Đỗ phấn, ông 'xe ôm' đa tài

Đỗ Phấn
Đỗ Phấn
TP - Đỗ Phấn có gương mặt biểu cảm những xung đột: mái tóc cắt ngắn lượn tròn, lốm đốm nhưng vẫn trẻ trai, ngang tàng, tự tin tươi mới. Chòm râu phơ phất ngả màu hoa lau xám, buông trước ngực. Cặp môi ham hố, đam mê đỏ. Ánh mắt qua cặp kính mắt tròn như cùng lúc mơ, quái, như chẳng muốn thấy gì, nhớ gì. Thật khó biết Y đang vui hay đang buồn.
Đỗ Phấn
Đỗ Phấn.

Phấn có gương mặt kết hợp giữa trẻ và già, giữa lịch lãm và hầm hố.

Anh có thói quen thức dậy vào 2h sáng, không kể những đêm trắng. Vẽ. Viết. Say. Nhưng 4h sáng lại đi bộ tập thể dục dọc đường Giảng Võ và quanh hồ Thành Công.

Có thể gặp Phấn trên đường, xe máy cũ nát, nhưng đủ chắc khoẻ luồn lách, bật vọt khi cần. Mũ bảo hiểm cũ cũ. Nghiêm nghị nhìn thẳng. Chiếc mặt nạ cô đơn, bơ vơ giữa đồng loại. Khép gối. Không muốn chạm vào ai. Và chắc chắn không muốn ai chạm vào mình. Sau yên xe, một chiếc mũ buộc hờ phòng khi có khách ruợu quá giang.

Ông xe ôm râu dài

Một lần hẹn giữa đường, tôi chờ, sau mươi phút đã thấy ông anh ngật ngưỡng trờ tới. Một trạng thái giữa ể oải, bình thản nhưng không thể nói là nguội lạnh dành cho tôi mà cũng có thể dành cho mọi người. Tôi đang tới sau xe, nơi có chiếc mũ bảo hiểm thì bà lão xách bu gà đứng dựa gốc sấu bỗng xông tới bám lấy Đỗ Phấn, lườm bật tôi ra:

- Ờ cái bác này, sao đi tranh xe ôm của tôi. Tôi gọi trước, tôi gọi kia mà...

Hình như có nụ cười giữa chòm râu. Phấn tưng tửng lạnh, ngả xe làm như sẵn sàng chở bà lão:

- Nào cụ về đâu? Bến xe Mỹ Đình hay ga Trần Quý Cáp? Cơ hội để cho tôi kiếm thêm mấy đồng riệu dồi.

Bà lão ôm gà bỗng cảm thấy không ổn, hấp háy nhìn nhìn Y hồi lâu. Nhãng ra liền:

- Không, không, tôi vái cả nón. Ông già râu trắng tới ngực thế này thì sức mấy. Không khéo lại vạ lây với ông... Chẳng dại.

- Tôi lấy rẻ... nửa tiền thôi. Chỉ lấy công không tính tiền xăng.

Y nì nèo, gạ thêm.

- Ông này hay nhỉ, đã bẩu không là không mà lại...

Nét cười hư vô ẩn chòm râu. Đã kịp chụp chiếc mũ lên đầu thằng em dại là tôi.

- Đi đâu bây giờ nhỉ? Giọng Phấn nhẹ hều. Anh và em ngẩn ngơ một lúc. Chiếc xe vẫn cứ nổ máy tiến lên - Chặc, người này làm xe ôm cho người kia. Cùng một vòng tròn. Nghệ sỹ, đôi khi làm xe ôm cho mình không xong...

Bà lão ôm gà đâu biết “ông xe ôm râu dài” là một trong những nghệ sỹ đa tài đặc sắc trong thế hệ sinh những năm 50, người Hà Nội gốc. Tôi cao hứng hỏi rằng Y có phải là người tài. Phấn nấc lên cười khành khạch:

- Tôi là người tài ? ư hư...hư là người ngu nhất thế gian thì có lẽ hợp cách hơn cả...

