Dở ông - dở thằng

Dở ông - dở thằng
TPCN - Hồi tôi làm việc ở một Cty nước ngoài. Có những anh tài xế thường đến chỗ tôi khoe, tuy các anh thấp cổ bé họng nhất Cty, nhưng lương lại cao nhất so với các đồng nghiệp. 

Bởi vì các anh có số tiền làm việc ngoài giờ, chở Tây đi chỗ nọ, chỗ kia, thù lao ngoài giờ cao gấp đôi làm việc trong giờ hành chính. Nhưng khuôn mặt của mấy anh này lúc nào cũng lì xì, đặc biệt khi phải dừng xe, đi bộ vòng sang bên kia, mở cửa cho Tây lên, xuống xe.

Đấy, là tài xế, nhận lương cao hơn người, nhưng không thoải mái trong công việc của mình, không tự xác định được trình độ nghề nghiệp, địa vị của mình. Còn có kiểu khác cũng rất phổ biến.

Một anh Việt kiều từ nước ngoài về thuê taxi cả ngày đi chỗ này chỗ nọ. Xe vừa dừng để khách vào thăm họ hàng, thì tài xế liền bảo: “Anh đi nhanh lên nhé, đừng để tôi đợi lâu!”.

Anh Việt kiều liền quay lại xe nói với các anh tài xế: “Tôi thuê bao xe của Cty anh cả ngày, sao đến chỗ nào dừng lại, anh cũng giục tôi phải nhanh lên. Nếu anh không chở được thì cứ về đi, để tôi thuê xe khác”.

Đấy không biết ta có nên đặt câu hỏi: “Có lái xe chở khách đi cũng không xong?”. Câu hỏi này còn liên quan đến cả ngành du lịch và các ngành dịch vụ của ta hiện nay, tôi không muốn đi sâu vào chi tiết, nhưng được biết: còn rất nhiều yếu kém.

Vẫn chuyện không thể chú tâm cho nghề, trước đây, hồi tôi còn đang công tác, có một lái xe muốn xin nghỉ hưu non. Vì một lẽ, anh ta có tướng mạo khá oai, lại được giao quản lý một chiếc xe ô tô hồi ấy là quản lý một tài sản lớn, công việc có khá nhiều người ao ước.

Thậm chí dân gian còn có một chuyện tiếu lâm rằng, cô dâu kia trong đêm tân hôn la thất thanh: “Thì ra nó lừa tôi, nó bảo với tôi nó là lái xe để dụ tôi cưới nó. Hóa ra nó chỉ là thứ tiến sĩ bàn giấy!”.

Nhưng anh ta không chịu nổi vì lái xe dù có lên chức từ nhân viên đến tổ trưởng thì vẫn phải lái xe. Trong khi đó chưa đầy hai mươi năm công tác, anh đã phải phục vụ đến mấy đời thủ trưởng.

Có cả người mới về cơ quan được vài năm, khi về còn “gọi anh”, “xưng em” với anh rất lễ độ, mà giờ đã là thủ trưởng khuôn mặt còn non tơ. Và cứ thế, lần này rồi lần sau, các chú em cứ lên thủ trưởng, khiến anh phải phục vụ đón rước đi chỗ này chỗ kia, lòng tự nhủ lòng là “mất thớ”, “mất sĩ diện” quá, nên anh xin nghỉ hưu non.

Thật là một thứ sĩ diện hão, việc ai người nấy làm, việc mình là lái xe, có công ăn việc làm, để nuôi sống bản thân và gia đình, thế mà cứ tự chuốc lấy “mặc cảm tự tôn hão”, để xin được mất việc, thế có buồn cười không?

Vì làm từ việc nhỏ đến việc to nhiều người Việt không chịu chủ tâm, chú mục, nên ngày từ việc dễ làm cũng không xong. Chẳng hạn, tôi thường đi ăn cơm bụi, nhiều lần tôi thấy các cháu bưng canh ra, ngâm hẳn đầu ngón tay vào bát canh.

Lần sau tôi bảo “cho bát canh vơi” để ngón tay các cháu không chấm vào. Nhưng rồi, tôi lại thấy các cháu bưng bát nước chấm ra, có tí nước chấm ở đáy bát, các cháu vẫn cứ kèm theo ngón tay chấm vào, thế là tôi không bao giờ có ý định yêu cầu “múc canh vơi nữa”.

Trong khi phục vụ thì nhiều dịch vụ viên chẳng hề để mắt đến công việc, lý do không phải lơ đãng, mà là vừa làm vừa ra vẻ muốn sổ tung công việc này vì nó không xứng đáng với ta. Cho nên từ lau bàn, đến bưng thức ăn, hay rửa bát, họ đều làm quấy quá cẩu thả, đổ vỡ cả lên người khách.

Đấy, một việc dù nhỏ như chạy bàn hàng cơm bụi thôi nếu không chú tâm, lại kèm theo mặc cảm tự tôn, ra vẻ ta phải làm thứ này, thứ nọ, thì việc bé cũng không xong.

Trước đây, người Việt có câu: “Tư tưởng không thông đeo bi đông không nổi”. Đấy, nếu chúng ta không tự biết mình, biết chức năng và công việc của mình, vừa làm việc lại vừa mang mặc cảm “dở ông-dở thằng”, thì không thể làm tốt bất cứ việc gì.

Nếu không vươn lên, thì với nhiều người vẫn lại trải chiếu rách, hái quả xanh, uống cùng rượu nhạt, rồi tấm tắc tự tôn trong mặc cảm tự vuốt ve rằng: “Chẳng ai sướng bằng ta!”.

MỚI - NÓNG