Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân: Bám biển với tình yêu nghệ thuật

Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân: Bám biển với tình yêu nghệ thuật
Những ngày này, mọi cán bộ, diễn viên và chiến sỹ các thế hệ của Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân đều náo nức nhớ về ngày thành lập 26/4/1965 và những bước đường hoạt động, phát triển nghệ thuật của Đoàn.

Bên ly trà nóng đậm đà, Thượng tá Phạm Nguyễn - Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân (Đoàn Văn công Hải quân trước đây), người thuộc thế hệ đầu tiên của Đoàn bồi hồi nhớ lại. Ngay sau khi thành lập, các cán bộ, diễn viên của Đoàn đã liên tục bám sát đem những lời ca, điệu múa phục vụ bộ đội và nhân dân tận từng boong tàu, từng chiến hào, mâm pháo.

Có thể nói, địa bàn hoạt động chính của Đoàn trong những tháng năm chống Mỹ là vùng khu bốn cũ và vùng giáp ranh chiến trường. Các anh chị đã nằm hầm địa đạo Vịnh Mốc hát cho bà con Vĩnh Linh nghe. Biết bao lần các anh chị của Đoàn ngay sau buổi biểu diễn phục vụ lại chứng kiến, tham dự lễ truy điệu sống các anh đặc công thuỷ, tiễn và nhìn theo bóng các anh lặng lẽ bước vào trận đánh.

Năm 1972, nhiều đợt Đoàn biểu diễn ở vùng Do Linh - Đông Hà và Cửa Việt, các chiến sỹ ta ngồi xem say sưa và rất cảnh giác. Phía bên kia, sỹ quan tâm lý chiến nguỵ lúc đầu điều động binh lính và cả sỹ quan nguỵ mặc quân phục, đeo sao chỉnh tề, ngồi xem Đoàn biểu diễn để chứng tỏ chúng cũng lịch sự, yêu nghệ thuật.

Ta và địch chỉ cách nhau một hàng rào thép gai. Khi tiếng nhạc, điệu múa và lời ca cách mạng vút lên, tất cả im phăng phắc. Sau mỗi tiết mục, lính nguỵ cũng vỗ tay theo rào rào.

Rồi tiếng lính nguỵ khen chương trình biểu diễn, lời hỏi thăm quê quán, hỏi chuyện giữa lính địch và bộ đội ta vang lên. Nhiều người lính nguỵ công khai bộc bạch, chế độ Sài Gòn là thối nát, họ biết chắc quân nguỵ sẽ bị thua, nhưng bị bắt buộc phải cầm súng.

Sau đó, địch sợ bị tác động tâm lý, không dám cho lính xem ta diễn văn nghệ. Ngày giải phóng 30/4, Đoàn là đoàn nghệ thuật đầu tiên từ miền Bắc vào Sài Gòn, lên Củ Chi, ra Côn Đảo…phục vụ đồng bào chiến sỹ Nam Bộ.

Đoàn cũng là lực lượng chính hàng năm ra Trường Sa, đến tận các đảo chìm biểu diễn phục vụ các anh bộ đội Hải quân. Các anh chị đi Trường Sa trong cả những tháng bão lớn và mùa gió chướng tháng 11-12.

Thành phần đi Trường Sa chủ yếu là nữ. Và dù biết đi Trường Sa là gian khổ, hiểm nguy nhưng đã là diễn viên Đoàn Nghệ thuật QCHQ, các cô diễn viên trẻ đều hăng hái mỗi khi được ra đảo. 

Có người như ca sỹ Thu Lan đã ra Trường Sa 16 lần. Càng đi diễn, tài năng nghệ thuật của diễn viên như càng được trau dồi, nâng cao. Đoàn có nhiều tiết mục xuất sắc được quần chúng yêu thích. Nhiều người như  anh Nguyễn Tiến Thọ, nguyên Trưởng đoàn trở thành nghệ sỹ ưu tú độc tấu sáo; chị Minh Khang đoạt giải ba nhạc thính phòng năm 1987 và khi chuyển công tác, đã trở thành ngôi sao nhạc nhẹ của Hải Phòng…

Với tài năng nghệ thuật và sự cống hiến không mệt mỏi, Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân đã được tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3 trong kháng chiến chống Mỹ, đạt nhiều huy chương vàng, bạc và giải thưởng trong các hội diễn lớn toàn quốc, toàn quân, khu vực.

Và hiện nay, trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn nhưng cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật QCHQ với tình yêu nghệ thuật, yêu quân chủng vẫn một lòng bám biển, từng ngày sát cánh bên nhau hoàn thành nhiệm vụ.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.