A, những bậc kiêu hãnh nào đủ ngạo nghễ tự nhận là mình ngu nhỉ?

Thuộc đất thuộc người Hà thành

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.

Ngang qua một ngôi biệt thự cổ phố Bà Triệu, Y thủ thỉ:

- Kia, bên trái là ngôi nhà cũ của nhà mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Ông bà cụ mình đã bán nó với giá 400 cây vàng. Vậy mà khi lấy vợ ra ở riêng, tay trắng tự lập...long đong ba bốn lần chuyển đổi...

Dọc con đường Nam Bộ cũ.

- Hình như đâu đây còn tiếng tàu điện leng keng. Trò nghịch dại bám đuôi xe điện còn chưa hết sợ mỗi lần bám hụt.

Tôi bỗng nhớ bài tùy bút “Leng keng tàu điện” - của Đỗ Phấn về nỗi ám ảnh hẫng hụt của một Hà Nội mất đi một không gian văn hoá cả một thời.

Buổi sáng mùa đông sương mù, cùng Phấn sì sụp trong quán phở gà đặc sắc rộng chưa đầy 20 mét vuông, đầu dốc xuống làng Ngũ Xã, giờ đã là phố Ngũ Xã, Y bỗng bật mí:

- Nhà văn Vũ Bằng là cậu ruột chủ quán này...

Đỗ Phấn

Hội hoạ:

Giải thưởng :Huy chương bạc Triển lãm mĩ thuật toàn quốc năm 2000.(không có HC vàng)

Giải B Hội mĩ thuật VN năm 1999.(Không có giải A)

Giải B Hội mĩ thuật năm 2003.

Giải C và tặng thưởng của Hội Mĩ thuật nhiều năm.

Văn chương:

Chuyện vãn trước gương (tản văn, nxb Hội Nhà văn 2005)

Kiến đi đằng kiến (tập truyện ngắn, nxb Phụ nữ 2009)

Đêm tiền sử (tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà văn 2009)

Vắng mặt (tiểu thuyết, nxb Hội Nhà văn 2010)

Thác hoa (tập truyện ngắn, nxb Quân đội nhân dân 2010)

Tự dưng vị phở tôi đang lắng đắng bỗng dậy lên hương vị cổ xưa khác thường. Bên góc phố quen ven hồ Tây, Y dừng xe nhìn mặt sóng.

- Tôi đã hôn cái hôn đầu đời ở gốc cây kia. Cây chưa già mà người đã già....

Lang thang cà phê phố cổ Y “tư vấn”:

- Không thích ở nhà tôi thì kiếm khách sạn mini ở khu vực này. Rẻ. Sạch. Tiện cho mọi cuộc gặp, ăn nhậu, giao thông.

Dọc phố Nguyễn Hữu Huân, một cái liếc mắt ngang.

- Kia ghế gỗ chân bệt, gần cửa sổ, quán café Lâm nơi Nguyễn Sáng thường ngồi. Mình hay bám theo ông cụ đến đó hóng chuyện người lớn. Tình cờ lọt tai câu chuyện Nguyễn Sáng than với học trò: Em ơi, anh bị nhân tình hờn quá, hôm qua anh đi bên này đường, nhân tình anh đi bên kia đường, mắt anh kém quên không đeo kính, nhìn không ra nhân tình. Thế là hai bên cãi nhau tưng bừng. Khổ thân anh chưa...Và đấy cũng là nơi Lưu Công Nhân hẹn tôi đến, xem lại những bức tranh yêu thích mà ông Lâm sở hữu...

