Đôi điều gửi Nguyễn Ngu Ngơ

Đôi điều gửi Nguyễn Ngu Ngơ
TP - Tôi là con gái nhà văn Nam Cao. Trong bài báo “Phê bình… phê bôi” của Nguyễn Ngu Ngơ có dòng chữ: “…Như trường hợp Nam Cao ăn cắp gà đãi bạn, có ai vì thế mà coi thường ông!”, mắt tôi bỗng hoa lên.

Tim tôi đập loạn xạ, và lòng cứ tự hỏi: Không biết Ngu Ngơ dựa vào đâu mà nói cha tôi ăp cắp gà đãi bạn?

Còn nhớ, vừa mới năm kia thôi, tôi đã viết bài “Con gái nhà văn Nam Cao, xin có vài dòng đính chính” để nói rõ những hiểu lầm của một số người từng viết về cha tôi và gia đình.

Trong đó có đoạn, tôi kể về sự bất cẩn và nhầm lẫn đáng tiếc của nhà văn Ngọc Giao khi một lần ông kể đại ý rằng: Vì hoàn cảnh nghèo khó, cha tôi đã bắt trộm gà để đãi ông và mấy bạn văn dịp các ông tới nhà tôi chơi. Thật ra, không đời nào có chuyện ấy.

Bởi khi bài viết của nhà văn Ngọc Giao ra đời thì cha tôi đã hy sinh rồi. Nhưng mẹ tôi - một người có trí nhớ rất tốt - đã kể lại rằng: nhà văn Ngọc Giao chỉ đến gia đình có một lần vào năm 1942 cùng với bốn người nữa.

Khi ấy, quê tôi vừa trải qua một trận bão. Ngôi nhà tranh ba gian của gia đình tôi bị tốc mái hết. Giàn trầu không gần cả cơ nghiệp cũng bị đổ ụp xuống. Cây cối, hoa màu trong vườn đều xơ xác, gãy nát như ngả rạ. Tôi lại đang ốm: miệng nôn, trôn tháo. Mẹ tôi vừa chạy đôn chạy đáo lo thuốc thang cho con, vừa ngược xuôi thuê thợ lợp nhà, dựng giàn trầu, dọn dẹp vườn tược.

Mãi xế trưa, cha tôi ở đâu đột ngột trở về nhà. Người chạy xồng xộc ra chỗ mẹ tôi đang làm và bảo: “Có mấy người bạn tôi ở xa đến chơi. Mợ lo cơm, nước tiếp họ nhé! Mấy ông này, uống rượu dữ lắm đấy!”.

Mẹ tôi thấy choáng váng trong đầu, lòng dạ rối bời bời. Nhưng vì biết cha tôi là người hiếu khách và ông đi đâu cũng được bạn bè cưu mang, thết đãi, vậy là mẹ chân nam đá chân xiêu, chạy đi mua rượu ngon nhà ông Trương Thông ở cùng xóm. Mua thịt bê thui ở chợ bến sông. Rồi nhờ người thợ đang dựng giàn trầu, đuổi mãi mới bắt được con gà để làm thịt. 

Mẹ bảo: “Lúc ấy xế trưa rồi, gà thả ra từ sáng, đuổi mãi mới bắt nổi một con thôi! Cuối cùng thì cũng có mâm cơm, rượu tươm tất để đón khách. Lại phải nhờ người chạy đến nhà ông bà nội. Mời ông đến tiếp khách cùng với cha con”.

Cha tôi cũng có lần nhắc đến chuyện viếng thăm của mấy người bạn văn này, qua bức thư gửi cho một trong những ông bạn về gia đình tôi hôm đó, với tâm trạng đầy trắc ẩn, bối rối về gia cảnh của mình.

Người viết: “… Buổi tối hôm ấy, sau khi đưa các anh ra thuyền trở về Nam, tôi bực tức vô cùng. Tôi bực tức với tôi. Tôi đay nghiến tôi, trong một phút cao hứng quá, đã mời các anh về nhà… Đến nhà tôi, các anh phải cúi khom người để chui vào một cái lều tối om om. Nền nhà bằng đất nện âm ẩm dưới chân. Một mùi mốc khăng khẳng làm các anh nhăn mũi.

