Đỗ Ngọc: Ký ức nuy!

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Đỗ Ngọc là một nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh lạ, một con người dấn thân thực sự không màu mè. Ai gặp Đỗ Ngọc dù chỉ một lần, cũng thường ngóng theo bước chân của cô, bởi người nghệ sĩ này tiềm ẩn những sự phiêu lưu và khám phá đến khó lường.

Hà Nội 1997: “không manh áo”

Thú thực tôi không nhớ rõ chính xác thời điểm Đỗ Ngọc triễn lãm ảnh ở Hà Nội vào ngày tháng nào, sau này Đỗ Ngọc nhắc tôi là cuối năm 1997. Nói vậy bởi Đỗ Ngọc thay đổi từng ngày vậy, mỗi thời điểm một khác, chỉ những tác phẩm còn đó không thay đổi.  Thời ấy, Hà Nội vui vẻ và bình yên lắm, rồi ai đó bảo tôi có triển lãm treo ảnh nuy của người trong Sài Gòn ra. Ảnh nuy khi đó cũng được treo loáng thoáng vài bức, nhưng hầu như lần nào cũng gây dư luận cả, riêng mấy bức ảnh của Đỗ Ngọc thì không ai nói gì, chỉ ngắm thôi. Tôi thấy rất nhiều người tới xem triển lãm và thích bức hình chụp cô gái không mảnh vải nằm dài trên bãi cát mênh mông. Chẳng biết đó tượng trưng cho giọt nước giữa sa mạc hay nó cũng chỉ gợi thêm cho người ta về một sự sống giữa khô cằn. Người mẫu chân dài, mình thon, như con cá chuồn. Cái dễ nhìn của bức ảnh là nó không quá phô phang da thịt mà những đường nét uốn lượn của cơ thể như hòa cùng nhịp thở của đồi cát lộng gió.

Tôi cũng chẳng nhớ đã gặp Đỗ Ngọc thế nào. Hoặc là nhiếp ảnh gia Thi Thơ, một người bạn của tôi ở Sài Gòn đã báo tôi đến dự triển lãm, hoặc chính Đỗ Ngọc liên lạc với tôi qua sự giới thiệu của Thi Thơ, hoặc tôi tự tìm đến. Thời gian qua đã lâu rồi. Tôi chỉ còn nhớ tôi đã chở Đỗ Ngọc đi trong thành phố để ngắm cảnh, ngắm người Hà Nội, để lại triển lãm ảnh sau lưng. Cuối cùng chúng tôi ghé vào quán cà phê Lâm. Đỗ Ngọc rất tò mò khi thấy lối pha cà phê theo kiểu nấu chín ấy, nên cứ đứng tò mò xem. Đỗ Ngọc cũng rất thích những bức tranh mà cà phê Lâm sưu tầm được, chúng được treo giản dị, trong quán cà phê có thể nói là cũ kỹ đôi chỗ cáu bẩn, nhưng hơi thở thời gian vẫn như còn đó. Đỗ Ngọc đứng rất lâu trước từng tấm hình, như lạc vào một triển lãm tranh quá đỗi đẳng cấp, quý giá, nhưng lại là trong một quán cà phê với những chiếc bàn gỗ cũ mèm.

Sau này, Đỗ Ngọc hỏi tôi có chụp tấm hình nào lúc đó không, nhưng tôi đã không chụp. Tôi chỉ nhớ Đỗ Ngọc tóc cắt ngắn, khỏe khoắn, hơi mập chút, khuôn mặt tròn và căng mịn, mặc bộ đồ đen bó sát, hông đeo một chiếc máy ảnh. Ôi cái thời trẻ trung vui vẻ và vô tư ấy thật khó miêu tả hết được bằng ngôn từ, chỉ biết Đỗ Ngọc cứ đi, cứ chụp, sáng tác… mãi cho đến khi ngoài ba mươi tuổi mới tính tới chuyện lập gia đình.

Sài Gòn: Lưu giữ tình yêu  

Khi vào Sài Gòn vào năm 2007, tôi đã tìm đến tòa soạn báo Phụ nữ TPHCM để gặp lại Đỗ Ngọc, vì tôi chẳng có số điện thoại và cũng chẳng viết thư gì suốt mười năm. Tôi nghe nói Đỗ Ngọc làm “sếp” phụ trách nội dung chứ không chỉ hình ảnh, lương cao, quyền thế lắm. Tôi tới nơi, nhưng bảo vệ bảo Đỗ Ngọc không ở tòa soạn và tôi nên gọi điện thoại, nhưng tôi lại không có số.

