Đổi mới hoạt động văn học thời WTO

Đổi mới hoạt động văn học thời WTO
TPCN - Thời điểm này, khi Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì vẫn còn rất ít ý kiến quanh vấn đề văn học sẽ như thế nào trước điều kiện mới. Bởi vậy, tham luận về vấn đề này của nhà phê bình Lại Nguyên Ân* được nhiều người chú ý. Dưới đây là một đoạn trích từ tham luận đó.
Đổi mới hoạt động văn học thời WTO ảnh 1

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Khi các ngành trong nước đang cùng nhau nhìn lại hai chục năm đổi mới và xác định bước đi tiếp theo trên con đường này, có lẽ giới những người hoạt động văn hóa văn nghệ cũng nên suy nghĩ trao đổi trên những chủ đề.

Như là hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng nào trong thời kỳ mới, thời kỳ mà không ít người muốn gọi là “đổi mới II”; chúng ta sẽ làm văn nghệ ra sao khi thị trường văn hóa nghệ thuật của ta mặc nhiên hội nhập thế giới (dĩ nhiên có lộ trình) sau khi nước ta chính thức gia nhập WTO?

Tôi xin tham dự câu chuyện nêu trên với đề xuất bao quát: Để đáp ứng tình hình nói trên, việc lớn trước mắt của giới những người hoạt động văn hóa nghệ thuật chúng ta là: Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự.

Từ nay về sau, trong cuộc sống thời bình, nhà văn và văn nghệ sĩ nói chung, là thuộc về đời thường, thuộc về đời sống dân sự.

 Hoạt động nghệ thuật, tức là hoạt động nghề nghiệp của từng văn nghệ sĩ, mà nội dung chính bao gồm sáng tác và công bố tác phẩm, gắn họ trước hết với những đơn vị văn hóa nghệ thuật như tòa soạn báo, tạp chí, nhà hát, nhà xuất bản, hãng phim, hãng băng đĩa, xưởng họa, phòng tranh, v.v….

Những đơn vị này có thể là đơn vị quốc doanh, cũng có thể là xí nghiệp dân doanh, thậm chí là xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, tùy theo chế định của luật pháp Nhà nước.

Sự liên kết tương hỗ giữa văn nghệ sĩ với nhau, nếu thuộc phạm vi các quyền tinh thần và lợi ích nảy sinh từ các tác phẩm do họ sáng tạo ra, có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức tư vấn về bản quyền; nếu thuộc phạm vi chăm sóc sức khỏe, tuổi già, có thể được đảm trách bởi các hãng, các tổ chức chuyên về bảo hiểm xã hội.

Còn lại, lĩnh vực mà văn nghệ sĩ có thể cần liên kết nhau, chính là lĩnh vực trực tiếp gắn với sáng tác: những xu hướng, những quan niệm, những ý đồ nghệ thuật cần được chia sẻ, hợp tác để cùng nhau phác họa, hoàn thiện, cùng nhau biến dự phóng nghệ thuật thành thực thể nghệ thuật.

Liên kết nhóm nhỏ này có lẽ là dạng liên kết hữu hiệu hơn cả trong đời sống văn nghệ từ nay về sau.

Các nhóm nhỏ này (ví dụ dễ thấy là các ban nhạc trẻ, các nhóm họa sĩ, kiến trúc sư, có khi là nhóm vừa nhà văn, nhà báo, họa sĩ… cùng làm một tờ báo chẳng hạn) chỉ còn tồn tại chừng nào còn nỗ lực sáng tạo chung, chừng nào sự sáng tạo chung còn có hiệu quả đối với đời sống.

Khi những nỗ lực ấy, những hiệu quả ấy không còn thì sự chia tay giữa họ, sự chấm dứt của nhóm là không tránh khỏi, và điều đó không hề gây tai họa hay biến động gì cho xã hội.

Ngược lại, là hiện tượng thông thường, bình thường thậm chí cần thiết của đời sống văn hóa văn nghệ. Dù chỉ tồn tại rất hữu hạn về thời gian, những gì mà một nhóm văn nghệ có thể đạt được, lại có thể không hề bé nhỏ.

Chỉ cần nhớ đến một Tự Lực Văn Đoàn trước đây: Hoạt động hữu hiệu chỉ trong khoảng mươi năm, dấu ấn của nó trên văn học sử đã là không thể phai mờ (còn chuyện những nhóm văn nghệ không thành tựu được gì, thì đó chẳng phải chuyện hiếm gặp xưa nay).

Tôi hình dung dạng thức tập hợp và tồn tại tương tự như vậy sẽ là dạng thức phổ biến của hội đoàn văn nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau ở ta từ nay về sau.