Riêng với Lưu Công Nhân, thì Đỗ Phấn và người bạn Chu Hùng Sơn dành cho một góc riêng kính trọng và mến yêu khó bì. Sinh thời Lưu Công Nhân về quê Lâu Thượng dăm ngày đã nhấp nhổm nóng xuôi Hà Nội tụ bạ với Đỗ Phấn, Chu Hùng Sơn ở 29 Hàng Bài. Tay chơi Lưu Công Nhân, tít đuôi mắt đa tình nhìn xuôi con nước:

- Ở Hà Nội mà không uống với hai con giời ấy một vài ly cognac thì coi như chưa xong với Hà Nội.

Trong chiếc cặp vẽ buộc sau xe máy, Lưu Công Nhân thi thoảng mở ra khoe ký họa nóng còn có những bài viết của mình trên báo. Trong sấp báo cắt có cả những bài ký tên Đỗ Phấn.

Tôi thấy Phấn là một trong những họa sỹ có khả năng diễn đạt được tư duy của mình. Không chỉ trong nghề hội họa, mà trong cả văn chương thuần túy. Anh viết như một nhà văn chân chính thực sự hành xác với ngôn từ...

Bệnh parkinson khiến những ngày cuối đời Lưu Công Nhân nặng nề. Ông than với Đỗ Phấn thèm lãng du đây đó vẽ, thèm không khí có người mẫu trong căn phòng có lò sưởi với giá vẽ căng toan sực mùi sơn dầu. Không đầy 24 giờ sau, Đỗ Phấn và Chu Hùng Sơn bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Họ đã chở Lưu Công Nhân trên xe cứu thương đến một resort ngoại thành...Và Lưu Công Nhân đã hớn hở gọi điện ra khoe với tôi.

Một tuần sau Lưu Công Nhân mất...

Cái đạo của đi, vẽ và viết

Hơn một lần, phòng văn Đỗ Phấn, khoảng nửa đêm về sáng tôi bỗng thức giấc vì tiếng rít thuốc lào. Đỗ Phấn đờ đẫn dựa lưng vào kệ sách. Chiếc kệ bày sách, không đồ sộ bừa bộn nhưng nhiều sách quí. Mấy món đồ sứ cổ. Bộ sưu tập kính cổ. Sưu tập đồng hồ cổ. Và bộ sưu tập tẩu thuốc. Laptop sáng. Tập bản thảo, từ điển. Bộ trà. Ly rượu cao. Xem ra chữ đang ngắc ngứ.

Một tác phẩm đồ họa mới của Đỗ Phấn
Một tác phẩm đồ họa mới của Đỗ Phấn.

- Tài phẩy bút vẽ vài nét cũng có tiền. Anh dây dưa với văn chương làm gì cho bạc nốt tóc...

- Mình không dây nó thì nó dây mình. Muốn yên mà xong đâu.

- Nghĩa là văn chương đã mặc định số phận...

- Có lẽ vậy – Y quay lưng vươn người mở tủ. Chiếc khay da thuộc có trụ quay có rãnh lõm xếp những chiếc tẩu thuốc. Mồi thuốc thuốc lá tẩu lại nghi ngút tỏa khói. Y bập bập lấy hơi, hít - Cái gì cũng có tới hạn của nó.

" Làm hội họa phải quan sát nhiều, phải có nhiều kiến thức về hình ảnh, tôi luôn thèm khát được nhìn thấy những hình ảnh mới lạ, thế là vác tiền đi chơi." - Đỗ Phấn

Ví như đám tẩu thuốc tôi trưng kia. Mỗi tẩu thuốc thì chỉ hút được bao lần mồi thuốc. Hút hết số chất liệu gỗ hay đá gì gì thì cũng chai lỳ không cộng hưởng với khói thuốc mang lại khoái cảm cho người dùng nữa. Chiếc tẩu về hình dáng, thì vẫn nguyên vẻ, nhưng thực chất thì đã kết thúc phận sự. Số phận gõ vào khúc quanh nào của mình thì mình lên tiếng...

- Văn chương mang lại cho anh hy vọng...

