Độc giả Pháp choáng váng từ Time châu Âu

Độc giả Pháp choáng váng từ Time châu Âu
TP - Số ngày 3 tháng mười hai của ấn phẩm ấy làm choáng váng không chỉ người đọc ở Pháp mà cả bên ngoài lục địa già. Trang nhất Time trương ra bức ảnh ảo não: Một người đội mũ bê rê cực giống ông hoàng kịch câm Marceau (vừa qua đời) tỉa từng cánh hoa cúc đỏ đang tàn phai.  
Độc giả Pháp choáng váng từ Time châu Âu ảnh 1
Bìa cuốn tạp chí có bài báo gây sốc

Bên cạnh tấm ảnh là dòng chữ in đậm Sự chết của văn hóa Pháp. Bài báo dài gần bảy trang mở đầu bằng câu: “Làm sao đất nước của Proust, Monet, Piaf và Truffaut đã mất địa vị siêu cường văn hóa? Đất nước ấy có thể lấy lại được vinh quang của mình không?”.

Tác giả, nhà báo Mỹ lão thành Donald Morrison 61 tuổi, nguyên trưởng phòng của Time ở Hong Kong rồi London, đang sống tại Paris và lui tới CH Pháp ba mươi lăm năm nay.

Ông viết trong phần đầu: “Không ai trên đời này coi trọng văn hóa bằng người Pháp. Họ trợ cấp cho văn hóa hào phóng vô cùng. Họ mơn trớn nó bằng các hạn mức và việc giảm miễn thuế liên quan. Các phương tiện truyền thông đại chúng Pháp dành cho nó những chỗ cao sang trên sóng phát thanh và truyền hình cũng như trên các cột báo đủ loại. Ngay các tạp chí mốt cũng ưu ái những cập nhật văn chương nghiêm chỉnh.

“Thế nhưng, đã có một vấn đề. Tất cả các cây sồi đồ sộ đó mà người ta đang đốn ngã trong rừng văn hóa Pháp gần như chẳng gây được tiếng tăm gì trên hành tinh rộng lớn. Trước đây được ngưỡng vọng bởi sự tuyệt kỳ của các văn nhân, nhạc sỹ và nghệ sỹ mà mình trọng vọng, nước Pháp ngày hôm nay là một cường quốc đang suy tàn trên thị trường văn hóa toàn cầu…”.

Tiếp theo, ông nêu lên những kém cỏi của văn hóa Pháp trong từng lĩnh vực. Vốn là cái nôi của chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa siêu thực và nhiều trường phái nghệ thuật khác, giờ đây Paris đã bị New York hay London “hất cẳng”.

Thật khó nêu tên một nghệ sỹ Pháp còn sống đạt tầm cỡ nghệ sỹ quốc tế. Chỉ khoảng một phần năm phim Pháp xuất khẩu được thôi. Gần 50% doanh thu của điện ảnh Pháp là do phim Mỹ mang lại.

Bài báo của Donald Morrison bàn nhiều nhất đến văn học Pháp. Dưới cái nhìn u ám của ông, nền văn chương cường tráng bậc nhất ngày xưa đang ốm o bệnh tật. Các nhà tiểu thuyết Pháp lừng danh nhất cho ra những tác phẩm “lịch sự”, nhưng khô khan và khó xuất ngoại như các tác phẩm kinh điển.

Một xu hướng rộ lên mấy năm nay là “tự sự về chính mình”. Họ để cho văn học và văn hóa muôn phương ào ạt xông vào. 30% sách đọc tại Pháp được dịch từ tiếng Anh.

Bài báo Sự chết của văn hóa Pháp chấn động dư luận như một trái bom nổ chậm. Vô số ý kiến đa chiều được tới tấp đưa lên mạng và các phương tiện truyền thông. Đa phần ý kiến đó là của người thưởng thức bình thường. Chúng đối chọi nhau chan chát.

Trong đó có những ý kiến tán đồng bài báo, nhưng cũng có những phản bác đanh thép như: “Chúng tôi hiểu rằng ông (tức Donald Morrison) chưa hề sống ở Bắc Mỹ. Tôi định cư ở Canada, cụ thể là Toronto. Nếu ông muốn biết thế nào là khoảng trống văn hóa, xin mời ông đến chỗ chúng tôi. Và ông sẽ không kêu ca về hiện tượng “trống không” văn hóa tại Pháp nữa”.

Không ít độc giả hỏi thẳng: Nếu Pháp chưa có cây bút nào bì kịp Camus, thì thử hỏi ở Hoa Kỳ, Brad Pitt đã bằng Humphrey Bogard? Hay Madonna đã xứng đáng kết tục Billie Holiday chưa?.

Donald Morrison chống chế: “Văn hóa Mỹ là một nền văn hóa của các cực đoan. Nó bao hàm cái tồi nhất và cái tốt nhất…”. Ông đâu ngờ bài viết của ông động chạm đến một vấn đề hệ trọng đến vậy.

Văn hóa suy cho cùng chẳng là tâm điểm của mọi chuyện trên đời đó sao? Cuộc khẩu chiến đương nhiên chưa thể dừng. Nhất là gữa công chúng và các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật…

Phú Khê
Tổng hợp

MỚI - NÓNG