Ở Sài Gòn, tôi có gặp một số bạn bè trong giới nhiếp ảnh nữa, như anh Hoàng Thế Nhiệm, Đào Hoa Nữ, Thi Thơ… song dường như cuộc cách tân về nhiếp ảnh một thời đã lắng xuống mất rồi. Rất hiếm có các triển lãm cá nhân như trước kia, sách ảnh cũng chẳng mấy khi được in ấn vì giá thành quá cao. Vậy tôi biết tìm mọi người ở đâu bây giờ. Nghe nói Thi Thơ mở quán cà phê ảnh, tôi đến ngay, vì muốn được sống lại ký ức những năm tháng trẻ trung kia. Quán treo nhiều ảnh của các nghệ sĩ nhóm Hải Âu và nhiều nghệ sĩ khác nữa. Thật là một không gian như cổ tích về tình yêu nhiếp ảnh. Mọi thứ gợi nhớ đến những tay máy không quản xông pha. Tôi gọi điện cho Đào Hoa Nữ thì nghe nói trong điện thoại là đang ở Tây Bắc và bị lật xe, suýt chết, bị đau khắp mình mẩy. Nghe đau, mà đôi khi lại thấy sướng, cái sướng của người nghệ sĩ được đi đó đây, tiếp tục rong ruổi với giấc mơ nghệ thuật năm nào.

Trong cuộc đời thiện nguyện của mình, tôi không bao giờ quên Đỗ Ngọc. Bởi Đỗ Ngọc là người nói là làm, làm hết sức mình, không bao giờ muốn ai biết đến tên”.

Cô “Tâm si đa” - người chuyên hoạt động xã hội và nhiễm HIV

Một hôm, có người nhắc đến Đỗ Ngọc. Người đó lại là một cô gái nhiễm HIV. Cô “Tâm si đa” một người chuyên hoạt động xã hội và nhiễm HIV đã nói với tôi rằng trong cuộc đời thiện nguyện của mình, không bao giờ quên Đỗ Ngọc. Bởi “Đỗ Ngọc là người nói là làm, làm hết sức mình, không bao giờ muốn ai biết đến tên”. Hóa ra là vậy. “Tâm si đa” mới dẫn chứng với tôi rằng một lần cô đi vận động gái mãi dâm bỏ nghề, một chị bảo: “Tôi bỏ việc thì lấy gì sống? nếu tôi có vốn làm gì đó, tôi bỏ liền”. 

“Tâm si đa” bèn gặp Đỗ Ngọc, kể lại câu chuyện. Tâm nghĩ Ngọc làm nhà báo thì chắc có tiền, nếu hảo tâm giúp thì được. Ngọc liền hỏi cặn kẽ tình hình, xem sẽ giúp ra sao và liệu hiệu quả thế nào. Cuối cùng cô gái kia được hỗ trợ vốn mở một chiếc xe bán hàng vặt nho nhỏ, quả từ đó cô ấy không đi bán dâm nữa. Tâm bảo tôi: “Những chuyện giúp người như thế, Đỗ Ngọc làm rất nhiều, nhưng không bao giờ kể với ai”. Sau này tôi mới biết năm 1997, Đỗ Ngọc tham gia một lớp đào tạo nhiếp ảnh quốc tế và cô cũng đã từng đi thực tế trong những nơi chị em phụ nữ làm những nghề nhạy cảm, chẳng hạn người chuyển giới ở Thái Lan đã sinh sống làm việc ra sao.

Mới đây, đọc facebook của Đỗ Ngọc, lại thấy viết: “sáng nay trong inbox: "Chị ơi, em gửi về 300USD để ủng hộ một giếng khoan cho bà con vùng sâu, trong dự án mà em đọc thấy chị ủng hộ. Em cảm động khi thấy niềm vui và nụ cười rạng rỡ của trẻ em khi nhà có nước sinh hoạt. Yêu chị!". - Tấm lòng em, từng là nhà báo, giờ là thợ làm nail ở xứ người. Rưng rưng...

"Để làm gì em biết không, để gió cuốn đi...", bay xa, đơm hoa kết trái ở những nơi khác. Cảm ơn em, chị rất vui sáng này!”.

Đỗ Ngọc: Ký ức nuy! ảnh 1

Đỗ Ngọc gặp lại một người mẫu cách đây 19 năm.

