được nói đến một cách ghê sợ và đầy miệt thị ấy thực ra là ở nước nào hay phương trời nào? Không ai có thể trả lời dù tương đối chính xác để biết mà cảnh giác, phòng tránh.

Những cách nói trịnh trọng nhưng mơ hồ ấy phải chăng thể hiện một nét trong tính cách con người Việt Nam: Hay đổ lỗi cho khách quan. Thời bao cấp, vừa ra khỏi chiến tranh, các yếu kém được quy cho “hậu quả của chiến tranh”. Thời cơ chế thị trường, các yếu kém, nhất là nạn tham nhũng, được đổ lỗi cho “mặt trái của cơ chế thị trường”.

Đổ lỗi cho khách quan thì nhất thời được yên lòng. Dù bản thân đang sa đọa thì cũng không phải tự giày vò bởi đã cho nó là ảnh hưởng của sự sa đọa từ bên ngoài, bản thân hư hỏng là nguyên nhân biến thành nạn nhân, đáng thương hơn đáng trách.

Đó là một cách trốn tránh hiện thực kỳ quặc, tự mình trốn bản thân mình, tự mình lừa dối mình để tự hài lòng, tự an ủi. Cách đổ lỗi cho khách quan rất nguy hại bởi không thấy yếu kém để sửa, hoặc không kiên quyết sửa. Nhưng có trốn bản thân được mãi không? 

MỚI - NÓNG