Dọc đường nước Nga

Dọc đường nước Nga
TP - Tôi từng ước ao được đến xứ sở bạch dương. Và rồi “điều đó đã xảy ra”. Đến với đất nước của Pie Đại đế, của Lênin, của Putin…, tôi “nhặt” được nhiều điều.

Ở Nga tôi được tiếp xúc với “ông ngoại” Épghênhi. Gọi ông Épghênhi 76 tuổi là ông ngoại, bởi trong đoàn đi có 15 cháu thiếu nhi học giỏi được Quỹ hòa bình Maxcơva mời sang tham quan, các cháu luôn miệng gọi ông như vậy.

Épghênhi trước đây làm việc ở Ủy ban đoàn kết Á Phi, từ khi về hưu đến nay làm việc ở Quỹ hòa bình Maxcơva. Ông là một mẫu người đặc sệt Nga thời Xôviết.

Suốt 15 ngày ở Nga, ông dẫn chúng tôi đi nhiều nơi, với tuổi 76 của mình, ông luôn luôn đúng giờ giấc từ điều hành xe đưa đón, ăn sáng, đi tham quan, ăn trưa…; và đi bộ luôn luôn phải đứng lại chờ mọi người.

Một hôm vào buổi chiều, khi chúng tôi vừa đi tham quan về, ngồi trước sân nhà hóng mát, nhà báo Phan Việt Hùng rút thuốc ra hút. Thấy thế, ông nói: “Hùng này, ta khuyên cháu nên bỏ thuốc, vì hút thuốc vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe. Ta đã có một bài học từ ông bố nghiện thuốc rồi đó”.

Thấy Phan Việt Hùng ngồi im, ông như sợ câu nói của mình ra chiều khuyên dạy, bảo ban liền nói: “Cháu đừng nghĩ là ta nhiều tuổi nên khuyên dạy cháu nhé. Ta thực lòng mà. Cháu phải thông cảm cho ta!”.

Hùng hoảng quá liền nói: “Ông rất tốt bụng Épghênhi ạ. Lời khuyên của ông rất bổ ích, tôi sẽ cố gắng bỏ thuốc”. Lúc đó vẻ mặt ông mới giãn nở những nếp nhăn, tươi tỉnh trở lại.

Épghênhi đặc biệt yêu quý, trân trọng những giá trị có từ thời Xôviết. Ông rất sốt sắng và hào hứng đưa đoàn chúng tôi đi viếng lăng Lênin. Tuy nhiên, đi đến 3 lần mà lần nào lăng cũng không mở cửa, ông bực bội, có lần cáu gắt với người gác cổng.

Sau đó, ông liên hệ tiếp một lần nữa cho các cháu được vào viếng lăng, song do thời gian không cho phép nên không thực hiện được. Đó là điều làm ông ân hận nhất trong suốt chuyến thăm của chúng tôi.

“Ông ngoại” là một người như vậy. Gặp ông một lần, chắc không một ai có thể quên được ông. Hình ảnh của ông - hình ảnh của một người Nga tốt bụng, sống vì tình in đậm mãi trong lòng chúng tôi.

Những người Nga khác

Thầy hiệu trưởng Vađim cũng là một người Nga gây được ấn tượng mạnh với chúng tôi. Là nhà giáo ưu tú, có thâm niên công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm. Thầy lo cho đoàn chúng tôi từng li từng tí, từ xe cộ, bữa ăn, đến chai nước đi đường.

Thầy nói thầy yêu trẻ con nên không bao giờ rời xa ngành giáo dục. Trường thầy phụ trách là một trường nội trú, các em nhỏ học ở đây đều là trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Vì thế thầy yêu các em gấp bội.

Từ tình cảm yêu thương gắn bó đó mà thầy từ chối chức Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Maxcơva- một chức vụ có thu nhập cao hơn nhiều mà không ít người thèm muốn.

Cả đoàn Việt Nam chúng tôi như nghe một chuyện lạ khi thầy bày tỏ điều đó. Nhưng gặp thầy Vađim, nhìn cách thầy dạy dỗ, chăm sóc, lo lắng cho các em, tôi tin điều thầy nói là sự thành thực tự đáy lòng.

Một người Nga khác là họa sỹ. Trong lúc chúng tôi tìm chọn tranh ở một gallery nằm dưới tầng hầm Công viên Gorky, bà đi theo quan sát, giới thiệu thật tỉ mỉ.

Khi một người trong nhóm chúng tôi mua một bức, biết là người Việt Nam, bà bớt kha khá tiền. Khi tôi thích một bức tranh nho nhỏ vẽ một cây con có lá và hoa trổ ba tầng, bà rất vui.

Bà bảo đó là tranh của bà. Tôi hỏi, có phải bà vẽ bức tranh này ngầm ý thể hiện phúc, lộc, thọ không, bà trả lời, đó là cha, mẹ và con. Tôi trả tiền, bà không lấy. Bà bảo: “Tôi đã từng khóc vì đất nước của các bạn. Những ngày đang là sinh viên trường Mỹ thuật, chúng tôi đi biểu tình chống Mỹ suốt…”.