Những hội đoàn văn nghệ sĩ kiểu đó, dù quy mô to nhỏ ra sao, dù có cần trụ sở, văn phòng, nhân viên hành chính, lễ tân, bảo vệ hay ngược lại, thậm chí chỉ cần đến một không gian ảo làm trụ sở chung, tất cả đều là chuyện tự định liệu, tự thỏa thuận trong mỗi nhóm, vì tất cả đều do đóng góp của các thành viên, vì mọi thứ đều nằm trong phạm vi những liên hệ dân sự của con người trong xã hội...

Còn về vai trò của Nhà nước, thiển nghĩ, vai trò đó vẫn rất to lớn, cả trong tư cách nhà đầu tư, nhà tài trợ lẫn trong tư cách nhà quản lý. Nhà nước có thể lập ra những cơ quan chuyên trách (thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ) để thực hiện vai trò nhà đầu tư, nhà tài trợ và nhà quản lý của mình.

Chúng ta biết rằng những nước phát triển vẫn dành một phần ngân sách đáng kể cho sự nghiệp văn hóa. ở  ta cũng phải như vậy, nhất là khi mức sống chung của cư dân đang nhích dần lên.

Chỉ có điều, thay cho phương cách dùng ngân sách công nuôi các hội bao cấp, đầu tư hoặc tài trợ cho văn nghệ sĩ gián tiếp thông qua các hội đó, coi các hội đó (và các quan chức đứng đầu các hội) như chủ thầu, như “đầu nậu”, Nhà nước cần chuyển sang các phương thức khác, thích hợp hơn.

Sự đầu tư hoặc tài trợ nếu có cũng không nên dàn đều bình quân mà nên lựa chọn ưu tiên đầu tư hoặc tài trợ những ngành hoặc bộ môn nghệ thuật không tự nuôi sống mình nhưng lại là bộ môn hiếm quý cần bảo tồn và phát huy; trong khi đó cần đánh thuế thích đáng những hoạt động nghệ thuật có công chúng đông, doanh thu lớn.

Nhà nước cũng cần thể hiện vai trò điều tiết vĩ mô, ví dụ đảm bảo thực hiện quyền tác giả, tổ chức đều đặn việc xét tặng các danh hiệu và vinh  dự cho những nghệ nhân, văn nghệ sĩ có thành tựu sáng tạo lớn; đồng thời Nhà nước nên khuyến khích hoạt động đầu tư vào sự nghiệp văn hóa bằng quy chế miễn giảm thuế đối với những doanh nghiệp chú ý tài trợ nhiều cho văn hóa nghệ thuật…

Trong xã hội của nền kinh tế thị trường mở cửa, khi mà phạm vi đời sống dân sự ngày một mở rộng, Nhà nước cần cho phép và khuyến khích các lực lượng dân doanh, kể cả từ trong nước lẫn từ ngoài nước, đầu tư và tài trợ cho các hoạt động văn hóa văn nghệ trong nước, coi đây như một nguồn thúc đẩy nữa, làm phong phú thêm sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đất nước cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân.

Điều chủ yếu nhất, theo tôi nghĩ và hẳn cũng sẽ được nhiều đồng nghiệp khác tán thành, là cần sớm có bộ luật về loại hình các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Sự liên kết với nhau của giới văn nghệ sĩ là thuộc loại hình hội đoàn này.

Quy chế hoạt động của các hội đoàn văn nghệ này vừa khác biệt vừa có chỗ gần với quy chế hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh, ở chỗ cần đăng ký tại một cấp chính quyền, được chính thức cấp phép mới được coi là đủ điều kiện hợp pháp để hoạt động, và mọi hoạt động phải tuân thủ luật pháp.

Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hành nghề thiết yếu cho các hội nghề nghiệp này, ví dụ có quy chế chống độc quyền (trên lãnh thổ toàn quốc nếu chỉ duy nhất có một hội cho một chuyên ngành văn học nghệ thuật tất sẽ làm nảy sinh độc quyền, khiến sự phát triển trở nên thiếu lành mạnh), có quy định cho phép (hoặc không cho phép, với những giới hạn xác định) tiếp nhận nguồn tài trợ hoặc đầu tư từ các tổ chức và cá nhân khác, v.v…

Trên một mặt bằng luật  pháp đủ cho văn nghệ sĩ hành nghề, từng người có thể tự nguyện tham gia hoặc không tham gia các hội đoàn nghề nghiệp, bởi vì khi đó, người văn nghệ sĩ độc lập cũng không “kém giá” so với những văn nghệ sĩ là thành viên các hội đoàn nào đó. Thật ra thì hiện tại cũng đã có những văn nghệ sĩ độc lập, không là hội viên hội nghề nghiệp của mình.
-------------

* Tham luận tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ 2 tại Đồ Sơn. Đầu đề do tòa soạn đặt. TPCN

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.