Không buông máy đâu

Nhờ Facebook mà tôi gặp lại được Đỗ Ngọc. Thú thực, tôi chỉ ngờ ngợ cái tên, chứ hình trên facebook thì không giống mười mấy năm trước tẹo nào. Nghệ sĩ giờ đã mập lên rất nhiều, đặc biệt làm ra dáng “cán bộ văn phòng” hơn cái vẻ bụi bặm một thời vào quán cà phê Lâm. Chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê Sài Gòn, nơi Đỗ Ngọc thường ngồi cà phê ở đó và cô có nhiều người quen. Nói chung, tôi mất khoảng vài chục giây mới nhận ra Đỗ Ngọc, trong khi đó, tôi nhận ra Thi Thơ khi gặp lại không mấy khó khăn. Đó là do Đỗ Ngọc mập lên nhiều và không đeo máy ảnh bên hông nữa.

Tôi báo cho Đỗ Ngọc là quán cà phê Lâm ở Hà Nội giờ sửa sang lại khang trang hơn, nhưng các bức tranh vẫn vậy, theo thời gian ngày một quý hiếm hơn. Đỗ Ngọc báo với tôi là nghỉ hưu sớm. Người ta hưu thì buồn, đằng này lại mừng, vì được đi chụp hình thoải mái. Cô viết trên facebook: “Mình hươu (hưu) sớm ba năm so với quy định. Mình lấy làm tiếc sao ko nghỉ sớm hơn…”.

Từ khi nghỉ hưu, Đỗ Ngọc thành người khác hẳn. Gầy đi, gọn đi, nhanh nhẹn hoạt bát và đi lại như chim. Hết chuyến đi này qua chuyến đi khác. Những chiếc máy ảnh tưởng chỉ còn làm kỷ niệm giờ lại hoạt động hết công suất.

Đỗ Ngọc viết những lời tâm sự sau ống kính, như sau: “Đi nhiều, gặp gỡ nhiều, chụp hàng ngàn files ảnh, tôi vẫn thấy mình mãi “nợ”. Cả đời, ống kính của tôi không thể khắc họa, lưu dấu hết vẻ đẹp của phụ nữ.

Sự gợi cảm đàn bà không chỉ thể hiện ở gương mặt đẹp với những đường nét, thân hình mảnh mai, thanh tú; mà còn ở ánh mắt nhìn, nụ cười tươi tắn rạng rỡ, thể hiện một tinh thần, một vẻ đẹp khỏe khoắn đầy nội lực. Một vẻ đẹp có khả năng
truyền năng lượng yêu thương, ấm áp đến người khác.

Làm thế nào chụp được cái chớp mắt vội vã quay đi cùng với nỗi tủi thân đàn bà? Làm thế nào chụp được bàn tay hay bờ vai cô đơn của đàn bà?”.

 Đỗ Ngọc cứ đi, cứ chụp cứ sống như vậy, hồn nhiên và ngay thẳng. Tôi viết bài này, nhắn tin xin Đỗ Ngọc tấm hình nuy đã triển lãm tại Hà Nội năm nào, một trong những tầm hình đẹp nhất của cô thì được hồi âm là: “Chỉ còn trong sách thôi, phim thất lạc rồi hu hu”. Lại hỏi, thế cô người mẫu vẫn còn chứ, thì được trả lời: “Già về hưu rồi!”. Quả là tiếc tấm phim đen trắng ấy.

5/2015

Nối nghiệp cha trở lại nghề vẽ

Đỗ Ngọc: Ký ức nuy! ảnh 2 Tác phẩm “Bà cháu” của Đỗ Ngọc.
Đời nghệ sĩ không tuổi, không tháng năm. Hành trình lại nối tiếp hành trình. Đỗ Ngọc kể cho mọi người: “Về thăm ba mẹ ở Vĩnh Long, ăn với gia đình bữa cơm tất niên. Ba mẹ già thêm, lưng còng, mắt mờ, tóc trắng xoá mà miệng cười héo hắt rưng rưng.

Ba bảo: "Con mang máy ảnh về không, chụp cho ba cái ảnh bán thân đặng mai này tụi bay làm đám, thờ cũng tiện". Nhất định mặc cái áo quân phục cũ sờn, con phải vá lại cổ áo. Nhìn ngắm ba qua ống kính mà nước mắt con chảy. Cả đời, con đã chụp chân dung bao người, nhiều nhất là các cô gái, những người phụ nữ đẹp. Con bảo họ "Nhìn hút vào mình này, nhìn nồng ấm nhé, rất hiền nhé"... mà hôm nay con nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi con bấm máy. Ảnh nét mà mắt con mờ”.

MỚI - NÓNG