Một cậu bảo vệ bưng cái khay có hai chai rượu cônhắc và một ít bánh kẹo đến. Bà mở rượu- loại rượu này ở Nga dân thường không bao giờ dám mơ đến- và rót ra 4 cốc để chạm mừng cuộc hội ngộ đặc biệt này. Mang bức tranh của bà về, tôi treo ở một nơi trang trọng nhất nhà, để ghi chứng một tình cảm đẹp của một họa sỹ Nga với người Việt…

Còn nhiều nhiều người Nga đôn hậu, tốt đến mức ngỡ ngàng mà chúng tôi gặp trên đất nước Nga. Nhưng chúng tôi cũng gặp một số ít người Nga trái ngược với những người tôi kể trên kia…

Tôi cũng được nghe nhiều đồng hương của tôi kể nỗi sợ của họ khi gặp một vài cảnh sát Nga biến chất. Họ có thể hạch sách bất cứ điều gì, tìm đủ mọi lý do để bắt anh về đồn.

Hôm ở Xanh Pêtécbua, cậu Tuấn là sinh viên được chủ Cty du lịch thuê dẫn chúng tôi đi tham quan, về nhà trọ lúc 9 giờ tối mà bị cảnh sát Nga giữ lại hạch sách hơn 2 tiếng đồng hồ, dù có đủ giấy tờ và biết tiếng Nga. Bởi vì túi cậu sinh viên này không có tiền…

Dẫu có vậy thì hình ảnh những người Nga tốt bụng, giàu lòng nhân ái mà tôi đã gặp, và mỗi khi gọi tên họ, lòng tôi còn rưng rưng xúc động…

Và người Việt ở Nga

Tôi gặp ở Nga nhiều người Việt, từ giàu có đến hạng “cùng đinh”: Oai phong nhất như “soái Hường”, đi đâu cũng có lái xe người Nga, vệ sỹ Nga và người hộ tống.

Tầm kha khá, mua nhà vài triệu đô như K. H., có Cty sản xuất giày riêng, hay tầm như P. M., làm một vụ chơi cả năm. Còn lại là làm đến đâu ăn hết đến đó, thậm chí còn thiếu ăn.

Gặp nhiều người Việt ở Nga, mỗi người mỗi cảnh, nhưng tôi thương nhất là những người lao động theo các đường dây “đen” móc nối đưa sang làm đủ thứ việc.

Con đường sang Nga của họ theo đường “chui” nên giá khá rẻ, chỉ 1.500 đô/ người. Có người sang Nga làm trong những công ty may, ở miết trong tầng hầm, không bao giờ dám đi ra ngoài, vì giấy tờ chủ cầm hết. Mà chủ thì có nhiều người: chủ trực tiếp, chủ trung gian, chủ chính.

Cách đây mấy tháng, một xưởng may trốn thuế của một trong những chủ như vậy bị mật báo, công an đến bắt, chủ chạy hết, số công nhân bị nợ lương nhiều tháng không biết tìm ai để đòi.

Tất cả họ bị trục xuất về nước. Còn nếu làm công nhân ở trong chợ Vòm, ở rất mất vệ sinh. Đi tắm phải đi xa 2 km. Nước sinh hoạt mua 50 rúp (hơn 2 đô) một thùng 60 lít.

Một hôm tôi đến nhà hàng Hương Sen ăn tối. Trên đường đi vào quán, tôi gặp mấy thanh niên đang hàn sắt. Hỏi ra mới biết, họ đều từ Nghệ An qua được 4 năm.

Trước đây họ làm thuê cho một chủ, nhưng nay đã tách ra tự lập, anh em cùng nhau làm ăn. Ngày đi làm việc, tối về 8 người ngủ trong một căn phòng 12 m2. Giá thuê nhà ở Maxcơva rất đắt, gấp 20 lần ở ta, nên không đủ tiền để thuê chỗ rộng được.

Khi tôi hỏi, sang Nga gần 4 năm các em tiết kiệm được bao nhiêu, thì tất cả đều nhìn nhau, rồi bảo chẳng có bao nhiêu, làm chỉ đủ ăn thôi. Năm nay là một năm mùa hè đến muộn, hàng hóa ở chợ Vòm ế ẩm vì khách không mua, nên dân Việt mình gặp khó khăn. Mà khó khăn đó lại luôn luôn chảy về chỗ trũng: người lao động lớp dưới.

Người lao động Việt Nam tại Nga đa phần là không biết tiếng. Đây là một hạn chế lớn, nảy sinh ra những vấn đề rắc rối hay những nghịch cảnh dở cười dở khóc. Vì thế, có những người biết tiếng Nga, thông thạo địa bàn đã trở thành “người của cộng đồng”.

