Đời lâng lâng

Minh họa: Hổ Văn
Minh họa: Hổ Văn
TP - 1. Tôi gặp Văn, bất ngờ trong một chiều nhàn cư vi đang lòng vòng không biết nên đi đâu. Văn nói, lâu quá không gặp, đi làm vài ly hội ngộ. Tôi không hào hứng gì, nhưng cũng gật. Vì một mình chưa biết đi đâu có khi sinh… bất thiện.

Ngày giữa tuần, lại còn hơi sớm, nên quán vắng khách. 

Một đôi duy nhất ngồi khuân khuất, lấp ló trong góc phía xa. Chàng trai nốc rượu tì tì. Vẻ bất cần. Cô gái không muốn cho chàng trai uống.

Vẻ hối lỗi. Hình như có chấn thương tinh thần giăng mắc giữa hai người. Cuộc thương thảo đàm phán diễn ra trên bàn nhậu chưa có tín hiệu khả quan. Họ chẳng làm phiền tới ai. Những hành động quyết liệt, dứt khoát, nhưng âm thanh phát ra hạn chế ở mức tối thiểu.
Văn giằng ý nghĩ của tôi khỏi cặp đôi hoàn cảnh ở góc bằng màn diễn thuyết của nó.

- Này, có một điều tra xã hội học ở Đức đã chỉ ra, có đến 71% đàn ông cho rằng mình thường nhìn vòng một phụ nữ đầu tiên, nhưng họ lại ấn tượng lâu hơn với phụ nữ có vòng ba to. Trên các trang báo, tạp chí hay truyền thông, mông của nữ hoàng vòng ba luôn gây được sự chú ý, tranh luận sôi nổi hơn ngực của nữ hoàng vòng một. 

Ra đường, người ta để ý đít xe - biển số xe - đầu tiên. Đẳng cấp hay không cũng ở đít xe, số đẹp hay xấu. Mà không phải đít thì cũng là thứ liên quan tới đít. Chỗ để đặt đít lên. Là cái ghế. Đa số người ta quan tâm đến ghế của ông nọ bà kia cao thấp ra sao chứ không để ý đầu họ.

 Người trong cuộc đánh đu theo ghế, tìm chỗ đặt đít chứ không để ý đầu mình thế nào, có hợp với ghế không. Cứ như ghế là vị trí của cái đít, chứ đầu và ghế không có mối liên hệ gì, nên không thèm mảy may suy nghĩ ngồi lên ghế ấy có đúng có hợp có phải hay không. 

Tóe loe những chuyện tranh giành đấu đá vì ghế ít mà đít nhiều. Đơn giản thường xuyên nhất là bữa ăn hằng ngày, ra chợ, thịt mông bao giờ cũng đắt hơn thịt chỗ khác. Có loại còn phân biệt thịt mông phải hay mông trái ngon hơn mới ghê chứ. Đến ông bà mình ngày xưa còn kịp đúc kết “nhất phao câu nhì đầu cánh” khi ăn thịt gà. Không khéo giờ là thời hoàng kim, thời lên ngôi của cái đít mày ạ. 

Thằng Văn làm một hơi lê thê dài, như kéo rê câu nói đi vòng quanh thế giới, sau khi đưa gọn nửa ly bia vào miệng, kèm miếng dồi trường theo sau. Nó nói dài với giọng điệu lôi cuốn kiểu câu giờ.

Tính thằng này vậy. Ngay từ hồi đi học đã thích gọi tên các sự vật hiện tượng khác đi. Thích nhìn khác so với những thứ người khác đã khẳng định rồi. Dẫu là khẳng định ấy có chắc như đinh đóng cột lim, như bim bim vào tay con nít. Cô dạy Ngữ văn bình giảng bài Tiếng hát con tàu, nói hai câu “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” là tuyệt đỉnh hay, là vô địch hay, là xuất sắc, là long lanh, là ảo diệu, là thần kỳ, là mọi cái hay của bài thơ kết tủa đọng lại ở đấy.

 Có bao nhiêu mỹ từ của tiếng Việt cô gom lại, giành để ngợi ca hai câu này. Khi kiểm tra, cô ra câu hỏi: “Theo em, trong bài Tiếng hát con tàu, khổ thơ nào là hay nhất? Hãy phân tích để làm rõ cái hay của khổ thơ đó”. Cả lớp nhiệt tình hăng hái phang khổ thơ có hai câu cô đã ngợi ca lên tận mây xanh mây mây trắng mây hồng hôm trước, riêng hắn lại chọn khổ thơ có câu “Anh nhớ em như đông về nhớ rét / Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”. 

Cô phê bài nó viết hay, nhưng chọn sai khổ thơ, nên 4 điểm. Còn những ai thích nhất khổ… theo ý cô, đã được 5 điểm, tán hươu tán vượn theo kiểu ghép tứ tung hai chín chữ cái với nhau được thêm 1 - 2 điểm, thành điểm 6 điểm 7. Nó thắc mắc đề bài ra là “Theo em…” cơ mà. Cô giáo giắt quanh mình bao năm kinh nghiệm với hàng núi thành tích thi đua trong giáo dục vẫn kiên định, vững như bàn thạch. 

Hai tám tuổi. Tôi và Văn dạt về hai hướng khác nhau. Nếu là một trai một gái có thể gọi là xa như hai đầu nỗi nhớ. Thằng Văn đường đường một giảng viên đại học. Tôi, theo chuẩn mực xếp hạng lao động của xã hội thuộc loại vai u thịt bắp mồ hôi dầu, từ bóng bẩy ghi trong hồ sơ là trung cấp nghề. Vậy nên tôi ít chơi với Văn. Thấy nó cao sang quá, xa vời xa vợi. Tất nhiên tôi chẳng lấy gì làm tị nạnh hay so đo hiềm khích hay tủi phận tủi thân. Chỉ là, tôi nghĩ, tốt nhất nên đi chỗ khác chơi, để mọi người không thấy chướng mắt khi nhìn tôi và nó cạnh nhau, cọc cạch và tương phản một cách… vô lí.

- Sang đếch gì. Cọc cạch đếch gì. Tương phản đếch gì. Mấy cái bằng của tao chó nó cũng không thèm ngửi. Vì trót ngồi vào chỗ ấy ghế ấy nên phải khoác vào người. Thủ tục thôi. Bằng cấp ở mình giờ như đồ cúng cô hồn, đáng lẽ phải đốt hết đi. Thật quái đâu. Với mày tao nói thật. Không nói thật thì, mày biết tao từ hồi còn đi học, khả năng tao thế nào mày thừa hiểu. Có khi mày còn cười đểu tao nữa.

- Cười đâu. Dù gì tao vẫn phục mày. 

Hai thằng cười ha hả. Lại cụng ly. Lại ha hả cười. Hoá ra thằng này chơi được hơn tôi nghĩ.

*
* *

2. 

Văn là thằng có chất. Và có chí. Do có chất, có chí nên sinh ra tính ngang. Người đời thường vậy. Những anh không có chất, thiếu chí, thì ngoan. Còn có chất, có chí, thường ngang. Cái ngang làm rõ hơn cái chất và cái chí ấy. 

Từ hồi đi học, Văn đã không được lòng nhiều thầy cô. Văn không học thêm cũng chẳng học bớt. Thầy cô nhìn nó như nhìn kẻ thù, như người đầu têu đánh vào nồi cơm của nhà mình, của mấy cái tàu há mồm trong nhà. Kết quả là bằng tốt nghiệp phổ thông của nó chỉ như tôi, trung bình. Nhưng nó lại đậu Á khoa một trường đại học danh tiếng.
Ngày trước Văn nhìn tôi đầy ngưỡng vọng. 

Văn bảo bố nó bắt nó học sống học chết. Sống chết gì cũng phải học. Học để ngóc đầu lên với người ta. Không thì nhục. Nhục lắm. Bố nó nhục một đời là khổ rồi. Nó phải rửa cái nhục tích tụ cả đời cho bố. Văn ngưỡng vọng gia đình tôi. Bố tiến sĩ. Mẹ công chức. Danh gia vọng tộc quá còn gì. Gia đình tôi là thước đo để nó hướng tới. 

Chắc giờ nó đã vỡ mộng. 

Riêng tôi đã vỡ mộng từ lâu. Tôi biết thừa bố tôi là “sản phẩm” của một thời. Thời ấy trì trật mãi mới bò hết lớp 10. Bạn bè viết đơn bằng máu đi bộ đội. Bố tôi thiếu cân. Nhà lại có ông là liệt sĩ từ thời chống Pháp.

 Hai bác, anh trai bố tôi, đã đi bộ đội từ trước, lúc ấy sống chết mù mịt chưa biết. Bố tôi là con trai út, thế nên không phải ra trận. Thi đại học, vớt vát kiểu gì, cộng điểm ưu tiên sao đó, nên được suất đi học nước ngoài. 

Ở thiên đường xã hội chủ nghĩa hồi ấy, bố tôi thạo đánh quả, buôn hàng hơn nhồi tinh hoa của nhân loại vào đầu. Hết năm hết tháng cũng xong cái phở tái sống – phó tiến sĩ. Từ phó tiến sĩ bố tôi thành tiến sĩ, chỉ sau một đêm, không cần học hành đề tài đề tọt nghiên cứu nghiên kiếc. Cứ như xưa, nếu nước nhà mở rộng thêm Văn Miếu có khi bố tôi được khắc tên vào bia đá cũng nên. Sợ rằng đất nước không đủ đá để làm bia và rùa!

Mẹ tôi làm ở bộ phận hành chính, phòng công tác sinh viên, do ông chú bên ngoại quen biết mà xin cho vào hồi mới học xong phổ thông. Sau này tranh thủ bao đêm cũng xong lớp tại chức đại học. 

Vậy nên tôi thấy không có gì vẻ vang. 

Chiếu theo phép tắc của người xưa tôi hẳn là thằng con bất hiếu. Nói xấu bố mẹ. Vạch áo cho người xem lưng. Dù sự thật, tôi chỉ muốn nói, bố mẹ vậy nên chắc chắn chỉ số thông minh của tôi chẳng lấy gì làm hơn người một cách bất thường. Tôi chỉ cỡ sát mép sàn. Vậy mà bố tôi nhiều lần thở dài, nói buồn, tiếc cho thằng con trai không biết phát huy trí tuệ, truyền thống gia đình. Tôi chẳng biết nói sao. Chỉ im. Ngậm cười. 

Tôi không đủ sức vào đại học. Tôi chấp nhận nó như là điều hiển nhiên, bình thản. Thậm chí, xin đừng chửi tôi rồ dại, tôi dửng dưng không buồn xem kết quả thi đại học. Và vui khi thằng bạn gọi điện báo tin tôi lập hattrick ba con 3. Tôi thở phào. Nếu đậu đại học chắc tôi phải mặc cái áo quá khổ của mình. Để chúc mừng ba con 3, tôi đập con lợn còi, móc những đồng tiền quăn queo nhàu nhĩ không biết từ những nguồn nào có được và nhét vào bụng nó bao lâu rồi, rủ thằng bạn làm một chầu bia Sài Gòn 333.

 Đây là lần đầu tiên tôi đụng đến chất kích thích. Thằng bạn trố mặt khi thấy tôi trượt đại học mà vui như trúng số. Sau bữa bia đầu đời ấy, tôi rẽ vào trường trung cấp nghề, học sửa chữa xe máy. Xem ra bình bịch hợp với tôi nhất. Bố tôi thở dài thêm lần nữa, thế là tao phải đeo mo vào mặt từ giờ đến hết đời.

Ngược lại tôi. Văn tiến vèo vèo trên con đường học vấn. Đại học. Cao học ở nước ngoài theo diện học bổng một trăm phần trăm. Hiện mới về nước, là giảng viên trẻ một trường đại học có hạng. Chuẩn bị làm nghiên cứu sinh. Sinh viên, nhất là sinh viên nữ, bu quanh như chính nó là cục nam châm, còn lũ sinh viên là mấy cục sắt, từ sắt loại 1, loại 2, loại 3, loại n hay cả sắt… rỉ.

*
* *

3.

– Nào. Uống đi. Người ta bảo dân mình tiêu thụ bia rượu đứng đầu Đông Nam Á mày ạ. Hơn gì không hơn lại hơn trò nhậu nhẹt.

- Tao chỉ uống khi không thấy vui, hoặc không có việc gì để làm, để suy nghĩ.

- Thằng này thâm. Nói như mày thì người nước mình có chỉ số buồn, không bằng lòng với cuộc sống và thất nghiệp cao nhất khu vực. Sao người ta cứ la toáng lên là nước mình có chỉ số hạnh phúc, chỉ số bằng lòng với cuộc sống cao?

- Đó là mày nói. Tao chỉ nghĩ cá nhân tao. Hơi đâu nghĩ những điều to tát ấy. 

- Xem ra mày buồn tình. À đúng, tình! Cần không. Để tao điều ra một em yêu mày.

- Mẹ! Thằng này ghê. Giờ còn điều khiển chuyện yêu đương của gái nữa. Có phải là sinh viên của mày không đấy. Coi chừng, thầy cho ra thầy, dây vào mấy vụ này có ngày ê mặt ê mông.

- Bậy! Mày nghĩ tao chỉ cỡ ấy thôi à. 

- Ít nhất mày vẫn là thằng Văn ngày xưa. Nhưng tao có quái gì đâu. Lấy gì đánh đu với gái. Mày biết tao là thằng lười rồi còn gì. Thân tao tao lo chưa xong.

- Mày nhát bỏ mẹ. Nhát và lười. Lười cả chuyện yêu. Phải có tí vào thì ý thức trách nhiệm công dân mới tăng vọt lên được. Một mình mãi lại cứ như không trọng lượng trên mặt trăng.

Thêm năm vòng bia thì hai em vào. Cười tươi như hoa mười giờ lúc chín rưỡi. Một áo đỏ. Một áo đen. Cứ như kiếp đỏ đen đang tiến về phía bàn chúng tôi.

- Giới thiệu nhé. Đây là anh Long, bạn anh. Còn đây là Loan và Phương, bàn giao nguyên đai nguyên kiện em Loan cho mày nhé.

Chẳng cần chút e dè lấy lệ. Loan ngồi xuống cạnh tôi. Phương ngồi phía Văn.

- Nào, cạn nhé! Chúc mừng hội ngộ. Văn nói.

Loan khoe má lúm đồng tiền bên má phải. Phương khoe chiếc răng khểnh bên trái. Sau những tiếng cạch cạch của bốn ly bia.

Tự dưng tôi muốn đi toilet.

Toilet ở khuất phía sau. Phía cặp đôi hoàn cảnh. Quán có những bốn góc. Không hiểu sao cặp đôi này vào sớm lại chọn góc gần toilet. Thật không… phong thủy chút nào. Có khi nào mùi WC phảng phất làm người ta dễ gần nhau hơn, dễ trút bầu tư sự hơn, dễ cảm thông cho nhau hơn? Nếu vậy thì chàng hay nàng quả là cao tay. Khéo gợi ý Văn làm hẳn cái đề tài nghiên cứu về vấn đề này lại ra khối thứ hay. Vừa xả hàng trong toilet, cái đầu bung biêng của tôi vừa nghĩ ngớ nghĩ ngẩn.

*
* *

4.

- Em là sinh viên à? Có học với thầy Văn không? Tôi hỏi Loan.

- Dạ không. Em làm thêm ở công ty anh Văn. Em đang học năm ba.

- Phương cũng vậy?

- Dạ. Phương và em cùng quê, cùng phòng trọ luôn. Anh Long có hay phải đi công tác xa không?

- Công tác gì anh. Tay phải dính dầu nhớt tay trái dính mỡ xe nên quay trước quay sau chùi bìa các tông chứ đi đâu. 

- Anh Văn nói anh có cửa hàng sửa xe với cả mua bán xe máy. Làm ăn xuyên các tỉnh luôn mà.

- Nghe miệng anh Văn... - Tôi lấp lửng đánh trống lảng câu nói của Loan.

- Hay mày về chỗ tao đi. Làm trợ lý giúp tao. Văn xỉa ngang vào tôi và Loan.

- Cỡ tao thì trợ lý gì. Đổ bô à? Mà đổ bô thì tao không thích.

- Mày nói cứ như chọc tiết người ta. Tao cần người tin cậy giám sát hoạt động của công ty. Tao lo đối ngoại. Chắc tao nghỉ dạy luôn quá. Cứ tưởng học lắm, có chữ là ít nhục như bố tao từng nói. Giờ thấy chưa chắc phải. Có chữ, nhục kiểu khác, có khi còn nhục nhiều hơn thằng ít chữ. Tao cần mày. Làm tự do sướng hơn.

- Anh Long về rồi có gì học thêm dần cũng được mà. Loan đế vào.

- Anh thì học được gì. Đầu anh giờ toàn nhông, xích, cờ lê, mỏ lết… Cỡ anh chỉ lau chùi bugi xe máy thôi.

- Bố anh giáo sư hẳn hoi mà anh cứ khiêm tốn. Phương thêm vào.

- Phó giáo sư chứ không phải giáo sư. Tôi đính chính.

- Chửi thì chửi chứ nghĩ chán ra vẫn phải học mày ạ. Tao đang cố rút ngắn thời gian cho xong cái tiến sĩ. Biết là tiến sĩ giấy thật, nhưng ra ngoài làm ăn, thời buổi thật giả lẫn lộn, đối tác nó giơ bằng cấp ra loè mình, mình cũng phải có mới đánh đu theo được. Không nó khinh cho. 

- Hóa ra vẫn nhục à? Nhục không tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác?

- Ừ. Cơ bản thế. Vẫn nhục. Đã là người kiểu gì cũng không thoát được cái vòng - kim - cô - nhục. Chỉ đơn giản, chỗ nào ít nhục hơn thì chọn thôi.

- Anh Long học đi. Học cũng hay mà.

Tự dưng tôi nhớ khi sáng đi qua trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố thấy lễ mít tinh phát động tuần lễ học tập suốt đời. Xứ mình đúng hay, lâu lâu ông bà nào đó rảnh quá lôi đống tài liệu, sách vở đọc giết thời gian, thấy câu nào hay hay lại trích ra, làm hẳn cái lễ kỷ niệm, gọi là ngày về… vấn đề liên quan đến câu nói ấy? 

Lâng lâng quá. Văn kêu chủ quán tính tiền. Nó liếc qua tờ hóa đơn thanh toán, nhanh như máy quét điện tử. Rút ví đưa ra mấy tờ tiền có mệnh giá lớn nhất, bảo em nhân viên, thôi, khỏi thối, còn lại là phần giành cho em. Cảm ơn em. Chúc buổi tối đắt khách. A! Hóa ra thằng này cũng đóng được nhiều vai, tôi nghĩ, n vai trong 1 chứ không chỉ kiểu ngang phè phè như mình, và với mình. 

Tôi thấy đầu lâng châng. Cặp đôi trai gái cũng bắt đầu rời quán. Dìu nhau đi. Sướt mướt. Có khi thằng Văn nói đúng. Tôi lười quá. Chắc phải ổn định thôi. Kiếm cô vợ. Để thi thoảng có cảnh như cặp đôi vừa bá cổ nhau lướt khướt ra cũng hay. Một cô vợ bán bún hay tạp hóa yêu đời là được rồi, vậy khỏe mọi đàng. Trí thức nửa mùa đâm mệt. Mà trí thức thật thì đổ bô cho nó tôi còn không xứng.

Biết đâu đấy. 

Nhưng trước mắt, mai tôi vẫn phải lo làm lại hơi và phun sơn cho hai cái xe máy để kịp trả cho khách hàng đúng hẹn. 

Thế đấy. 

Tôi thấy đời thật lâng lâng. 

Một câu chuyện lan man bên bàn bia bàn rượu có thể thành văn chương? Câu trả lời là có thể, nếu như câu chuyện bản thân nó thú vị và người viết phải giữ được sự tự nhiên. Qua khẩu khí đối thoại của nhân vật, người viết có tài còn khắc họa được tính cách riêng thậm chí không gian bao quanh các nhân vật. Như E. Hemingway, như R. Carver…

Hãy thử xem câu chuyện lan man của Văn Thành Lê ở mức nào? Nhà văn trẻ sinh năm 1986 này hiện sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

 L.A.H

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.