Đứa con lớn của tôi đau bụng thổ từ đêm, nằm trên cái võng nhuộm nâu, căng từ đầu nhà nọ đến đầu nhà kia, chắn cả lối đi… Vợ tôi phải ẵm con bé cháu sang nằm nhờ hàng xóm. Tôi vắt cái màn ở giường ngủ lên. Bốn người trong bọn chúng ta ngồi. Còn hai người nữa thì đứng cho nó mát, bởi chẳng biết ngồi vào đâu…

Cũng may, trời tạnh ráo. Lúc ăn cơm, chúng ta có thể ra sân, trải chiếu trên mặt đất. Các anh tháo giày ra, cởi quần tây, để ngồi xếp bằng bằng. Các anh bảo: “Có làm quái gì cái vặt ấy! Chúng ta ăn vẫn ngon là được…  Tôi cũng bắt tôi nghĩ thế ! Nhưng không được. Suốt đêm ấy tôi đã thức để hành tội tôi…”.

Về tính cách của nhà văn Nam Cao, như một số bạn bè văn chương nhận xét như thế này:

+ Nhà thơ Phạm Lê Văn (tức Thợ Rèn) nói: “Anh nghĩ điều gì không phải vào lúc ban đêm thì sáng ra là ân hận, buồn bực ngay. Và ông kể câu chuyện: “…

Một phút vui, anh Tô Hoài bảo tôi: “Ông ấy nhận măng - đa (nhuận bút) qua địa chỉ nhà ông là ông ấy cũng xấu hổ lắm đấy! Có gì đâu, gửi về nhà thì sợ bà con tưởng ông văn sĩ  giầu lắm, nên hỏi vay. Không cho vay thì giận dỗi, oán thù. Cho vay thì lấy gì mà ăn. Ấy thế là ông ấy cho mình giả trá, xấu hổ lắm…”.

Còn cụ thân sinh ra nhà thơ Lê Văn bảo: “Cậu Tri giầu lòng thương người mà cả nghĩ lắm. Sống chẳng được lúc nào tĩnh tâm…”.

+ Nhà văn Vũ Bằng nhận xét: “… Nam Cao là một người hiền lành, chân thật và nhũn nhặn”.

+ Và chỉ một lần gặp cha tôi, nhà văn Chu Văn cũng bảo: “Nam Cao là một người thật chân thành và khiêm tốn”.

Một con người với phẩm chất, tư cách như vậy, làm sao có thể là kẻ cắp được. Hả tác giả Nguyễn Ngu Ngơ!

Với ai đó thì câu chuyện nhà văn Nam Cao ăn cắp gà đãi khách, coi như để đùa cợt cho vui. Nhưng với gia đình tôi, thì đó là sự sỉ nhục. Nó xúc phạm đến thanh danh của cha tôi – một liệt sĩ cách mạng, một nhà văn chân chính, từng được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một.

Tôi có thể khẳng định dứt khoát rằng cha tôi nhà văn Nam Cao không bao giờ ăn cắp gà để đãi bạn.

Trần Thị Hồng
Con gái nhà văn Nam Cao

Nguyễn Ngu Ngơ trả lời

Chị Hồng thân mến

Ngơ đã đọc thư chị. Chị rất đúng vì chị là con gái của cố nhà văn Nam Cao. Ngơ sai bét rồi vì Ngơ  đúng là Nguyễn Ngu Ngơ dở cười dở mếu. Sở dĩ Ngơ biết sai vẫn cứ làm là vì  Ngơ cho rằng cả lời kể của nhà văn Ngọc Giao lẫn lời kể của chị trước sau vẫn chỉ là giai thoại.

Phàm đã giai thoại không ai hỏi có không không có, miễn qua đó người ta thấy một Nam Cao hết lòng vì bè bạn, quyết không ai nghĩ Nam Cao là một tên ăn cắp. Vả, cả một di sản văn chương vàng ròng mà Nam Cao để lại cho đời há không đủ cho người đời tôn ông là nhà văn đạo cao đức trọng nhất nước Nam, giai thoại mọn kia sao có thể làm hoen ố thanh danh ông được?

Vậy nên chị cứ kê cao gối mà ngủ, còn mấy con gà giai thoại kia cứ để nó sống cho vui, có sao đâu chị? Chị Hồng ơi, dưới gầm trời này không ai là thánh cả, bởi vì trước khi được tôn là thánh họ đích thị là người. Mấy lời ngu ngơ, mong chị xá tội.          

Kính
Nguyễn Ngu Ngơ

MỚI - NÓNG