Cục trưởng Cục Mỹ Thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm:

Đọc nghị định đã rồi hãy kêu

Ông Vi Kiến Thành.
Ông Vi Kiến Thành.
TP - Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh (có hiệu lực từ ngày 15/8) đang gây xôn xao dư luận. Không ít người hiểu rằng, nghị định này cấm cá nhân đưa hình ảnh lên Facebook.

PV Tiền Phong Chủ Nhật trao đổi với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT&DL, xung quanh vấn đề này.

Ông Vi Kiến Thành nói: “Mấy ngày qua, do báo chí đưa tin không chính xác đã tạo ra dư luận không tốt trong xã hội. Tôi xin đính chính ngay là nghị định này không liên quan gì đến các hoạt động Facebook. Tất cả các điều khoản trong nghị định không có một chữ nào nói đến việc đăng ảnh lên Facebook cũng phải xin phép như báo Tuổi Trẻ đã đưa tin”.

Điểm 9, điều 3 Nghị định 72 định nghĩa: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”. Khái niệm triển lãm ảnh trên internet nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

Triển lãm ảnh trên internet là khi người ta lập ra một website để đăng ảnh của mình, hoặc mời gọi mọi người gửi ảnh về và ai cũng có thể truy cập để xem ảnh. Nếu hình thức tổ chức ở quy mô cấp tỉnh thì sẽ phải xin phép Sở VH-TT&DL các tỉnh. Còn website được thành lập, vận động tổ chức ở quy mô cấp Bộ thì phải xin phép Bộ VH-TT&DL. Lâu nay, hoạt động triển lãm ảnh diễn ra tại các địa điểm đều phải được phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, hoạt động triển lãm ảnh trên internet cũng phải đặt trong sự kiểm soát của cơ quan quản lý, thông qua việc cấp phép.

Vậy, nếu nghệ sĩ đăng những tác phẩm của mình lên Facebook hay các diễn đàn nhiếp ảnh thì có phải xin phép?

Nếu chỉ đăng một vài ảnh chơi thì đó là việc cá nhân, còn nếu đăng ảnh trên mạng internet mà hình thức như một triển lãm thì phải xin phép. Nghị định không can thiệp đến những hoạt động mang tính cá nhân. Hoạt động đăng tải,?tổ chức thi?ảnh trên các diễn đàn cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

Nếu một vài người hiểu nhầm thì có thể bỏ qua, nhưng để cả dư luận ồn ào, thậm chí nhiều chuyên gia, nghệ sĩ cũng đã lên tiếng phân tích, mổ xẻ sự mập mờ, thiếu chặt chẽ trong văn bản nghị định. Phải chăng Nghị định 72 thực sự “có vấn đề”?

Dư luận ồn ào vì chỉ đọc một bài báo câu view rồi đưa ý kiến mà chưa hề đọc kỹ Nghị định. Việc xây dựng Nghị định 72 xuất phát từ thực tế đời sống và hoạt động nhiếp ảnh chứ không phải bỗng dưng cơ quan quản lý tự nghĩ ra. Chúng tôi có một ban soạn thảo gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhà báo, Cục Bản quyền tác giả… Khi soạn thảo, có lấy ý kiến của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đóng góp ý kiến rất nhiều cho nghị định này nên có thể khẳng định không có sai sót.

Theo ông, liệu đời sống nhiếp ảnh ở Việt Nam đã phát triển đến mức cần phải có nghị định để quản lý?

Có rất nhiều hoạt động ảnh trên website tác động đến đời sống cá nhân. Có những bí mật đời tư, những hình ảnh, thông tin không phù hợp với tình hình đất nước. Nghị định này ra đời cũng phù hợp với xu thế chung của hoạt động nhiếp ảnh trên thế giới để khi có những vi phạm xảy ra thì cơ quan quản lý không bị động trong xử lý. Mọi người hãy bình tĩnh đọc thật kỹ nghị định đã rồi hẵng kêu ca. Bên cạnh trách nhiệm thực hiện đúng quy định, luật pháp, tất cả những quyền lợi, danh dự cũng như hoạt động của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ được hợp pháp hóa bằng nghị định này. Nếu có tranh chấp, kiện tụng xảy ra, chúng tôi sẽ dựa vào nghị định này để xử lý. Đó là những cái được lâu dài cho anh em nghệ sĩ.

Vậy, từ trước đến nay, việc quản lý nhiếp ảnh ở ngoài đời thực đã làm đến đâu và đã thực sự hiệu quả chưa, theo ông?

Trước đây, quản lý nhiếp ảnh chủ yếu dựa vào Thông tư 17 của Bộ VH-TT-DL. Nhưng hiệu lực pháp lý của thông tư này vẫn chỉ ở cấp độ thấp. Nghị định 72 do Chính phủ ban hành sẽ quản lý ở cấp cao hơn, đầy đủ hơn, bao quát hơn các hoạt động nhiếp ảnh so với trước đây. 

Sau ngày 15/8 tới đây, khi một cá nhân hay hội nhóm muốn mở một triển lãm trên internet, họ sẽ phải làm gì?

Rất đơn giản thôi. Chỉ cần một cái đơn đề nghị, có thể gửi theo đường bưu điện hoặc internet đến cơ quan quản lý. Sau đó, họ phải chuyển hình ảnh dự kiến trưng bày, danh sách, tên tác giả… Sau khi nhận được hồ sơ, có thể một ngày sau hoặc thậm chí 3 tiếng sau, họ sẽ được ký văn bản đồng ý cấp giấy phép. Chúng tôi chỉ kiểm soát nội dung tư tưởng, chứ không can thiệp sâu về chất lượng ảnh, tính nghệ thuật…

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG