Đời bi kịch của người khai mở hội họa Việt Nam

TP - Người có công kéo dài lịch sử hội họa Việt Nam thêm gần 30 năm trước thời điểm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương là họa sĩ Lê Văn Miến. Ông là người Việt Nam đầu tiên vẽ tranh sơn dầu nhờ theo học tại trường CĐ Mỹ thuật Quốc gia Paris. Tuy nhiên, cuộc đời ông sau này nhiều bi kịch. Ông chỉ để lại khoảng 7 tác phẩm.
Đời bi kịch của người khai mở hội họa Việt Nam ảnh 1

“Chân dung cụ Lê Hy” (43X23,5cm) Lê Văn Miến vẽ vào khoảng 1895 được coi là bức sơn dầu đầu tiên của hội họa Việt Nam. Ảnh: Viện Mỹ thuật cung cấp

Cử tọa vỗ tay vang dội sau phần trình bày kết quả nghiên cứu về Lê Văn Miến của họa sĩ, TS vật lý Nguyễn Đình Đăng từ Nhật Bản về. Sau một tháng trao đổi hàng trăm e-mail với Emmanuel Schwartz- người phụ trách bảo tồn di sản và của trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, Nguyễn Đình Đăng đã phát hiện thêm nhiều cứ liệu về Lê Văn Miến.

Trường này vào cuối thế kỷ XIX chỉ nhận người Pháp vào học chính thức. Victor Tardieu (người thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1924) thuộc diện này. Học sinh nước ngoài chỉ được xét vào học tại xưởng của các bậc thầy, như Miến được GS Jean-Léon Gérome nhận dạy. Do khả năng nổi bật nên Miến được thầy đề xuất thi Prix de Rome, cuộc thi cực danh giá do Viện Hàn lâm Mỹ thuật Paris tổ chức. Nhưng rất tiếc cuộc thi chỉ dành cho người Pháp.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho rằng Chân dung cụ Lê Hy của Lê Văn Miến có độ biểu cảm (thể hiện qua ánh mắt nhân vật) sinh động hơn cả chân dung của các họa sĩ nổi tiếng học Mỹ thuật Đông Dương sau này.

Về nước, ông Miến làm nghề giáo là chính và có nhiều học trò đỗ đạt, thành danh, trong đó phải kể Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cuốn Búp sen xanh của Sơn Tùng có nói về quan hệ thầy trò này. Nhà nghiên cứu Phạm Trung nhận định: “Mặc dù có tác phẩm hội họa mở đầu và trước trường Mỹ thuật Đông dương gần 30 năm nhưng ảnh hưởng của Lê Văn Miến trong giới không mạnh, do môi trường trong nước cuối thế kỷ XIX không thích hợp cho phát triển tranh sơn dầu. Từ 1963, Viện Mỹ thuật đã nghiên cứu về Lê Văn Miến, gần đây có thêm những thông tin mới. Chúng tôi vẫn hy vọng tìm thêm được những tác phẩm của ông. Thời kỳ cải cách ruộng đất làm cho rất nhiều tác phẩm bị thất lạc”.

Lê Văn Miến chủ yếu vẽ chân dung thờ. Chính ông Luân - chắt của ông Du và bà Thợi, hai người có tranh chân dung được cho là do Lê Văn Miến vẽ - kể lại câu chuyện thương tâm của thời cải cách ruộng đất. Cũng vì cháu dâu của hai cụ uất ức thắt cổ tự vẫn trong phòng thờ, nơi treo hai bức tranh, nên đội cải cách mới để yên không đem đồ tế tự ra chia quả thực. Nhờ đó các bức tranh mới còn đến ngày nay.

Đời bi kịch của người khai mở hội họa Việt Nam ảnh 2

“Bình văn” của Lê Văn Miến

Hai bức tranh thiên về truyền thần được cho là của Lê Văn Miến này được phát hiện tại TPHCM trong chuyến công tác giữa năm nay của Viện Mỹ thuật. Mặc dù các bức tranh có dấu hiệu được sửa sang, tô đắp thêm, nhưng họa sĩ Lê Huy Tiếp (gọi Lê Văn Miến bằng ông trẻ, chính do ông nội Lê Huy Tiếp là Lê Huy Thản từ chối sang Pháp học, Lê Văn Miến mới đi thay) vẫn cho rằng nhiều khả năng hai tranh này của Lê Văn Miến vì màu sắc và những chi tiết tinh xảo trên áo của các nhân vật - phải do một họa sĩ có học và có tài mới thể hiện được.

Về nước năm 1895, Lê Văn Miến từng phụ trách vẽ minh họa cho nhà in Schneider tại Hà Nội. Năm 1899, ông làm Đốc giáo trường Pháp Việt tại Vinh. Ông dạy tại Quốc học Huế từ 1907-1913 và trường Hậu Bổ (École des Mandarins). Năm 1923, ông giữ chức Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám Huế.

Đặc biệt hai tranh này cũng được tác giả thực hiện theo cách thường thấy của Lê Văn Miến. Tức là đến nhà gia chủ chơi, ăn uống, đàm đạo vài buổi, tuyệt nhiên không tác nghiệp gì. Độ nửa tháng sau đem tác phẩm đến khiến không chỉ cả nhà mà cả làng kinh ngạc vì độ chân thực. Vẽ theo trí nhớ cũng là lối dạy đặc trưng của trường Mỹ thuật Paris. Một lý do ngoại cảnh nữa là người mời ông Miến đến vẽ chân dung cho bố mẹ mình là học trò của Phan Bội Châu. Mà cụ Phan lại là bạn thân của Lê Văn Miến.

Bình văn là bức duy nhất trong số tranh của Lê Văn Miến không theo kiểu truyền thần, mà có bố cục hẳn hoi. Bình văn tuy chưa hoàn tất nhưng được vẽ kỹ hơn, thêm một số kỹ thuật khác với các bức được xác định của Lê Văn Miến. Nguyễn Đình Đăng nghi vấn bức này có thể của một họa sĩ khác cũng học trường Mỹ thuật Paris là Nguyễn Trang Thúc. Thúc đồng hương xứ Nghệ với Lê Văn Miến, vào trường Mỹ thuật Paris sau Miến 2 năm, cùng học Gérome. Đến nay vẫn chưa tìm ra được tác phẩm nào chính xác của Nguyễn Trang Thúc. Một vài người Việt học trường Mỹ thuật Paris sau Lê Văn Miến ít lâu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Vì thế sự tồn tại các tác phẩm được vẽ từ 1895 của Lê Văn Miến là bằng chứng đáng giá minh chứng thời khai sinh của hội họa sơn dầu Việt.

Lê Huy Tiếp cho rằng nhiều khả năng Bình văn là bức đầu tiên Lê Văn Miến vẽ khi về nước, lúc ông mới 21 tuổi, còn son rỗi, đủ thời giờ để thi triển kỹ thuật trường lớp. Hai năm sau ông Miến vào Vinh lấy vợ theo yêu cầu gia đình. Bi kịch là ông lấy cả thảy 5 vợ nhưng các bà đều chết sớm sau khi để lại cho ông một số người con. Ngoài ra, các bà đều là tiểu thư đài các nên thường rất ăn chơi (kể cả cờ bạc), nên mới có chuyện ông vừa lĩnh lương ra khỏi Ngọ môn thì đã có các chủ nợ chờ sẵn.

Theo lời kể của Lê Huy Tiếp, về già ông Miến chán đời uống nhiều rượu, nên mắt mờ dần dẫn đến mù hẳn. Các học trò thấy thầy nghèo quá, góp tiền mua cho ông căn nhà nhỏ ở làng Phong Điền (Huế). Theo Nguyễn Khắc Phê thì Lê Văn Miến vốn có tính cách cô độc. Ăn cơm ông cũng một mình, con cái ngồi chỗ khác. “Ngay cả tranh chân dung ông vẽ xung quanh nhân vật cũng chỉ là khoảng trống, nó thành phong cách rồi,” Phạm Trung nhận xét.

Các tác phẩm của Lê Văn Miến đều đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- chủ sở hữu một số tranh của Lê Văn Miến, cho hay đã cùng các chuyên gia của ĐH Mỹ thuật Dresden (Đức) lên kế hoạch tu sửa các tác phẩm quý này vào đầu năm sau.

MỚI - NÓNG