- Không, chẳng hy vọng gì. Sống đã là hy vọng rồi, tôi không hy vọng nhiều lắm...

Tiểu thuyết “Vắng mặt” của Đỗ Phấn vào chung khảo Bách Việt là một minh chứng sinh động nỗi bi kịch thân phận con người trong xã hội, mà nghệ sỹ đương đại chỉ là một biểu hiện ví dụ. Lạc quan, niềm yêu sống không lấp ló xuất hiện ở tác phẩm này. Nó vắng mặt. Nhân vật (hay là tác giả?) mải miết đi tìm, và hình như quá trình đi tìm đó chính là sống?

- Với nghệ sỹ Đỗ Phấn điều gì là quan trọng nhất.

- Chơi. Đi chơi...

- ........................

- Không dễ gì biết chơi và đi chơi. Đó là thước đo sự thấu thị đời sống xã hội của người nghệ sỹ. Và cả đẳng cấp của nghệ sỹ nữa...

- Sao lại phải sưu tập tẩu thuốc nhỉ ?

- Có những điều không biết để làm gì. Nhưng có nó còn hơn không có gì. Ví như núm vú của người đàn ông chẳng hạn, nó vô nghĩa về sinh học, nhưng thử tưởng tượng xem, nếu một sáng mai ta tỉnh dậy không thấy núm vú đâu...

- Đã có bao giờ Đỗ Phấn ngộ nhận...

Y cười buồn, nhấp ly rượu cao.

- Ngập chìm trong một thế giới ngộ nhận. Chúng ta có thoát khỏi nó không nhỉ... Sự ngộ nhận chừng mực nào đó khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Nếu không có ngộ nhận, chắc cũng không có thế giới này - Ngồi bó gối như một nông dân giữa những bức tranh và giá sách. Ánh mắt Y vừa hân hoan vừa buồn nản - Ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận về bản thân, về cái tôi.

Đỗ Phấn là con trai một của người chiến sỹ cộng sản bị thực dân Pháp bắt năm 1939 và kết án khổ sai chung thân tại nhà tù Sơn La từ năm 1940. Bút danh Mộ Thanh được sử dụng khi cụ làm tờ báo “Suối reo” cùng với Tổng biên tập Xuân Thủy. Bài thơ “Nói với ngục” của cụ nhiều năm in sách giáo khoa của hệ thống giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau hòa bình.

Công tác tại báo Tiền Phong, Cụ dịch sách tiếng Trung và tiếng Pháp. Sau chuyển sang làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên và chuyển cơ quan lần cuối sang Ban liên lạc đối ngoại Trung ương. Cụ về hưu sớm. Mê cổ vật. Say gốm Việt. Cụ tự mày mò nghiên cứu và tái tạo lại những màu men gốm cổ thời kì Lý, Trần, bằng phương pháp nung đốt cổ xưa. Giới sưu tập cổ vật Hà thành ngày nay nhắc đến cụ vẫn một lòng ngưỡng mộ.

Có người cha và các ông chú bộ trưởng, tướng lĩnh làm bệ đỡ hoàn hảo, Đỗ Phấn có thể tìm kiếm chức vụ nào đó không mấy khó. Nhưng Y đã sống thật với chất của mình, dừng lại tìm lối riêng, làm một nghệ sỹ tự do, sống bằng nghề vẽ và viết.

**

*

Nhong nhong sau xe Y, tôi hỏi vu vơ một phép thử.

- Nếu bà cụ ôm gà vừa rồi nhất quyết đòi lên xe thì anh sẽ ứng xử thế nào?

- Thì chở bà cụ đi và lấy tiền. Nếu lúc đó tôi có nhã hứng. Đằng nào bà cụ chẳng đi xe của một ai đó.

- Anh cũng dồi dào đạo đức nhỉ...

