“Đóa cẩm chướng màu hồng” của văn đàn Mỹ

“Đóa cẩm chướng màu hồng” của văn đàn Mỹ
Cố vấn chuyên môn của Lauren Willig đã không nhịn được cười khi nghe cô thổ lộ lý do theo học chương trình nghiên cứu sinh lịch sử là để có thể viết được những cuốn tiểu thuyết tình cảm dựa trên cứ liệu lịch sử chính xác.

Nhưng đó là sự thực! Sau thời gian miệt mài đèn sách tại Trường Luật Havard danh tiếng, hiện Willig đang hoàn tất những trang cuối cùng trong luận án tiến sĩ về đề tài phe Bảo hoàng thời kì nội chiến thế kỉ 17 ở nước Anh. Cuốn tiểu thuyết “Đoá cẩm chướng màu hồng”  của cô vừa ra mắt đã được liệt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất 10 năm qua.

Những ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử lãng mạn đã được Willig hun đúc từ thời thơ ấu, nhưng phải tới sau hơn một năm làm nghiên cứu sinh tại Trường Luật Havard cô mới bắt tay vào sáng tác. Lúc đó cô được nhận vào làm thêm tại thư viện của khoa Lịch sử, và chính tại nơi này Willig dành thời gian viết lời thoại cho cuốn sách.

Cô miệt mài nghiên cứu kho tư liệu của thư viện để xây dựng cốt truyện. Trong “Đoá cẩm chướng màu hồng”, nhân vật chính Eloise Kelly, một nữ nghiên cứu sinh thông minh tại trường Havard, quyết định sang London để hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài “Hoạt động tình báo của giới quý tộc Anh trong thời kì chiến tranh với Pháp: 1789 – 1815”, đồng thời cũng để trốn tránh người bạn trai gian dối.

Tại London, cô tình cờ phát hiện ra một tập bản thảo miêu tả chi tiết những kì công của các nhà tình báo Anh trong thời kì cách mạng, trong đó người có hành tung bí ẩn nhất chính là điệp viên mang bí danh “Đoá cẩm chướng màu hồng”, người đã có công giúp nước Anh thoát khỏi cuộc xâm lược của Napoleon.

Câu chuyện đan xen trong bối cảnh nước Anh vào thế kỉ 19 và thời điểm hiện tại. Chính điều đó đã cho phép Willig kết hợp nhuần nhuyễn giữa những cách thể hiện tình cảm đôi lứa của giới quý tộc thời xưa với những dạn dĩ của giới trẻ thời nay.

Biên tập viên Laurie Chittenden nhận xét : “Nhiều người cho rằng tiểu thuyết tình cảm không có trí tuệ và chỉ có các bà nội trợ rỗi việc mới đọc chúng.  “Đoá cẩm chướng màu hồng” là một bằng chứng phản biện hùng hồn. Willig đã đi tiên phong trong việc thổi vào tiểu thuyết tình cảm vốn bị coi là rẻ tiền một hơi thở lịch sử chính thống”.

Mặc dù cuốn sách làm cho nhà văn 27 tuổi cực kì nổi tiếng, nhưng cô không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Hiện cô đang ngấp nghé kiếm một công việc làm thêm vào mùa hè liên quan đến ngành luật tại thành phố New York quê hương, và theo kế hoạch sẽ trở thành luật sư. 

Cả cha và mẹ cô đều có bằng tiến sĩ và đang hành nghề luật sau nhiều thay đổi nghề nghiệp. Mẹ cô cũng xuất bản vài đầu sách. Cha cô, Ken Willig, cho biết ông không hề do dự trong việc thoả mãn cơn khát văn chương uỷ mị của cô “con gái rượu” từ thời tiểu học. Ông lập luận: “Đối với một đứa trẻ, kể cả đọc giấy lộn cũng là điều tuyệt vời”.

Cuốn tiểu thuyết thứ 2 của Willig dự kiến ra mắt độc giả cuối năm nay. Cô còn phải viết thêm 3 chương để hoàn thành tập tiếp theo của “Đoá cẩm chướng màu hồng” với nhan đề “Hoa Tu-lip đen”. Ngoài ra, cô cũng đang có ý định viết về một vụ giết người đầy bí ẩn tại trường đại học Yale, về chính trường Luật Havard của cô và về những thói hư tật xấu đáng phê phán trong xã hội Mỹ hiện đại. 

MỚI - NÓNG