Những “người của cộng đồng” này chuyên lo giấy tờ, đơn thư, kiến nghị, móc nối lao động từ trong nước hay là lo đưa người đi bệnh viện. Tôi đã gặp hai người của cộng đồng như vậy: Một người chuyên lo chạy giấy tờ, một người đưa người đi viện.

Người chuyên lo giấy tờ có tên là Chung. Tốt nghiệp đại học tại Nga, Chung ở lại buôn bán vặt. Có lúc kiếm được, nhưng có lúc mất trắng. Khi làn sóng lao động Việt Nam sang Nga đông, họ nhờ vả Chung làm giúp giấy tờ và trả thù lao theo công việc.

Thấy việc làm này nhàn hạ, Chung chuyển hẳn sang làm chuyên nghiệp. Từ đó Chung mở rộng quan hệ, đi như con thoi giữa các khu vực để tìm nguồn việc.

Gần đây Chung làm thêm cả việc tuyển lựa lao động trong nước qua Nga. Thu nhập hàng tháng của Chung, trừ chi phí gia đình, thuê nhà, còn lại khoảng đôi ba ngàn đô một tháng.

Một người phụ nữ khác lại chuyên đi đưa người lao động ta vào viện. Ở Nga viện phí rất đắt. Nhưng không biết tiếng thì không thể vào viện được. Những người lao động Việt ở Nga lại hay ốm đau (vì nhiều lẽ), nên họ rất cần và coi trọng “người của cộng đồng” này. Vì thế thu nhập của chị cũng kha khá, thừa việc trả tiền thuê nhà 2.500 USD/tháng.

Sang Nga tôi tình cờ gặp một đồng nghiệp. Hôm đó đến chung cư Rưbắc chơi, khi đi dạo quanh khu nhà thì người bạn của tôi chỉ vào một căn phòng nhỏ cạnh phòng bán thực phẩm bảo “đây là trụ sở báo Tin tức”.

Gõ cửa một lúc lâu mới thấy chủ bút đầu tóc bù xù bạc trắng, mặc quần soóc, áo ba lỗ, tay cầm cái cưa bước ra. Người anh gầy gò, xiêu vẹo. Anh bảo vừa mới chuyển nhà về đây nên đang lộn xộn.

Hôm nay anh đang sắp xếp lại đồ đạc. Căn nhà anh thuê chừng 16 m2, giá khoảng vài trăm đô một tháng. Trong phòng chỉ kê được một chiếc giường, đặt một bàn máy vi tính, một chiếc máy in Risograph (một loại máy in bậc trên của máy photocopy) đã cũ kỹ.

Anh tên là Nguyễn Minh Hiền, trước đây ở Viện Triết, sang làm nghiên cứu sinh rồi ở lại luôn. Chị là Đàm Mỹ Hạnh, trước ở Viện Văn học, sang làm nghiên cứu sinh ở Lômônôxôp, đã bảo vệ được mươi năm, cũng theo chồng ở lại Nga.

Hai người cho xuất bản tờ Tin tức, mỗi ngày ra một số, in hai màu, khổ A4, dày 56 trang. Tờ báo có nhiều chuyên mục, nhưng đa phần là lấy lại thông tin từ các tờ báo trong nước, báo mạng (chọn lọc những tin hot nhất).

Mục quảng cáo cũng chiếm được 1/10 số trang. Giá mỗi tờ là 15 rúp. Anh Hiền bảo, trước đây có 5 người làm, nhưng nay chỉ còn ba người, ngoài 2 vợ chồng còn một cô giúp việc đánh máy và làm trị sự. Như vậy hai anh chị hàng ngày phải lụi hụi vào mạng đọc báo, cóp bài cho đủ 50 trang in, đưa về trình bày; rồi lo chạy quảng cáo, in ấn…

Anh Hiền phải tự tay trình bày, sau đó in và đóng xén 600 tờ báo, đến khoảng 4 giờ mới xong. Sáng ra chị Hạnh phát cho những người bán báo mang ra chợ Vòm và một vài khu vực lân cận bán.

Với cường độ làm việc như vậy, nên sức khỏe anh chị có phần “xuống cấp”. Nhưng anh Hiền bảo, không làm thế thì không được, vì kế sinh nhai. Nếu dừng báo lại một ngày là ra đứng đường ngay. Không những thế, sức cạnh tranh ở đây cũng ghê gớm và khốc liệt (cả lành mạnh và không lành mạnh), nên không thể dừng guồng máy lại.

Miếng cơm manh áo đã “trói” hai nhà khoa học lại ở nước Nga xa xôi. Tôi bỗng chạnh lòng khi so sánh anh chị với những người bạn tôi quen ở Viện Triết, Viện Văn học ở nước nhà. Họ không đến nỗi vất vả như hai anh chị.

Người Việt ở Nga, mỗi người mỗi cảnh, nhưng xu hướng chung ai cũng muốn lo cho mình một chốn ở quê nhà. Người giàu có thì đã về mua nhiều biệt thư, chung cư, trang trại; người nghèo thì cố chờ cơ hội…

MỚI - NÓNG