- Đúng quá, lao động thì phải được nhận công. Đạo đức thứ nhất. Tôi giúp bà cụ di chuyển đúng lúc theo yêu cầu đã là đạo đức thứ hai. Đạo đức thứ ba, là tôi không khiến bà cụ phải băn khoăn vì mang ơn. Nếu như tôi không lấy tiền xe ôm. Tôi sẽ mất công giải thích, mất thêm thời gian. Trong khi mấy đồng bạc vụn thực sự không giúp được ai bất cứ vấn đề gì ngoài chiếc bánh mỳ vụn. Đạo đức thứ tư dành cho tôi: đó sự rạch ròi, mà người ta gọi là văn minh...He he.

Tầng IV. Phòng vẽ liền kề phòng viết. Sách và tranh chen chúc trong cả năm tầng nhà. Phấn nói mỗi năm anh chỉ cần bán vài cái tranh là đủ sống. Dù chẳng quảng bá, làm trang web. Thậm chí nhiều năm nay anh cũng chẳng mở triển lãm nữa. Có nhiều cách nghĩ về tranh Đỗ Phấn, nhưng không phủ nhận được anh là họa sỹ có tên tuổi.

Nếu như không có cây đàn trên tay, thì dường như tôi chưa bao giờ thấy Đỗ Phấn cười hả hê, hay voice những âm thanh không bình thường, dù giữa bạn bè cật ruột lạm phát chuyện hài hước trong căn phòng làm việc của họa sỹ Chu Hùng Sơn ở 29 Hàng Bài hoặc ở quán rượu, quán cafe quen. Hoặc ở chính căn nhà mình, Y cũng chỉ rủm rỉm chuyển động bờ môi, gọi là cười.

Y phân thân nửa ở trên lơ lửng trời nhìn xuống bản thân và quan sát mọi người, nửa nhập thế tham dự cuộc vui. Hân hoan đấy mà cũng ngán ngẩm đấy. Là người uống rượu, mê rượu và chơi rượu. Đỗ Phấn biết chiều chuộng mình và những người khách có thể mời đến nhà. Hầu như góc phòng nào cũng có các loại ly cốc ứng cho từng chủng rượu và những chai rượu đủ các dòng thương hiệu mấy quốc gia quen tên.

Có rượu, có ly thì đương nhiên có nhạc và vị trí ngồi khách có thể chọn cho mình bất góc nào cảm thấy thoải mái nơi bậc gỗ cầu thang, sàn gỗ, sopha thả lỏng thưởng thức mác rượu mình thích với chút phô-mai, hạt điều cả vỏ bày đĩa sứ cảnh vẻ.

- Anh là người xấu hay người tốt nhỉ...

- Rượu tốt hay xấu nhỉ...

- Anh thấy hạnh phúc ...?

- Vì đã thất vọng...

Trong Đỗ Phấn dễ có đến bốn năm phiên bản chức phận. Một giang hồ ham mê các hành trình dọc ngang nước Việt, thi thoảng hứng lên lại nháy lên Tây Tạng, tạt ngang Paris lang thang thăm các bảo tàng, lăn lóc ở quận 13 nhâm nhi cognac. Chưa kịp gặp để uống với nhau chén tẩy trần thì đã nghe bay sang Băng-cốc rồi vọt sang Úc-đại-lợi xem phần dưới Trái đất thiên hạ vẽ vời thế nào.

Phấn từng là một thầy giáo đạo mạo niêm nót đứng trên bục giảng Đại học. Một binh nhất ôm súng nơi tiền đồn vẫn mải mê ghi chép. Một họa sỹ bài bản, tìm thành công trong khó khăn chứ nhất quyết không chịu đi tắt, đón đầu. Một nhà văn ể oải giễu nhại đủ thâm trầm. Một nhà báo cá tính, trường lực giữ chuyên mục “Tản mạn hàng ngày” của báo Lao Động, bảy tám năm liền với những phát hiện vấn đề khái quát các hiện tượng xã hội.

Nguyễn Tham Thiện Kế
thamthienvt@gmail.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG